Giao thừa là giờ phút thiêng liêng bắt đầu cho một cuộc sống mới – Cái giờ phút mà ai cũng có quyền ước vọng về một tương lai tươi sáng, hòa bình, an lạc, ấm no và hạnh phúc – Thế nên, lễ xuân đầu năm đã trở thành một tập tục dân gian mang đậm nét văn hóa và nhân văn của dân tộc Việt Nam. Trong ý niệm đó, chúng ta thử tìm hiểu để thấy rằng vì sao ngày đầu của mùa xuân là ngày vía Đức Di Lặc, mặc dù Ngài là vị Phật đương lai?
Người xưa nói:
Mùa xuân đẹp nhất trong năm
Tâm hiếu đứng nhất trong trăm hạnh lành.
Quả thật như thế, mùa xuân đến trăm hoa đua nở, lộc non nẩy chồi trong nắng xuân ấm áp, trái ngọt trĩu cành đu đưa theo làn gió nhẹ, chim chóc líu lo ca hát, bay lượn trong bầu trời trong sáng, lòng người rộn ràng phơi phới tràn ngập niềm tin yêu hoan hỷ, người người tay hương, tay hoa nô nức về chùa lễ Phật đầu năm. Hãy chiêm ngưỡng hình tượng Đức Phật Di Lặc để thấy sự hội tụ của vẻ đẹp thánh thiện toát ra bởi ánh nhìn từ mẫn bao dung, sự gần gũi bình dị thân thương, sự sung mãn của một mùa xuân tràn đầy sức sống.
Với nụ cười hồn nhiên tự tại, không gò bó, không gượng ép, không lọc lừa khinh thị. Nụ cười hỷ xả, bao dung, sẵn sàng thứ tha cho mọi lỗi lầm của nhân thế. Chính nụ cười ấy đã cho ta cái cảm giác thân thiện, gần gũi, an ổn, tự tin, xua tan bao muộn phiền tục luỵ, đưa ta vào một thế giới tĩnh lặng, an nhiên để mà thanh mà tịnh.
Với đôi mắt từ bi chan chứa, ngời sáng bởi thứ trí tuệ không phân biệt, soi rọi đến tận cùng sâu thẳm của cung mê để xóa tan những định kiến ích kỷ, hẹp hòi, cố chấp, đố kỵ. Đưa ta về tánh thiện nguyên sơ, đi trên con đường mà sự thấy biết, suy nghĩ, nói năng, hành động, mưu sinh, cần mẫn, ghi nhớ và tập trung đều chân chính.
Với cách phục sức bình dị trong một thân hình phục phịch, không cầu kỳ đỏm dáng, đặc biệt là lúc nào cũng phạch trần bộ ngực để lộ cái bụng no tròn, mặc cho lũ trẻ sáu căn tha hồ tinh nghịch. Thế nên mới có câu ca tụng rằng:
Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự.
Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân.
Tạm dịch:
Bụng to hay chứa, chứa những chuyện thế gian khó chứa.
Mặt vui mỉm cười, cười những điều người thế khó cười.
Thật vậy, cái bụng to ở đây chỉ cho tâm rộng rãi, bao dung, dung thứ những điều thế gian khó chấp nhận. Cho dù là độc tố nào đi nữa mà khi đã đi qua cái bụng từ bi hỷ xả đó cũng đều được tiêu hóa nhẹ nhàng. Thử hỏi, một gương mặt tươi vui, lúc nào cũng thường trực nụ cười từ ái, thì dẫu sự việc có khó khăn gai góc cỡ nào cũng có cách tháo gỡ êm xuôi. Rõ ràng câu nói của Trần Nhân Tông – ông Vua Phật Việt Nam – Tổ sư khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong Cư trần lạc đạo phú đã khơi mở cho chúng ta cách sống đạo an nhiên tự tại. Đó là:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc san hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Tạm dịch:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh tâm không chớ hỏi thiền.
