Phật tâm, tâm Phật nơi chúng sanh
Bồ đề chủng trí kết duyên lành
Gạn lọc cấu trần vô lượng kiếp
Hồi đầu thị ngạn, đến vô sanh.
Hoa Nghiêm nơi Đại hội Ngài Phổ Hiền Bồ Tát đã phát mười nguyện rộng lớn, để cứu độ chúng sanh thoát khỏi nguồn mê quay về bến giác. Trong kinh Đức Phật dạy rằng: “Sở dĩ chúng sanh luân hồi trong vòng sanh tử khổ đau, chính vì lãng quên tánh giác”. Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội Bồ đề, Ngài đã nhận ra rằng: “Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật”. Nhưng vì chúng sanh say mê, rong ruổi theo trần lao, mà trần lao là các món vô thường nó đâu bền chắc, bởi các món ấy do nhiều nhân, nhiều duyên hợp lại mới hình thành. Nếu chúng sanh biết được các pháp không thực thể, không bền chắc, thức tỉnh bỏ trần lao quay về bản tánh thanh tịnh vốn có của chính mình, ắt sẽ thoát được vòng sanh tử khổ đau. Vì muốn cứu độ chúng sanh nên Ngài Phổ Hiền đã phát ra mười đại nguyện.
“Nhứt giả lễ kính chư Phật”, thứ nhất là lễ kính các Đức Phật
Phật là bậc đã giác ngộ hoàn toàn, toàn năng, toàn trí, toàn giác, là đấng Cha lành của muôn loài. Phàm vị Phật nào cũng đủ mười danh hiệu: “Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn”. Quý Ngài bối trần hiệp giác, trở về tánh giác, là trở về bản thể bất động, nên không còn bị sanh diệt chi phối.
“Phật Thế Tôn” là bậc cao quý nhất trong thế gian và xuất thế gian, để tỏ lòng cung kính và nương theo công hạnh của chư Phật, mà hàng ngày chúng ta cung kính lễ bái, để chúng ta có được đời sống thanh cao, an lạc và thảnh thơi như quý Ngài.
“Nhị giả xưng tán Như Lai”, hai là khen ngợi Đức Như Lai
Ngài Phổ Hiền đã dùng thiệt căn nhiệm mầu thanh tịnh, để tán thán công đức rộng sâu của các Đức Như Lai. Từ đời này cho đến cùng tột đời vị lai nối luôn không dứt. Tại sao Ngài lại ngợi khen nhiều như thế? Vì các Đức Như Lai đã gạn lọc cấu trần trong vô lượng kiếp, đã thành tựu Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ví như viên ngọc kim cương trong sáng, không chút tỳ vết, không bị bụi trần làm vẩn đục, chúng ta không tán thán thì ai là người đáng để cho chúng ta tán thán?
“Tam giả quảng tu cúng dường”, ba là rộng sắm đồ cúng dường
Trong kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền có đoạn “Trong vi trần cõi nước ở mười phương, ba đời, mỗi mỗi đều có vi trần vô số cõi Phật, đều có hải hội các hàng Bồ tát vây quanh, ta do sức Phổ Hiền đem các thứ đồ cúng thượng diệu mà cúng dường. Như là mây hoa, mây tràng hoa, mây âm nhạc cõi trời v.v… Các thứ hương trời, hương bột, hương xông… mỗi mỗi thứ mây đó lớn như núi Tu-di, thắp các thứ đèn, đèn tô, đèn dầu thơm, v.v…, dầu trong đèn như nước biển lớn. Đem các thứ quý báu như thế để cúng dường, cũng không bằng một phần công đức của Pháp cúng dường. Vì sao? Vì các Đức Như Lai đều tôn trọng Chánh pháp vậy. Đức Phật dạy rằng: “Nếu đệ tử của ta y theo lời dạy của các Đức Như Lai mà tu hành, xa lìa ngũ dục, hành trì đúng theo Giới luật, tức là đã thành tựu được pháp cúng dường. Tu hành như thế là chơn thật cúng dường, là món cúng dường rộng lớn và thù thắng hơn cả.”
“Tứ giả sám hối nghiệp chướng”, bốn là sám hối nghiệp chướng
Sám là Phạm âm, nói cho đủ là “sám ma”, Trung Hoa dịch là “hối quá”. Lấy “sám ma” và “hối quá” gọi chung là “Sám hối”. Nghĩa là ăn năn, hối cải, sửa đổi nghiệp của thân, khẩu, ý đã gây tạo từ trước, nguyện từ nay trở đi không dám tái phạm. Từ kiếp quá khứ do lòng tham lam, sân hận, ngu si phát ra nơi thân, khẩu, ý mà tạo nghiệp chẳng lành. Nay nhờ Phật chỉ dạy biết được những điều tội lỗi, trước gây nhơn chẳng lành, đời nay phải chịu quả đau khổ. Nên chúng ta đối trước chư Phật, chư Bồ-tát thành tâm Sám hối, đem tâm thanh tịnh trụ nơi Chánh pháp của Như Lai, để đời đời được an vui giải thoát.
“Ngũ giả tùy hỷ công đức”, năm là phát tâm tùy hỷ các công đức
Như thấy người khác làm điều phước thiện, được nhiều công đức, mình thực tâm vui mừng, tán thán, đó gọi là tùy hỷ công đức. Trong tất cả thế giới ở mười phương từ bốn loài: (thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh), lục đạo: (thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, các bậc hữu học, vô học ở trong mười phương, có bao nhiêu công đức Ngài Phổ Hiền Bồ-tát đều tùy hỷ cả.
