Đài TH An Viên phỏng vấn SC. Hương Nhũ
Hỏi: Mọi thứ dường như sụp đổ khi người vợ mà tôi yêu quý, người mẹ của đứa con gái thiên thần của tôi chính thức muốn ly hôn. Lý do mà cô ấy đưa ra là không còn tình yêu đối với tôi nữa. Cô ấy cảm thấy mệt mỏi khi phải chung sống với một người như tôi. Tôi biết mình không phải là người hoàn hảo, nhưng đối với vợ con tôi đã chu toàn trách nhiệm và tôi luôn yêu người bạn đời của mình. Duy nhất vì tính chất công việc phải thường xuyên đi công tác nên tôi không có điều kiện chăm sóc nhiều đến vợ con. Nhưng tôi làm việc cũng để gia đình được đầy đủ, sao cô ấy lại không hiểu điều đó, hay cô ấy đã có một người thứ ba trong thời gian tôi vắng nhà… Dù sao thì tôi cũng không bao giờ muốn chia tay với vợ tôi, nhưng trước sự kiên quyết của cô ấy, tôi không biết làm cách nào để thuyết phục. Xin chương trình cho tôi một lời khuyên.
Đáp: Trên đây là một trong rất nhiều bức thư có nội dung chia sẻ về những nỗi niềm riêng trong đời sống gia đình. Hành trình tạo dựng một mái ấm thật sự phải trải qua rất nhiều những gian nan thử thách, nếu không vượt qua được ranh giới mong manh ấy, thì cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ. Giáo lý của đức Phật hướng mọi người đến sự giải thoát, giác ngộ, nhưng vẫn rất thiết thực giúp nhân loại có được hạnh phúc trong đời thường. Trong ý nghĩa này, chúng tôi xin chia sẻ với quý vị chủ đề “có hiểu mới thương” để cùng trải nghiệm về đời sống hôn nhân gia đình qua những lý giải sâu sắc nhưng gần gũi của sư cô Hương Nhũ.
Hỏi: Phải chăng hạnh phúc lứa đôi và một mái ấm gia đình luôn luôn là một đề tài, khiến người ta tốn rất nhiều tâm sức mà sao khó đạt đến. Từ lâu lắm rồi, vẫn một câu hỏi quen thuộc: Hạnh phúc là gì? Và hạnh phúc đang ở đâu?
Đáp: Kiếp người có bao lâu nhưng ai cũng trăn trở kiếm tìm hạnh phúc như một sự thật hiển nhiên. Tôi nhớ lại câu thơ:
“Hạnh phúc là gì sao nhiều người tìm đến vậy?
Một cuộc đời viên mãn, một mơ ước đong đầy, hay một phút ngất ngây giữa muôn trùng đau khổ? Người đời không rõ, nên mãi kiếm tìm…”. Giữa thế kỷ văn minh của nhân loại, ta được nghe câu hỏi hạnh phúc ở đâu qua rất nhiều buổi pháp thoại. Câu hỏi này được đặt ra từ người già, người lớn và cả các bạn trẻ… Nhưng như một sự cuốn trôi và vô tình – con người càng tìm kiếm đuổi bắt, hạnh phúc vẫn chợt đến, chợt đi …Sự hụt hẫng và mất mát luôn để lại nhiều hậu quả đau thương trong đời sống tinh thần con người, điển hình là đổ vỡ hôn nhân hay thất bại trên đà danh vọng. Nỗi khổ tâm ấy, không phải là hiện tượng lạ trong cuộc sống nặng về vật chất như hiện nay. Suy cho cùng, cũng do yêu thương nhau mà không hiểu được nhau, không lý giải được nhân quả trong đời sống nên hạnh phúc vẫn luôn vắng bóng.
Hỏi: Theo thống kê thì trong những năm gần đây, tình trạng bạo hành gia đình rồi đưa đến ngoại tình… đã khiến nhiều cuộc hôn nhân bị đổ vỡ. Con cái sống thiếu cha hoặc mẹ, do càng ngày tỷ lệ ly hôn càng cao. Theo Sư cô thì nguyên nhân do đâu?
