“Bằng đại nguyện Ngài quyết lòng trở lại
Đâu Suất cung, Ngài thị hiện Ta bà
Cơm nhất bát, thân ba mảnh Ca sa
Thong dong khắp chốn, Ta bà độ sanh”.
Đức Thích Ca Mâu Ni vì một đại nguyện vào đời, với tâm thiết tha là: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Cho nên, sau khi tìm ra ánh đạo, tìm ra con đường Giải thoát, Ngài không nhập Niết-bàn, mà nghĩ ngay đến việc độ sanh.
Sau nhiều đêm Thiền định, Ngài nhận thấy căn cơ chúng sanh chênh lệch không đồng đều, nên Ngài đã vận dụng trí tuệ nghĩ ra phương pháp, tùy phương tiện để hóa độ chúng sanh. Có khi gặp cảnh gay go trái ngược, do lòng đố kỵ của ngoại đạo tà giáo, Ngài khôn ngoan khéo léo, xoay đổi chiều hướng dễ dàng. Với tinh thần bình đẳng Ngài đã có câu nói bất hủ, mà đến nay đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc”, để cho chúng sanh noi theo. Như khi Ngài xin nước của một người thuộc giai cấp hạ tiện nhất Ấn Độ, người này sợ làm lây ô uế cho Ngài, thì Ngài lại bảo: “Không có giai cấp trong máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn, mỗi người sinh ra đều có Phật tánh và có thể thành Phật”.
Trong Giáo đoàn của Ngài, Ngài nhận cả những người thuộc giai cấp hạ tiện như Ưu Ba Ly, vậy mà do Tôn giả hạ thủ công phu, hành trì tu tập, được Đức Thế Tôn thọ ký là một trong mười đệ tử xuất sắc của Ngài, với danh hiệu Trì luật đệ nhất. Sự bình đẳng ấy đã làm cho các Vua Chúa bất mãn, như Vua Ba Tư Nặc bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài thâu nhận kẻ hạ tiện vào hàng Tăng lữ như vậy, Ngài không sợ sỏi đá lẫn lộn với châu ngọc, làm mất giá trị của Tăng đoàn hay sao?”. Đức Phật dạy rằng: “Người hèn hạ mà biết phát tâm Bồ đề, xuất gia tu hành chứng được quả Thánh, thì quý báu vô cùng, khác gì hoa sen mọc ở bùn lầy nhơ bẩn, mà hương sen vẫn tỏa ra thơm tho thanh khiết”. Chính Đức Thế Tôn giáo hóa bình đẳng như thế, nên Kinh Đại Bát Niết-bàn đã tán thán như sau: “Đức Như Lai không chỉ thuyết pháp cho hạng người quyền quý như Vua Bạt Đề Ca nghe, mà còn thuyết pháp cho Ưu Ba Ly. Không riêng thọ lãnh cúng dường của ông Tu Đạt Đa (Cấp Cô Độc) mà còn thọ lãnh sự cúng dường của người nghèo khó như ông Thuần Đà. Không những thuyết pháp cho người kính tin Tam Bảo như Mạt Lỵ phu nhân, mà còn thuyết pháp để cảm hóa dâm nữ Liên Hoa Sắc quay về theo Chánh pháp. Khi Phật thành đạo, tuỳ theo trình độ của mỗi người mà thuyết pháp giáo hóa, mãi đến khi Ngài nhập diệt cộng lại là 49 năm. Những Kinh pháp của Ngài đã giảng dạy, sau này Kiết tập Kinh điển, hàng đệ tử của Ngài tạm chia thành 5 thời, để tiện bề học hiểu, tu tập gọi là (Ngũ thời thuyết giáo).
– Thời thứ nhất: Phật nói kinh Hoa Nghiêm 21 ngày, Ngài chỉ rõ Chơn tâm Phật tánh của Chúng sanh, nghĩa lý cao siêu, mầu nhiệm của đạo Phật.
– Thời thứ hai: Phật nói kinh A Hàm trọn 12 năm, Ngài dùng những thí dụ thật tế, dễ hiểu, chỉ rõ Chơn lý cho hàng Tiểu thừa, lo bề tự tu, tự độ.
– Thời thứ ba: Phật nói kinh Phương Đẳng 8 năm, Ngài dạy về tự lợi, lợi tha. Chuyển từ tư tưởng Tiểu thừa, tự tu tự độ, tiến lên cái hiểu biết tích cực hơn, bao la hơn. Tư tưởng Đại thừa dễ phù hợp với tình hình xã hội hiện tại, sống vì mọi người, biết chia sẻ cho nhau những lúc mọi người bị thiên tai, hỏa hoạn v.v… Có tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Hay chia sẻ cho nhau những ý kiến tốt, những câu kinh hay, cùng nhau sách tấn, cùng tu, cùng học v.v…
– Thời pháp thứ tư: Phật nói Kinh Bát Nhã. Bấy giờ Phật xem căn cơ chúng sanh có thể hiểu giáo lý một cách cao hơn, nên Ngài chỉ bày đạo lý Chơn không của vũ trụ, thuyết minh về cái thật tướng của các pháp, thời Bát Nhã Ngài giảng dạy 22 năm. Chữ Pháp có nghĩa là rộng lớn, pháp chỉ cho tất cả trời đất, vạn vật, thời gian, không gian, tất cả sự lý đối với vũ trụ. Bát Nhã tam muội là tiếng Phạn. Tàu dịch là Trí huệ Chánh định là cái tâm quang minh cực điểm, tịch tĩnh hư không, không có mảy may vô minh, tà loạn, tu chứng đến bực này thì tâm thông với pháp giới. Cái trí Bát Nhã vốn không lớn, không nhỏ, chỉ vì tự tâm của chúng sanh mê ngộ chẳng đồng. Lòng mê chỉ thấy bề ngoài tu hành tìm Phật, mà tâm chưa tỏ sáng bổn tánh. Kẻ đốn giáo tu hành, không chấp bề ngoài, nhưng phiền não trần lao thất tình, lục dục chẳng nhiễm bổn tâm, tức là thấy tánh.