Người sống trong trần tục mà tâm luôn lấy đạo làm vui, biết tùy duyên nên không lẫn tục và không bị tục trần làm hoen ố. Như hoa sen sống giữa bùn nhơ nước đục nhưng vẫn tỏa ngát hương thơm. Vì đời là sự cộng sinh nên vạn vật đều có cái giá trị của nó. Ở đây ta phải nhận cho ra cái giá trị là “sen thơm nhờ bởi có bùn”. Mà khi đã biết được cái giá trị của bùn thì tâm ta sẽ rộng mở, đón nhận vạn vật muôn loài như đất trời bao la đã ôm ấp vạn loại hữu tình và vô tình trong vòng tay bao dung, độ lượng. Cũng thế, người trong vùng lũ biết sống với lũ sẽ hóa giải được lũ; người sống giữa trần mà chẳng dính bụi trần vì đã chuyển hóa được trần mà sống vui với đạo. Và chính vì “tâm bình thường là đạo” nên hễ đói thì ăn, hễ mệt thì ngủ nào có câu nệ vướng mắc làm gì. Tất cả đều do tâm tạo, mà khi đã làm chủ được tâm thì kho báu vô tận đã sẵn trong tầm tay, tội gì phải Đông Tây tìm kiếm? Cũng thế, giữa được, thua, khen, chê, tâng bốc, chỉ trích, khổ, vui và gặp cảnh thuận hay nghịch mà tâm không dao động là định lực đã kiên cố. Vậy còn hỏi thiền mà làm gì? Chỉ vì kẻ cùng tử chúng ta đã sẵn có hạt châu trong chéo áo, nhưng cứ lê la hành khất giữa chợ đời, rút cục chỉ nắm bắt được cái bóng dáng giả tạo phù du, để rồi cứ phải “Bao năm làm khách phong trần mãi” để cho đường về Như Lai cố quận cứ mãi hun hút dặm xa.
Mùa xuân này, chúng ta đã có được những giây phút hội ngộ thật kỳ thú của giờ phút giao thừa đầu năm mới, dưới mái chùa quê giữa vùng đất đỏ miền Đông. Cùng chiêm ngưỡng lại hóa thân Bồ tát Di Lặc để biết rõ về vị Phật đương lai. Cũng chính là nhìn rõ lại hành vi tạo tác của chúng ta qua ba nghiệp thân, miệng, ý. Từ đó khắc phục và chuyển hóa ba nghiệp xấu ác thành ba nghiệp thiện lành. Bởi mọi việc đều do tâm tạo tác, mà gieo nhân nào hưởng quả nấy, đó là một định luật không thay đổi từ nghìn xưa đến nghìn sau cho tất cả muôn loài. Vậy hãy sống bằng trái tim hiểu biết đầy tình người, vì mọi người, để cuộc cộng sinh này được bình ổn, môi trường thiên nhiên được trong lành, không bị ô nhiễm bởi chất độc của khí thải, nhất là ô nhiễm bởi độc tố tham, sân, si, vì chúng ta cùng hít thở chung trong một bầu khí quyển.
Vì tương lai tươi sáng của bản thân, gia đình, xã hội và cộng đồng, hãy thực hiện cho được những điều gì lợi ích thiết thực nhất. Muốn được vậy, hẳn chúng ta phải học hạnh từ bi, hỷ xả của Ngài Di Lặc để ba vạn sáu ngàn ngày đều là ngày Xuân hoan hỷ. Giữa thắng thua, được mất của cuộc đời, cách khôn ngoan nhất là hãy chọn cho mình giải pháp hòa bình, an lạc. Vì Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú rằng:
Thắng thì sinh hận thù nhau
Thua thì mất mát khổ đau ngút trời
Thắng, thua nên xả ai ơi,
Hòa bình an tịnh là nơi ta về.
(Kinh Pháp Cú 201)
TKN. Nhật Khương
Sc Nhẫn Hòa diễn đọc