Vạn pháp duyên sanh biết rõ ràng
Biết từng phân tử, biết lớp lang
Biết duyên hợp nhất, thành phẩm loại
Biết trụ thời gian biết lẽ tàn
Chơn tâm liễu liễu, tri tánh biết
Biết đặng không lầm, mọi dối gian
Thường hằng tĩnh giác, trong tâm thức
Thắp sáng Chơn tâm, chớ bàng hoàng”.
Ngài Lục Tổ Huệ Năng không bác Pháp môn Tịnh độ. Ngài chỉ sợ người niệm Phật, mà chấp vào tướng Phật, quán cảnh Tây phương, chấp vào cảnh niệm Phật. Tuy nhiên, ba nghiệp Tham, Sân, Si thì không dời đổi, phiền não vẫn còn dẫy đầy, không vãng hồi tự tánh của mình. Chớ kỳ thật Ngài không có ý bác bỏ Pháp môn Tịnh độ. Ngài đã rõ phương tiện quyền xảo độ sanh của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, vào đời không ngoài “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, để giúp chúng sanh vượt thoát sanh tử khổ đau, trở về thể tánh tịnh minh, Chơn tâm thanh tịnh của chính mình. Muốn trở về bản thể thanh tịnh ấy, không gì hơn là phải “Văn nhi tư, tư nhi tu”. Nghe giảng giáo lý rồi phải suy nghĩ tư duy lời dạy của Đức Thế Tôn, thực hành áp dụng trong đời sống hàng ngày, mới thấy được sự nhiệm mầu vi diệu của chánh pháp, mới tìm được sự an vui hiện hữu trong hiện tại, “bây giờ và ở đây”. Đó là cách Thiền định, lắng đọng tâm tư của đạo Phật, Pháp môn huyền diệu vô cùng. Thiền định: Hán dịch là tĩnh lự, nghĩa là để cái tâm vắng lặng, thâm nhập vào Chơn như bổn tánh của mình. Đức Phật Thích Ca đắc đạo cũng phải trải qua bốn bực Thiền này.
– Ý đã thanh tịnh, gọi là Sơ Thiền.
– Tịnh nhiên thủ nhất, chuyên tâm bất dịch, gọi là Nhị Thiền.
– Tâm đã thanh tịnh, xem rõ chơn tướng của vạn pháp, gọi là Tam Thiền.
– Tâm không tưởng thiện, tưởng ác, không khổ, không vui, bình thản như hư không, tự nhiên bất biến, gọi là Tứ Thiền.
Không hình, tướng mạo ấy Pháp thân
Chẳng cao, chẳng thấp, cũng chẳng cân
Mắt kia thấy sắc, phi mắt nhặm
Nương cảnh liễu tri, cảnh giả chân
Pháp thân hiện hữu thân tứ đại
Che lấp Chơn tâm, ấy bụi trần!!!
Huynh đệ, Tôn Sư, Thiện tri thức
Vẹt đám mây mờ, rõ Pháp thân”.
– Hãy quy y cái Diệu giác của tánh mình, là phép tôn quý, gồm đủ cả hai công đức (quy y Giác lưỡng túc tôn). Nghĩa là trở về tự tánh thanh tịnh vốn có của chính mình. Ví như tấm gương tự nó đã có ánh sáng, nhưng vì bụi trần bám vào mỗi ngày một ít, nên ánh sáng kia bị lu mờ, nay nhờ Tôn Sư chỉ cách lau chùi, tấm gương sạch bụi, ánh sáng kia tự chiếu sáng.
– Hãy quy y cái Chánh pháp của tánh mình, là pháp tôn quý, là pháp đưa ta đến chỗ xuất thế gian, lìa bỏ các điều tà dục (quy y Chánh ly dục tôn). Nghĩa là khi tâm mình thanh tịnh, thường nhiếp niệm, thì những điều bất chánh, tà vạy vừa xuất hiện, khi ý thức ta nhận biết, liền diệt trừ ngay, không cho chúng bén mảng vào sân, chứ đừng nói vào cửa hay vào nhà, vì ta biết chúng vào, sẽ cướp mất tư lương công đức lành của ta.
– Hãy quy y cái Thể tánh thanh tịnh của chính mình, là phép tôn quý nhất trong các hạnh (quy y Thanh tịnh Chúng trung tôn). Nghĩa là mình quay về nương tựa sự thanh tịnh hòa hiệp của chính mình, điều phục sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần không chống trái nhau, biết các pháp là không thật. “Nhứt thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh v.v… ” nên mình sống trên tinh thần tùy duyên, do đó mình không bị khổ, vui, khi được, mất.
Sừng sững hiên ngang đứng trước nhà
Chỉ vì năm cảnh mọc nguy nga
Um tùm cành lá do ý thức
Sanh tử khổ đau, chánh thành tà
Chuyển lần bát thức thành tứ trí
Bồ đề xanh tốt mất cây si
Mầm hạt đâu còn, mong gieo giống
Cảm kính ân Ngài Đức Từ bi”.
Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Di Lặc đã nói về hiệu năng của Bồ đề tâm trong sự tu tập, hành Bồ tát đạo cho Thiện Tài Đồng Tử.
– Bồ đề tâm ví như hạt giống, vì nó có khả năng sinh khởi hết thảy Phật pháp.
– Bồ đề tâm ví như ruộng phước, vì nó có khả năng nuôi dưỡng các pháp bạch tịnh.
– Bồ đề tâm ví như cõi đất lớn, vì nó có khả năng nâng đỡ thế gian.
– Bồ đề tâm ví như tịnh thủy, vì nó có khả năng thanh tẩy hết thảy cấu bợn phiền não.
– Bồ đề tâm ví như lửa lớn, vì nó có khả năng thiêu rụi hết thảy rừng tà kiến.
– Bồ đề tâm ví như vừng nhựt thanh tịnh, vì nó soi chiếu khắp cả thế gian.
– Bồ đề tâm ví như trăng rằm, vì các pháp thanh tịnh đều viên mãn.
Hạt Bồ đề không được gieo vào một vùng đất hứa nào khác, mà nó được gieo xuống ngay trên sa mạc sanh tử này. Rồi hạt giống ấy cần phải được tưới tẩm bằng nước Từ bi để lớn mạnh, để đến thời trổ hoa giác ngộ. Do đó, qua quá trình Tu học, thực hành Bồ tát đạo, là những giai đoạn gieo trồng và vun bồi hạt Bồ đề. Nói cách khác phát tâm Bồ đề và thành tựu Bồ đề quả, là trọn vẹn tất cả sự nghiệp của Bồ tát. Đức Lục Tổ dạy rằng:
“Niệm trước chẳng sanh là tức tâm
Niệm sau chẳng diệt là tức Phật”.
– Niệm trước chẳng sanh, nghĩa là không sanh các điều dục vọng mê muội, không khởi vô minh hoặc nghiệp, niệm niệm không lìa bản thể Chơn như.
– Niệm sau chẳng diệt, nghĩa là niệm trước đã không rời bản thể Chơn như, thì bổn tánh tự tại, Định Huệ viên dung, diệu dụng hoạt bát, Chơn niệm còn hoài. Trong cả thảy thời gian Chơn tánh ứng hiện viên minh, khắp thông pháp giới, mà chẳng dời đổi, cho nên, gọi là niệm sau chẳng diệt.
“Dệt vần thơ đạo Chơn như
Hào quang quyện tỏa ngôn từ bặt âm
Pháp thân hòa quyện tịnh tâm
Chơn tâm sáng suốt, nào lầm tử sanh”.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-132)