Đó là phiên chợ diễn ra độ từ 23 – 30 Tết, tùy theo từng nơi. Sau một năm trời làm việc cật lực, dù dư dả hay thiếu thốn thì người ta vẫn đi chợ để mua sắm cho gia đình. Giàu thì mua theo kiểu quý tộc. Nghèo thì lựa chọn theo phong cách bình dân. Miễn sao người ta thấy phù hợp với túi tiền là được. Cũng có người Tết đến không có một xu, nhưng phải đi vay mượn đến phiên chợ Tết cho bằng anh bằng chị. Vì thế, mà chợ Tết bao giờ cũng nhộn nhịp, vui tươi.
Chỉ cần đến cách chợ vài trăm mét thôi thì người ta đã nghe thấy sự náo nhiệt. Dường như cả năm trời, mọi công dân ở thôn làng cố dành dụm lời nói, tiếng cười để rồi cuối năm ai cũng thoải mái hết mình vì niềm vui đó. Đã vậy tiếng gia cầm, thanh âm xe cộ đã làm tăng thêm bầu không khí làng quê sinh động.
Bước vào chợ sẽ bắt gặp ngay những chiếc xe đạp, xe máy dựng ngổn ngang. Thậm chí có nhiều chiếc ô tô ẩn mình sau những bụi trâm bầu. Cánh mày râu đưa vợ đến rồi ngồi chờ ngoài cổng. Quý ông nào ghiền cà phê, thuốc lá thì vào quán nước mà say sưa thả hồn theo làn khói. Trong khi có nhiều ông chồng nghiện đọc báo thì ngồi giữ xe tại chỗ và cầm tờ báo xem không rời mắt. Nhà lồng chợ được thiết kế hình chữ nhật. Hai bên nhà lồng là các cửa hàng tạp hóa bán bánh kẹo, vật phẩm, quần áo, giày dép. Bên trong thì là gian hàng thịt, cá, khô và các hàng ăn uống… Cuối nhà lồng, cặp mé sông là một dãy dài để các tiểu thương bán hoa và rau quả.
Các phụ nữ đi chợ Tết mua những gì? Tất nhiên là mua các thứ liên quan đến ngày Tết. Có những bà cụ, dù đã bước qua hàng 70 nhưng vẫn lọm khọm từ trong đồng ra tới lộ lớn để đón xe buýt hoặc xe ôm đến chợ huyện mà mua sắm. Bởi họ muốn được tự tay mình chọn những thứ ưng ý về mà gói bánh, nấu ăn, trang hoàng trong mấy ngày Tết. Trẻ con thường hay theo mẹ để tự tay chọn những bộ quần áo may sẵn mặc trong mấy ngày Tết. Không cho đi là giận, thùng thẩy, khóc nhè. Thương nhất là những hình ảnh ông – cháu, bà – cháu, nắm tay dắt nhau đi chợ Tết. Dù sự an toàn rất mỏng manh vì ngày Tết đông người, trẻ con hay bị lạc, người già thì bị chen lấn, nhưng họ thích được nhìn ngắm những màu sắc lung linh của Tết.
Không đi chợ Tết thì thôi, đã đi thì nghiện. Thấy thứ gì cũng đẹp, cũng quyến rũ nên các bà, mẹ, chị đều bị lôi cuốn muốn mua. Nhưng mua rồi thì về nhà lại tiếc tiền hùi hụi. Vì vậy mà các ông chồng thường đi theo để nhắc chừng kẻo vợ mình phóng tay mua sạch ví.
Ở quê đồ ăn thứ gì cũng tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi các thứ đều tự tay nhà vườn nuôi trồng rồi đem ra chợ bán. Vì thế, mà ai cũng yên tâm không sợ ngộ độc thực phẩm. Gian hàng thịt là ồn ào nhất. Bởi lúc nào cũng có tiếng dao chặt thình thịch xuống tấm thớt, hoặc tiếng mài dao nghe nổi da gà. Hàng chén đĩa là hiền lành và yên ắng nhất. Vì chẳng ai dám chạm mạnh những gốm sứ đắt tiền, lỡ dở một cái là coi như xui cả năm. Hàng quần áo được quý cô ghé thăm nhiều nhất, hàng bia rượu thì quý ông mê tít thò lò. Trẻ em lại khoái hàng ăn và hàng bánh kẹo.
Có thể nói hàng hoa quả là gian hàng đẹp nhất và nhiều người ghé thăm nhất. Cảm giác đi giữa hàng hoa tự nhiên thấy trong lành và tinh khiết biết bao. Đón lấy nhánh vạn thọ, cành hoa mai và hít một hơi thật sâu, nó ngào ngạt, thanh khiết và yên bình làm sao. Tết mà không có hoa thì không gọi là mùa xuân. Vì vậy mà hoa được chọn để chưng trên bàn thờ, trong nhà, nhằm đem lại may mắn. Các loại rau quả cũng được ưa chuộng. Thịt mấy ngày Tết phải có nhưng dường như chỉ chế biến cho có chứ ít ai dùng vì ngán. Nhưng rau quả thì được ưa chuộng. Một phần để chưng trên bàn thờ, phần còn lại để đãi khách và dùng trong mấy ngày Tết.
Phiên chợ diễn ra trong khoảng một tuần lễ. Mãi đến tối 30 Tết thì coi như xong. Hình ảnh ấy được duy trì đều đặn mỗi năm. Nhưng những năm trở lại đây, phiên chợ Tết quê bắt đầu thưa dần. Siêu thị, trung tâm thương mại về làng; các gian hàng thực phẩm online mọc lên như nấm trên các trang mạng xã hội, chợ điện tử. Người dân quê hào nhoáng trước các công trình sang trọng nên kéo nhau vào đó mua sắm. Phiên chợ Tết cũng vì thế, mà teo tóp hàng hóa (vì bán không được), thậm chí nhiều tiểu thương chuyển qua giao dịch với thương lái chứ không ra chợ bán. Dù biết rằng hiện đại giúp con người ta mở mang tầm mắt, tiếp thu văn minh của thành thị, thế giới. Nhưng với những người ưa hoài cổ, nhìn thấy cảnh phiên chợ quê vắng lặng, ai cũng đau đáu, quặn lòng.
Thành Trung (ĐSHĐ-113)