Từ thế kỷ II trở về sau, Phật giáo Giao Châu đã bắt đầu dần phát triển, như số lượng Tăng sĩ khá đông, chùa tháp xây cất nhiều hơn. Phong trào dịch kinh cũng dần được hình thành và lan rộng bởi chư Sư Ấn Độ và Trung Á. Các Tăng sĩ người Việt cũng dần xuất hiện.
Điển hình, ba Tăng sĩ thời kỳ đầu được ghi nhận như “Khương Tăng Hội (K’ang – Sen – Houci), người nước Khương cư1 (Sogdiane)”, cha mẹ sang Giao Châu buôn bán. Mười tuổi, cha mẹ mất, Ngài đã xuất gia và trở thành Tăng sĩ nổi danh thời ấy tại đây. Chính Ngài là người được biết đến về sự kiện đem Phật pháp đến Đông Ngô thời Ngô Tôn Quyền (229 – 252 TL). Kế đến, vị Tăng sĩ thứ hai là Ngài Thích Đạo Thiền người Giao Chỉ với nhân duyên xuất gia sớm, lập hạnh tinh nghiêm. Đến năm Vĩnh Minh thứ nhất (483), Sư Đạo Thiền nổi tiếng hành luật Thập Tụng và được Vua cho phép điều khiển Tăng chúng. Tiếp theo, một vị thiền sư phải nhắc đến trong thời kỳ này là Thích Huệ Thắng, là người Giao Chỉ, ở chùa núi Tiên Châu. Sư Huệ Thắng nổi tiếng một đời miên mật hành thiền định và tụng kinh Pháp Hoa. Sư mất khoảng niên hiệu Thiên Giám (502 – 5192).
Khoảng từ giai đoạn này, lần lượt các phái thiền ở Trung Hoa dần truyền vào Việt Nam như dòng thiền của Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci, ? – 602), thiền phái do Thiền sư Vô Ngôn Thông (? – 826) làm Tổ khai sáng, phái thiền Thảo Đường (1055 – 1205), kế đến là phái thiền Trúc Lâm Yên Tử…
Phật giáo tham gia mọi sinh hoạt văn hóa, chính trị, xã hội mà vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình3. Đặc biệt, qua sự kiện cuộc khởi nghĩa của Lý Phật Tử cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII, vua Lý Nam Đế xây ngôi chùa Khai Quốc với ý nghĩa mở nước và cũng là tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay. Cho thấy Phật giáo đã đóng góp vị trí to lớn cho đất nước.
Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, mà đỉnh cao là trong hai triều đại Lý (1010 – 1225) và Trần (1225 – 1400). Phật giáo trở thành quốc giáo. Song hành cùng sự hưng thịnh này, hai thiền phái lớn Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông với đặc tính nổi bật trong suốt thời kỳ du nhập và phát triển là dù có mang màu sắc ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ hay Trung Hoa nhưng khi đến với xã hội Việt Nam thì họ đã nhanh chóng biết thể nhập hài hòa, gần gũi đời sống dân tộc. Đặc biệt phải kể đến là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang văn hóa và ý thức dân tộc cao. Có thể nhận định rằng, văn hóa giai đoạn từ thế kỷ X đến XIV vừa thể hiện đậm tinh thần dân tộc và vừa mang âm hưởng Phật giáo. Nổi bật trong giai đoạn này phải kể đến đó là hai vị thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng Sĩ mang tư tưởng thiền tiêu biểu cho hai dòng thiền Vô Ngôn Thông và Trúc Lâm Yên Tử.
1.3.1. Tiểu sử và hành trạng Thiền sư Viên Chiếu
Thiền sư Viên Chiếu (圓 照, 999 – 10904), họ Mai tên Trực, quê ở Pháp Đường, Long Đàm. Sư là con của người anh bà Linh Thái Hậu vợ vua Lý Thái Tông. Thuở nhỏ, Sư được vị Trưởng lão giỏi về tướng số ở chùa Mật Nghiêm cho biết bản thân có duyên với đạo Phật nếu không xuất gia có thể yểu mạng. Sau khi chiêm nghiệm lời đoạn này, Sư đã xuất gia, thọ giới với Định Hương Trưởng lão tại ấp Tiêu Sơn.
Với sự thâm nghiêm thiền học nhiều năm và miên mật Kinh Viên Giác, Sư đã gặp được Bồ tát Văn Thù khai ngộ. Từ đó, Sư càng tinh thông pháp tam quán, tâm rõ khế hợp và thâm đắc “ngôn ngữ tam muội”, chuyên giảng kinh thuyết pháp.
