Bồ đề ta gắng ươm mầm
Gieo nhơn xuất thế, thậm thâm pháp mầu.
Tổ Quy Sơn dạy rằng: “Kim sanh tiệm tu quyết đoán, tương liệu bất do biệt nhơn”, phát xuất từ ý kinh này, cho chúng ta thấy rằng: “Đừng mơ mộng viển vông, chúng ta phải tự định đoạt số phận của mình, đừng trông chờ vào ai khác. Chúng ta phải phát huy cái tinh thần độc lập tự do trong ta, cái Phật tánh vốn có của chính mình. Sau khi thành đạo dưới cội cây Tất bát la, Đức Thế Tôn đã dõng dạc tuyên bố: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”.
Đức Phật dạy rằng: “Phàm người ta tu hành nhằm đem lại sự an vui cho mọi người trong cuộc sống, Niết bàn không phải ở một cảnh giới xa xăm nào khác”. Thiền sư Nhất Hạnh đã viết: “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ, làm người một kiếp cũng như không”. Ý của Thiền sư Nhất Hạnh cũng giống như lời dạy của Đức Thế Tôn, rằng: Ngay nơi cõi Ta bà này mà chúng ta không có được sự an lạc trong cuộc sống hằng ngày, thì uổng phí cho một kiếp người. Trong Kinh, Đức Phật dạy: “Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn”. Nghĩa là, thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Nay chúng ta đã được thân người, đã được tận hưởng những dòng sữa pháp của Đức Thế Tôn do Tổ Tổ truyền thừa gần ba ngàn năm nay, ánh đạo vàng đã lan tỏa khắp năm Châu, đem ánh sáng đạo Phật đi vào đời một cách hữu hiệu. Do thấm nhuần giáo lý Phật Đà chúng ta có sự cảm thông, nhìn nhau bằng ánh mắt thông cảm giữa người và người, có sự sẻ chia sâu sắc, cùng giúp đỡ nhau những việc làm hằng ngày trong cuộc sống. Chính phút giây ấy, là ta đã có Niết bàn ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Đức Thế Tôn dạy: “Các pháp vô thường”, chúng ta đã nhận chân được điều ấy, nên khi chúng ta gặp việc gì ngoài ý muốn như sanh ly tử biệt v.v… thì ta không bị hụt hẫng, thường giữ tâm khinh an, thanh thoát, hoan hỷ, trở về quán niệm tư duy “Nhứt thiết pháp không, nhứt thiết pháp như Phật tướng”. Nghĩa là, các pháp đều thập như thị:
– Tướng của các pháp là như vậy
– Tánh như vậy
– Thể như vậy
– Lực như vậy
– Tác như vậy
– Nhơn như vậy
– Duyên như vậy
– Quả như vậy
– Báo như vậy
– Cứu cánh là như vậy.
Không thể nào khác hơn được.
Đức Như Lai dùng vô số phương tiện, nói pháp giáo hóa chúng sanh, mà căn cơ của chúng sanh cao thấp không đồng, nên Ngài đã dùng Tứ tất đàn, băng rừng, vượt suối, du hành từ thành thị đến thôn quê, suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp độ sanh không biết mỏi mệt, cũng chỉ vì muốn cho chúng sanh thoát ly sanh tử luân hồi. Đã nhiều lần Đức Thế Tôn nhắc nhở giữa đại chúng: “Bồ tát các ông nên tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai, bởi vì nói về tuổi thọ của Như Lai, là một sự kiện khó tin đối với thường tình và vì vậy mà trở thành một sự kiện quan trọng. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai thọ lượng. Ngài nói về tuổi thọ của Ngài, một con số vượt ngoài tính đếm, chỉ có thể dùng từ “Bất khả thuyết, bất khả thuyết, vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp để nói”. Như Lai là bản thể Chơn như của các pháp. “Vô sở tùng lai, diệt vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Như Lai không từ đâu đến, khi viên tịch cũng không về đâu, tức là vô thỉ, vô chung. Như Lai vận dụng nhơn duyên thí dụ lời lẽ thuyết pháp, làm Phật sự Ngài nói: “Có xuất gia, có thành đạo, chuyển pháp luân và nhập Niết bàn”. Thật ra, Như Lai thành Phật đến nay rất là lâu xa, thọ mạng vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp. Như Lai nói diệt độ là để cho chúng sanh có tính giải đãi, sanh ý tưởng khó gặp, phát lòng cung kính, tinh tấn tu hành, diệt trừ tham, sân, tật đố, thực hành thập thiện nghiệp đạo, để trở thành người hữu ích cho xã hội, cho các bạn đồng tu, quay về nương tựa với Chánh pháp.
“Chính mình quyết định nghiệp mình
Quả-Nhơn chính xác phân minh rõ ràng
Dù cho các việc trần gian
Dẫu ta quên mất thời gian lu mờ
Không gian chứa đựng ước mơ
Nhơn lành, Quả tốt, đang chờ tương lai.”
Kinh Pháp Bảo Đàn dạy:
“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích Bồ đề
Kháp như cầu thố giác.”
Nghĩa là:
Phật và pháp tại thế gian
Thành Phật không xa rời thế gian
Xa rời thế gian mong cầu quả Phật
Giống như tìm sừng thỏ, lông rùa.
Khi thấy người khác làm một điều gì, mình vui mừng tán thán, hỗ trợ đó là tùy hỷ. Tùy hỷ có khi thiện mà cũng có khi ác. Trong kinh dạy rằng: “Hoặc tự tác, hoặc giáo tha tác, kiến tác tùy hỷ”. Nghĩa là, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người khác làm, hoặc thấy ai làm tùy hỷ tán thành. Nhưng nếu tán thành cho người cướp của giết người, hoặc phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác thì tội ác không lường được. Còn như nếu tán dương việc in ấn kinh điển, hoặc người thọ trì, người nghiên cứu kinh sách Đại thừa, phước báu, công đức, không thể nghĩ bàn. Là đệ tử của Phật nên nhận chân tai nạn, họa phước và sự lợi ích Họa hay Phước, là do nghiệp ác hay nghiệp thiện chiêu cảm, nghiệp từ nơi tâm mà phát khởi. Kinh, Luật đại thừa có năng lực chuyển tâm ô trược thành tâm thanh tịnh, chuyển tâm ác thành tâm thiện, chuyển tâm si mê thành tâm giác ngộ.
“Quyết tâm chuyển hóa Căn, Trần (1)
Chuyển tâm, chuyển nghiệp, chuyển lần thức kia
Thời gian Ác nghiệp xa lìa
Thiện mầm Diệu pháp, ô kìa tốt tươi
Hoa thơm, quả ngọt, vẹn mười
Bồ đề Quả tốt, chính người gieo Nhân.”
Đừng nên trách trời, trách đất không công bình, hay hờn Cha giận Mẹ sanh con khổ bần, khiếm khuyết. Thật ra trong Kinh Đức Phật dạy: “Muốn biết Nhơn quá khứ hãy nhìn Quả hiện tại, hiện đời mình được tướng hảo quang minh hay lệch què? Giàu sang hay cơ bần là do kiếp trước mình gieo. Rồi muốn biết ở kiếp tương lai ta sung sướng hay khổ đau, nên xét việc làm ngay trong đời hiện tại, ta cung kính hay khinh khi các bậc Trưởng lão? Ta bố thí hay cướp của giết người? Từ đó, ta biết ta hưởng quả an vui hay đau khổ ở kiếp lai sanh.”
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-118)