Cái diệu dụng của trí Bát Nhã hoạt bát và mãnh liệt vô cùng, có thể chiếu phá các sự vô minh phiền não, tiêu diệt hạt giống sanh tử luân hồi. Bởi vậy, kinh gọi trí Bát Nhã là huệ kiếm, đưa chúng sanh từ sanh tử đau khổ, đến chỗ an vui tự tại tức Niết-bàn tịch tĩnh.
– Thời thứ năm: Phật nói Kinh Pháp Hoa, Kinh Niết-bàn 8 năm. Sự hóa độ của Đức Thế Tôn đến lúc gần viên mãn, Ngài nhận thấy căn cơ của chúng sanh đã thành thục, có thể gánh vác Đại thừa Chánh pháp của Đức Như Lai, nên Ngài nói rõ bổn hoài thị hiện vào đời của Ngài là muốn “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Bởi Phật tánh là chỗ tuyệt đối, thanh tịnh vô vi. Thật thể của nó vốn như nhiên, không vọng động cũng không thêm bớt. Ấy là cái nguyên lý bất sanh, bất diệt, không thiện, không ác, chẳng phải thường, cũng chẳng phải vô thường. Các pháp nhìn bằng con mắt phàm phu thì có sai khác. Còn cái nhìn của Phật lại thấy bình đẳng và Chơn thường mà phát ra. Vì các pháp đồng do nơi bổn tánh bình đẳng, nên các pháp nào khác bổn tánh. Cũng như nước và sóng nào có khác nhau, rời sóng không có nước, rời nước không tìm ra sóng, không phải một mà cũng chẳng phải hai là vậy. Vì lẽ ấy nên Đức Phật dạy: “Sai biệt tức bình đẳng, phiền não tức Bồ đề, chỉ cần chúng ta thức tỉnh chuyển hóa chúng mà thôi”. Bởi Đạo ở nơi tâm, nên Phật lại dạy rằng: “Phật tức tâm, tâm tức Phật”. Thành đạo là do tư duy quán chiếu “Văn nhi tư, tư nhi tu”. Nghe rồi phải suy nghĩ, suy nghĩ đúng Chơn lý mới đem áp dụng trong đời sống hàng ngày, mới thấy thiết thực và hữu hiệu, chứ lý luận tranh cãi suông nào có ích gì?
Bài kệ trong Kinh Bổn Giác:
“Ngũ uẩn sơn đầu nhứt đoạn không
Lai thời vô khẩu khứ vô tông
Yếu minh lạc diệp qui căn chỉ
Mạt hậu phương năng đạt thử tông”.
Nghĩa là:
“Thoát thân ngũ uẩn tánh hư không
Khi lại, lúc đi, tánh dấu không
Rõ ý cội về cơn lá rụng
Rốt sau mới đạt cõi Thiền tông”.
Người tu theo tinh thần của Kinh Niết-bàn và Kinh Pháp Hoa, lúc nào cũng thấy được tự tánh, tức là thấy Phật nơi tánh mình. Mà Phật là gì? Ấy là sự Giác ngộ thấy biết sáng suốt, có đủ lương tri, động tĩnh hiệp pháp, các điều tà vạy đều dứt tuyệt. Nếu giữ tự tánh được như thế, thì tự tánh tức là Phật, chớ không có Phật nào khác. Giác ngộ Chánh kiến tức là Phật, mê muội tà kiến là Ma vương. Người Tu phải biết biến Ma thành Phật, Tà kiến biến thành Chánh kiến, ấy là cách phản vọng qui Chơn, đem phàm về Thánh, đổi phiền não thành Bồ đề.
Suốt cuộc đời trong tám mươi năm của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không lúc nào xao lãng mục đích tối thượng của mình là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ, lặn hụp trong biển ái sông mê. Ngài đã giong ruổi trên mọi nẻo đường đời, phong ba bão táp, để đưa chúng sanh lên con đường hạnh phúc an vui, lòng thương của Phật vô lượng vô biên, ân đức của Ngài không bút mực nào tả xiết. Chúng con nguyện cố gắng Tu học và hoằng truyền Chánh pháp, theo tài năng có thể của mình, để khỏi cô phụ ân đức của Ngài trong muôn một.
Gót vàng vượt suối băng ngàn
Linh Sơn, Xá Vệ, xóm làng hóa duyên
Nhà nhà gieo hạt phước đền
Bát cơm muôn dặm, kết duyên đạo mầu.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-104)
* Tham khảo bài giảng của HT. thượng TỪ hạ THÔNG.