Cô tôi có một cọc tiền luôn để bên người. À, đúng hơn là vài cọc, bởi nghe ba mẹ tôi kể, cô luôn cất tiền xung quanh phòng ngủ. Bất cứ nơi nào, cô cũng có thể giấu được nếu cô cho là an toàn, từ ruột gối, hộc tủ, hố đất, thậm chí cô còn khoét lỗ ở chân giường để giấu. Khi ra khỏi phòng, cô luôn khóa cửa cẩn thận và mang theo cọc tiền để trong túi quần rồi cài kim Tây cẩn thận. Cô cho rằng, chỉ có thể mới an toàn. Đồng tiền đi liền khúc ruột, không thể rời xa nó được. Thật ra, cô không phải là dân Kinh doanh gì, nên chẳng có nguồn để sinh lãi. Cô chỉ trông vào mấy liếp dừa, đất cho thuê, nhịn ăn nhịn uống mà dư dả theo thời gian. Cứ hễ gom đủ tiền là cô chạy xe đạp ra chợ mua vàng. Cho nên, hôm nào thấy cô ăn vận bộ bà ba mới, dắt xe ra đường là mẹ bảo: “Cô mày đi mua vàng đó.” Bởi quanh năm suốt tháng, cô không bỏ ra một xu để đi chợ. Có gì thì cô ăn nấy, không đòi hỏi. Lúa, rau thì trồng sẵn sau nhà nên chuyện đói khổ là không thể xảy ra. Ngay cả quần áo cô mặc đều là vải vụn cô đi xin ở nhà may về rồi khâu lại. Nhờ đôi tay khéo léo của cô, những chiếc áo ấy trông cũng đẹp như mua ở các tiệm may.
Cô là em ruột của ba tôi, không chồng con, sống với gia đình tôi từ thời ông nội chưa mất. Miệng đời thường bảo: “Những người không chồng rất khó tính, khó chịu.” Anh em chúng tôi nghĩ có phần đúng. Cô khó khăn thiệt! Chẳng bao giờ cho anh em chúng tôi một đồng xu nào. Chúng tôi chơi đùa, ồn ào, cô cũng la. Đi chơi gần nhà về không chào hỏi, cô cũng bắt bẻ. Lại gần phòng cô là cô đuổi tản ra. Chính vì những lý do đó, chúng tôi ít gần gũi cô và cũng không quan tâm cô làm gì.
Cũng đã cuối năm rồi, tôi đang làm việc, ba tôi gọi điện, giọng run run: “Cô Út mày mất rồi! Lo thu xếp mà về ngay.” Tôi thảng thốt, cô còn mạnh khỏe thế kia mà mất gì chứ? Ba nghèn nghẹn: “Út mày bệnh lâu rồi mà nó giấu.” Tự dưng nghe ba nói đến câu này, tôi bật khóc. Thường ngày, tôi có ưa gì cô đâu, nhưng không hiểu sao lòng tôi lại đau như ai đó cắt đi từng miếng thịt. Chẳng kịp xin phép cơ quan, cũng chưa kịp mang theo bộ đồ nào, tôi vội ra bến xe đón chuyến tốc hành về quê trong ngày. Trên đường đi, nước mắt tôi cứ chực trào, khiến những người xung quanh nhìn với vẻ thắc mắc. Ơ, đàn ông thì không được khóc sao?
Sau đám tang, cầm tờ di chúc của cô trên tay, tôi thương làm sao! Chỉ một mảnh giấy nhàu nát (cô tiết kiệm đến mức không dám mua một quyển tập mới), được xé từ quyển vở nháp hồi tôi học cấp 3. Dòng chữ dù nguệch ngoạc nhưng viết rất rõ ràng, dặn dò cho ai bao nhiêu tiền. Đau nhất là câu cuối: “Số tiền còn lại anh nhớ để làm ma chay cho em.” Cô biết trước mình sẽ sớm ra đi. Chúng tôi giận lắm, phải chi cô không sợ tốn tiền (mà cô không lo thì cả nhà chũng chạy vại để lo), căn bệnh cao huyết áp đâu đến nỗi cướp đi sinh mạng của cô. Chúng tôi đều nhớ cô ra đi thanh thản như người đang ngủ mê, trên tay vẫn giữ chặt túi tiền.
Giờ tôi mới biết ngoài mặt cô khó tính nhưng trong lòng rất dễ thương. Chị Hai tôi lấy chồng, ba mẹ kẹt tiền, cô mở hộp bánh nhôm cô dùng để đựng vàng, đưa cho mẹ đi cầm đỡ lấy tiền lo liệu. Đã vậy, cô còn rộng rãi tặng cho chị Hai một chỉ vàng để về nhà chồng không mất mặt. Ngày tôi đậu Đại học, lúa nhà chưa gặt kịp, cô cũng rộng rãi mở từng chiếc khăn, lấy tiền đưa cho ba tôi lên thị thành đóng học phí cho tôi. Chị em tôi ốm đau, cô đều đưa tiền cho ba lo chữa trị mà chúng tôi nào hay biết. Thậm chí, ngôi nhà mà chúng tôi đang ở cũng của ông nội cho cô dưỡng già. Riêng nhà tôi, vì ba làm ăn thất bại nên buộc phải bán đi để trả nợ. Chúng tôi dắt díu nhau về đây, được cô cưu mang không một lời kể lể. Ba nói với vẻ mặt buồn xo: “Ba mẹ nợ cô mày nhiều lắm, không những tiền bạc mà kể cả ân tình.”
Thật sự, anh em chúng tôi thấy có lỗi với cô rất nhiều. Nhưng làm sao để thời gian quay lại được? Mẹ tôi khuyên: “Các con đừng buồn nữa. Nếu muốn cô ở nơi ấy thanh thản, các con hãy sống tốt, biết tiết kiệm, yêu thương gia đình như cô của các con.” Mẹ nói chí phải. Mặc dù, giờ đây chúng tôi không thể bù đắp gì cho cô, nhưng chính cô đã truyền cảm hứng, là tấm gương sáng để chúng tôi học hỏi, sửa chữa những sai lầm trong qua khứ, biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, để lúc khó khăn, đói khổ có cái mà xoay sở. Cũng từ đấy, tôi học được cách tiết kiệm, chi tiêu đúng mực từ người cô thân yêu.
Nguyễn Thanh Vũ (ĐSHĐ-055)