Các loại thí dụ trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông

Trần Thái Tông (1218-1277) là vị vua mở đầu vương triều nhà Trần, làm vua 33 năm (1225-1258), nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng 19 năm (1258-1277), thọ 60 tuổi. Khóa Hư Lục là tác phẩm thuộc thể loại luận thuyết triết lý tôn giáo, do người đời sau sưu tầm, tập hợp những tác phẩm còn lại của nhà vua rồi khắc in, trong đó có những bài Phổ Thuyết, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, những bài tựa của các sách. Trong tác phẩm này, tác giả đã dùng nhiều hình ảnh ví dụ để chuyển tải những tư tưởng thâm diệu của Phật giáo – Thiền tông.

Ví dụ là cách diễn đạt một vấn đề nào đó bằng một hình ảnh cụ thể để minh họa cho vấn đề được nêu ra. Hầu hết các kinh văn Phật giáo thường dùng ví dụ, chẳng hạn như phẩm Dược Thảo Dụ trong kinh Pháp hoa. Trong kinh văn Phật giáo, Đức Phật dùng nhiều hình ảnh ví dụ rất sống động, rất giản đơn như những việc, hiện tượng xảy ra hàng ngày và gắn liền với đời sống tâm thức, tình cảm của con người. Có người hỏi tại sao Phật giáo dùng nhiều ví dụ? Mâu Tử trả lời: có trường hợp một người thấy, một người không thấy, khó nói rõ cho người không thấy, nên phải dùng ví dụ1.

Trong bài Tìm hiểu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo, Thích Thiện Tâm cho rằng “Ở kinh tạng Nguyên thủy, các hình ảnh ví dụ phần lớn mang tính cách hiện thực, cụ thể. Trái lại, trong kinh tạng Đại thừa, các ví dụ đa phần mang tính cách triết lý uyên áo nhằm minh họa cho sự vận hành của tâm thức. Có khi các ví dụ được dẫn giải trong kinh biểu trưng cho thế giới thanh tịnh tuyệt đối của chân như, cũng có khi nó biểu trưng cho thế giới vọng tưởng và cuồng si của con người. Nói chung, điểm đặc sắc của ngôn ngữ ví dụ trong kinh tạng Đại thừa là sự phô trần dòng chảy của tâm thức trên cả hai mặt cấu nhiễm và chân như. Và trên bình diện chân lý, nó biểu diễn xác thực và cụ thể sự diễn biến của hai mặt chân đế và tục đế trên cùng một quan điểm. Các ví dụ, do đó, luôn luôn được xem như là những biểu hiện chân xác của tâm thức. Từ đó, nếu như trong kinh tạng Nguyên thủy, những ví dụ là những hình ảnh cụ thể, bình dị trong đời thường, thì ngược lại, trong kinh tạng Đại thừa, ví dụ chính là những ảnh tượng của tâm thức, nó mang tính cách siêu hình và chung nhất2”. Dưới cái nhìn của thế tục, các hình ảnh ví dụ và ẩn dụ trong kinh văn Ðại thừa thường được xem như là những hình ảnh kỳ bí lạ thường. Hẳn nhiên, người đọc không thể phủ nhận các ảnh tượng đó, nhưng để nắm bắt nó cũng không phải là chuyện giản đơn, đòi hỏi ở người lĩnh hội một sự nỗ lực tư duy chuyên chú để trực nhận.

Kế thừa thủ pháp ví dụ trong kinh văn, Trần Thái Tông trong Khóa hư lục đã sử dụng những hình ảnh ví dụ một cách linh động để diễn đạt nội dung tư tưởng Phật – Thiền như là một thể cách đặc biệt nhằm đánh động tâm thức vô minh của chúng sinh, giúp họ nhận ra cuộc đời là hư ảo, là giấc mộng.

