“Tâm từ khai mở chúng sanh
Ngài hạ trần thế đem vui đất trời.
Tựa như mở rộng cửa đời
Bao nhiêu ánh sáng do Ngài thắp lên.”
Năm 624 TCN một sự kiện hy hữu tối thắng đã diễn ra, đó là Thái Tử Tất Đạt Đa chào đời. Sáng ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, tại vườn Lâm-tỳ-sni cách thành Ca-tỳ-la-vệ 15 cây số, Hoàng hậu Ma Da đang ngoạn cảnh, trông thấy cành hoa Vô Ưu mới nở, thơm ngát, bà đưa tay phải với hái thì Thái tử cũng vừa đản sanh tại đây.
Ngày đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa trong thành cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa kết trái; sông ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; trên hư không chim chóc và hào quang chiếu sáng cả mười phương. Vạn vật hân hoan cung kính đón chào sự xuất hiện của Ngài ở cõi Ta bà này, chúng đều cảm nhận được một vị vĩ nhân đã đến đây nhằm cứu độ chúng sanh.
Có một đạo sĩ cao niên tên là A Tư Đà xin yết kiến đức vua để xem tướng Thái tử, là người nổi tiếng về chiêm tinh, được hoàng tộc SaKya kính trọng. Đạo sĩ rất lấy làm hoan hỷ, nhưng cũng tỏ ra u buồn sau khi xem tướng xong, Vua hỏi cớ làm sao? Đạo sĩ thẳng thắn trả lời: “Tôi vui mừng vì Thái tử có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, nhất định trong tương lai gần sẽ thành bậc Giác Ngộ. Tôi cũng buồn về tuổi tôi đã già, không đủ thời gian nhân duyên nghe Pháp kia một vị Phật ra đời”.
Như lời chiêm tinh của lão, Thái tử trải qua 19 năm sống trong nhung lụa nhưng không thể nào ngừng được sự khát cầu đạo pháp. Đêm khuya ngày mồng 8 tháng 2, Ngài vứt bỏ cuộc đời vương giả, đi vào rừng sâu tìm Đạo.
Đức Phật đã vì đại nguyện mà xuất gia tìm đạo, trải qua nhiều năm khổ cực, Ngài đạt thành Tối thượng ở đời không ai có thể sánh bằng. Chính Ngài đã mở ra con đường giải thoát mà từ xưa đến nay chưa ai khai mở.
Trong kinh Bộ Ba ghi rằng: “Không có thể một vị Tỳ kheo, hay Bà-la-môn thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ. Tất cả các Pháp mà Thế Tôn, bậc A la hán thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác. Này Bà-la-môn, Thế Tôn là bậc khơi dậy con đường trước đây chưa từng ai nói, là bậc hiểu đạo, biết đạo, và thiện xảo về đạo, nay các đệ tử là những người sống và hành đạo sẽ thành tựu chánh quả”.
Mục đích hiện hữu của Ngài là khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh. Do đó trong hơn 45 năm Ngài thuyết Pháp độ sanh: bằng Thân giáo, Khẩu giáo, Ý giáo. Đức Phật đã đem đạo vào đời, độ vô lượng chúng sanh mà không phân biệt giai cấp, chủng tộc, thành phần trong giai cấp xã hội. Ngài đã khai tâm thức cho loài người biết rằng: Bất cứ một người nào muốn dụng tâm tu tập, hành trì, theo chánh pháp mà Ngài giảng dạy đều có thể chứng đạt trí tuệ Vô Thượng và thành tựu quả vị giải thoát Niết-bàn như Phật Thích Ca Mâu Ni vậy.
Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Tăng Ni, Phật tử trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mọi người luôn khắc ghi công ơn lớn lao của Ngài vì chúng sanh mà gian khổ, đạo pháp của Ngài soi dẫn bước đường cho kẻ lầm mê đi đến bờ giác ngộ.
Vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có Phật giáo Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật.
Hàng năm vào ngày rằm tháng tư âm lịch, toàn thể tín đồ Phật giáo toàn thế giới, trên khắp hành tinh long trọng tổ chức đón mừng đại lễ Đản Sanh. Việt Nam ta đã ba lần vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc.
Như tục lệ, mong chờ ngày lễ, thế nhưng bao năm đại dịch Covid kéo đến làm mọi hoạt động phải ngưng hẳn đi. Năm ngoái, đại lễ được tổ chức qua hình thức online, tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. HCM đã đọc Thông điệp Phật đản Phật lịch 2565 của Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh – Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Theo đó thông điệp nêu rõ: “Đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng đối với tất cả những người đi theo dấu chân Đức Phật, để hành trì, để sống theo lời Ngài chỉ dạy, đi theo con đường Giới – Định – Tuệ mà Ngài đã chứng nghiệm mang đến an lạc, hạnh phúc cho mọi người, sự phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước, và hòa bình cho nhân loại”… Thông điệp cũng đã khẳng định chặng đường 40 năm thành lập, phát triển và hội nhập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kế thừa tinh hoa truyền thống 2.000 năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.
Và như một phép mầu xảy ra, cho đến năm nay tình hình dịch bệnh trở nên hòa hoãn, mọi sự việc dường như đã ổn định. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có văn bản gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566.
Trong đó có nêu rõ Đại lễ Phật đản có thể tổ chức một ngày trọng thể, hoặc tổ chức Tuần lễ kính mừng Phật đản tùy theo tình hình thực tế tại địa phương; 4 giờ sáng, ngày 15/5 tức 15/4 âm lịch, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cử 3 hồi chuông trống Bát nhã kính mừng Đức Phật đản sinh, cầu nguyện quốc thái dân an.
Theo GHPGVN, trong bối cảnh toàn xã hội luôn luôn phải đề cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các cấp, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước, Tăng Ni và đồng bào Phật tử tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh, Phật lịch 2566 đảm bảo an toàn trong suốt thời gian tổ chức Đại lễ.
Thông qua các sự kiện quý Ngài muốn sách tấn chúng ta trong kỳ đại lễ Đức Phật rằng Đản Sanh: Tất cả người con Phật cần phải tỉnh giác, chánh niệm trong mọi hoàn cảnh, nỗ lực tu tập, trau dồi giới hạnh. Cùng nhau chung sống hòa hợp trên nền tảng giới luật, thực hiện một đời sống đạo đức vị tha, để cùng nhau kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc.
Thích Nữ Chân Mỹ (ĐSHĐ-104)