Đáp: Thế hệ ông bà, cha mẹ của ta ít có tình trạng ly hôn như bây giờ. Vì ngày xưa, ngoài tình yêu, thì trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình và xã hội luôn được đề cao và coi trọng. Đời nay việc ly hôn lại quá phổ biến. Giới trẻ thường tâm sự bị cô đơn ngay giữa mái nhà có cha và mẹ, thậm chí gia đình rất khá giả. Có bạn chỉ sống với mẹ hoặc với cha… Rõ ràng, tình nghĩa thiêng liêng của đạo vợ chồng bị mất dần bởi vì nhiều nguyên nhân: Đứng về mặt bối cảnh xã hội thì cuộc sống hiện nay ngày càng trở nên phong phú về mặt vật chất. Con người dành thời gian cho sự hưởng thụ nhiều hơn là chú trọng đến đời sống tinh thần. Do vậy, đưa đến tình trạng những cuộc vui ngoài gia đình nhiều hơn và cũng từ đó sinh ra sự phản bội.
Con người thích sống với những lời tán tỉnh gió mây, với vẻ đẹp bên ngoài. Lại thấy người bạn đời của mình chậm chạp, vụng về, hoặc so sánh vợ mình hay chồng người… Có trường hợp do không hiểu được công việc của nhau, nên không thể thông cảm cho nhau, thường trách móc nhau với lời lẽ xúc siểm nặng nề, lâu dần người bạn đời cảm thấy ngán ngẩm và mệt mỏi. Thêm vào đó, công nghệ thông tin phát triển, làm cho sự liên lạc riêng tư trở nên phóng túng, tạo điều kiện hẹn hò, gặp gỡ không chánh đáng đưa đến sự gian dối và phản bội. Có người mang những tánh tật lạ lùng, suốt ngày giày vò, đay nghiến bạn đời nếu gia cảnh khó khăn. Hoặc khi bắt đầu làm ăn khấm khá thì sanh tật hư đốn. Có gia đình tan vỡ do hai bên cha mẹ, đưa đến gia đình con cái bất hòa …và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa…
Hỏi: Sống và tìm cầu hạnh phúc là khát vọng khôn nguôi của con người. Một gia đình thuận thảo, thương yêu, với điều kiện sống tương đối đầy đủ, với các mối quan hệ khả ái, biết hướng thượng, vươn lên… đó là mơ ước của bất cứ một con người bình thường nào trên thế gian. Thưa sư cô, theo quan điểm nhà Phật, điều căn bản của hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình phải được xây dựng trên nền tảng nào?
Đáp: Theo quan điểm nhà Phật thì hiểu và thương chính là yếu tố tuệ giác quan trọng nhất trong đời sống vợ chồng. Trong phẩm Nguồn sanh phước, bài kinh Xứng đôi thuộc Tăng chi bộ Kinh, một thời Thế tôn ở Vườn Nai, Ngài đã dạy cho vợ chồng Nakula- một đôi vợ chồng hạnh phúc luôn mong ước được sống mãi bên nhau đời này và đời sau rằng: “Hãy hiểu nhau và sống khả ái với nhau, cùng có niềm tin, cùng giữ giới, cùng bố thí, cùng tu tập trí tuệ, thì sẽ lại gặp nhau trong đời nay và trong các đời sau”. Như vậy, để được cùng chung sống hạnh phúc, cùng làm các việc thiện lành thì vợ và chồng phải biết kính phục tài năng đức hạnh của nhau, thông cảm giới hạn, khiếm khuyết của đối tượng, biết chỉ bảo nhau làm những việc để sanh phước đức, như thành ngữ Việt Nam có câu: “Đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn”.
Hỏi: Kinh Phật có những lời dạy cụ thể nào dành cho các cặp vợ chồng.