Trong bài Phổ thuyết Tứ sơn, mục thứ hai nói về tướng già, tác giả viết: “Tiều tụy như liễu vừa thu tới, điêu linh như hoa gặp xuân tàn”. Ở đây, Trần Thái Tông ví tướng già của con người như cây liễu sẽ xơ xác trong mùa thu, như bông hoa sẽ héo hon trong buổi xuân tàn. Hay trong bài Phổ thuyết Hướng thượng nhất lộ, tác giả đã khuyến cáo mọi người phải tự giác trên con đường tu tập, không được trông chờ người khác, giống như hình ảnh Đức Phật dùng ngón tay chỉ mặt trăng, người học đạo nương theo ngón tay ấy mà tự đi đến đích: “Hướng thượng nhất lộ, thiên Thánh bất truyền; học giả lao hình như viên tróc ảnh”. (Một con đường hướng lên nghìn Thánh nếu không truyền, thì kẻ theo học mệt xác như loài vượn bắt bóng4). Con đường mỗi người tự đi, tự đến, không ai có thể trao truyền cho ai được, đừng nhọc công tìm cầu bên ngoài vô ích, nếu người học đạo không tự phản tỉnh mà cố gắng kiếm tìm bên ngoài thì chẳng khác nào như con khỉ bắt bóng, rốt cuộc chỉ nhọc công. Thế nên, con đường hướng thượng, mỗi người chúng ta phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi” để tự nhận ra. Thâm ý của câu nói trên được nhà vua sử dụng một ví dụ cụ thể bằng hình ảnh so sánh “kẻ theo học mệt xác như loài vượn bắt bóng”.

Trong cuộc sống, vì mưu sinh mà con người tạo ra không biết bao nhiêu tội lỗi, không hay trên đầu mình tóc đã điểm hạt sương mai. Để biểu đạt ý tưởng này, trong bài Phổ thuyết sắc thân, Trần Thái Tông đã viết:“Tích đắc nghiệp cấu như tỉnh bất tri mấn phát tư sương. Nhất triêu hoạn mục nhiễm trầm kha. Bách tuế chung quy đại mộng”. (Chất chứa nghiệp dơ như giếng, chẳng biết tóc bạc như sương. Một mai bệnh nặng vô phương; trăm tuổi chung quy đại mộng. Hình ảnh cái giếng sâu để dụ cho nghiệp ác, nghiệp xấu đã tích tụ qua thời gian nên nhiều vô số. Con người trong cuộc sống cứ hối hả lao theo vòng xoáy của cuộc đời, chạy theo danh lợi, nên gây ra bao nghiệp chướng mà mình không biết, không hay rằng theo thời gian cái già sẽ ập đến, mái tóc sẽ bạc, thân thể sẽ hao mòn và bệnh tật sẽ đến, lúc đó nếu có tỉnh mộng cũng không thể nào thoát được.

Cung Vũ Lâm -Đền Thái Vi (Ninh Bình) nơi các vua Trần xuất gia

Tiếp theo, cũng trong bài Phổ thuyết Hướng thượng nhất lộ, tác giả dùng hình ảnh ví dụ so sánh để cảnh tỉnh những người a dua, học đòi, chạy theo phong trào, những người này khi thấy người ta tham cứu ý thiền cũng bắt chước làm theo nhưng vì chưa hiểu Phật pháp, chưa tường giáo lý, chưa biết phương pháp thì họ chẳng khác nào trẻ thơ:“Nhược dã tham trước để sự hoàn như nhất cá sinh; đầu thượng an đầu, vĩ ba tục vĩ; nhãn trung thiêm tiết, nhục thượng trùng vưu.” (Như đã tham cứu rồi mà vẫn như đứa trẻ thơ ngây thì có khác chi đầu đặt thêm đầu, đuôi nối thêm đuôi, trong mắt thêm bụi, trên thịt thêm bướu. Người học đạo tu tập Thiền định thông qua việc tham cứu các công án, đến một lúc nào đó sẽ bừng vỡ, giác ngộ được chân lý.

