Trong không khí trong lành của buổi sớm mai, hàng trăm Phật tử đã đồng quy tụ về Việt Nam Quốc Tự cùng tham dự Khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 59. Với chủ đề “Vai trò người nữ trong Phật giáo”, khóa tu đã mang đến những giây phút lắng đọng và những bài học quý giá. Giống như đóa sen thanh khiết tỏa hương thơm ngát, hình ảnh người phụ nữ Phật giáo luôn là biểu tượng của sự từ bi, trí tuệ và tinh tấn.
Chủ giảng trong khóa tu lần này là nhị vị: Ni trưởng Tiến sĩ Thích Nữ Huệ Liên – Ủy viên Ban Hoằng pháp TW, Phó khoa Hoằng pháp Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Thành viên Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trụ trì tịnh xá Ngọc Hòa tại TP.HCM và Ni sư Tiến sĩ Thích Nữ Như Nguyệt – Ủy viên Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế TW, Ủy viên BTS GHPGVN TP. HCM, Phó Thư ký PBNG GHPGVN TP. HCM, Phó ban Quản viện Ni Học viện PGVN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo.
Trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức. Khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 59, với chủ đề “Vai trò người nữ trong Phật giáo”, sẽ là cơ hội để chia sẻ, lắng nghe và tìm ra những giải pháp giúp cho người phụ nữ có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc.
Có mặt cùng nhau trong khóa tu, quý Phật tử được quý Ni trưởng, Ni sư qua các bài pháp thoại cụ thể gần gũi và thiết thực, dẫn dắt đến mục tiêu chung là giúp Phật tử hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của người nữ trong Phật giáo, cung cấp kiến thức và kỹ năng để ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống, bên cạnh đó tạo cơ hội giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các Phật tử.
Sau phần nghi thức trang nghiêm, khóa tu chính thức được bắt đầu với bài giảng của Ni trưởng Tiến sĩ Thích Nữ Huệ Liên. Ni trưởng đã đưa toàn thể hội trường ngược dòng thời gian để khám phá vai trò quan trọng của người phụ nữ trong kinh điển Phật giáo. Qua hình tượng của Thí chủ Visakha, một trong những vị nữ cư sĩ được tôn kính nhất, Ni trưởng đã khéo léo chỉ ra những phẩm chất cao quý mà người phụ nữ Phật giáo cần có: lòng từ bi, trí tuệ, sự tinh tấn và lòng dũng cảm. Ni trưởng đã khéo léo liên hệ những bài học đó với cuộc sống hiện đại, giúp cho mỗi người chúng ta có thêm động lực để tu tập và hoàn thiện bản thân.
Tiếp nối bài giảng của Ni trưởng, Ni sư Tiến sĩ Thích Nữ Như Nguyệt đã có những chia sẻ sâu sắc về vai trò của người cư sĩ trong Phật giáo. Ni sư nhấn mạnh rằng, mỗi người Phật tử đều có thể góp phần vào sự phát triển của Phật giáo bằng cách sống một cuộc sống chân thật, tuân theo giới luật và tích cực tham gia các hoạt động Phật sự. Qua những câu chuyện về Cấp cô Độc, Nữ Thí chủ Visakha, Sujata, Ni sư đã cho chúng ta thấy rằng, ngay cả những người sống đời thường cũng có thể đạt được những thành tựu cao đẹp trên con đường tu tập.
Khi ánh nắng chiều nhuộm vàng Việt Nam Quốc Tự, cũng là lúc buổi pháp đàm tại khóa tu diễn ra. Không khí trở nên lắng đọng hơn bao giờ hết với sự hiện diện của chư Tôn đức Ni giảng sư: Ni sư Thích Nữ Thánh Tâm, Ni sư Thích Nữ Như Định và quý Sư cô Thích Nữ Liên Thảo, Thích Nữ Hòa Nhã, Thích Nữ Huệ Liên, Thích Nữ Tuệ Nhã. Những câu hỏi chân thành của Phật tử đã được chư Tôn đức Ni giảng sư mở ra cánh cửa tri thức Phật pháp, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò của người phụ nữ trong Phật giáo. Đồng thời qua những câu chuyện kể, những lời giảng dạy, chư Tôn đức Ni đã truyền cảm hứng, giúp Phật tử nhận ra giá trị của cuộc sống và biết nương tựa vào giáo lý của chư Phật để tu tập cho đúng chánh Pháp.
Thời pháp thoại và pháp đàn trong khóa tu hôm nay đã để lại trong lòng Phật tử nhiều cảm xúc khó quên. Trên khuôn mặt của mỗi người đều ánh lên niềm vui và sự xúc động, điều này chính là lời cảm ơn chân thành nhất dành đến chư Tôn đức giảng sư. Mong rằng những kiến thức và kinh nghiệm thu được sẽ là hành trang quý báu để Phật tử cùng nhau tu tập và tiến bộ trên con đường giác ngộ và để cuộc sống trở nên an lạc và ý nghĩa hơn.
Những khóa tu tiếp theo với những chủ đề phong phú như thiền định, kinh tụng và pháp thoại chuyên sâu, chắc chắn sẽ đáp ứng trọn vẹn hơn nhu cầu tu học của quý Phật tử.
Ngọc Thúy (ĐSHĐ-135)