Thiền sư Viên Chiếu (mất 1090) là thế hệ thứ tám5 thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Theo Thiền Uyển Tập Anh, “các Thiền sư Viên Chiếu (mất 1090) và Ngộ Ấn (mất 1090) rất am tường phép Tam Quán của Viên Giác, và các Thiền sư Tín Học (mất 1190) và Tịnh lực (mất 1173) đều đắc ngộ Viên Giác Tam Quán6.” Cụ thể, phép Tam Quán trong kinh Viên Giác được hiểu là Xa Ma Tha (Samatha), Tam Ma Bạt Ðề (Samapatli) và Thiền Na (Dhytha), tất cả đều là những phương pháp thiền định tu chứng.
Tác giả Nguyễn Lang nhận định “Vị thiền sư thi sĩ tài ba nhất của thiền phái Vô Ngôn Thông là Thiền sư Viên Chiếu (998 – 10907).”
Về sau, Sư dựng và trụ trì tại chùa hiệu là Cát Tường ở bên phải kinh đô Thăng Long. Sư còn soạn dịch “Dược Sư Thập Nhị Nguyên Văn.” Bản soạn này được chư vị Cao tọa pháp sư ở chùa Tướng Quốc, Trung Hoa nhận định là nghĩa kinh rất tinh vi, không dám thêm bớt một chữ. Từ đó, vua Triết Tông ở Trung Hoa và vua Lý Nhân Tông cùng triều đình nước ta rất kinh phục sự uyên áo của Sư.
Tháng 9 năm Quảng Hựu thứ 6 (1090), Sư không bệnh, gọi đồ chúng đến, đọc kệ bốn câu và an nhiên thị tịch, thọ 96 tuổi, 56 tuổi hạ. Thiền sư đã để lại các tác phẩm lớn, đó là Tán Viên Giác kinh, Thập Nhị Bồ Tát Hành Tu Chứng Đạo Tràng và Tham Đồ Hiển Quyết, Dược Sư Thập Nhị Nguyên Văn.
Tác giả Nguyễn Hữu Lợi trong bài viết “Chùa Một Cột Với Tinh Thần Phật giáo Việt Nam Thời Lý” cũng đã đưa ra nhận định về “các Thiền sư Viên Chiếu, Cứu Chỉ, Ngộ Ấn… đều khai triển cái học TAM GIÁO gồm Nho, Lão, Phật để phụng sự quốc dân, khiến cho tinh thần «Bi, Trí, Dũng» của Phật giáo hay «Nhân, Trí, Dũng» của Nho giáo được các cấp lãnh đạo thực hành triệt để, xây dựng một nước Việt hùng cường và thịnh vượng8.”
1.3.2. Tiểu sử và hành trạng Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ
Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ, vốn có tên là Trần Quốc Tung (1230 – 1291), là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái Trần Liễu, Thượng sĩ là anh cả của Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Theo các học giả, Tuệ Trung Thượng sĩ có tên húy là Trần Quốc Toản9. Ngoài ra, Thượng sĩ cũng tức là Trần Tung (1230 – 1291) tước hiệu Hưng Ninh Vương10.
Lúc nhỏ, Ngài thể hiện bản chất thuần hậu, cao sáng. Bấy giờ, Ngài cũng đã có nhân duyên tham vấn với Thiền sư Tiêu Dao ở Tinh xá Phước Đường. Dần dần, Ngài lãnh hội được tinh yếu Phật pháp và luôn sống trong thiền duyệt.
Lớn lên, Ngài dần thể hiện khí chất thâm trầm. Vào năm 1251, “Tuệ Trung Thượng Sĩ được 21 tuổi và được phong tước Hưng Ninh Vương11”. Ngài còn được Vua giao trấn giữ đất Hồng Lộ.
Vào năm Mậu Dần (1278), niên hiệu Bảo Phù, Thánh Tông giao ngôi vua cho Trần Nhân Tông và lên vị trí Thái Thượng hoàng. Lúc bấy giờ, Vua Nhân Tông giải quyết việc triều chính vào ban ngày và thường tham vấn học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ khi về đêm, rồi nghỉ ở chùa.
Lúc bấy giờ, “Trong nước có những nhân tài như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản (tức Tuệ Trung Thượng sĩ), v.v… đều là những bậc anh kiệt thời đại, một lòng tận trung báo quốc12”.
Chính các vị anh hùng, đặc biệt là Tuệ Trung Thượng sĩ vừa cố vấn chính trị và vừa quân sự, đồng thời đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến. Ngoài ra, còn có rất nhiều sự đóng góp của các bậc hào kiệt khắp đất nước đã tạo nên một chiến thắng hào hùng đối với giặc Nguyên mà trước đó, đây là đội quân mà cả thế giới phải khiếp sợ.
