Trong cuộc đời, có những người ta gặp gỡ mỗi ngày nhưng không để lại ấn tượng gì đặc biệt, nhưng có những người chỉ gặp một lần trong đời cũng để lại ấn tượng không bao giờ quên. Đối với tôi, Ni trưởng Huệ Giác (người được đệ tử gọi một cách trìu mến đầy tôn kính bằng cái tên Ông Già) chính là một người như thế.
Tôi có duyên lành được gặp Ông Già khi đang du học tại Ấn Độ. Thời điểm đó, Sư cô Hương Nhũ (nay là Ni sư Hương Nhũ) là đệ tử của Ông Già cũng đang học tập tại Ấn Độ. Lúc đó, tôi chưa hiểu gì về Phật pháp, cũng chưa có thói quen đi chùa, nhưng do ký túc xá nơi tôi ở gần với Sư cô Hương Nhũ nên tôi thường qua lại chỗ Sư cô. Sư cô thu hút tôi bởi những câu chuyện Phật pháp dễ hiểu, bởi cách truyền đạt đi vào lòng người. Sư cô cũng thường nhắc đến Ông Già và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với người Sư phụ đáng kính. Lúc đó, mặc dù chưa được diện kiến Ông Già nhưng tôi cũng đã dần phát triển một tình cảm ngưỡng mộ và cảm giác thân thuộc, và mong ước một dịp nào đó được gặp Ông Già.
Thế rồi dịp đó cũng đến. Năm đó tôi là sinh viên Đại học năm thứ ba ở Ấn Độ. Sư cô Hương Nhũ nói với tôi là, sắp tới Ông Già sẽ sang Ấn Độ đi hành hương Phật tích và sẽ cho tôi đến gặp Ông Già. Tôi đã rất háo hức mong chờ cuộc gặp này. Vì vậy, khi Ông Già đến Delhi, tôi đã đến nơi Ông Già ở để gặp. Bước vào phòng Ông Già, nơi lúc nào cũng có đệ tử vây quanh, nhìn thấy Ông Già, tôi chắp tay cúi đầu chào. Sau đó, được sự cho phép của Ông Già, tôi ngồi xuống bên cạnh Ông Già. Thực ra, lúc đó tôi cũng không hiểu nhiều về lễ nghi phép tắc trong Phật giáo nên không biết mình có điều gì thất lễ hay không. Nhưng tôi cảm nhận ở Ông Già sự hiền từ, nhân ái và tôi không hề cảm thấy sợ sệt hay lo lắng giống như cảm giác tôi thường có khi gặp những nhân vật quan trọng, vì tôi vốn là người nhút nhát.
Ông Già nhìn tôi hiền từ và hỏi:
– Thế con học ở đây được lâu chưa?
– Dạ, thưa Ông Già con ở đây được gần 3 năm ạ.
– Thế ở gần các thầy cô con đã học được những gì?
– Dạ thưa Ông Già, điều này con khó nói ạ, vì những gì con học được cứ ngấm dần mỗi ngày.
Ừ, đúng vậy, con được ở gần các thầy cô, phải chịu khó học hỏi mỗi ngày một ít, để “mót công đức”. Con có biết những người đi mót lạc không. Sau khi những ruộng lạc được thu hoạch, nhiều người đi mót lạc trên những ruộng lạc ấy. Bằng sự chăm chỉ, sau một thời gian, những người mót lạc sẽ thu được rất nhiều lạc, thậm chí số lạc ấy có thể lớn hơn số lạc được thu hoạch chính thức. Việc tu tâm tích đức cũng vậy, con cũng phải chịu khó “mót công đức”. Giống như một người đi mót lạc chăm chỉ, sau một thời gian, con sẽ thấy là mình “mót” được rất nhiều công đức. Vì vậy, việc tu tập là không chờ đợi, là sự tích lũy hàng ngày…
Thời gian trôi đi, tôi có thể không nhớ được chính xác từng lời Ông Già nói, nhưng những ý tưởng về việc “mót công đức” thì theo mãi cùng tôi cho đến bây giờ và chắc chắn cả sau này cũng vậy. Tôi luôn biết ơn về cuộc gặp gỡ với Ông Già. Hình ảnh những người mót lạc cần mẫn chăm chỉ rất dễ hình dung đối với tôi. Vì tôi xuất thân từ một gia đình công nhân viên chức nhưng lại sống ở nông thôn, và khi còn bé, khi những gia đình hàng xóm của tôi thu hoạch lạc vào mùa lạc, tôi và các bạn cùng lứa thường rủ nhau đi mót lạc. Những ngày mót được túi lạc to đem về cho cha mẹ là những ngày tôi cảm nhận niềm vui thật ngọt ngào. Trong thời buổi kinh tế khó khăn chung của đất nước những năm 80, những túi lạc mót của tụi trẻ con chúng tôi cũng giúp cải thiện cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Chúng tôi đã lớn lên cùng những bữa cơm với muối vừng làm từ những củ lạc mót được.
Sau câu chuyện về “mót công đức, mót lạc”, Ông Già hỏi tôi:
– Con có Pháp danh chưa?
– Dạ chưa ạ.
Thế là Ông Già xoa đầu tôi rồi bảo:
– Con ngồi xuống đây Già đặt Pháp danh cho.
Lúc đó, tôi chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của việc đặt Pháp danh, nhưng cũng quỳ xuống theo sự ra dấu của những đệ tử của Ông Già có mặt lúc đó. Rồi Ông Già nói:
– Ta đặt cho con Pháp danh “Ngọc Sáng”. Từ nay, con sẽ có Pháp danh “Ngọc Sáng”.
Mặc dù chưa hiểu hết được sự thiêng liêng của việc đặt Pháp danh vào thời điểm ấy, nhưng tôi cũng rất thích cái tên “Ngọc Sáng”. Tôi cúi lạy cảm niệm công đức của Ông Già. Ông Già dặn dò tôi phải chịu khó học hỏi những điều tốt đẹp từ thầy cô, tu nhân tích đức để trở thành một người tốt, có ích cho xã hội.
Cho đến bây giờ, tôi thấy mình thật diễm phúc có được Pháp danh, lại được một bậc thầy xuất chúng, đáng kính đặt cho. Cái tên đó nhắc nhở tôi rằng, mình cũng là một người có bổn phận học tập và thực hành “Đạo Pháp”.
Quả thực, tôi cảm nhận Ông Già là một bậc tôn túc hiếm có ở cuộc đời này. Mỗi ngày tôi trưởng thành hơn, gặp gỡ nhiều người hơn, nhưng những lời dạy giản dị mà sâu sắc cùng với những ấn tượng đẹp về cuộc gặp gỡ với Ông Già tại đất nước Ấn Độ linh thiêng đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm thức tôi.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Ông Già xuất gia và họp mặt truyền thống tông phong, từ trong tim mình, tôi cầu nguyện Ông Già luôn luôn khỏe mạnh, thân tâm thường an lạc, vạn sự cát tường, phước như Đông Hải, thọ tỉ Nam Sơn.
Nam mô A Di Đà Phật!
Ngọc Sáng (ĐSHĐ-053)
Đại Đức Bản Thành diễn đọc