Hôm nay, trong khung cảnh trang nghiêm nơi Phật điện, khói trầm quyện tỏa ngào ngạt bay theo làn gió, ánh nến lung linh huyền diệu. Đức Bổn Sư tĩnh tọa nơi đài sen, dung nhan Ngài ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, khiến tâm con vô vàn cảm kích. Bút mực nào tả hết được công hạnh của Ngài. Cao quí thay! Một bậc vĩ nhân xuất thế. Ngài đã tuyên bố rằng: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn.”1
Ngài sinh ra trong cung vàng điện ngọc, tại sao Ngài không thọ hưởng ngũ dục mà phải vào tận rừng sâu, sống đời sống thanh bần thủ đạo của người tu sĩ? Khất thực độ nhựt, vui cùng trời mây non nước, lấy không gian làm nhà, cỏ, đất làm giường chõng. Ngài sinh ra cũng là một con người, có cha mẹ, có gia đình, ấy thế nhưng Ngài đã dùng gươm trí tuệ chặt đứt sợi dây phiền trược, gạn lọc vi tế vô minh, chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác, thành Phật vậy thôi.
Trong Kinh Phạm Võng có ghi: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”2. Do vậy, chúng ta phải có đức tin, vì niềm tin là cửa ngõ đầu tiên đưa đến việc thành công. Tin trong chữ Hán gọi là “tín”. Trong xã hội, các xí nghiệp, công ty, giữ được chữ “tín” thì công nhân hay người đối tác mới tin tưởng cộng tác trong công việc làm ăn, thợ thuyền mới tận tâm, tận lực đưa công ty hoặc xí nghiệp đó đến chỗ vinh quang. Bạn bè giữ uy tín lời hứa, đến đúng giờ, đúng hẹn, nợ nần giao trả đúng thời hạn, thì tình cảm bạn bè mới bền lâu và không bị đánh giá thấp. Người mà xem nhẹ chữ tín sẽ khiến cho người xung quanh mất niềm tin về mình, muốn phát khởi niềm tin trước tiên phải tin nơi chính mình.
Người làm công có tin tưởng người chủ, thì mới trung thành với chủ.
Bạn bè tin nhau mới giúp nhau trong mọi tình huống.
Vợ chồng có tin tưởng nhau thì mới sống hạnh phúc đến răng long, đầu bạc.
Làm ăn có niềm tin, vượt khó, mới thành công mỹ mãn.
Thầy trò có tin tưởng, mới giao trọng trách trong các Phật sự.
Tu hành có đức tin, mới đạt được quả vị an vui.
* Tin ta vượt mọi khó khăn
Tin ta làm nổi cũng bằng đệ huynh
Tin ta thiện pháp có sinh
Tin ta thay đổi bịnh tình xưa nay
Tin ta khắc phục từ rày
Tin ta cố gắng đêm ngày chăn trâu
Tin ta từ lúc ban đầu
Tin ta nỗ lực ngõ hầu tiến thân
Tin ta Phật Pháp được gần
Tin ta dưa muối có phần an vui
Tin ta có tiến không lùi
Tin ta cố gắng lau chùi thanh cao
Tin ta cửa pháp được vào
Tin ta phá ngã từ bao nhiêu đời
Tin ta bớt nói, ít lời
Tin ta học đạo muôn đời vui theo
Tin ta gắng sức chống chèo
Tin ta chèo được nhổ neo vào dòng
Tin ta buông mái thong dong
Tin ta chở được một dòng sông trăng.
Đức Thế Tôn cũng dạy: “Tất cả kinh giáo Ta dạy, như ngón tay chỉ mặt trăng3” (Nhất thiết Tu-đa-la như tiêu nguyệt chỉ) mỗi chúng ta phải tự tu tập, phải “Tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình”4. Cho nên, Đức Phật luôn luôn sống trong an lạc, đi những bước chân vững chãi thảnh thơi, còn chúng ta đi trong hối hả, vội vàng, như bị ma đuổi:
“Ôi hối hả! Ôi vội vàng
Văn minh thời đại rộn ràng xa hoa
Quên mình đang mặc ca sa
Quên luôn lối rẽ vào nhà thất trân
Dừng lại đi, cho tâm tư tĩnh lặng
Uống cam lồ, nghe hơi thở vào ra
Đượm khắp châu thân, thấm dịu hiền hòa
Vào phế quản, vào tim ta tươi mát
Nở nụ cười, tỏa hương thơm ngào ngạt
Tâm từ bi, hạnh hỷ xả trao người
Sống vui nhàn trong hiện tại vui tươi
Đời đáng sống, ta đang cần được sống
Sống tuyệt vời không có gì mơ mộng
Trong phút giây, trong hiện tại nhiệm mầu”.
(Tham khảo tài liệu Thiền Sư Nhất Hạnh)
Như Lai đã từ bi chỉ dạy phương pháp đưa chúng sanh đến chỗ an vui, giải thoát. Ngài tuyệt đối không dùng quyền lực bắt buộc hàng hậu học phải tôn xưng Ngài là đấng Giáo chủ như các Tôn giáo khác. Ngài đã từng dạy: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành giống như Ta không khác. Nếu các ông đoạn trừ vô minh, hoặc nghiệp, tối thiểu thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo, thì đạo quả các ông ắt được thành tựu viên mãn”. Tuy nhiên, trong kinh cũng có đoạn: “Các người tin Ta, theo đạo của Ta mà không hiểu Ta và giáo pháp của Ta là không những phỉ báng Ta mà còn phỉ báng đạo của ta nữa”5.
Qua những lời dạy trên chúng ta thấy rằng, Ngài rất mực bình đẳng: Bình đẳng giai cấp, bình đẳng giới tính (Ngài đã cho Ni giới một chỗ đứng trong Tăng đoàn), bình đẳng quả vị (Nếu chịu gạn lọc và thực hành như lời dạy thì sẽ được như ngài). Chúng ta hãy giữ vững niềm tin nơi chánh pháp.
Ni Sư Phước Giác (ĐSHĐ-009)
Diễn đọc: SC Hải Thuần
- Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông 1, Nxb Tôn Giáo, 2012, trang 43.
- “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính. Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật, thường tác như thị tín, giới phẩm dĩ cụ túc”. Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật, Bồ- tát giới, Nxb Tôn Giáo, 2002, trang 183.
- Thích Thiện Siêu, Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện, Nxb Tôn giáo, 2003, trang 173.
- Thích Minh Châu, Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1998, trang 6.
- Thích Quang Nhuận, Phật học khái lược 1, 3. Nxb Tôn Giáo, 2004, trang 28.