Tạm biệt cái tiết trời lạnh, ẩm, sầm sụi của miền Bắc để đến với nắng ấm phương Nam trong những ngày đầu năm 2024 là một nỗ lực bởi những bận rộn của công việc cuối năm tài chính. Nhưng với một tâm niệm tha thiết được tham dự trực tiếp một sinh hoạt học thuật đầy hấp dẫn: “Văn học Phật giáo Việt Nam 2000 năm: vấn đề tư liệu, danh mục tác phẩm, phiên dịch và nghiên cứu” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức vào ngày 12 tháng 01 năm 2024 tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Thiền viện Vạn Hạnh, tôi đã quyết định để lại những deadline sang một bên và dấn thân vào sự kiện này.
Những ấm áp đầu tiên không phải từ thời tiết của Sài Gòn mà từ Ban Tổ chức, sự quan tâm chu đáo đến các tác giả tham dự Hội thảo làm cho tôi rất xúc động. Bởi, dù tôi có đến và đi một mình trong một chuyến bay thì vẫn có người đưa – đón, quan tâm ân cần các bữa ăn giấc ngủ cho các đại biểu từ xa đến của Ban hậu cần. Dù thời gian diễn ra Hội thảo ngắn – một ngày (so với việc tổng kết sự nghiệp 2000 năm của một nền văn học Phật giáo) nhưng lại rất hợp lý – hai buổi sáng chiều với 4 chủ đề diễn ra song song cùng 2 phiên khai mạc và tổng kết Hội thảo, tôi chỉ có thể nói một từ đó là rất chuyên nghiệp – khoa học.
Một hội thảo không chỉ rộn ràng về không khí mà giàu tính học thuật với rất nhiều khám phá, phát hiện mới về tư liệu, sử liệu, văn bản, tư tưởng triết học, triết lý, nghệ thuật và giá trị của văn học Phật giáo Việt Nam. Bốn chủ đề được trình bày kéo dài 3 phiên mỗi chủ đề là một sự nỗ lực lớn của Ban Tổ chức, nhằm tạo điều kiện cho các tác giả được trình bày các nghiên cứu của mình. Khác với tinh thần “tĩnh” của Đạo Phật, các nghiên cứu được trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc đảm bảo tinh thần hòa quang đồng trần. Tôi thấy được sự sôi nổi trong phiên thảo luận, các kết luận của các ban Chủ tọa vừa có tính khái quát vừa có tính gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo để lấp đầy các khoảng trống bằng việc trả lời các câu hỏi lớn trong các buổi thảo luận. Khi làm chủ tọa trong phiên 3 chủ đề 3: Văn học Phật giáo: tư tưởng và nghệ thuật, tôi rất ấn tượng với cách đặt vấn đề và cách gợi nhiệm vụ cho các nhà nghiên cứu, các Tăng Ni sinh trẻ của Ni sư TS. Thích Nữ Như Nguyệt cần đi giải đáp và chứng minh cho câu hỏi có tính giả thiết: có phải Văn học Phật giáo Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII không có nhiều danh tác, tác giả hay không? Tôi phải nhấn mạnh, đây là vấn đề rất hay, rất có ý nghĩa để có thể hiểu và lý giải về sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong nói chung và văn học Phật giáo Đàng Trong nói riêng.
Phiên Bế mạc chúng tôi được các Hòa thượng Thích Tâm Đức, PGS.TS. Lê Giang, HT.TS. Bửu Chánh, HT.TS. Thích Minh Thành tổng kết Hội thảo khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của Hội thảo, khẳng định văn học Phật giáo không chỉ là thành tố của văn học Việt Nam góp phần làm nên đời sống tinh thần phong phú của người Việt Nam tạo dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mà hơn hết, văn học Phật giáo Việt Nam còn là một giá trị, một tài sản vô giá của Việt Nam. Tôi cũng vô cùng xúc động khi TT.TS Thích Nhật Từ gửi lời cảm ơn tới tất cả các học giả, đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng các ban ngành đã cùng hiệp tâm để có được thành công của Hội thảo.
Trở lại Hà Nội để bắt đầu một tuần làm việc mới, trong tôi vẫn còn nguyên ấn tượng về hình ảnh các học giả, các Tăng, Ni sinh, các nhà nghiên cứu Phật học vẫn đang miệt mài đi tìm và làm đầy cho một nền học thuật Phật giáo nước nhà. Thiết nghĩ, đó là những việc làm vô cùng có ý nghĩa và giá trị trong bối cảnh hiện nay. Tôi tin rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Giáo hội, của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phật giáo Việt Nam sẽ từng bước khẳng định giá trị bền vững của mình trong quá trình đồng hành cùng dân tộc, hơn nữa, Phật học Việt Nam một khi được củng cố, được phát triển sẽ tạo động lực cho sự phát triển một Giáo hội ngày càng vững mạnh. Tôi có thêm niềm tin và dự cảm tốt đẹp vào điều ấy.
TS. Bùi Thị Thủy –Học viện Ngoại giao (ĐSHĐ-125)