Việt Nam một dân tộc hào hùng, có nền văn hiến hơn 4000 năm, ắt quyết có nhiều thế hệ chỉnh đốn, mà bề dày lịch sử Phật giáo có mặt hơn 25 thế kỷ đã ghi nhận sự đóng góp mọi mặt của Tăng Ni và Phật tử qua các thời đại.
Để dòng lệ rơi cho tâm tư mở lối về nguồn, chạnh kiếp bọt bèo, phận Ni lưu, đức mỏng nghiệp dày, trong khổ đau và sợ hãi của thuở hừng đông nhân loại. Nàng tiên Âu Cơ đã cho mặt đất hồi sinh bằng giọt nước mắt nhớ thương thành sông, thành suối, thì ở Việt Nam vào thập niên 1950 trở đi, chư Ni Việt Nam có nhiều ước mơ trở thành đại nghiệp trong sứ mạng truyền thừa giáo pháp Đức Thế Tôn.
Từng tờ lịch sang trang là từng giây phút khắc ghi cội nguồn quá khứ, dù huynh và đệ góc nhìn có quá nhiều phiến diện, nên chất liệu tình người mãi chắp cánh bay xa.
Xưa và nay, hai bối cảnh lịch sử dù có khác nhau nhưng điểm đến có chung ý tưởng, xoa dịu nỗi thương đau và nối kết chất liệu tình lam ngọt ngào cho mỗi chư Ni hậu học đậm đà bước chân hành đạo.
Đức Thế Tôn xưa kia và đại Tăng hôm nay đều chung lý tưởng: Tất cả vì nhân sinh, tất cả vì muôn loài khổ đau mà có cùng một tầm nhìn để trải lòng vị tha vô bờ bến. Ni giới mọi thời đại, mọi thế hệ luôn cảm nhận được ân đức cao vời đó mà tăng thêm niềm tin, hiểu rõ giá trị, bổn phận của chính mình để thừa hành Phật sự. Nên thời Phật tại thế, giáo đoàn Ni dưới sự lãnh đạo của Ngài Gotami đã có biết bao nhiêu Ni giới làm nên lịch sử, trong vai trò tu chứng và hành hóa độ sanh. Song song với góc nhìn đó, thì đất mẹ Việt Nam hình cong chữ S, cũng xuất hiện những người Nữ anh hùng “cỡi kình ngư” xông pha trận tuyến, không hổ phận mình “yếm vận quần thoa.” Xong bổn phận vì nước quên thân, họ đã trở về rũ bỏ cuộc sống phù phiếm thế nhân, quyết tâm đi trên con đường tu Phật, thành bậc Ni lưu nêu cao ngọn cờ tâm linh siêu tuyệt, nhận lại tài sản trân quý của Đức Thế Tôn đã trao truyền, để tìm lại “bản lai diện mục.”
Từ ấy “chư Ni bừng nắng hạ, nhiệm mầu Phật pháp rọi qua tim.”
Chạnh nhớ câu: “vô cổ bất thành kim”, lẽ nào huynh đệ chúng ta hôm nay nỡ làm kẻ bội nghĩa vong ơn, để nơi cảnh giới Niết-bàn các bậc Sư trưởng tiền bối luôn ngậm ngùi câu “khế ngộ, thuyết lý vô sinh.”
Bằng niềm tin và tạ ơn những bậc Thầy tiền bối để cuộc sống, sự hóa đạo hôm nay và mãi mãi về sau luôn được thuận lợi, đùm bọc, chở che.
Thế nên, nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì chúng ta hãy nhìn thật kỹ để nghe lòng chua xót bởi những mảnh vỡ chưa được ghép nối cho liền lặn. Thử nhớ câu:
“Kim nhơn bất kiến cổ thời nguyệt
Kim nguyệt tằng nhân chiếu cổ nhân.”
Vâng! Chúng ta sẽ lên đường để tìm lại những nét son bị vùi lấp do chính mình vô tình trở thành những kẻ cùng tử đi hoang!
Hãy bừng tỉnh cơn mê sau những năm dài chưa có dịp tìm về quá khứ của thời gian.
A. Ni bộ Bắc tông được thành lập
1. Thời gian Ni chúng Nam bộ được thành lập:
Vào ngày 06-07/10/1956, Ni bộ Việt Nam được thành lập, sự hình thành này là một chân lý tạo nên ánh sáng vô biên, một nguồn vui bất tận để Ni giới Nam bộ đi vào nề nếp hoạt động, với sự tổ chức như sau:
2. Tôn danh Ban Quản trị
– Ni trưởng danh dự gồm: Thanh Tài, Bửu Trí, Bửu Thanh, Hữu Chí, Đạt Đạo.
