Thằng bé mới chỉ 17 tuổi thôi nhưng gương mặt và phong cách khá già dặn. Ban đầu tôi còn gọi nó là anh. Nó cười. Chỉ có nụ cười mới toát lên vẻ ngây thơ: “Em còn nhỏ mà! Cứ gọi bằng tên đi!”
Nó ở trọ cùng địa chỉ với tôi. Hai dãy nhà trọ với 20 “căn hộ” đều trên hai mươi tuổi, chỉ có nó là nhỏ tuổi nhất. Càng ngạc nhiên hơn, nó chỉ ở trọ một mình. Với dáng vẻ đen đúa, bặm trợn và lực điền, cư dân trong khu nhà trọ không ai muốn tiếp chuyện với nó. Có chăng là câu xã giao, cái gật đầu ích kỷ. Còn lại thì là ánh mắt ái ngại, nghi ngờ. Họ cho rằng “thằng này bất lương” nên đều xa lánh. Cũng phải thôi, thời đại “đen – trắng” khó lường nên ai cũng mang trong lòng tính nghi ngại. Vả lại, xã hội của thời nhan sắc lên ngôi. Cứ nhìn một người thanh tú, xinh đẹp thì người ta có thiện cảm hơn gấp bội lần. Qua rồi kiểu phong cách “Cái nết đánh chết cái đẹp” của các cụ ngày trước.
Chỉ có tôi là khác. Cũng là dân miền Tây, lại ở cái làng quê nghèo xơ nghèo xác nên tôi hiểu được tâm trạng của nó. Vì nghèo, nó vứt lại sách vở, tuổi thơ, mái ấm nơi quê nhà để bươn chải chốn xứ người. Thường xuyên gần nó, tôi mới hiểu được nỗi lòng của một đứa trẻ lắm khát khao, muốn được vươn lên trong cuộc sống từ chính đôi tay lam lũ của mình.
Nhà nó ở mũi Cà Mau. Gia đình nó quanh năm phải nhọc nhằn bằng nghề đi biển, đánh bắt thuê chứ chẳng phải làm chủ gì cả. Mới 13 tuổi nó buộc phải nghỉ học rồi cùng các anh, các chú giong buồm ra khơi. Khác với những đứa trẻ trong xóm, tuổi thơ của nó chẳng bao giờ có được hình ảnh tắm sông, chân trần cắp sắp đi học hay đội mưa cùng lũ bạn ra đồng bắt cá… Bóng dáng biển khơi luôn thường trực trong nó. Nhiều đêm nhớ nhà, giật mình tỉnh giấc thấy mình đang lênh đênh trên biển, nó bật khóc. Rồi được các anh, các chú an ủi, nó dần quên đi chuyện gia đình. Có lẽ vì thế, mà bây giờ nó trở nên chai lì cảm xúc.
Nó kể, nhiều khi nghĩ đến tương lai, nó thấy tuyệt vọng. Giống như dân đi biển làm mất chiếc la bàn, phía trước đều là sóng nước trùng khơi không bờ bến. Có lần nó chứng kiến người cùng xóm hụt chân rơi xuống biển rồi chết. Nó bắt đầu sợ, nỗi sợ cứ ám ảnh từng ngày. Nó nghĩ quẩn, ở một nơi bốn bề đều là nước, lỡ có bệnh tật cần cấp cứu, thì chỉ có nước chờ thần chết đến rước. Thực tế là xác chết của người cùng xóm phải nằm trong hầm đá cùng cá tôm, đợi gặp tàu quen (đang lượt về) mới gửi xác về đất liền. Tàu đánh cá không thể quay về khi chỉ ra khơi vài ngày, chưa có thu hoạch. Đó là nguyên tắc không bao giờ thay đổi.
