Mục đích Đức Phật nói Kinh Lăng Nghiêm là đối với Tôn giả A Nan là bậc người đương cơ, mà Tôn giả lại không biết cách Phản văn văn Tự tánh, nên Tôn giả không tránh khỏi nạn bị dâm nữ Ma Đăng Già nhiếp phục trước đó. Nay muốn cho Tôn giả được đắc thành Đạo Bồ đề, thì chẳng cần Tôn giả phải thay đổi đường lối, mà chỉ cần theo con đường cũ là trở về nhà. (Cũng như mọi ngày cứ hướng về phương Đông mà đi, nay quay đầu trở lại, chính lúc đó là quay về phương Tây rồi).
Trở lại nghe cái nghe của Tự tánh, Tánh đây chính là Tánh Vô Thượng Đạo. Chính nơi Tánh này gọi là Giác tánh, vốn có khả năng bao trùm rộng khắp, không trong cũng không ngoài, nhưng một khi Nhất niệm hồi quang, liền thời viên thành, có thể chuyển cảnh Ma trở thành cảnh Phật. Nhơn đây có thể giải thích lời vấn nạn: Vì sao Tôn giả A Nan lại bị dâm nữ nhiếp phục?
Bồ tát Văn Thù là bậc người đối cơ với Tôn giả A Nan, nên Ngài chọn pháp tu Nhĩ căn Viên thông. Nếu như đối với người đời nay để giảng thuyết Chánh pháp thì Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ tát Đại Thế Chí rất là khế hợp cơ duyên.
Vì cớ sao?
Vì chúng sanh đời Mạt pháp này, căn tánh chậm lụt yếu ớt, nên chẳng thể nào Viên ngộ được Tự tánh, để “Đoạn hoặc chứng chơn, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh.” Cho nên, Đức Thế Tôn thuyết giảng trong Kinh Đại Tập, trước ba ngàn năm sớm đã nói rõ duyên cớ trong Kinh này. (Đời mạt pháp có muôn vàn ức người tu hành, mà ít có người nào đắc đạo, chỉ cần nương vào Pháp môn Niệm Phật mới đặng độ thoát Sanh Tử).
Nay, trong pháp tu Viên thông của Bồ tát Đại Thế Chí, thường chuyên về Pháp môn Niệm Phật, chính là Pháp môn khế hợp căn cơ với hạng phàm phu chúng ta đương thời.
Giả sử quả Giác của Đức Như Lai hiển bày pháp Tự tánh Viên thông, nếu do nơi Nhĩ căn mà ngộ nhập, thì chỉ những hành giả căn tánh thông lợi mới có thể tu tập. Còn những hành giả độn căn kém phước tu Pháp môn này, thì không hưởng được sự lợi ích. Chỉ riêng Pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, người bậc Thượng thượng căn đều đi thẳng được đến nơi Bảo sở, còn những người Hạ hạ căn cũng được về đến cõi nước này. Nếu xét kỹ về Lý thể mà giảng nói, thì những chúng sanh trong chín cõi đều được ở trong Tâm quả Giác của Đức Phật A Di Đà. Còn nếu căn cứ vào Sự tướng mà luận bàn, thì chín Phẩm ở trong bốn cõi, phần cao thấp tuy khác nhau, song đến chỗ Cứu cánh thì cũng đồng với nơi Tịnh độ. Thế nên, các bậc Thượng thủ như Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền, Ngài Mã Minh, Ngài Long Thọ, Ngài Huệ Viễn, Trí Giả Đại sư, Ngài Vĩnh Minh, Ngài Liên Trì, các vị Đại Bồ tát, các bậc Đại Tổ sư, tất cả đều tu Pháp môn Niệm Phật, phát nguyện cầu vãng sanh về Cực lạc. Cho đến những kẻ ngu phu ngu phụ, nhẫn đến những người mang tội ngũ nghịch, thập ác, cho đến loài khỉ vượn cùng chim Anh vũ, nếu đã phát tâm Niệm Phật cầu sanh Cực lạc, cũng đặng đới nghiệp vãng sanh. Đến khi mạng gần chấm dứt, tướng điềm lành hiện ra rõ ràng, có ghi rõ trong các Kinh sách, ở đây khó thuật bày ra cho hết được.
Trong Kinh có nói rằng: Như có những chúng sanh nào chí tâm Niệm Phật, đến khi lâm chung, đều được vãng sanh về quốc độ Tây phương, đều là bậc A-bệ-bạt trí vĩnh kiếp không bao giờ còn bị thoái chuyển (Tiếng Phạn gọi là A-bệ-bạt Trí, ở đây gọi là mãi mãi không bị thoái chuyển). Bởi thế, trong một đời tu hành, nguyện sao cho đến viên mãn quả vị Phật mới thôi. Cho nên, chúng ta cần phải biết rõ Pháp môn Niệm Phật Viên thông của Ngài Đại Thế Chí, để sớm được thành tựu đến chỗ viên đốn thẳng tắt, đồng với Pháp môn Nhĩ căn Viên thông của Đức Quán Thế Âm Bồ tát không chút khác nhau, mà chỗ nhiếp cơ được bao trùm khắp tất cả chúng sanh.
Do cớ sao vậy?
– Pháp môn Nhĩ căn Viên thông chỉ riêng nhiếp độ những bậc căn tánh thông lợi. Riêng Pháp môn Niệm Phật Viên thông, ba căn đều phổ nhiếp, cho đến kẻ lợi người độn cũng được gồm thâu.
Giải thích văn kinh
Phần tóm lược giải thích ý nghĩa của đề mục đến đây đã trọn xong. Kế tiếp là phần giải thích Văn Kinh, phân ra làm ba khoa:
– Dịch giả giải thích lời tựa.
– Hiển bày pháp Viên Thông.
– Phần kết thúc nêu bày nhân duyên.
Tiếp theo sẽ giải rõ về phần đầu:
TKN. Như An (ĐSHĐ-130)