Đã lâu lắm rồi thầy không liên lạc với con. Hôm nay, vô tình thầy đọc được những dòng tâm sự con viết cho thầy mà chưa gửi. Đó là những điều con phân vân, khó mở lời với thầy. Vấn đề liên quan có lẽ vì nhiều lần thầy khuyên người con Phật thà hy sinh mạng sống cũng phải “giữ đạo” nhất định “không cải đạo”.
Con ạ! Trong số các con, ai lấy chồng khác đạo, nếu đối phương đề nghị con đi học đạo của họ ba tháng thì các con nên đề nghị họ học đạo của mình lại ba mươi năm, bằng không đạo ai nấy giữ. Con người sống luôn mưu cầu hạnh phúc, nhưng vì sao hạnh phúc vẫn không có? Chính vì lòng sợ hãi luôn chiếm ngự trong tâm, khiến ta luôn suy nghĩ và làm những việc sai lầm. Điều này cũng dễ hiểu khi thầy phát hiện những dòng tâm sự của con cất trong ngăn tủ. Thế nên, các con phải ghi nhớ chớ có để sự sợ hãi ngự trị trong tâm.
Trong tình yêu, cả hai đều muốn mình là người hạnh phúc, được chia sẻ những buồn vui. Và một điều vô cùng cần thiết để tình yêu có thể sống mãi đó là sự tôn trọng. Vì sự tôn trọng nhau là nền tảng cho việc nảy nở hạnh phúc và phát triển các mối quan hệ tốt đẹp thêm. Cho nên, sự tôn trọng phải hoàn toàn trong sáng và không có chủ đích. Trong bất kỳ mối quan hệ nào, ai cũng có nhu cầu được tôn trọng, huống chi trong tình yêu vốn cao đẹp như thế con lại không cần sự tôn trọng sao? Nếu ngay từ đầu con không được người đó tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng liệu con cải đạo có thay đổi được gì không? Hay hành động cải đạo là sự biểu hiện mềm yếu và lệ thuộc của con vào người đó, để rồi người ta sẽ đánh giá rằng: “Con người mà bỏ đạo dễ dàng như thế thì cũng có thể… bỏ mình trong một sớm mai”.
Con còn nhớ không! Khi con được chính thức trở thành người Phật tử, trong buổi lễ quy y, con đã từng nguyện: “Đệ tử suốt đời quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên thần quỷ vật. Đệ tử quy y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo tà giáo. Đệ tử quy y Tăng, nguyện trọng đời không quy y tôn hữu ác đảng”. Giây phút thiêng liêng, thành kính ấy lẽ nào chỉ là giây phút nhất thời để rồi con quay lưng lại với lời nguyện tốt đẹp này chỉ vì tiếng gọi mang tên tình yêu, mà phía trước con không biết chắc hạnh phúc có lâu bền?
Trong khi đó, việc trở về nương tựa Tam bảo sẽ xác tín cho con một đời sống tinh thần tâm linh vững chãi, để từ đó kiến tạo những hạnh phúc không chỉ trong đời này mà còn nhiều đời sau nữa. Nếu chỉ vì một vài giây phút bị lung lạc tinh thần bởi những lời ngọt ngào hay một ai đó để rồi con chấp nhận quy y một đối tượng khác, nghĩa là con đã phản bội chính mình. Đó là nhân để đến một lúc, người ta sẽ phản bội con theo quy luật nhân quả tất yếu, con à!
Vì vậy, con phải suy nghĩ cho thật kỹ và thấu đáo. Nếu không có sự tôn trọng mà chỉ có sự ép buộc bằng những nguyên tắc giáo điều, thì tình yêu đó sẽ nhanh chóng đổ vỡ hoặc có người trở thành kẻ phải chịu đựng khổ đau. Như thế, trong mối quan hệ ấy, con làm sao có thể có hạnh phúc, vì chính phút giây đi tới cái gọi là tình yêu, con và người ấy đã tạo ra một nhân xấu, biến mỗi người thành vô ơn, phản bội gốc rễ tâm linh vốn cần phải được gìn giữ, tôn trọng.
Việc tín ngưỡng tôn giáo là vấn đề thiêng liêng bất khả xâm phạm, không ai có thể ép buộc người khác cải đạo. Đừng phân vân mà đặt ra những giả thiết đi cùng với những sự mất lập trường như sợ người yêu đối xử không tốt nên con cải đạo. Vậy khi cùng đạo thì anh ấy mới tốt với con sao? Nếu đó là sự thật thì người yêu con chỉ đối xử tốt với người cùng đạo và đó là định kiến phân biệt, là thái độ ích kỷ, thay vì bao dung – một phẩm chất cần có của con người, và tất nhiên cũng cần có trong tình yêu.
