Tâm sanh vô số pháp duyên sanh
Bến giác hồi đầu chẳng lợi danh
Trí biết thời gian không đầu mối
Vô tâm vắng lặng tự nhiên thành.
Kinh Trung A hàm tập 2 Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng, chỉ cần xứng tánh, thì trí năng công đức của Như Lai tạng sẽ dần phát, triển khai, đạt quả Như Lai, tất cả chúng sanh đều có nguồn tâm, phát ra nơi tâm là tánh biết, nhất minh tinh sanh lục hòa hiệp. Nghĩa là một tánh biết phát ra sáu căn, gọi là tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm v.v… Cần xứng tánh là xứng với tánh thật, thì trí năng công đức Như Lai sẽ phát sanh. Một khi được sống với tánh thật rồi thì trí huệ phát sanh, dẫn đạo tất cả việc làm, nhiệt não biến thành thanh lương, vô lượng công đức phát sanh từ đây.”
Tuệ Trung Thượng sĩ nói:
“Trên trời thoảng có đôi vành chuyển
Giữa biển ngại gì bọt bóng xao.”
Nhận được pháp thân thênh thang rồi, thì sanh tử chẳng qua là hai bánh xe quăng giữa hư không, thân tứ đại như hòn bọt giữa biển cả, sá chi chút vui, chút buồn, chút sầu, chút khổ.
Kinh Pháp Bảo Đàn, Ngài Ngũ Tổ dạy rằng: “Tâm Như như tức là tâm tự nhiên vắng lặng, sáng tỏ không động, ví như mặt nguyệt ở không trung, muôn ngàn lượn sóng hiện ra bóng, bóng có sanh diệt, mặt nguyệt thật như nhiên. Sóng tỷ như muôn cảnh, mặt nguyệt dụ như bản tánh thanh tịnh. Ngày xưa lúc Tổ Huệ Năng còn tập sự, hàng ngày chỉ biết giã gạo, bửa củi, tuy Ngài không biết chữ, nhưng đã nhiều đời Ngài trồng sâu căn lành trong Phật pháp. Ngài đã kiến tánh, mà không biết viết, nên đã nhờ quan Biệt giá viết giùm bài kệ:
“Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhứt vật
Hà xứ nhá trần ai.”
Nghĩa là:
Bồ đề chẳng có gốc
Gương sáng cũng chẳng đài
Bổn lai không một vật
Nào chỗ vướng trần ai?
Bồ đề là tánh giác ngộ, không hình, không tướng, lấy gì làm gốc? Minh cảnh là tâm, viên minh thông triệt, phổ biến trống không, có gì gọi là đài? Xưa nay Diệu giác, Chơn tâm, từ vô thỉ vốn trong sạch, trống không, không có một vật gì tìm được trong đó, thế thì có gì gọi là vướng bụi?
Trí huệ rộng sâu chẳng nghĩ bàn
Bao trùm vũ trụ cả trần gian
Nào hay muôn vật trong pháp giới
Tánh không, chân thật, vượt ba ngàn1.
Trong Tâm kinh có câu: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách”. Lúc vị Bồ tát an trú vào cảnh tự tại, thực hành phép trí huệ đáo bỉ ngạn sâu xa, thì soi thấy năm uẩn đều không có sắc tướng, nên vượt qua các cảnh khổ não.
Câu này gồm chỉ tâm pháp của Phật và công phu tu hành của các vị Bồ tát. Người tu hành muốn được thấy tánh thì phải tư duy, thực hành pháp thâm diệu “Trí huệ đáo bỉ ngạn” mới thấy cảnh vi diệu, tức là Bổn lai diện mục của mình vậy.
Tất cả các pháp đều do tâm, tức Như Lai tạng mà phát ra, cho nên, nói: “Cả thảy tức quy về một”, tâm bao gồm tất cả pháp, cho nên, nói: “Một là tất cả”. Biết rõ ngoài tâm không có cảnh, ngoài cảnh không có tâm, cũng như lìa nước không có sóng, sóng và nước chẳng phải một, nhưng cũng chẳng phải hai, lìa cái này cũng chẳng có cái kia. Ấy là tâm suốt thông, cũng gọi là tâm đắc nhất (Chơn không).
Chơn tánh tự dụng, nghĩa là bổn tánh ứng dụng tự nhiên, không có ý thức xen vào. Phàm mỗi việc do trí Bát nhã biện phân, thì ra lẽ chơn chánh, bằng việc gì do ý thức góp phần thì ra điều tà ngụy. Vì ý thức còn vọng hoặc hôn mê.
