Tôi là hổ, hay còn gọi là cọp, hùm, một trong những loài mèo lớn nhất trên trái đất. Dân gian gọi tôi là Ông ba mươi, Chúa sơn lâm, kễnh, khái. Trong Thập nhị chi Âm lịch, tôi nghiễm nhiên được xếp thứ 3, sau Tí và Sửu.
Dù được xem là loài thú hung tợn nhất hành tinh, nhưng tôi góp phần không nhỏ trong việc cân bằng hệ sinh thái quần thể sinh vật, cũng như ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống con người. Này nhé, trong văn hóa dân gian bao đời nay của người Việt, hổ luôn được người dân kiêng nể, kính trọng, thờ cúng trong các ngôi đình, chùa, miễu… Có nơi, hàng năm làm lễ cúng kiếng “ông hổ” rất long trọng.
Loài người quý trọng tôi từ thời các nền văn minh cổ xưa, thông qua việc đúc các đồng tiền, bức tranh, tượng, phù điêu hình chú hổ dũng mãnh. Người ta lấy tên tôi để đặt cho môn võ Hổ quyền, chòm sao Bạch Hổ, bia Con Hổ (Tiger beer), bài đồng dao, truyện ngụ ngôn, cổ tích… Trong điện ảnh (có những tác phẩm chuyển thể từ văn học), Hollywood làm rất nhiều bộ phim bom tấn về hổ oai phong: Hổ chúa – The Tiger: An Old Hunter’s Tale, Cuộc đời của Pi -Life Of Pi, Thợ săn hổ – Pulimurugan, Cậu bé rừng xanh – The Jungle Book, Chú hổ Tigger – The Tigger Movie,… Tôi còn là biểu tượng của một quốc gia, một đế chế thời cổ đại… Nhiều vị anh hùng dân tộc được đặt cho cái biệt danh oai hùng là “hùm xám”. Đặc biệt, loài hổ nằm trong Sách Đỏ và ngày 29/7 hàng năm được xem là Ngày quốc tế về bảo tồn hổ (hay còn gọi là Ngày quốc tế hổ, kể từ năm 2010).
Tôi đóng vai trò quan trọng với đời sống trên khắp hành tinh này thế đấy, vậy mà một số thợ săn lại truy cùng đuổi tận, sát hại chúng tôi một cách dã man chỉ vì lấy da, móng, nanh phục vụ việc phong thủy. Trong Đông y, một vài bộ phận chúng tôi được dùng làm thuốc tăng cường sinh lực phòng the (xương nấu cao, pín ngâm rượu) cho quý ông, nhưng khoa học chưa bao giờ chứng minh những điều đó.
Loài hổ chúng tôi đang bị de dọa nghiêm trọng, sắp bị tuyệt chủng. Rồi sẽ có một ngày, trên trái đất này, những khu rừng xanh bạt ngàn vắng bóng loài hổ nếu như nạn săn hổ vẫn tiếp diễn. Thật là nguy hại khi lưới thức ăn trong quần thể sinh vật bị phá vỡ. Tác hại lên con người là không nhỏ chút nào. Vì vậy, mong rằng loài người ngừng săn bắn trái phép chúng tôi vì một thiên nhiên, một môi trường thân thiện, cân bằng hài hòa.
Trần Thái Học (ĐSGĐ-100)
Sc Nhẫn Hòa diễn đọc