Trong phương pháp Thiền định, hành giả không thể dùng tư duy duy lý để nhận thức vấn đề đang tham cứu, nếu có nhận ra chỉ nhận chân được cái ở bên ngoài chứ chưa rõ được bản chất, bản thể của nó. Khi nào tâm của hành giả thanh tịnh “tâm tịch nhi tri” mới có thể trực ngộ được chân lý, hiểu rõ lẽ “không vô”, nhận ra “bản thể chân như” trường tồn bất biến. Ở trích dẫn trên, Trần Thái Tông đã dùng một loạt từ ngữ ví dụ so sánh nhằm chỉ ra phương pháp, cách thức cho người tu tập: “tham cứu mà không hiểu, cứ cố tìm cầu thì chẳng khác nào như đứa trẻ thơ ngây, đầu đặt thêm đầu, đuôi nối thêm đuôi, trong mắt thêm bụi, trên thịt thêm bướu”.

Con người vì bị vô minh che lấp nên sống trong mê muội, cứ tưởng vàng bạc châu báu là quý, nhưng đâu biết rằng thân mạng của mình là quý nhất. Để khẳng định cho rõ hơn điều muốn nói, Trần Thái tông đã dùng hình ảnh ví dụ theo lối so sánh: vị đại tướng giàu sang, lấy vàng làm áo giáp, nhưng khi lâm trận bị thua thì phải cởi giáp, quẳng gươm mà chạy để bảo toàn mạng sống. Thế thì, thân mạng là quý hay áo giáp vàng là quý? Vàng bạc châu báu, của cải vật chất chỉ là vật ngoài thân. Trong bài Phổ thuyết Phát Bồ đề tâm văn, tác giả có viết: “Nhiên sát kỳ sở trọng, thẩm kỳ sở tích phản bất cập ư thân mệnh giả dã. Giả như hữu phú quỳ gia nhân bái vi đại tướng, dụng hàng kim vi giáp dĩ bị kỳ thân. Chí lâm chiến chi nhật, bi nhận ký tiếp chi thời, hoặc khí giáp duệ binh nhi tẩu, ký đắc toàn ư nhất thân nhi dĩ, nhi hoàng kim giáp khởi hạ cố tai!” (Nhưng xét cho kỹ thì cái đáng trọng, đáng tiếc không gì bằng thân mệnh con người. Ví như người giàu sang kia được phong đại tướng đã lấy vàng làm áo giáp để hộ thân. Đến khi lâm trận, lúc giáo gươm giao tiếp hoặc bỏ giáp quẳng gươm mà chạy, chỉ mong toàn được tấm thân, chứ áo giáp vàng kịp đâu ngó tới.)
Trần Thái Tông sớm giác ngộ lý vô thường của cuộc đời, xem ngai vàng như đôi dép rách, trong bài Thụ giới luận, khuyên mọi người muốn đạt được sự cảnh giới an lạc nơi tâm hồn, người học đạo không ngừng nỗ lực tu tập chế ngự tự thân. Thực hiện điều đó, phương pháp chế ngự khi lục căn tiếp xúc lục trần thì phải giữ gìn giới. Tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật ví dụ một cách uyển chuyển, sinh động, để người đọc thấy rõ công năng của việc giữ giới: “Giới như bình đại, vạn thiện tòng sinh. Giới như lương y, năng liệu chúng bệnh. Giới như minh châu, năng phá hôn ám. Giới như thuyền phiệt, năng độ khổ hải. Giới như anh lạc, trang nghiêm pháp thân.” (Giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thầy thuốc giỏi chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tối tăm. Giới như thuyền bè, vượt qua bể khổ. Giới như chuỗi ngọc làm pháp thân trang nghiêm.)
Với ngòi bút sáng tạo, vua Trần Thái Tông vận dụng những từ ngữ ví dụ một cách cụ thể, thiết thực để diễn đạt vai trò của giới đối với đời sống của người tu tập. Giới được tác giả ví dụ như mặt đất bằng, thầy thuốc giỏi, hạt minh châu, thuyền bè, chuỗi ngọc. Tác giả dùng những từ ngữ ví dụ vô cùng sống động, gần gũi với cuộc sống đời thường, đồng thời giúp người đọc cảm nhận được công năng thiết thực mà giới mang đến. Giới là thứ gì, một người chưa từng nghiên cứu Phật giáo thì không thể hiểu được giới là gì và công năng ra làm sao. Nhưng nếu, có dịp xem qua bài Thụ giới luận của Trần Thái Tông, với ngòi bút sáng tạo và cách dùng từ ngữ ví dụ hết sức khéo léo sẽ gieo vào ký ức người đọc một khái niệm tạm chấp nhận để hiểu về Giới.

