Trong Vãng Sanh truyện, có một chuyện kể rằng: Oánh Kha là một người giỏi nhất, đứng đầu trong chúng, bèn phát nguyện nhịn ăn bảy ngày để niệm Phật. Đến ngày thứ bảy, liền cảm ứng với Phật, được thấy Phật hiện thân vui vẻ nói rằng: “Ngươi sống trên cõi đời này chỉ còn có mười năm nữa, nên siêng năng niệm Phật. Mười năm sau ta đến đây tiếp dẫn ngươi.”
Oánh Kha thưa rằng: “Cõi Ta bà uế trược xấu ác, dễ mất chánh niệm, con nguyện sớm được vãng sanh về Tịnh độ để được hầu Phật và chư vị Thánh hiền”. Phật dạy rằng: “Ý ngươi muốn như vậy, ba ngày sau ta sẽ trở lại đây tiếp dẫn ngươi”. Ba ngày sau, quả nhiên vị này được vãng sanh.
Lại như chuyện Hoài Ngọc Thiền sư, tinh tấn tu tập tịnh nghiệp. Một hôm nọ, Ngài thấy Phật và Bồ tát đầy khắp trong hư không, có một người tay cầm cái đài bằng bạc đi vào, Hoài Ngọc nghĩ rằng: “Ta suốt đời tinh tấn chỉ mong được ngồi trên đài vàng, nay sao chẳng được như vậy?”. Người cầm đài bạc liền ẩn mất. Hoài Ngọc lại càng tinh tấn thêm lên, hai mươi mốt ngày sau, lại thấy Phật và Bồ tát đầy khắp hư không, người trước kia cầm đài bạc nay đổi lại đài vàng mà đến. Hoài Ngọc liền ghé vào, tự nhiên mà thoát hóa.
Lưu Di Dân cùng với Đông Lâm mở hội niệm Phật, mỗi ngày tưởng niệm Phật, một lần thấy Phật hiện thân đến. Lưu Di Dân nghĩ rằng: “Con muốn được Đức Như Lai lấy tay xoa lên đỉnh đầu của con”. Phật liền lấy tay xoa lên đỉnh đầu của ông. Di Dân lại nghĩ rằng: “Con muốn được Đức Như Lai lấy y phủ lên thân của con.” Phật liền lấy y phủ lên thân ông.
Than ôi! Phật đối với chúng sanh không chỗ nào chẳng đến, thật có thể gọi lòng Đại Từ, Đại Bi của Ngài như cha mẹ vậy. Muốn mau vãng sanh liền được mau vãng sanh, muốn đài vàng liền đổi đài vàng, muốn lấy tay xoa đầu liền lấy tay xoa đầu, muốn dùng y phủ thân liền dùng y phủ thân.
Phật đã có lòng Từ bi đối với tất cả chúng sanh như vậy, lẽ đâu riêng chẳng Từ bi đối với ta sao? Phật đã giúp cho tất cả chúng sanh được mãn nguyện, lẽ đâu riêng chẳng cho ta được mãn nguyện sao? Tâm đại Từ bi của Phật không có lựa chọn, đây là định luật hẳn nhiên vậy. Thế nên chúng ta cần phải chơn thành phát nguyện. Khi đã chơn thành phát nguyện, thì niềm tin ở ngay trong đó. Niềm tin và chí nguyện đã chơn thành, thì sự hành trì theo đó mà tự phát khởi. Cho nên, “TÍN – HẠNH – NGUYỆN” là ba món tư lương trên đường về Tịnh độ. Song, chỉ có một chữ “Nguyện” là rốt ráo đến nơi vậy.
Người sống ở đời cần quý trọng tinh thần và phải mến tiếc thời gian, không thể xem thường bỏ qua.
Một niệm thanh tịnh tức là duyên khởi theo cảnh giới Phật. Một niệm nhiễm ô tức là nguyên nhân thọ sanh trong chín cõi. Phàm, khởi một động niệm tức là gieo một chủng tử trong mười cõi. Như vậy đâu nên chẳng quý trọng tinh thần sao?
Ngày nay đã qua, mạng sống cũng theo đó mà giảm lần, một tấc thời gian là một tấc mạng sống. Có thể chẳng mến tiếc thời gian sao?
Nếu đã biết quý trọng tinh thần thì không nên lãng xao công dụng. Mỗi niệm, mỗi niệm chấp trì danh hiệu Phật, chẳng để thời gian trôi qua, mỗi giờ mỗi khắc huân tu Tịnh nghiệp. Ví như bỏ thọ trì danh hiệu Phật mà riêng tu Tam thừa Thánh hạnh, đó cũng là lãng dụng tinh thần, cũng như đem ngàn cái nỏ mà bắn con chuột nhắt vậy, huống là tạo nghiệp sanh tử trong sáu đường hay sao?
Bỏ tu tịnh nghiệp mà riêng tu Quyền thừa, Tiểu quả, đây cũng là luống phí thời gian, như đem hạt bảo châu Như Ý mà đổi lấy một miếng cơm, một manh áo vậy, huống là giữ quả vị Hữu lậu của Trời, người hay sao?
Như vậy, cần phải quý trọng tinh thần, cần nên mến tiếc thời gian. Tâm thường hay chuyên nhất thì dễ cảm ứng với Phật, thường tinh tấn thọ trì danh hiệu Phật thì nghiệp chướng được thanh tịnh, kết quả chắc chắn được sanh về Tịnh độ, thấy Phật A Di Đà được Ngài khai thị, nghe Từ âm của Phật liền ngộ được diệu đạo nơi tự tâm mình, thân chứng Pháp giới tánh. Kéo một niệm làm một kiếp dài, thâu một kiếp dài làm một niệm. Niệm và kiếp viên dung, đắc được Đại Tự Tại, không cầu ăn mà vẫn tự sống. Được phước báu thù thắng này là nhờ biết quý trọng tinh thần và mến tiếc thời gian vậy.
Trích trong Vãng sanh truyện quyển Thượng, trang 08
(Tỳ kheo ni Như An dịch) (ĐSHĐ-119)