“Lục giả thỉnh chuyển pháp luân”, sáu là thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân
Thỉnh là cầu thỉnh với Đức Phật
Pháp luân có hai nghĩa:
– Vòng pháp, ý nói: không cùng, không tận, vô thỉ, vô chung, không thể nghĩ bàn.
– Bánh xe pháp: Pháp của Đức Phật giúp người tu hành có thể chuyển từ mê đến giác ngộ, từ phàm đến Thánh, từ khổ sang vui, như bánh xe lăn từ đây sang kia, cán đạp chông gai, sỏi đá.
Ngài Phổ Hiền Bồ-tát dùng ba nghiệp, thân, khẩu, ý thanh tịnh, dùng đủ các phương tiện quyền xảo, ân cần cầu thỉnh chư Phật chuyển bánh xe diệu pháp. Lòng Bồ-tát lúc nào cũng tha thiết đối với việc lợi mình, lợi người. Trong đời không có lợi ích nào bằng được nghe Phật thuyết pháp. Vì khao khát để nghe Chánh pháp, nên Bồ-tát mới thành tâm cầu thỉnh chư Phật thuyết pháp để giáo hóa chúng sanh.
“Thất giả thỉnh Phật trụ thế”, bảy là thỉnh Phật trụ lại đời
Trong phẩm Hạnh Nguyện giải rằng: “Chư Phật ở mười phương, ba đời toan muốn nhập Niết-bàn, Ngài Phổ Hiền đều cầu thỉnh các Ngài chớ nhập Niết-bàn, xin ở mãi nơi đời trải qua vi trần kiếp, làm lợi ích cho chúng sanh.”
Tâm tâm, niệm niệm, Ngài cầu thỉnh luôn không ngừng nghỉ. Vì cảnh giới Niết-bàn là nơi tịch tịnh an thường, khác với cảnh phàm, là phiền não khổ đau, suốt ngày sống trong loạn động, nan điều, nan phục, khó bề giáo hóa, nên Ngài Phổ Hiền sợ chư Phật nhàm chán cõi đời Ngũ trược ác thế mà nhập Niết-bàn, do đó Ngài đã một lòng nhất tâm cầu thỉnh.
“Bát giả thường tùy Phật học”, tám là thường học theo Phật
Trong phẩm Hạnh Nguyện giải rằng: “Đức Phật Tỳ Lô Giá Na ở trong cõi Ta-bà này, từ lúc phát tâm Bồ-đề, luôn luôn tinh tấn không lui sụt. Đem cả thân mạng mà Bố thí, biên chép kinh điển nhiều như núi Tu-di, vì trọng pháp mà Ngài không tiếc thân mạng.”
Lấy máu tim tạm ghi thành Chơn lý
Bút xương đây ghi tả tận đáy lòng
Đem làn da làm giấy mực viết xong
Dòng huyết thắm ngọn hải đăng Chánh trí
Lấy Chơn trí rọi soi vào Chơn lý
Mảnh Ca-sa không vướng víu bụi hồng
Tấm Hoàng y bao phủ cả hư không
Dừng một niệm, dung thông khắp vũ trụ.
Tất cả công hạnh của Đức Tỳ Lô Giá Na và các Đức Phật ở khắp mười phương, Ngài Phổ Hiền đều học theo, để thực hành hạnh Bồ-tát cho được viên mãn.
“Cửu giả hằng thuận chúng sanh”, chín là tùy thuận chúng sanh.
Tùy thuận nghĩa là tha thiết lân mẫn chúng sanh. Chiều theo chỗ hạp nghi, tùy theo nguyện vọng trong sạch của chúng sanh, để thực hành những phương pháp gì có lợi ích và đưa chúng sanh giải thoát khỏi đường sanh tử khổ đau.
Trong kinh Đức Phật dạy rằng: “Tùy thuận chúng sanh thời là cúng dường chư Phật. Tại làm sao? Vì chư Phật Như Lai dùng tâm Đại bi mà làm thể nhân nơi chúng sanh mà sanh lòng Đại bi, nhân nơi Đại bi mà phát tâm Bồ-đề, nhân nơi tâm Bồ-đề mà thành Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì thế, nên Bồ-tát thuộc nơi chúng sanh, nếu không có chúng sanh, thời tất cả Bồ tát chẳng thành bậc Chánh giác. Bởi nơi chúng sanh mà tâm bình đẳng, thời có thể thành tựu đức Đại bi viên mãn. Dùng lòng Từ bi để tùy thuận chúng sanh là như thế.
“Thập giả phổ giai hồi hướng”, mười là hồi hướng tất cả
Phẩm Hạnh Nguyện giải rằng: “Từ việc lễ bái đầu tiên… cho đến tùy thuận chúng sanh” có được bao nhiêu công đức, Ngài Phổ Hiền đều đem hồi hướng cho hết thảy chúng sanh. Ngài luôn nguyện cho chúng sanh đều được an vui, những nghiệp lành của chúng sanh tu tạo, cầu cho họ mau được thành tựu.
Còn những nghiệp ác mà chúng sanh đã lỡ gây tạo, cầu cho họ biết thành tâm sám hối để tội nghiệp ngày càng tiêu mòn, rồi dứt hết, có được niềm tin kiên cố đối với ngôi Tam bảo.
Tụng kinh tìm hiểu lý thâm huyền
Đọc tụng thọ trì phước vô biên
Cầu cho Phật pháp luôn trường thạnh
Gieo hạt kính tin, ấy phước điền.
TKN. Phước Giác (ĐSJĐ-101)
Diễn đọc: SC Pháp Tạng
Ghi chú:
Tham khảo bài giảng của Đại Lão HT. Thích Trí Tịnh về 10 điều nguyện của Ngài Phổ Hiền.