Sở dĩ, mọi tầng lớp trong xã hội có dịp đọc qua đều hiểu được giới trong nhà Phật một cách dễ dàng, nhờ tài hoa vận dụng từ ngữ ví dụ cụ thể, thiết thực trong đời sống của Trần Thái Tông, giúp cho người đọc có thể hình dung và hiểu được vấn đề một cách rõ rệt hơn. Từ ngữ ví dụ mặt đất bằng, chúng ta nghĩ ngay đó là mảnh đất đồng bằng, phì nhiêu, mầu mỡ, mọi vật từ đó mà sinh sôi nẩy nở. “Thầy thuốc giỏi”, thầy thuốc là người chữa bệnh, ở đây lại là thầy thuốc giỏi thì mọi bệnh đều từ nơi đây mà dứt sạch. Chúng ta là những bệnh nhân đang cần thầy thuốc giỏi để chữa lành các bệnh. “Hạt minh châu”, gợi lên hình ảnh sáng rực trong màn đêm tăm tối. Ánh sáng của minh châu sẽ xé tan màn đêm như là xé tan màn vô minh của con người. Từ ngữ“Tối tăm” ví dụ cho con đường phía trước chúng ta đến là một màn đêm bao phủ bước chân, ta không thấy để đặt bước chân mà đi. Những điều kiện như: “mặt đất bằng, thầy thuốc giỏi, hạt minh châu, thuyền bè …” tất cả những điều này chỉ là phương tiện, nhà Phật dùng để đưa hành giả đến với đạo, sau khi đạt được cứu cánh thì nó chỉ là một đôi dép rách bị vứt bỏ lại sau lưng. Hay trong bài Giới vọng ngữ văn, tác giả cũng dùng thủ pháp ví dụ để thấy được sự giữ gìn thân, khẩu, ý của hành giả khi tu tập: “Tư nhất niệm hưởng ứng vô sai; khởi nhất ngôn ảnh tùy bất mậu. Quân tử trọng ngôn nhược biện; cổ nhân phòng ngữ như bình” (Nghĩ một ý nghĩ thì ảnh hưởng không lầm; buông một lời thì hệ quả chẳng lẫn. Quân tử trọng lời nói như biện luận; người xưa giữ mồm miệng kín như bình. Tác giả dùng thủ pháp ví dụ nói đến luật báo ứng nhân quả không bao giờ lầm lẫn. Cho nên người quân tử trọng lời nói ví như biện luận, giữ gìn từng lời ăn tiếng nói .

Phương pháp hành trì để tiến đến con đường giải thoát Niết-bàn trong Phật giáo thì có rất nhiều, ngoài việc giữ giới, hành giả có thể thực hành con đường thiền định. Thế nhưng, pháp môn thiền định đòi hỏi cần phải bỏ công phu rất nhiều, ngồi thiền mới mang lại kết quả tốt, trước hết hành giả phải điều tâm, chế ngự tâm, nếu bỏ qua giai đoạn này chẳng mang lại kết quả gì. Trong bài Tuệ giáo giám luận, Trần Thái Tông vận dụng rất nhiều hình ảnh ví dụ sinh động, đi thẳng vào vấn đề một cách cụ thể: “Nhược ư định thời, tâm vị đắc định, nhi dục cầu tuệ, thí nhược phong ba vị tĩnh nhi cầu kiến nguyệt ảnh giả dã. Nhược tâm ký định nhi phản sinh tà giải, cầu ư tuệ giả, diệc nhu phong ba ký tĩnh, nguyệt ảnh trừng thanh, nhi phục lãm ư thủy trung cầu thủ nguyệt ảnh” (Lại như khi ngồi định mà tâm chưa định, nhưng vẫn muốn tìm tuệ thì cũng ví như sóng gió chưa yên đã muốn tìm bóng trăng. Nếu tâm đã định, lại nảy sinh kiến giải không ngay thẳng, như thế mà muốn tìm tuệ thì cũng như sóng gió đã lặng, bóng trăng trong trẻo, nhưng lại thò tay khoắng nước để vớt bóng trăng.) Từ sóng gió ẩn dụ cho phiền não, tham, sân, si của con người, còn bóng trăng ẩn dụ cho con mắt trí tuệ. Một khi bụi trần phủi sạch thì tuệ căn sáng trong như ánh trăng rằm xua tan màng đêm.