Sau chuyến đi bội thu về trước thời hạn, nó vội vàng về nhà để thưa chuyện với ba mẹ. Nó xin nghỉ làm để lên Sài Gòn tìm việc. Chỉ nghe thế thì mẹ nó đã nổi cơn thịnh nộ. Bà mắng nó như một đứa vô gia cư xin ăn ngoài chợ. Sự thật là mẹ nó chẳng thương con. Bà chỉ muốn có thật nhiều tiền để cờ bạc. Số tiền lương mỗi tháng của ba và hai anh em nó không đủ để bà thỏa mãn số đề, tứ sắc, tiến lên. Thậm chí những giờ nghỉ đêm trên biển, nó phải tranh thủ thời gian câu mực để kiếm thêm tiền sắm sửa cho bản thân. Vậy mà mẹ nó móc sạch túi không thương tiếc. Cuối cùng nó chỉ bỏ được trong túi vài chục ngàn để tiêu vặt. Tiền lương thì chẳng khi nào nó được cầm, vì chưa tới tháng bà đã ứng trước của chủ. Có những lần, nắm vài chục ngàn trong tay, buồn, chán nản, nó chạy ra chợ huyện uống ít chai bia cho đến lúc say bí tỉ rồi gục mặt xuống bàn. Tỉnh dậy nó quên hết chuyện vừa qua. Sự thật mà nói, đồng tiền luôn là sức mạnh vạn năng. Khi sức lao động mình bỏ ra lại không có thu hoạch gì, tất nhiên là bất mãn, chán nản. Tâm trạng nó cũng thế. Cứ nghĩ lại những điều trong quá khứ, nó giận mẹ, giận đời và muốn đi thật xa, nhưng nơi đó không phải là biển trời mênh mông.
Ba nó vẫn còn đang trên biển nên nó chỉ thưa mẹ một tiếng rồi xếp vài bộ đồ đón xe lên Sài Gòn. Gác ngoài tai những lời chửi rủa của mẹ mình. Cũng may nó dành dụm được một ít tiền để trong chân của chiếc giường tre nơi nó ngủ. Số tiền này nó để dành rất lâu, không dám xài, định để mua một chiếc xe gắn máy cà tàng. Nhưng nó tự nhủ, khi nào làm có tiền rồi hẳn sắm sau, giờ phải lo chuyện trước mắt. Dù biết rằng Sài Gòn phồn hoa, có nhiều cơ hội để người ta thay đổi cuộc đời nhưng cũng có thể đẩy con người ta xuống đáy nhơ nhớp. Nó vẫn kiên định ra đi với lý tưởng tốt đẹp.
Rồi nó làm nhiều nghề để sống: phụ hồ, bán vé số, khuân vác thuê… Ban đêm nó quyết định đi học bổ túc để mong sao thay đổi cuộc đời. Nó nói, ước mơ của nó sau này là kỹ sư điện tử. Tôi thán phục ý chí của nó, đồng thời cũng tỏ ra ái ngại. Tám năm cho bậc phổ thông và Đại học (nếu như thi đỗ) quả là quá xa xôi.
Vậy mà ngót nghét quãng thời gian ấy cũng trôi qua nhanh chóng. Trải qua nhiều thăng trầm, có khi buồn gia đình, công việc, nó bỏ học rồi lao vào rượu chè. Rồi lại thức tỉnh để làm lại, xây mới cuộc đời. Tôi chia tay nhà trọ cũ để đến Bình Chánh công tác. Chuyện của thằng bé đen nhẻm rồi cũng quên béng. Mãi đến khi nhận được cuộc gọi của nó thông báo rằng đã tốt nghiệp Đại học Công nghiệp, tôi mới giật mình. Rồi chúng tôi có cái hẹn ở quán cà phê. Nó bây giờ đã thay đổi, dường như là “lột xác” hoàn toàn từ phong cách bề ngoài cho đến ăn nói, kể cả trình độ. Niềm vui của nó càng nhân đôi khi xin được một chân trong công ty Nhật Bản. Thú thật ban đầu tôi không nghĩ nó sẽ thành công như ngày hôm nay, dù rằng trong thâm tâm luôn ủng hộ nó hết mình. Nó chia sẻ, để có được ngày hôm nay nó đã trải qua những ngày tháng khắc nghiệt. Nỗi cơ cực, gian truân nơi quê nhà luôn là hình ảnh nó nghĩ đến thường trực, từ đó mà tự thân phấn đấu vươn lên. Nó khác người ta chỗ đó. Thay vì nghĩ đến những điều tốt đẹp ở phía trước để có niềm động lực mạnh mẽ mà hướng đến và nắm lấy. Nhưng với nó, nghĩ về phía gian truân, u ám làm bàn đạp cho cái đẹp, cái tốt ở tương lai. Liệu rằng trong xã hội này còn có ai như nó? Khi mà con người chỉ muốn vứt bỏ quá khứ đen tối mù mịt để mơ về cái sáng sủa tinh khôi?
Đặng Trung Thành
Diễn đọc: Sc Đức Tạng