Bài Kinh Oanh Vũ Cứu Lửa trong Kinh Tạp Thí Dụ kể về một con chim oanh vũ có lần bay đến một ngọn núi khác. Ở đây, oanh vũ tiếp xúc với các loài chim thú và cảm hóa chúng. Từ đó, loài vật nơi này chung sống hòa bình và không tàn hại lẫn nhau như trước nữa. Sau khi oanh vũ trở về nơi cư ngụ của mình được vài tháng, khu rừng này bốc cháy dữ dội. Để cứu lửa, oanh vũ bay xuống hồ nước thấm ướt thân mình, rồi bay lên không trung giũ nước trên thân, trên cánh để dập tắt lửa. Nó không ngừng bay đi bay lại liên tục lấy nước dập lửa như thế. Một vị thiện thần trông thấy liền nói: “Này oanh vũ sao ngươi ngốc thế? Lửa lớn muôn dặm như vậy, chẳng lẽ nước trên hai cánh của ngươi có thể dập tắt được sao?” Oanh vũ đáp: “Tôi hiểu rất rõ điều này. Nhưng tôi từng chung sống ở đây. Trăm loài chim muông đều nhân nghĩa hiền lương, sống hòa hợp với nhau như anh em một nhà. Tôi không nỡ đứng nhìn họ bị lửa thiêu chết như thế!” Tấm lòng thiết tha của oanh vũ đã khiến vị Thiện thần xúc động, liền hóa ra trận mưa lớn dập tắt lửa rừng.
Sau khi đọc xong câu chuyện này, tôi vô cùng xúc động trầm ngâm rất lâu. Một con chim oanh vũ mà biết trọng tình trọng nghĩa như thế. Đã biết rõ sức mình không làm gì được vẫn tận tâm, tận lực nhúng nước để dập lửa. Tinh thần nhân nghĩa, hy sinh ấy thật đáng để cho con người, nhất là người xuất gia suy nghĩ lại.
Là tu sĩ trong thời đại mới, chúng ta cần như chim oanh vũ, quan tâm, bảo vệ Tăng đoàn. Dốc toàn lực cống hiến vì lợi ích chung của Tăng đoàn, của Giáo hội. Mỗi người xuất gia là một thành viên của Tăng đoàn. Sự thịnh suy của Tăng đoàn cũng liên quan trực tiếp đến mỗi chúng ta. Do đó, mỗi chúng ta cần biết nghĩ cho người khác, làm điều tốt đẹp cho người, gắng sức quan tâm, giúp đỡ người. Đối với những thành viên của Tăng đoàn, chúng ta cần hết lòng thương mến, chủ động khiến mọi người sanh lòng hoan hỷ. Nếu có thể làm được như vậy, Tăng đoàn mới trở thành nơi ấm áp, chỗ dựa vững chắc. Chúng ta sống trong đoàn thể ấy mới được tự tại, thảnh thơi, an lạc.
Là một thành viên của Tăng đoàn, của Giáo hội, bất cứ lúc nào mỗi khi nội bộ Tăng đoàn có vấn đề gì phát sanh, mỗi cá nhân cần có tinh thần như “Oanh vũ cứu hỏa”, tích cực giữ gìn lợi ích góp phần đưa Tăng đoàn phát triển theo phương hướng tốt đẹp nhất. Tuyệt đối không thể xem như không liên quan với mình, coi như chuyện ở nơi xa xôi nào đó, cũng không thể vì vậy mà bi quan, thất vọng, càng không thể hòa nhập với những hiện tượng tiêu cực. Có nghĩa dù trong trường hợp biết sức mình không làm được gì, chúng ta cũng không nên đánh mất lòng tin mà nên như chim oanh vũ gắng sức làm những việc mình có thể làm được. Vì sao vậy? Vì chúng ta không thể nhìn Tăng đoàn bị suy yếu, bị kẻ khác lợi dụng hay bôi nhọ… Tôi tin rằng nếu mỗi người con Phật chúng ta gắng sức hết mình, góp phần bảo vệ và xây dựng Tăng đoàn thì sẽ như lòng oanh vũ cảm động đến Thiện thần, Chư Phật, chư Bồ tát từ bi phóng quang nhiếp hộ và chư Hộ pháp cũng sẽ tận lực hỗ trợ cho Tăng đoàn lướt qua mọi sống gió, vững vàng, là nơi nương tựa tâm linh, làm lợi ích cho đời.
Tóm lại, mỗi người xuất gia chúng ta nên giữ tình cảm tha thiết với Tăng đoàn, quan tâm, bảo vệ Tăng đoàn, cống hiến hết sức mình để mảnh đất “Tòng Lâm” thật sự trở thành Tịnh độ nhân gian.
Viễn Trần (ĐSHĐ-060)