– Trưởng ban: Sư trưởng Như Thanh.
– Phó Trưởng ban: NT. Chí Kiên, NT. Liễu Tánh.
– Tổng Thư ký: NT. Huyền Huệ.
– Phó Thư ký: NT. Viên Huy, NT. Tịnh Ý.
– Chánh Thủ bổn: NT. Diệu Đức.
– Phó Thủ bổn: NT. Diệu Minh, NT. Diệu Trí.
– Phụ trách Giám luật: NT. Diệu Hoa.
– Phụ trách Nghi lễ: NT. Thông Tuệ.
– Phụ trách Giáo dục: NT. Chí Kiên.
– Phụ trách Tổ chức: NT. Diệu Ninh, NT. Diệu Hoa.
– Thuyên chuyển: NT. Giác Ngọc.
– Chưởng Bộ tịch: NT. Giác Nhẫn.
– Cố vấn tối cao: NT. Diệu Kim.
– Phụ trách thường trực: NT. Hải Huệ, NT. Diệu Lý, NT. Diệu Hạnh, NT. Diệu Chơn.
– Phụ trách kiểm soát: quý Ni trưởng Tâm Nhàn, Diệu Ngộ, Trí Thông, Diệu Đạo, Như Huy.
Có thể nói tôn danh của chư Tôn đức nêu trên đây, những trụ cột chịu trách nhiệm cùng với đại Tăng trong mọi việc ứng xử, lèo lái con thuyền Ni bộ Bắc tông đến bến bờ Giới luật quang vinh, giới hương tỏa ngát và năm tháng hãy còn ghi.
B. Từ năm 1956-1964
Như đã biết, năm 1956 Ni bộ Nam Việt được hình thành và hoạt động tại miền Nam. Đến năm 1964, khi GHPGVNTN ra đời thì đổi danh xưng thành Ni bộ Bắc tông và hoạt động khắp các tỉnh miền Nam và Trung dưới sự lãnh đạo của Giáo hội bấy giờ.
Duyên lành hòa hợp, chung tay kết đoàn, gánh vác Phật sự trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh loạn lạc, quý Ni trưởng luôn chia sẻ trách nhiệm “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài.”
Ni bộ Bắc tông đã có trụ sở lãnh đạo chư Ni từ Trung ương đến các tỉnh thành. Có nhiều tỉnh đã khai mở các môn học Luật Tứ Phần, Đại Luật, Luật Sa-di-ni, Phạm Võng, Trường A Hàm, Quy Nguyên Trực Chỉ… do quý Sư bà ở tỉnh Sa Đéc, phần lớn đều là đệ tử, học trò HT. Ngộ Giác Chánh Quả đảm trách.
Dù ở nhiều góc độ tỉnh thành xa xôi, khó khăn phương tiện di chuyển thời ấy, nhưng quý Sư bà vẫn có lịch công tác theo quy trình của Ni bộ:
Sư bà Như Châu chùa Thanh Lương (Sa Đéc – Giám luật Ni viện Từ Nghiêm và Ni viện Dược Sư).
Sư bà Như Lý (chùa Từ Nguyên Sa Đéc – phụ trách thường trực Ni bộ Nam Việt).
Sư bà Như Minh (chùa Bạch Vân – Bến Tre, Trưởng ban Ni bộ tỉnh Bến Tre) và đảm trách các tỉnh miền Nam.
Sư bà Như Hoa chùa Phước Huệ Sa Đéc – phụ trách Giám luật Ni bộ Nam Việt, quản lý Ni viện Dược Sư 1958-1960, giám viện Ni viện Tư Nghiêm 1976-1978.
Sư bà Như Nhàn chùa Giác Thiên, Vĩnh Long (kiểm soát viên Ni bộ Nam Việt).
Ni sư Diệu Tâm chùa Vĩnh Bửu – Bến Tre (phụ trách danh bộ).
Ni sư Phước Hiển chùa Viên Quang TP. Sài Gòn (Tổng Thư ký Ni bộ Bắc tông nhiệm kỳ 1964-1974, giảng Sư đoàn của Ni bộ Bắc tông.