Đáp: có rất nhiều bài kinh đức Phật dành cho cư sĩ tại gia, dạy dỗ vợ chồng phải luôn lấy sự kính mến, tôn trọng mà đối đãi với nhau. Cụ thể như kinh Thiện Sanh: “Này Thiện Sanh, chồng phải có năm điều đối với vợ: 1. Lấy lễ đối đãi nhau. 2. Oai nghiêm mà không nghiệt ngã. 3. Chăm sóc gia đình đầy đủ, đúng mực. 4. Cho trang sức vợ con đúng thời. 5. Tin tưởng và phó thác tiền bạc và việc nhà cho vợ. Này Thiện Sanh, vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng. Những gì là năm? 1. Quán xuyến tề gia nội trợ (dù làm gì ngoài xã hội cũng không để mất thiên chức làm vợ, làm mẹ). 2. Ngồi sau chồng (ý nói kính trọng và thương yêu) 3. Nói lời hòa nhã, dễ thương 4. Kính nhường tùy thuận. Đón trước ý chồng (hiểu người bạn đời như tri âm và tri kỷ). Này Thiện Sanh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, nếu được như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ nữa”.
Hỏi: Thưa sư cô, quả là đức Phật rất quan tâm đến hạnh phúc gia đình và hướng dẫn cư sĩ tại gia từng chi tiết tinh tế nhất trong đời sống vợ chồng. Nhắc lại bức thư đầu chương trình, sư cô có thể cho một lời khuyên với người đàn ông đang bị rối rắm tơ lòng.
Đáp: Trước thềm hôn nhân, hãy tin hiểu nhau, đến nơi đến chốn, để khi sống bên nhau thì lấy niềm tin yêu và sự kính trọng để đối xử với nhau. Hạnh phúc ở đâu? Chính từ những điều bình dị nhất. Hãy tha thứ cho nhau với trái tim hiểu biết và yêu thương.
“Đường đời dốc đá đèo non,
Từng bước vững chắc qua cơn muộn phiền,
Sinh ra kiếp sống tiền duyên,
Vui, buồn, lụy, khổ… nối liền theo nhau”.
Lời Phật dạy: sống vì nhau, hy sinh một chút cho tình bền lâu. Người chồng trong lá thư đó hãy bớt đi một chút việc làm ăn để dành thêm thời gian cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình, người vợ thì hãy hiểu và thông cảm cho chồng mà quay lại với trách nhiệm làm người mẹ hiền và là người vợ khả ái.
Hỏi: Thưa sư cô, giáo lý nhà Phật đặt trên nền tảng nhân duyên, có duyên và cũng có lúc hết duyên. Nếu như mọi sự cố gắng nỗ lực hàn gắn, đều không có kết quả thì cũng có những cặp phải chia tay nhau, để mỗi người tự tìm lấy một đời sống của riêng họ, thì trên tinh thần hiểu và thương, chúng ta nên đón nhận điều này như thế nào? Và các cặp vợ chồng nên cư xử với nhau như thế nào?
Đáp: Trên quan điểm hàn gắn, hòa hợp, vợ chồng nên buông xả và tha thứ để có thể tiếp tục chung sống bên nhau vì con cái. Nhưng đôi khi chúng ta cũng không nên chối bỏ thực tế nếu đã hết duyên. Vì thật ra không phải ai cũng có thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời. Trên tinh thần hiểu và thương, lời khuyên cho các cặp vợ chồng đang bị rối ren tơ lòng là hãy cùng ngồi lại với nhau để có một sự quyết định sáng suốt nhất. Nếu phải đi đến quyết định ly hôn thì phải cư xử như thế nào để không làm tổn thương con cái. Khi không còn chung sống với nhau, tâm hãy buông xả mọi oán hận, đối xử với nhau như những người bạn tốt. Tuy nhiên, lời khuyên cuối cùng vẫn là mở rộng tình thương, tha thứ vì “nhân vô thập toàn”. Hãy hiểu và thương để cùng nghĩ đến những đứa con ngoan, xây dựng lại mái ấm hạnh phúc.
SC. Thích Nữ Hương Nhũ
Sc Nhuận Anh diễn đọc