Thiền định không thể cần cầu mà có được, đòi hỏi phải có công phu tu tập, tích lũy lâu dài đến một lúc nào đó sẽ tỏa rõ nguồn tâm. Hành giả tu thiền, cần giữ tâm an định, dẹp mọi vọng niệm, không bị cảnh vật bên ngoài làm lay động, như trong bài Bàn về ngồi thiền có ghi: “Thích Ca Văn Phật nhập vu Tuyết sơn, đoan tọa lục niên, thước sào vu đính thượng, thảo xuyên vu bệ, thân tâm tự nhược. Tử Cơ ẩn kỷ nhi tọa, hình như khô mộc, tâm tự tử hôi. Nhan Hồi tọa vong, huy chi thể, truất thông minh, ly ngu trí, đồng ư đại đạo.” (Thích Ca Văn Phật vào núi Tuyết Sơn, ngồi ngay ngắn trong sáu năm, chim bồ các làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế mà thân tâm vẫn bình thản. Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, lòng như tro nguội. Nhan Hồi ngồi quên, chân tay rời rã, thông minh dẹp bỏ, lìa xa cả trí cả ngu để hòa chung với đạo lớn.). Tác giả dùng hình ảnh ví dụ này, cho thấy người ngồi thiền lúc ấy đã đạt được diệt tận định, nghĩa là thân và tâm không bị ngoại cảnh chi phối.

Thiền định là phương pháp điều phục tâm, chớ không tẩy sạch được nghiệp lực đã tích tựu trong nhiều kiếp. Do đó, muốn rửa sạch bụi nhơ trên thân trong dạ phải dùng lễ sám hối, Trần Thái Tông dùng thủ pháp ví dụ để làm rõ công năng của việc sám hối, trong bài Tựa lục thí sám hối khoa nghi đã ghi: “Như bách niên cấu y, khả ư nhất nhật cán linh tiên tịnh. Như thị bách thiên kiếp trung sở tập chư bất thiện nghiệp, dĩ Phật lực cố, thiện thuận tư duy, khả ư nhất nhật thời tận năng tiêu diệt dã.” (Như chiếc áo bẩn hàng trăm năm có thể giặt sạch trong một ngày. Như thế, những nghiệp ác tích tụ hàng trăm nghìn kiếp, nhờ sức Phật và sự tư duy thuận tiện mà có thể tiêu trừ trong một ngày, một phút). Từ ngữ “chiếc áo bẩn” dụ cho nghiệp tích tụ trong tâm, dù nghiệp lực tích tụ hàng trăm nghìn kiếp nhờ sức Phật có thể tiêu trừ trong một ngày. Tác giả dùng thủ pháp dụ – ẩn dụ so sánh ngầm để làm rõ công năng của pháp sám hối.

