Đi chùa đầu năm là một phong tục lâu đời của người theo đạo Phật và đạo Khổng (Nho giáo). Ngoài các ngày rằm và Phật Đản ra, đây là những ngày mà người ta viếng chùa nhộn nhịp như đi trẩy hội. Ai cũng đốt nhang cầu khấn cho gia đạo bình an, vứt đi mọi buồn phiền, xui rủi trong năm cũ, hướng đến những điều tốt đẹp nhất ở tương lai. Như chúng ta biết, chùa là nơi thanh tịnh, tôn nghiêm nên dù không có một văn bản nào quy định thì người đi viếng chùa vẫn phải biết giữ trật tự và hành xử có văn hóa nơi công cộng. Rất nhiều người hiểu rõ nguyên tắc này nên thuân thủ một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, một số người dù biết vẫn cố tính vờ đi vì muốn thể hiện cái tôi của mình quá lố.
Ăn mặc
Ăn mặc đẹp là điều mà ai cũng thích, đặc biệt với phụ nữ. Vốn dĩ thường ngày phụ nữ đã thích mặc đẹp, thì ngày tết họ càng phô trương hình thức này để cho có không khí tết và cho nhiều người ngắm nhìn mình (nhất là đối với những phụ nữ giàu). Bỏ qua cái chuyện hàng hiệu vì tùy túi tiền, sở thích của mọi người mà có những sự lựa chọn khác nhau. Điều cần bàn đến là phong cách ăn mặc. Nhiều quý bà, quý cô cứ ngỡ chốn thanh tịnh là vũ trường, quán bar, nên ra sức ăn mặc “thiếu vải”, lại còn có những cử chỉ không hợp với chốn thiền môn chút nào.
Buồn cười nhất là có nhiều cô tuổi đời còn rất trẻ, cứ sợ nhiều người không để ý đến mình nên ra sức lả lướt, uốn éo nhằm kéo những cặp mắt hiếu kỳ về phía bộ cánh mỏng tang mà mình đang mặc. Đồng ý rằng họ đẹp, họ có tiền, họ có quyền ăn mặc như thế vì đâu ai cấm. Nhưng nói về khía cạnh lịch sự, văn minh, và lòng tự trọng thì họ chẳng có. Đúng là có nhiều người nhìn họ đấy, nhưng không phải trầm trồ ngưỡng mộ mà đang khó chịu vì họ làm vấy bẩn chốn tôn nghiêm. “Đẹp mà không đẹp” là ở chỗ đó.
Chen lấn
Cảnh chen lấn trong chùa để đốt nhang như chuyện thường ngày ở huyện, nhất là ở những chùa lớn, lâu đời. Đặc biệt là vào ngày Tết, dòng người viếng chùa gấp đôi ngày thường, nên nạn chen lấn không thể tránh khỏi. Ai cũng mong muốn tranh thủ đốt nhang, khấn nguyện rồi về nhà sớm vui xuân với gia đình. Nghĩ cũng lạ, chúng ta đi chùa vì lòng thành, vì cái tâm hướng thiện, tại sao phải nôn nóng, hối hả để rồi tranh giành chỗ đứng? Mà dù cho có hối hả, thì chúng ta cũng phải tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch là “đến trước được trước, đến sau được sau”. Không thể có chuyện đến sau mà giành đi trước (trừ những cụ già, người khuyết tật, phụ nữ có thai và trẻ em), trong khi nhiều người phải chịu khó xếp hàng. Thành ra, lắm lúc vì tranh giành trước sau mà nhiều người sinh sự, cãi vã, rồi gây náo loạn ở chốn cửa Phật từ bi. Thế thì đi chùa đốt nhang để làm gì?
Lời nói
Đi nhẹ, nói khẽ là cách để chúng ta giữ cho chùa nét thanh tịnh, tôn nghiêm. Tuy nhiên, nhiều người lại không nghĩ thế. Họ cứ nghĩ chùa cũng là chốn phàm tục, cứ vô tư ăn nói bỗ bã, cười đến sái quai hàm, đi thì giậm giày nghe lộp cộp. Ngày tết vốn đông người, chỉ cần người góp một vài câu thôi đã làm tần suất âm thanh trở nên cực đại. Đã vậy, nhiều người còn nói tục, chửi thề không khác gì nơi chợ búa.
Hái lộc
Sau khi đã đốt nhang cầu nguyện xong, nhiều người nán lại trò chuyện với các sư, dùng bữa cơm chay, phụ giúp một số việc trong chùa; số khác thì tranh thủ ra về để vui xuân cùng gia đình. Đầu năm, quang cảnh ở chùa rất đẹp, hoa nở tươi tốt, ong bướm vờn quanh. Đặc biệt là hoa mai, hoa đào, hoa vạn thọ… làm cho người vãn cảnh bị níu chân quên lối về. Lắm người vì muốn mang cái lộc hên, may mắn về nhà mà nhanh tay ngắt vài đọt lá non trong khuôn viên chùa cho vài cái phong bao đỏ. Chồi non của hoa mai thường là “đối tượng” của những người vãn cảnh xấu xí. Một, hai người không nói làm gì. Nhưng có đến hàng trăm người hái lộc, thành ra chỉ trong ba ngày tết, cây cành nhà chùa “trơ xương”, còn lèo tèo lại vài cánh mai ủ rũ. Không biết tự bao đời văn hóa của chúng ta nảy sinh ra vấn đề hái lộc. Đây là hình ảnh xấu, cần phải xóa bỏ. Cây cỏ cũng như con người, mất một thứ gì trên cơ thể sẽ què quặt, đau đớn và không tồn tại lâu.
Kẻ xấu
Khách viếng chùa đầu năm luôn trở thành mục tiêu của kẻ xấu: móc túi, rạch giỏ, bấm dây chuyền, trêu ghẹo, sờ soạng phụ nữ… Lợi dụng ngày tết chùa đông đúc nên nhiều đạo chích ngang nhiên móc túi mà không sợ bị phát giác. Thậm chí, có nhiều người nhìn thấy chúng “săn mồi” nhưng vì sợ bị trả thù nên làm vờ cho qua. Hoặc nhiều kẻ bệnh hoạn nhân cơ hội đông người chen chúc mà trêu ghẹo, sờ soạng phụ nữ để thỏa cái tâm đen tối của mình trước chốn thiên môn.
Lời kết
Đầu năm đi chùa là để cầu cho đất nước thanh bình, gia đình hạnh phúc và bản thân mình luôn thành công trên đường đời. Chứ không phải đến chùa vì cái tôi, vì trào lưu hay vì “đi cho có lệ”. Vậy, mong rằng những ai có hành vi xấu xí trên hãy nên từ bỏ để cho lòng thanh thản, vô ưu.
Duy Hoàng (ĐSHĐ-006)