Dân gian có câu: “Thương nhau, thương cả đường đi lối về”, ngầm nhắc về sự chấp nhận hài hòa với nhau trong quan hệ, với những điều được và chưa được, cái chung và dị biệt giữa hai bên, để thương yêu là yêu thương cái tổng hòa các mối quan hệ của đối phương chứ không phải chỉ một vài đặc tính mà mình thấy là tốt, còn kiên quyết loại bỏ những cái chưa được của người kia. Nếu yêu thương theo cách như vậy thì sớm muộn cũng xảy ra xung đột gay gắt, nó có thể nhấn chìm hết những thương yêu trước đó, vốn chỉ là bề nổi của tình thương nhất thời.
Trên suy nghĩ đó, con có thể hình dung rằng, người đó có cưới con thì cũng chỉ tốt với mình con thôi còn bố mẹ, anh chị em, ông bà con không cải đạo chắc chắn sẽ không được đối xử tốt, thậm chí chống lại, đả kích, xem thường… Nếu bố mẹ con muốn được đối xử tốt thì phải cải đạo hết. Người như vậy theo thế gian là gia trưởng, độc đoán, liệu có xứng đáng để con yêu và lấy làm chồng không? Và khi lấy họ rồi, lấy gì để bảo đảm sự tôn trọng cần thiết họ dành cho con, mà tôn trọng, như con biết, chính là điều kiện tối thiểu để người với người có thể nhìn nhau, trò chuyện và sẻ chia với nhau. Do vậy, trong đời sống vợ chồng nhất thiết phải có sự tôn trọng ấy, bắt đầu bằng việc tôn trọng gốc rễ tâm linh của người mình thương, không thể dùng lớp vỏ tình yêu để bắt người kia rũ bỏ đạo đức, lòng biết ơn và sự kính trọng đối với truyền thống tâm linh mà họ đã, đang quy hướng.
Thứ nữa, khi yêu con, anh ấy đã đặt tôn giáo lên hàng đầu chứ không phải tình yêu dành cho con. Điều này con không nhận ra sao? Nó khẳng định một lần nữa, anh ấy là con người bảo thủ và gia trưởng. Bảo thủ vì không quyền biến áp dụng giáo điều để mang đến lợi ích mà khư khư cho rằng đó là điều không thể, nên chỉ biết vâng lời, không có sự suy xét đến hạnh phúc. Và gia trưởng vì tuy miệng không nói “em phải cải đạo theo anh” nhưng ngầm gửi thông điệp “anh sẽ không tốt với em được nhiều nếu chúng ta khác đạo”. Con người bảo thủ và gia trưởng trong công việc thì làm gì cũng gặp khó khăn, công việc thất bại, còn trong tình yêu thì chắc chắn sẽ không thể tạo ra hạnh phúc cho gia đình. Khi con biết họ như vậy, cưới nhau rồi liệu sống hạnh phúc có hay không?
Việc con cải đạo không khó, người theo đạo và giữ đạo mới là khó. Vì sao? Người theo đạo và một lòng mong muốn giữ đạo thì luôn gặp chướng ma ngoại cảnh quyến rũ, duyên trần khuấy động, làm cho lòng không yên, tâm không định, thế nên khi nghĩ đến cải đạo là thuận theo ma nghiệp nên tâm dễ làm. Vì vậy, người Phật tử hằng ngày phải nhớ nghĩ về bốn ơn: ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn quốc gia xã hội và ơn Tam bảo.
Ngày nay, con có suy nghĩ gì khi nhớ về những bậc một lòng hoằng dương chánh pháp, những người đã hy sinh vì đạo, chẳng ngại gian khổ, xông pha nơi hiểm nguy, đối đầu với cái chết để cứu nguy cho đạo, mong muốn cho người đi sau được thuận duyên tu học? Trong các bậc tiền nhân đi trước chắc chắn có ông bà, cha mẹ, quyến thuộc nhiều đời của chúng ta đã từng thọ ơn và mang ơn Tam bảo, một lòng mong mỏi con cháu có thể tiếp tục chí hướng cao thượng, xiển dương giáo lý Phật đà, những mong báo đền bốn ân nặng.
Những điều mong mỏi đó chúng ta nay làm được gì? Thế mà ta quay lưng lại, mong muốn cải đạo tìm cầu hạnh phúc tạm bợ, ngắn ngủi trong đời sống thế tục vốn nhiều rủi ro, bất trắc!
Thầy nhớ, vào những năm 60 của thế kỷ XX, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, tín đồ Phật giáo bị ép buộc cải đạo nhưng rất nhiều người đã chấp nhận để xe tăng nghiền nát, thà đốt thân, thà chết vì súng đạn, chứ kiên quyết không cải đạo. Cho nên, Phật giáo Việt Nam mới vượt qua pháp nạn đó. Hôm nay, con sống trong thời bình, không có một viên đạn nào bắn ra, cũng chẳng xe tăng nào nghiền nát, vậy mà con đã sợ hãi? Nghĩ đến công ơn của các bậc tiền nhân, chúng ta chưa trả hết. Những hạnh nguyện cao đẹp đó lẽ nào không xứng để chúng ta học hỏi và noi theo?
Thích Nhật Hải (ĐSHĐ-005)