Tác giả sử dụng nghệ thuật ví dụ rất tài tình, khéo léo, uyển chuyển nhưng cũng rất cụ thể, nghiệp lực đã tích hàng trăm nghìn kiếp ví như chiếc áo bẩn hàng trăm năm. Điều này cho thấy, tác giả có trí liên tưởng rất cao và là một người giác ngộ nhận rõ bản chất của nghiệp. Nghiệp lực tích tựu đều do tâm tạo tác, khi tâm ác của con người khởi lên đã che mờ trí tuệ sáng suốt. Trần Thái Tông vận dụng những từ ngữ ví dụ trong đoạn văn sau: “Tri kỳ chúng sanh huyễn cấu, tòng vọng nhi sinh; khuyến linh nhất niệm tinh kiền, quy y lễ sám. Sử thân tâm thanh tịnh khoả y tiền; phong tức ba trừng, cấu trừ kính triệt. Hà giả? Tiền tâm ác tác như phú nguyệt vân; hậu tâm thiện sinh như tiêu ám cự.” (Biết rằng cái hư huyễn, dơ bẩn của chúng sinh đều do ảo vọng sinh ra, nên mới khuyên họ một lòng thành kính, quy y lễ sám, khiến cho tâm thân thanh tịnh, trắng trong như xưa, gió yên sóng lặng, bụi sạch gương trong. Sao vậy? Là vì, lòng ác trược nảy sinh như bóng mây che khuất mặt trăng; dạ thiện sau xuất hiện như đuốc làm tan đêm tối). Cái hư huyễn, dơ bẩn của chúng sinh đều do ảo vọng mà sinh, nên cần phải sám hối, để thân tâm thanh tịnh, trắng trong như xưa.

Tâm ác khởi lên ví dụ như mây đen che mặt trăng, tâm thiện sanh khởi, ví dụ như đuốc sáng phá tan bóng tối. Nói đến lòng ác, chúng ta không thể hình dung được lòng ác của con người như thế nào, diễn tả ra sao để người nghe có thể cảm nhận được nó. Với ngòi bút sáng tạo Trần Thái Tông khéo léo vận dụng thủ pháp ví dụ lòng ác nảy sinh như bóng mây che khuất mặt trăng. Mặt trăng là ánh sáng xua tan bóng đêm, giúp cho người đi trong màng đêm tăm tối tìm thấy được lối đi. Bóng mây đen ví dụ như lòng ác của con người, một khi lòng ác sanh khởi thì trước mắt ta là màng đêm, không biết đâu là con đường chánh đạo, càng đi càng lún sâu vào con đường ác đạo, gây ra biết bao tội lỗi hại mình hại người. Chính vì thế, khi dạ thiện xuất hiện giống như ngọn đuốc xé toạc màng đêm bao phủ lối đi của con người.

Con người mãi gây nghiệp có hay đâu vô thường đang rình rập từng giây từng phút, tác giả tiếp tục sử dụng thủ pháp ví dụ để làm sáng tỏa vấn đề cần bàn đến, trong bài Kệ vô thường buổi sớm, Trần Thái Tông ghi:

Thân như băng kiến hiện
Mệnh tự chúc đương phong.
(Thân như băng gặp nắng trời,
Mệnh tựa ngọn đèn trước gió).

Tác giả ví dụ thân con người mong manh, tạm bợ như băng khi gặp ánh mặt trời thì sẽ nhanh chóng tan đi. Để cho người đọc thẩm thấu được sự vô thường của sắc thân, trong bài Tâu bạch, tác giả trình bày: “Hình hài bất cửu kiên; phú quý phi trường bảo. Tấn tốc hồn như xuyên thượng thủy; tu cáp tự lĩnh đầu vân.” (Hình thể chẳng lâu; giàu sang không vững mãi. Mau chóng như nước trên sông; giây lát như mây đỉnh núi). Hay là câu nói dùng ví dụ mang tính so sánh ngầm để nói về sự vô thường của thân người: “Tương kỳ nhất thế đẳng trường tùng, bất giác tứ chi chân lậu ốc.” (Những hẹn một đời già với bách tùng; bất giác tứ chi như mái dột). Ta cứ tưởng thân này bền vững lâu dài, nào ngờ khi thân thể sắp tàn ví như nhà xiêu, chỉ một cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ sập.