Sự thành lập và hoạt động của chư Ni trong giai đoạn này, tương đối nhịp nhàng, đi vào nề nếp. Bước qua giai đoạn:
C. Năm 1964-1975
Ni bộ Bắc tông ngày ấy dần lớn mạnh là một ban trong 13 ban của Giáo hội phân công. Đại Tăng là cánh tay phải, Ni giới là cánh tay trái, cả hai cùng một nhiệm vụ bảo vệ Phật pháp cửu trụ lưu thông. Thời kỳ này quý Tôn đức Ni cũng phân ra các cấp, các ngành theo hệ thống dọc và ngang của Giáo hội.
Song song với hoạt động của Ni giới Nam bộ ở các tỉnh miền Trung còn có Sư bà Diệu Không, Sư bà Thể Quản…, đều là những bậc trưởng Ni kỳ tài, lãnh đạo và giảng dạy cho chư Ni tại Thừa Thiên – Huế và các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh miền Trung đều có những bậc Ni lưu trưởng thượng, xứng đáng với vai trò lãnh đạo Ni giới tại tỉnh mình.
Như vậy từ năm 1956-1975, Ni bộ Bắc tông đã đồng hành cùng Giáo hội trong mọi công tác giảng dạy, giáo dục chư Ni và hóa đạo quần chúng một cách nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Rồi thời gian trôi qua, cùng với sự đổi mới của đất nước, thì Ni giới cũng bước sang giai đoạn mới:
D. Năm 1975-2008
Lịch sử đã sang trang mở đầu một kỷ nguyên mới qua sự lãnh lạo sáng suốt của Đảng theo tấm gương Bác Hồ, dân tộc Việt Nam đều vui mừng vươn lên trong cuộc sống.
Vì lý do khách quan nào đó, mà Ni giới chúng con suốt chặng đường 30 năm đã vô tình lãng quên danh xưng Ni bộ Bắc tông, trụ sở tại chùa Từ Nghiêm – Q.10, TP.HCM và nay cũng là trụ sở của PBNGVN.
Sự lãng quên này, cũng đồng nghĩa với sự thiếu trách nhiệm với con em Ni giới của mình. Vì thế, mà đã có rất nhiều sự khiếm khuyết về quản lý giới luật, đạo đức của chư Ni qua một thời gian khá dài, đã làm cho các thầy Ni u hoài, lo lắng. Hiện tại, PBNG đã ra đời, nhằm cứu vãn một thời ngỡ như chưa tròn trách nhiệm. Hôm nay, quay về khung trời cũ, tìm lại những bậc Thầy xưa, ngõ hầu thắp sáng lại gương giới đức để không cô phụ “ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng” của quý Ni trưởng thời Ni bộ: Sư trưởng Như Thanh, NT. Như Hoa, NT. Huyền Học, NT. Như Trí, NT. Liễu Tánh, NT. Như Huệ, NT. Diệu Không, NT. Đàm Lựu, NT. Tâm Nhàn, NT. Từ Hương…
Dặn lòng không cô phụ lịch sử hành đạo và dìu dắt Ni lưu của các bậc Trưởng Ni tiền bối, chư Ni, chúng con sẽ khơi lại ngọn đuốc soi đường chân lý để góp phần thăng hoa giới đức cho Giáo hội PGVN và cho Ni giới Việt Nam biết nẻo quy nguồn.
Hiện nay, nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn, rất mong chư Ni trẻ có học vị cao, phải ý thức giữ gìn những nét đẹp truyền thông mà ở đó nét đẹp tư tưởng, văn hóa Phật giáo của quý Ni trưởng xa xưa là những giá trị ổn định, lâu bền nhất. Hãy tôn trọng và nêu cao tinh thần Giới luật để hương giới đức muôn đời bay xa.
Hôm nay, Ni giới chúng con từng phút giây mong đợi sự gia trì của quý bậc minh Sư, chư Tôn đức nhị bộ Tăng già, các cấp chính quyền, Thiện nam tín nữ gần xa, khởi tâm tùy hỷ đóng góp kiến thức, trí tuệ tạo nhiều thắng duyên cho Ni giới Việt Nam chúng con vươn tới tầm xa đến với cộng đồng dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung.
Thành kính nguyện cầu chư Tôn giáo phẩm, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, quý Ni trưởng, chư Tôn đức, đại chúng Ni ,quý vị nhân hào trí thức cùng nam nữ Phật tử xa gần đồng huân triêm Phật lý, tận lực toàn tâm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, Phật pháp trường tồn, nhân dân an lạc.
Nam mô Công Đức Lâm Bồ tát ma ha tát.
TKN. Như Như