Một người được xem tranh do tôi vẽ đã hỏi tôi: “Em có biết điểm đặc biệt trong tranh em vẽ là gì không? Là trong mỗi bức vẽ đều có mèo và chó.”
Một số người đọc văn tôi viết lại hỏi: “Em luôn thắc mắc tại sao các bài viết của chị luôn nhắc tới chuyện chó mèo?”
Bản thân tôi cũng không tự phát hiện ra điều đó cho đến khi mọi người hỏi tôi mới vỡ lẽ. Dường như chó mèo đã đi vào nghệ thuật của tôi một cách tự nhiên đến nỗi tôi không hề hay biết.
Mỗi ngày 2 lần cho chó mèo ăn, mỗi lần cho ăn là đi giáp 1 vòng chùa: 5 con chó và 15 con mèo ăn 3 nơi. Mệt nhất là cho đám mèo hoang trên núi ăn. Những ngày mưa gió thì bị ướt, còn ngày nắng thì leo lên tới nơi muốn đứt hơi, mồ hôi nhễ nhại. Rồi cả những ngày bị các Sư huynh rầy khi chó mèo ăn bỏ mứa hoặc ăn không đủ no, rồi chó mèo bệnh không kêu bác sĩ đến khám…
Thú thật lúc mới học xong về, có một thời gian tôi bị sốc vì chuyện chó mèo. Không ít lần tôi đã khóc vì cảm thấy tủi thân khi nghĩ mình đã sợ đã ngán cái cảnh con bồng con bế con khóc con la, đã tránh né rồi mà vô đây còn phiền hà về chuyện chó mèo, vô lý hết sức.
Một buổi sáng nọ, vừa mới tụng giới xuống, con mèo tên Tiểu Bảo chạy đến kêu meo meo. Sư huynh nói: “để em đói em kêu từ hôm qua tới giờ.”
Sư huynh chỉ nói một câu mà tôi đã nổi giận đùng đùng trả treo lại một tràng. Có lẽ do trong lòng bấy lâu dồn nén sự khó chịu về chuyện chó mèo sẵn dịp tuôn ra luôn. Thế là ngày Trưởng Tịnh mà tâm tôi chẳng tịnh được chút nào.
Tôi nhớ đến lời dạy của Thiền sư Nhất Hạnh: “Khi mình nổi giận, mình tuyệt đối không nên nói gì và làm gì. Bởi vì lúc đó tâm mình không còn đủ sáng suốt. Nếu mình nói và làm có thể gây tổn thương đến người khác. Lúc nổi giận nên chọn một nơi không có người qua lại rồi đi thiền hành, vừa đi vừa niệm thầm: Bụt ơi! Con đang giận. Bụt ơi! Con đang giận.” Thế là tôi bỏ lên núi, đi thiền hành dưới tòa sen của Quan Âm Bảo điện. Khi cơn giận đã hạ hỏa, tôi mới nhận ra rất nhiều điều mà bấy lâu nay tôi không nghĩ đến.
Thay vì bực bội chuyện chó mèo thì tại sao mình không lấy chuyện chó mèo làm đề mục tu tập quán sát tâm mình? Xem thử tâm mình có những đức tính của từ bi, nhẫn nại chưa? Hay còn những hạt giống của bất như ý, bực bội, chán nản?
Tu là quá trình chuyển hóa tâm thức mà. Mình phải thấy rõ và chấp nhận tâm mình còn những hạt giống bất thiện thì mình mới có thể chuyển hóa được chứ.
Cho chó mèo ăn là một công việc không thể thay đổi được. Thay vì vừa cho ăn vừa cau có thì mình hãy lấy đó làm niềm vui. Vui vì có cơ hội được chăm sóc cho những sinh linh bé nhỏ. Chúng bị người ta vứt bỏ vô chùa, đứa thì cụt đuôi, đứa cụt chân, đứa què chân, đứa ghẻ lở. Nếu chùa không cưu mang thì chúng sẽ sống lang thang vất vưởng, chịu cảnh đói khát giá rét rất khổ sở.
Thay vì khó chịu mỗi khi nghe tiếng mèo kêu, chó sủa thì mình hãy ban rải lòng từ bi đến với chúng. Mình diễm phúc được làm thân người. Đói có thể kiếm bánh trái này kia để ăn. Lạnh có thể mặc thêm áo ấm và đắp chăn. Còn mèo chó chúng chỉ biết bươi móc nơi những đống rác, may mắn thì kiếm được vài mẩu xương mảnh bánh nhỏ ôi thiu meo mốc. Trời lạnh chúng chỉ biết chui rúc vào những bụi bờ xó xỉnh.
Hơn nữa, khi mình buồn mình có thể khóc, mình muốn gì mình có thể nói. Còn chó mèo nó không có được điều đó. Nó chỉ biết thổ lộ điều nó muốn qua tiếng kêu. Vậy tại sao khi nó kêu mình không thương, không quan sát xem nó đang cần gì mà lại bực bội khó chịu?
Mỗi ngày hai buổi lên núi cho mèo ăn. Thay vì đi trong vội vã, mệt mỏi, sao mình không biến đoạn đường ấy thành con đường thiền hành cho chính mình?
Mỗi lần bị các Sư huynh rầy về chuyện chó mèo. Thay vì nổi nóng, hờn giận sao mình không trở về thực tập hạnh lắng nghe với tâm hiểu biết và thương yêu?
Đang trải lòng trên những con chữ, tôi chợt nghe tiếng “meo meo”. Ngẩng lên tôi bắt gặp đôi mắt tròn xoe và trong vắt của chú mèo tam thể đang chăm chú nhìn tôi và rón rén tiến gần dụi đầu vào chân tôi. Tôi thấy cả một bầu trời thương yêu chứa đựng trong đôi mắt mèo hồn nhiên ấy.
Khi thực tập trải tình thương đến chó mèo, tôi thấy chúng cũng biết cảm nhận vui buồn chỉ có điều chúng không biết nói mà thôi. Mỗi lần đem cơm lên núi, bầy mèo hoang gồm lớn nhỏ 6 con chạy ra đón tôi từ xa. Đón xong rồi vui mừng dẫn tôi vô chỗ cho ăn như thường lệ.
Chiều chiều tôi hay ghé trên tiền sảnh ngồi tĩnh tọa, mấy con chó cũng đi theo và nằm đó chờ. Có khi nằm ngủ gục luôn mà tôi chưa xuống tụi nó cũng không chịu xuống.
Ngày xưa có người hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Phật pháp là gì?” Ngài chỉ ra khoảng sân nói: “là cây tùng trước sân”. Bây giờ nếu có ai cắc cớ đến hỏi tôi “Phật pháp là gì?” Có lẽ tôi sẽ trả lời rằng: “là cho chó mèo ăn.”
Biển chiều đang trải dài mênh mang trước tầm mắt, hoàng hôn đang dần buông óng ánh trên những con tàu xuôi ngược, tôi lấy cây sáo ra thổi, mấy con chó nghe tiếng sáo chạy lại vẫy đuôi mừng rối rít rồi nằm xuống cạnh tôi. Tôi mỉm cười nhìn chúng – một nụ cười bình an đong đầy yêu thương…
Như Tuyết (ĐSHĐ-101)
Diễn đọc : SC Quảng Hiếu