Khóa hư tập cũng gọi là Khóa hư lục, tác phẩm hoằng pháp và nghiên cứu lý luận Phật học quan trọng của Trần Thái Tông

Từ ngữ ví dụ mà Trần Thái Tông sử dụng trong tác phẩm Khóa hư lục rất sống động, rất giản đơn như những sự việc, hiện tượng xảy ra hàng ngày và gắn liền với đời sống sinh hoạt, tâm thức, tình cảm của con người. Do đó, từ ngữ ví dụ trong tác phẩm được xem là loại hình đặc trưng và tiêu biểu nhất của Thiền tông. Những từ ngữ dùng ở các bài phổ thuyết, luận thuyết hay kệ thơ trong Khóa hư lục có thể xem như là đòn gánh đánh mạnh vào tâm thức cuồng si của con người làm trí tuệ đạo thiền được khai thông. Mỗi từ ngữ trong bài đều thể hiện sự đốn ngộ chân lý đạo Phật, mang đầy tính triết lý nhân sinh.

Thích Nữ Nguyên Thảo (ĐSHĐ-004)


  1. Mâu Tử, Lý hoặc luận. Dẫn lại: Lê Mạnh Thát (2008), Nghiên cứu về Mâu Tử, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr 426.
  2. Thích Tâm Thiện (2000), Tìm hiểu ngôn ngữ kinh điển Phật giáo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tr 60- 61.
  3. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý- Trần, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, HN, tr 74.
SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO SỰ KIỆN
Video thumbnail
PBNG TW thăm trường Hạ 5 tỉnh Tây Nguyên - PL.2568 - DL.2024
16:46
Video thumbnail
Ni sinh trường Cao Trung Phật học Tiền Giang tụng kinh Pháp Hoa Kính mừng Phật đản - 11/5/2024
03:34
Video thumbnail
HỌP MẶT - MÓN QUÀ CAO QUÝ KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
09:32
Video thumbnail
THIỀN HÀNH SAU KHI THỌ THỰC
02:18
Video thumbnail
Ni giới Phật giáo TP.HCM kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 - DL.2024
09:45
Video thumbnail
Lễ Húy Kỵ lần thứ 25 Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH tại Tổ đình Huê Lâm - Q11, TP.HCM
33:24
Video thumbnail
PBNGTW: Tiểu ban Thông tin Truyền thông | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
03:37
Video thumbnail
PBNGTW: Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:51
Video thumbnail
Hội đồng Thập Sư 3 đàn phát thưởng cho các Giới tử - Đại giới đàn Bửu Huệ 2023
03:44
Video thumbnail
Tuần Chiếu tại Giới Đàn Ni Chùa Thanh Tâm
03:02
Video thumbnail
Đại Giới đàn Bửu Huệ tại Giới trường Ni - Chùa Thanh Tâm - 2023
09:53
Video thumbnail
Lễ Huý Kỵ lần thứ 3 cố NT. TN. thượng Như hạ Hải - Chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hà Tiên - 26/9/2023
07:38
Video thumbnail
Lễ Khai đàn Dược sư Thất Châu - Chùa Pháp Hải
17:47
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 17 cố Ni trưởng Thượng Như Hạ Bổn - Viện chủ TĐ Kim Sơn (27/7/2006 - 23/7/2023)
45:08
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thích Nhật Quang tại Hội Sơn Cổ tự
16:37
Video thumbnail
Tọa đàm “Bình đẳng giới trong Nữ giới Phật giáo - 2023” – Chùa Huê Lâm, TP.HCM
19:56
Video thumbnail
Lễ húy nhật lần thứ 6 cố Sư trưởng Thượng Huyền Hạ Huệ - Hải Ấn Ni Tự, TP.HCM
14:11
Video thumbnail
Lễ Vu Lan và Dâng Y tại chùa Vạn Phước - Bình Tân - TP.HCM
11:04
Video thumbnail
Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Pháp Võ - Nhà Bè - TP.HCM
12:37
Video thumbnail
“Rửa Chân Tri Ân Song Thân” - Chùa A Di Đà - Củ Chi - Tp.HCM
19:13
Video thumbnail
PBNG TW thăm, sách tấn Chư hành giả an cư tại các Hạ trường tỉnh miền Đông, 28/7/2023 (11/6/Quý Mão)
20:02
Video thumbnail
PBNG TW hoàn tất chuyến thăm và cúng dường Hạ trường tại Tây Nguyên 2023
