Điên điển trổ bông soi bóng vàng
Dừa xiêm sai trái đứng thẳng hàng
Bên con lạch nhỏ đầy ắp trái
Thủy triều lên xuống nước dâng tràn
Vâng! Nhờ hàng dừa sai trái mà quanh năm những ngày lễ lớn hay ngày giỗ kỵ Thầy vẫn đủ cung ứng cho việc làm cỗ. Những dịp ấy, Phật tử chúng tôi thường tề tựu về chùa, trước là lễ Phật, sau đó thường ở lại chùa để dùng cơm chay, hưởng chút lộc Phật. Món Chay bây giờ thật nhiều, phong phú và đa dạng, món nào cũng ngon vì được biến tấu theo thời gian và sự phát triển của xã hội. Nhưng có một món vẫn giữ mãi nét đặc trưng và tên gọi, vẫn gợi nhớ và làm lưu luyến bước chân Phật tử mỗi khi trở về chùa lễ Phật. Đó là món Kiểm.
Tôi vẫn nhớ một lần, trong lúc làm công quả một huynh đệ của chúng tôi, chị vừa kể chuyện vừa cười: “Ngày xưa, chị thích đi chùa lễ Phật lắm, không phải thích đọc Kinh nhưng thích đến chùa là được ăn món Kiểm của Thầy”. Cả đám chúng tôi bật cười vì lời tâm sự hồn nhiên chân thật của chị. Nhưng đúng thật vậy, hầu hết Phật tử đến chùa đều không thể nào quên được món này. Tôi cứ nhớ hoài, mỗi lần chùa có giỗ kỵ hay các ngày rằm lớn, các dịp lễ đặc biệt, Thầy tự tay xuống bếp làm lấy mọi việc. Nghe Thầy kể, nguồn gốc của món Kiểm này là do ngày xưa, những người dân Nam bộ ở địa phương thường đem các sản vật có sẵn ở chỗ mình hiến cúng cho nhà chùa để tỏ lòng thành kính dâng lên chư Phật. Ai có gì cúng nấy, nào là bí, khoai, chuối, đậu, dừa… mỗi thứ một ít nên các Thầy đã gom lại, đem nấu chung thành một món, và món Kiểm được ra đời từ đấy, tại sao lại có tên là “Kiểm” thì chúng tôi cũng không biết và cũng không hề thắc mắc.
Tha phương tu học tầm Thầy
Miền Tây Nam Việt dạn dày gió mưa
Được Thầy giảng dạy Đại Thừa
Cầu Thầy học Đạo lại vừa nữ công
Bao năm công đức vun trồng
Khi ra hành đạo Tổ tông nối truyền
Món ăn Thầy dạy y nguyên
Đặc sản Nam bộ gia truyền từ đây.
Thầy gốc gác là người xứ Quảng nhưng những món Chay đặc trưng của Nam bộ qua tay Thầy nấu thì phải nói là rất tuyệt vời. Riêng món Kiểm thì không thể chê vào đâu được. Tên gọi thì thật đơn giản nhưng những nguyên liệu thì đủ thứ. Nào là khoai lang, bí đỏ, khoai môn, đậu phộng, hạt sen, táo đỏ, bột khoai, chuối sứ, nấm mèo… và đặc biệt, không thể nào thiếu được nước cốt dừa, linh hồn để tạo nên hương vị đậm đà của món Kiểm.
Những củ khoai, bí,… được cắt thành từng khối nhỏ vuông vức. Sau khi rửa sạch, Thầy phơi hơi héo một chút, kế đến ướp chút muối, đường, để một lát cho thấm. Sau đó đem nấu vừa chín cùng với hạt sen, đậu phộng, cho tiếp các thứ còn lại nấu cho đến chín. Cuối cùng cho phần cốt dừa đậm đặc, nêm nếm lần cuối rồi tắt bếp. Nhìn qua tưởng chừng đơn giản vậy thôi nhưng không phải ai cũng làm được để tạo một món ngon như thế. Phải canh cho khoai vừa chín để không bị nát, phải thật khéo để khi chín, nguyên liệu vẫn dẻo mềm, nước dùng không quá ngọt và độ béo vừa phải để ăn vào sẽ không bị ngán, và quan trọng là phải nấu sao để cốt dừa vẫn giữ độ thơm béo mà không bị gắt. Tất cả những công đoạn đó được Thầy làm một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Món Kiểm của Thầy không những có đầy đủ màu sắc, hương vị mà như còn chứa đựng cả tình thương trong đó. Múc từng muỗng cho vào miệng, nhai thật chậm rãi, chúng tôi cảm nhận được từng mùi vị. Vị ngọt của khoai, chuối, vị béo của đậu và cốt dừa hòa cùng mùi thơm của tất cả nguyên liệu tạo nên một hương vị thuần khiết, tự nhiên, khiến không ai có thể quên được.
Hương vị thơm ngon rất đậm đà
Tin đồn có thiệt, thật không ngoa
Ăn vào nhớ mãi bao năm tháng
Bắt mắt lại ngon tưởng đâu là!
Vị Mặn đâu bằng thực phẩm Chay
Dù đã bao năm cách xa nhà
Tâm tư vẫn nhớ hương vị Kiểm
Nên lòng xa cách chẳng phôi pha.
Giờ đây, món Chay ngày càng phong phú, mỗi món đều có hương vị riêng, tên gọi cũng đặc biệt hơn, có món lại ảnh hưởng bởi tên gọi của các món Mặn, nhưng chỉ có món Kiểm đặc trưng của miền Tây Nam bộ vẫn giữ được bản sắc của nó, không bị mai một và biến đổi theo thời gian.
Thầy tôi nay đã già, sức khỏe không còn được như trước nữa, việc nấu nướng cho những ngày cúng đã có Phật tử chúng tôi đảm trách. Món Kiểm của Thầy vẫn được chúng tôi nấu nhưng hương vị của ngày xưa thì vẫn theo chúng tôi đến tận bây giờ.
Trung Sương (ĐSHĐ-102)
Thích Minh Quan diễn đọc