Dường như có huông. Cứ nhằm ngay ngày đầu năm đầu tháng là gia đình ông Tưởng lại gây gổ. Như chúng ta biết, theo tín ngưỡng dân gian, Tết nhất nhà nhà đều kiêng cữ không dám lớn tiếng, chỉ nói với nhau những điều ngọt ngào, nhằm mong mỏi ba vị thần Phước Lộc Thọ để mắt. Tuy nhiên, nhà ông Tưởng thì khác. Do bản tính mỗi thành viên xung khắc, cái tôi quá lớn nên ai cũng cho rằng mình đúng, mình quan trọng. Vì vậy mà “chiến tranh” xảy ra xuyên suốt từ đầu năm cho đến cuối năm. Dù có sự góp ý của hàng xóm, dân phòng, công an xã vì làm ảnh hưởng đến mọi nhà xung quanh, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Bị mời về xã làm việc nhiều lần nhưng rồi chứng nào vẫn tật nấy. Vì vậy mà gia đình chẳng khi nào nhận được bằng khen “Gia đình văn hóa”. Mà người gây nên lỗi lầm lớn nhất trong nhà đó chính là ông Tưởng.
Con cái lớn, đã lập gia đình, thậm chí vợ chồng ông Tưởng đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng vẫn chẳng ý tứ giữ sĩ diện, danh dự cho con. Cách đây 2 năm, vào đêm Giao thừa, ông cùng nhóm bạn đi nhậu ở quán gần chợ xã, sau đó thì gây sự với nhân viên ở đấy. Do quen biết, lại nể ông là người lớn tuổi nên xí xóa cho qua. Nào ngờ quậy chưa đã, ông còn kéo cả nhóm về nhà mình, bày tiệc trước sân ca hát linh đình. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì không có gì đáng nói. Ngày xuân có ca hát ai cũng thích vì vui tai và không khí náo nhiệt. Nhưng khi đã say bí tỉ, chỉ vì ly rượu đổ mà ông gây sự với bạn, còn dọa đánh. Cũng may là cả nhà can ngăn. Cuộc nhậu chấm dứt, ông quay vào nhà gây sự với bà Tưởng vì: “không biết dạy con, để cho nó leo lên đầu lên cổ tôi ngồi”. Nguyên do là anh con trai út thấy bố hung hăng nên lớn tiếng can thiệp, yêu cầu ông quay vào nhà. Sự việc chỉ có thế mà ông ném chiếc ghế vào người vợ. Cũng may bà Tưởng né kịp. Bà cũng không phải tay vừa, đứng chống nạnh chửi tay đôi với chồng. Ngôi nhà trở nên hỗn tạp làm cả xóm hiếu kỳ kéo đến như hội chợ Tết. Cũng may là công an khu vực can thiệp nên mọi chuyện mới yên ắng. Nếu không, có thể bà Tưởng sẽ nhập viện, xảy ra án mạng vì ông Tưởng cầm con dao lăm le trên tay.
Giao thừa năm rồi, sợ có chuyện cãi vã như những năm trước nên cả nhà cố giữ chân ông Tưởng không cho ra ngoài tìm chiến hữu chè chén. Anh con trai trưởng năn nỉ bố, thậm chí là thỏa thuận rằng: “Coi như bố vì gia đình, vì sĩ diện của chúng con đi. Bố nghỉ nhậu một ngày đầu năm thôi, cho gia đình thay đổi không khí Tết”. Mấy đứa cháu của ông cũng xúm xít lại van xin ông. Ông đồng ý, chỉ một ngày, vì thiếu rượu ông chịu không nổi. Không có rượu trong người, ông Tưởng ôn hòa, ít nói. Nhà bày tiệc đón Giao thừa linh đình trong tiếng cười của các thành viên. Nhưng tuyệt nhiên không có bia rượu. Vì ai cũng biết tính tình của “người đàn ông trụ cột gia đình”. Cứ ngỡ chuyện như thế sẽ ấm êm. Nào ngờ khi tiếng pháo hoa vang lên, chuông đồng hồ gõ nhịp sang năm mới thì ông Bình nhà kế bên chạy sang mượn ly rượu “nghề”. Điều lo sợ của cả nhà lại đến. Bà Tưởng lớn tiếng quát: “Đầu năm đầu tháng đã qua nhà người khác mượn ly rượu rồi. Định ăn nhậu suốt năm à? Qua lôi kéo nhậu thì nói thẳng đi. Tôi rành mấy người quá mà. Đoạn bà quay sang chồng, nói kiểu khiêu khích: “Đi đi! Đừng để người ta đợi. Cái tật ăn nhậu đến chết mang theo”. Các con, các cháu xoa dịu nhưng không kịp nữa rồi. Quá nóng giận vì vợ không tôn trọng mình, làm xấu hổ mình trước mặt bạn bè, ông Tưởng hất bát cháo gà xuống đất, chửi: “Khốn kiếp! Bà có ngậm miệng lại không! Người ta chỉ qua mượn ly thôi mà. Tôi đã cố nhẫn nhịn, không uống giọt rượu nào để gia đình êm ấm. Vậy mà cũng không yên. Bà muốn tôi quậy chứ gì? Được thôi, chờ đấy”. Nói rồi ông theo người hàng xóm nhậu nhẹt tung bừng. Mãi đến gần sáng đầu năm, ông Tưởng mò về nhà, vực vợ và các con dậy quậy tưng bừng. Ngôi nhà cứ như bãi chiến trường. Chiến tranh đầu năm cứ thế vướng “lời nguyền” không dứt.
Gia đình hạnh phúc được gắn kết bằng sự dung hòa của mỗi thành viên. Mỗi người là một cây cột kiên lòng, vững dạ, cùng xây dựng và bảo vệ mái nhà trước những cơn bão lớn. Nếu một cây lung lay, ngôi nhà sẽ xiêu vẹo và sập đổ. Vì vậy, cần phải biết nhẫn nhịn, che chở và góp vui bằng những tiếng cười ý nhị. Thay vì khích bác, đấu đá, ganh ghét thì hãy nói với nhau bằng những ngôn từ yêu thương. Chỉ có yêu thương mới giúp gia đình vượt qua mọi cam go của cuộc sống. Và để có một sự khởi đầu tốt đẹp trong năm mới, hãy tự nhìn lại mình trong những năm đã qua và lấy đó làm kinh nghiệm sống cho bản thân, cho gia đình và xóm giềng.
Vũ Thanh Thanh (ĐSHĐ-054)
Sc Tn Thánh Thảo diễn đọc