Một học giả khác cũng nhận định về thời đại huy hoàng được tạo nên bởi sự ra đời nhiều bậc cao Tăng như Thiền sư Khuông Việt (933 – 1011), Vạn Hạnh (- 1018), Không Lộ (1016-1094), Mãn Giác (1052 -1096)… Và bên cạnh đó, còn có “xuất hiện nhiều bậc Cư sĩ kiệt xuất đã để lại sự nghiệp to lớn đối với Dân tộc, Đạo pháp như Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông (Trần Cảnh) (1218 – 1277), Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291) Trần Quốc Tuấn (1226 – 130013)”…
Ngài đã có công lớn với nước ta khi hai lần đánh lui quân Nguyên Mông xâm lược vào năm 1285 và 128714. Từ đó, Ngài được thăng chức Tiết Độ Sứ trấn ở cửa biển Thái Bình. Ngài vốn có lòng hướng về Đạo Phật từ nhỏ nhưng khi quốc biến hay quốc sự cần đến, Ngài đều phò vua, giúp nước. Điều đặc biệt, Ngài không màng công danh nên khi giặc yên, Ngài xin lui về ấp Tịnh Bang, sau đổi là làng Vạn Niên do vua ban cho để học hỏi Phật pháp, dốc lòng nghiên tầm giáo điển.
Dần dần, nhiều người đến tham vấn giáo lý được Ngài giảng rõ những phần cương yếu. Qua thời gian, tin này đến triều đình, vua Thánh Tôn đã cho sứ đến thỉnh Ngài vào cung hầu chuyện. Sau buổi đàm đạo này, vua đã tôn Ngài là Sư huynh, tặng tứ hiệu Ngài là “Tuệ Trung Thượng Sĩ15” và còn ký thác Vua Trần Nhân Tông còn trẻ cho Ngài. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã dốc lòng đem đạo lý của đức Phật truyền dạy cho vua Nhân Tông, chính điều này về sau đã định hướng chính khiến Vua lập ra và trở thành Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Phật giáo Việt Nam dù có nguồn gốc từ Ấn Độ hay Trung Quốc truyền sang và có chịu ảnh hưởng của nền Phật giáo hai nước này, nhưng qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… Phật giáo Việt Nam được kết tinh dần từ truyền thống tinh hoa của dân tộc, chuyển mình thể nhập sinh động trong lòng dân tộc và hài hòa trở thành tôn giáo của dân tộc từ giai đoạn thế kỷ X đến XIV. Để có được điều này nhờ vào sự có mặt của chư vị Tổ sư, Đại sư, điển hình qua hai vị Thiền sư Viên Chiếu và Tuệ Trung Thượng Sĩ,… Chư vị thiền sư các thời kỳ này đã có công rất lớn đối với Phật giáo nói chung và đất nước nói riêng. Khi nhắc đến Phật giáo tại Ấn Độ, học giả nghĩ đến Đức Phật vốn là Thái tử xuất gia và trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Còn ở Việt Nam thời kỳ này, nhân dân sẽ liên hệ ngay đến hình ảnh một vị vua cũng xuất gia, hành thiền miên mật, sau đó sáng lập ra Thiền phái của riêng Việt Nam và trở thành Tổ của dòng thiền này. “Nếu ở Ấn Độ có ông Duy Ma Cật là một cư sĩ ngộ đạo, ở Trung Hoa có ông Bàng Long Uẩn nói lên lời vô sanh, thì ở Việt Nam có ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng là một người cư sĩ tại gia tu hành thấy đạo rõ ràng, đến bên mé sống chết mà Ngài vẫn làm chủ tự tại16 ”.
TN. Trung Tâm (ĐSHĐ-114)
- Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1992, tr. 10.
- Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1992, tr. 11-12.
- HT. Thích Giác Toàn, Thẩm Mỹ Phật giáo thời Lý Trần qua văn chương, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, tr. 19.
- Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP. HCM, 1992, tr. 64.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nxb. Văn Học – Hà Nội, 2009, tr. 126.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nxb. Văn Học – Hà Nội, 2009, tr. 129.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nxb. Văn Học – Hà Nội, 2009, tr. 137.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, NXB. Văn Học-Hà Nội, 2009, tr. 137.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, NXB. Văn Học-Hà Nội, 2009, tr. 137.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, NXB. Văn Học-Hà Nội, 2009, tr. 137.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, NXB. Văn Học-Hà Nội, 2009, tr. 211.
- Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tư Tưởng Số 8, NXB. Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1971, tr. 67.
- Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tư Tưởng Số 8, NXB. Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1971, tr. 67.
- TS. Thích Phước Đạt, TS. Thích Hạnh Tuệ, TS. Thích Nữ Thanh Quế, Thiền Học Việt Nam, NXB. Phụ Nữ Việt Nam, Hà Nội, 2022, tr. 170.
- Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông 2, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr. 71.
- Thích Tâm Hạnh, Hãy Là Chính Mình, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 58.