18:50
Video thumbnail
PBNG TW thăm 4 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum
08:15
Video thumbnail
Kính mừng Đại lễ Phật đản - PL.2567 - DL.2023 - BTS Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang
08:05
Video thumbnail
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo & Chư Tôn Đức Tiền Bối Hữu Công PGVN | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
10:47
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước 2023: Triển lãm - Dâng hương - Tọa đàm - Thắp nến tưởng niệm
34:37
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước - 22 & 23/04/2023: Công tác chuẩn bị
04:59
Video thumbnail
Lễ Vinh danh cá nhân xuất sắc trong lãnh đạo Phật giáo tỉnh Tiền Giang năm 2023
06:55
Video thumbnail
Lễ công bố văn phòng PBNG & Khai giảng lớp luật dành cho chư Ni - Chùa Bảo An, TP. Cần Thơ
22:46
Video thumbnail
PBNG TW: Tổ chức khóa bồi dưỡng về các pháp Yết-ma, nghi thức giới đàn cho chư Ni
03:35
Video thumbnail
Lễ Hoàn Kinh Dược Sư Thất Châu & An vị tôn tượng Đức thánh tổ Kiều Đàm Di - Chùa Kiều Đàm
06:18
Video thumbnail
Khóa tu báo ân - Lễ Húy kỵ cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
17:23
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 24 cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
14:58
Video thumbnail
Chùa Từ Nguyên - Tân Phú: Lễ Khánh Tạ - Hoàn Nguyện - Lễ Húy Kỵ lần thứ 39 cố Ni trưởng khai sơn
08:50
Video thumbnail
Khí Xuân Quý Mão 2023
11:37
Video thumbnail
Hành hương thập tự 10 cảnh Chùa - Xuân Quý Mão 2023
15:24
Video thumbnail
Chùa Liên Trì - Củ Chi: Lễ cúng dường trai tăng - Xuân Quý Mão 2023
21:22
Video thumbnail
Tổ đình Huê Lâm: Mừng xuân Di lặc - PL.2566 DL.2023
09:08
Video thumbnail
PBNG Trung Ương: Báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự - Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:42
Video thumbnail
Chùa Huê Nghiêm: Lễ Khánh Đản A Di Đà Phật với hơn 1000 Tăng Ni Sinh tham dự | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
04:24
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Các Công Trình Chùa Pháp Võ - Huyện Nhà Bè - TP.HCM | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
06:46
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Chùa Pháp Võ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
07:42
Video thumbnail
Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ VIII | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:27
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ - Tưởng niệm lần thứ 14 cố Hòa thượng Thích Hoằng Từ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:55
Video thumbnail
#2: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư Vị Tiền Bối Ni Hữu Công (02/10/2020)
13:15
Video thumbnail
#1: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư vị Tiền Bối Ni Hữu Công (01/10/2020)
05:52
Video thumbnail
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo - Kiên Giang: Tổ chức Lễ húy kỵ lần II của cố Ni trưởng thượng Như hạ Hải
09:14
Video thumbnail
Lễ Công bố & Quyết định Chuẩn y nhân sự Phân ban Ni giới - Nhiệm kỳ X (2022-2027) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
17:11
Video thumbnail
Kiên Giang: Tịnh xá Ngọc Hưng tổ chức Đại lễ Vu Lan – Dâng Y Ca sa – Cài hoa hồng - PL.2566
06:21
Video thumbnail
Tịnh xá Ngọc Phương: Lễ trao giáo chỉ - Tấn phong giáo phẩm – Lễ xuất gia & truyền giới
08:39
CÁC BÀI KHÁC