Thong dong chèo chiếc thuyền từ
Đưa người về cõi vô dư Niết-bàn
Ánh trăng trải khắp trần gian
Thuyền về đầy ắp, trăng vàng sông trăng.
Thật vậy, Đức Thích Ca Mâu Ni giáng sanh xuống cõi Ta bà, cứu độ chúng sanh thoát khỏi trầm luân không ngoài mục đích: “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến. Sau khi tìm ra chân lý, Ngài thấy rằng: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật”, nhưng vì nhiều kiếp trôi lăn trong sanh tử khổ đau, tánh Phật bị lu mờ bởi Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến. Sáu món này nó sai sử, bao phủ như mây mù che khuất vầng trăng không chiếu sáng trần gian. Kinh Trung Bộ tập 2, Đức Phật dạy: “Tất cả chúng ta đều có Như Lai tạng, chỉ cần xứng tánh, thì trí năng công đức của Như Lai tạng sẽ dẫn phát khai triển đạt quả Như Lai”. Tất cả chúng ta đều có nguồn tâm, phát ra nơi tâm, gọi là tánh biết. “Nhứt minh tinh sanh lục hòa hiệp”. Nghĩa là từ tánh biết phát ra sáu căn, gọi là: tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm v.v… Cần xứng tánh là xứng với tánh thật, thì trí năng công đức Như Lai sẽ phát sanh. Một khi sống được với tánh thật rồi thì trí huệ phát sanh, dẫn đạo cho tất cả việc làm, nhiệt não biến thành thanh lương, vô lượng công đức phát sanh từ đây.
Vua Trần Thái Tông có hai câu thơ:
“Ngàn sông có nước, ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây, muôn dặm trời”.
Nghĩa là khi tâm lặng thì trí sáng, ta thấy muôn sự, muôn vật, không có vật nào lộn vật nào. Cho nên, vạn vật đến-đi, tâm ta an nhiên tự tại, không ảnh hưởng gì đến sự vui buồn, vướng mắc nơi tâm.
Không mây là không có sự phiền não, không có vọng động. Khi phiền não lắng xuống, ta nhận được tánh biết, bấy giờ cả bầu trời thênh thang hiển hiện, chỉ còn một tâm không năng, không sở, không người, không ta, không có bốn tướng: “NHÂN, NGÃ, CHÚNG SANH, THỌ GIẢ”. Trên bầu trời không có vầng mây nào cả, nhất là vầng mây bản ngã, chính nó là vầng mây đáng sợ nhất. Thiền sư Đại Giác có bài hành văn, Ngài nói rất thống thiết: “Đừng để khi đến bến sông mà không có thuyền, chiều đã xuống, khách lữ hành ra bến sông, lại không có thuyền để sang bờ bên kia”. Ngài nhắc nhở chúng ta đừng để cuộc đời trôi suông theo vọng động, mê mờ. Không lo tu hành, tích lũy công phu, đến khi tuổi xế chiều, tóc đã hoa râm, đường trở về quê cũ (nguyên quán), nơi xuất phát ra đi, thì ôi thôi! Mờ mờ, mịt mịt. Lã Trạng Nguyên diễn tả con người qua mấy vần thơ:
Bận rộn lăng xăng nhọc đuổi tìm
Xuân Thu nóng lạnh trải bao năm
Sáng sáng, chiều chiều, lo kế sống
Mờ mờ, mịt mịt, tóc hoa râm
Đúng đúng, sai sai, bao giờ dứt
Phiền phiền, não não, lúc nào xong
Rõ rõ, ràng ràng, đường thẳng tắp
Một mực khăng khăng, tu chẳng kham”.
Một niệm lành, niệm thiện, có lòng từ bi cứu giúp những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ, đó là Phật Đản Sanh, vì lúc ấy chúng ta đang sống ở cõi Phật. Mỗi ngày chúng ta phải giữ cho tâm mình thanh tịnh, canh chừng sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) khi tiếp xúc sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), đừng để cho nó đắm nhiễm. Một niệm ác dấy lên do ba độc (tham, sân, si) gây ra, ta liền hóa giải, thế là tâm ta giữ được trạng thái thanh tịnh. Đức Phật đã từng dạy: “Tâm của chúng ta đi khắp ba cõi, sáu đường, tâm cũng tạo thiên đường, tâm cũng tạo địa ngục”. Chúng sanh sở dĩ bị lưu chuyển trong sáu nẻo luân hồi, là bởi mê mất bổn tâm, nhận lầm thân tứ đại cho là thật. Người học đạo chẳng sáng tỏ Chơn tâm, thì suốt đời cứ mải miết chạy theo cái đẹp tạm bợ. Không nhận được cái Chơn tâm sáng suốt, thanh tịnh của chính mình. Cái đẹp của chính mình tuy không có màu sắc, hình dáng, nhưng lại là cái đẹp đích thực. Chúng ta phải có cái nhìn đúng đắn, hãy sống với Chơn tâm, Phật tánh nơi chính mình, đó là chúng ta đang giải thoát trong từng phút từng giây. Vua Trần Thái Tông diễn tả về sáu căn và sáu trần:
“Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm khách, phong trần mãi
Ngày hết quê xa, vạn dặm trường”.
Vì lẽ đó mà Đức Thế Tôn đã bày ra nhiều phương tiện, để dụ dẫn chúng sanh trở về tự tánh thanh tịnh vốn có của chính mình.
Ban đầu, khi mới thành đạo, Đức Thế Tôn giáo hóa chúng sanh, căn cứ môn phương tiện làm gốc. Ngài dạy: “Năm uẩn là vô ngã”, không có gì trường tồn, vĩnh cửu, các pháp do nhiều nhân, nhiều duyên mà sanh, đủ các duyên tụ hội gọi là Thành, khi nhân duyên không đủ thì tan rã. Hữu tình, Vô tình đều nằm trong bốn tướng “Sanh, lão, bệnh, tử”, “sanh, trụ, dị, diệt” hay Vô tình cũng theo định luật “Thành, trụ, hoại, không”. Để phá sự chấp ngã và ngã sở của chúng sanh, nên Đức Phật dạy: “Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán”.
Phật lại dạy: “Phật tức tâm, tâm tức Phật”, bởi đạo ở nơi tâm, thành đạo là do nơi tâm thực hành, chớ chẳng phải do sự tranh luận mà được. Còn nếu mình mê muội tà vạy, thấy, biết chẳng Chơn chánh, sanh Tham, Sân, Si theo các điều tà kiến, làm những sự vô minh bất chánh. Ấy thật là ma vương ở nơi tâm mình, chớ không có ma vương nào khác. Giác ngộ Chánh kiến tức là Phật, mê muội tà kiến là ma vương. Người tu phải biết biến ma làm Phật, tà kiến biến thành Chánh kiế
n. Ấy là cách phản vọng quy chơn, đem phàm về Thánh, đổi phiền não ra Bồ đề.
Người tu hành không biết cái Chánh pháp này, đi tìm cái đạo ở ngoài, chỉ luống uổng công phu tu tập, rốt cuộc vẫn ở trong vòng luân hồi, biến chuyển, sanh sanh, diệt diệt mãi, không bao giờ an tịnh Niết-bàn.
Tâm thanh tịnh, như nước không gợn sóng
Ánh trăng vàng, in bóng dưới hồ thu
Tẩy trần tâm, gột rửa thật công phu
Trăng vằng vặc, in hình nơi đáy nước.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-128)