Trong Pháp môn Tịnh độ, lập nguyện là điều rất cần thiết. Phàm, khi làm việc gì, trước hết cần phải phát nguyện. Có phát nguyện, thời mới đạt đến kết quả viên mãn.
Như ông Uất Đầu Lam Phất, thường hay tụ tập pháp thiền định Phi Phi Tưởng ở bên bờ sông, ở dưới rừng cây. Mỗi khi thiền định gần đến chỗ thành tựu, thì có nhiều con chim, con cá làm kinh động sự thanh tịnh của ông. Do đây, ông phát lời ác nguyện rằng: “Ta nguyện ngày sau làm loài chồn bay, để có thể vào trong rừng bắt đặng chim, vào trong nước ăn đặng cá”. Sau khi tu Định được thành tựu, ông liền sanh lên cõi Trời Phi Phi Tưởng, hưởng thọ tám vạn đại kiếp. Khi phước báu cõi Trời đã hết, ông liền đọa làm thân chồn bay, vào trong rừng, trong nước ăn chim, ăn cá. Đây là kết quả của lời ác nguyện vậy.
Ác nguyện tức là trái với Chơn tánh, thế mà còn có sức công dụng lớn lao như vậy. Ông phải chịu quả báo đó đến tám vạn kiếp sau mới mãn thân chồn. Huống gì xứng hợp với Chơn tánh mà phát thiện nguyện, lại sợ chẳng có công dụng sao?
Trong Thần Tăng truyện chép rằng: Có một vị Tăng ở trên tảng đá, đối trước Phật, đùa giỡn phát lời nguyện rằng: “Nếu như đời này chẳng rõ được sanh tử, tôi nguyện đời sau làm vị Đại thần có đầy đủ oai lực”. Về sau, kết quả vị Tăng này tái sanh làm một vị Đại Tướng Quân. Đây là lời phát nguyện vui vậy. Lời phát nguyện vui còn được toại nguyện, huống gì đem hết lòng chí thành phát khởi thiện nguyện mà chẳng được thành tựu sao?
Lại, trong Thần Tăng truyện cũng chép rằng: Có một vị Tăng rộng thông kinh luận, nhưng chưa gặp người đến học hỏi để Ngài khai mở truyền trao mối đạo. Ngài than thở với vị Tăng gần bên. Vị Tăng này bảo rằng: “Ông học Phật pháp đâu riêng chẳng thấy nói: Người tu hành lúc chưa thành Phật quả, trước phải kết nhơn duyên, ông đã thông hiểu Phật pháp, sao không bày phương tiện để chúng sanh được kết duyên với ông?”.
Ông đáp rằng: “Tôi trọn ở đây thôi, làm sao mà gieo duyên được!”.
Vị tăng bảo: “Tôi sẽ vì ông làm việc này”. Lại hỏi: “Thế ông có để giành được vật gì không?”.
Ông đáp: “Không có vật gì khác, chỉ có dư một cái y thôi”.
Vị Tăng này bảo: “Như vậy cũng đủ rồi”. Nói xong liền đem y đi bán, lấy tiền mua thức ăn, rồi hai người cùng đi đến một khu rùng sâu, chỗ này có rất nhiều chim chóc, sâu bọ, côn trùng. Vị Tăng kia đem thức ăn bày ra nơi đất rồi dạy ông phát nguyện:
– “Tôi nguyện hai mươi năm sau có thể mở mang được Phật pháp”.
Qua hai mươi năm, quả nhiên vị Tăng này được như sở nguyện. Ngài mở mang Phật pháp được thạnh hành. Những vị đến học hỏi Phật pháp phần nhiều là những người trẻ tuổi, đây là những con chim chóc, sâu bọ, ngày trước đã ăn đồ bố thí của Ngài.
Lời nguyện trên đây có sức mạnh thật không thể nghĩ bàn vậy! Lời nguyện còn có thể vì người khác mà phát ra, có thể nhiếp hóa các loài chim chóc, côn trùng thoát khỏi thân súc sanh, được lên làm người, lẽ đâu tự mình phát nguyện, mà chẳng hay tự độ được hay sao?
Phật dùng bốn mươi tám lời nguyện, tự đạt đến quả vị Phật, nay chỗ phát nguyện của ta chính là hợp với bổn nguyện nhiếp hóa chúng sanh của Phật, liền có thể được vãng sanh. Huống chi lòng Đại Từ, Đại Bi của Phật không thể nghĩ bàn. Ngài xem Oánh Kha cùng với người uống rượu ăn thịt không khác.
(còn tiếp)
TKN. Như An (dịch) (Trích trong quyển Thượng, trang 08)ĐSHĐ-118