Pháp giới chỉ cho tất cả trời, đất, vạn vật, thời gian, không gian, tất cả sự lý vũ trụ, nhơn sanh cũng gọi là pháp. Pháp giới theo kinh Phật là cảnh thâm u, huyền diệu, rộng lớn vô cùng, bao quát tất cả cảnh giới hữu hình và vô hình. Tại vũ trụ gọi là Pháp giới, tại người Chánh giác gọi là Pháp tánh hay là Như Lai bình đẳng pháp thân.
Cái trí Bát Nhã vốn không lớn, không nhỏ, chỉ vì cái tự tâm của chúng sanh mê ngộ chẳng đồng. Lòng mê chỉ thấy bề ngoài tu hành tìm Phật, mà chưa tỏ sáng bổn tánh của mình, tức là người tiểu căn. Kẻ đốn giáo tu hành, không chấp bề ngoài, những sự phiền não trần lao, thường chẳng nhiễm bổn tâm mình, tức là người thấy tánh.
Kinh Bồ Tát Giới nói rằng: “Cái bổn nguyên tự tánh của ta vốn trong sạch. Nếu biết tâm mình và thấy tánh mình thì thành Phật đạo.”
“Tâm, tâm, tâm
Khó nỗi tầm
Phóng ra bao trùm pháp giới
Thâu lại bằng mũi kim châm.”
Cái tâm khi ứng dụng liền biến khắp các nơi, mà không dính vương vào các nơi ấy. Giữ tâm mình trong sạch, khiến sáu thức ra vào sáu cửa, sáu căn đối với sáu trần, mà lòng không vương vấn, nhiễm ô, dính mắc, lui tới tự do, thông dụng không ngăn ngại, tự tại giải thoát gọi là hạnh vô niệm.
Thường ngày, trước khi thọ trai, cúng Quá đường chúng ta tụng: “Cúng dường thanh tịnh Pháp thân… viên mãn… Thiên bá ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật”. Vậy sao gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật? Bổn tánh của chúng sanh vốn trong sạch, muôn pháp đều do nơi bổn tánh mà sanh. Trí dụ như mặt trời, Huệ dụ như mặt trăng, trí huệ thường sáng nhưng bởi tâm hay bị dính mắc cảnh bên ngoài, rồi vầng mây vọng niệm che án tâm tánh, nên trí huệ chẳng đặng sáng tỏ. Nếu gặp thiện tri thức, minh Sư dẫn dắt, tự mình dứt các điều mê vọng, thì trong tánh muôn pháp hiện ra rõ ràng, người thấy tánh cũng giống như vậy. Ấy gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật.
Còn Viên mãn báo thân Phật thì sao? Ví như một ngọn đèn sáng có thể trừ được chỗ tối tăm từ ngàn năm trước. Một chút trí huệ có thể dứt được sự ngu si trong muôn kiếp. Niệm niệm hoàn toàn sáng suốt, điều lành điều dữ tuy có khác nhau, chứ cái bổn tánh chỉ là một. Cái tánh không hai gọi là Chơn như, tánh Chơn như chẳng nhiễm điều lành, điều dữ. Ấy gọi là Viên mãn Báo thân Phật.
Sao gọi là Thiên bá ức Hóa thân Phật?
Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp, thì Bổn tánh dường như trống không. Một niệm nghĩ tính gọi là biến hóa. Tâm nghĩ điều ác hóa thành địa ngục, tâm nghĩ điều lành, lòng từ bi hóa thành Bồ tát. Do tâm nghĩ tưởng sum la vạn tượng, thành ra thiên bá ức. Cái Pháp thân vốn là đầy đủ, niệm niệm tánh mình hiện ra tỏa sáng. Do cái Báo thân nghĩ tính phát ra trí tuệ, tức là Hóa thân Phật.
Hít vào rồi lại thở ra
Càn khôn vũ trụ hóa ra hư trần2
Rót vào nuôi dưỡng huyễn thân3
Tu di sụp đổ toàn chân hiển bày4.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-135)
- Tam thiên đại thiên thế giới (kinh A Di Đà, Đức Thế Tôn đã thuyết).
- Đơn vị nhỏ nhất (Càn khôn vũ trụ vỡ ra thành lân hư trần).
- “Ngũ uẩn bổn giai không”, cho nên, thân này không chắc thật, nó là huyễn.
- Vì chấp ngã, chấp pháp nên núi Tu di mới hình thành, khi đoạn được hai món chấp ấy, thì chơn tâm mới được sáng tỏ.