Không ít người hiểu sai về nghiệp, nghĩ rằng nghiệp là một món nợ tiền kiếp mà mình phải trả, nghiệp là cái tội mà mình phải “đền” (đền tội), vì vậy đời này phải đền trả hết nghiệp quá khứ thì mới có thể nhận lãnh những gì mà mình tạo ra trong hiện tại. Do đó, nhiều người có đời sống không hạnh phúc vẫn cam chịu những nỗi bất hạnh, chấp nhận những khó khăn trong đời sống (vì cho đó là do nghiệp quá khứ), họ không có ý muốn khắc phục, vượt qua. Trong khi đó, có những nỗi khổ niềm đau là nghiệp quả của những nghiệp nhân do con người tạo ra trong hiện tại hoặc quá khứ đời này, và con người có thể chuyển nghiệp để làm thay đổi bản thân và hoàn cảnh sống của mình. Ngay cả những nghiệp nhân đã tạo trong đời trước khi chưa trổ quả, con người vẫn có thể tác động làm thay đổi được.
Nếu nói về nghiệp quả (kết quả của nghiệp), là những gì hình thành từ nghiệp nhân, tác động trở lại người tạo ra nó, thì có thể nói con người phải nhận lấy kết quả của những nghiệp nhân mà mình đã tạo trong quá khứ gần và xa của đời trước hoặc đời này. Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần phải biết là khi nghiệp quả chưa hình thành, con người vẫn có thể chuyển nghiệp, tức làm cho nghiệp quả thay đổi (đến chậm hoặc giảm hiệu năng, mức độ tác động, ảnh hưởng) do tạo ra các nghiệp mới (nhân, duyên mới) có tính chất trái ngược (những nhân duyên này được gọi là nghịch duyên).
Nếu nói về nghiệp nhân thì nghiệp là hành động của thân, khẩu, ý, tức những ý niệm, suy nghĩ, lời nói, hành vi của con người. Con người là chủ nhân của nghiệp, người tạo ra nghiệp, cho nên nghiệp như thế nào là do con người quyết định, tự mình tạo cho mình mầm phước hay họa, hạnh phúc hay khổ đau. Hoạt động của thân, khẩu, ý là hoạt động thường xuyên của con người, cũng tức là con người thường xuyên tạo nghiệp tốt hoặc xấu, lành hoặc dữ, thiện hoặc ác. Tạo nghiệp như thế nào sẽ đưa đến kết quả tương ứng mà mình phải nhận lãnh (nhân tốt sinh ra quả tốt, nhân xấu sinh ra quả xấu, nhân thiện sinh quả an vui hạnh phúc, nhân bất thiện sinh quả khổ đau). Vì thế, nghiệp không phải là tất cả những gì đã tạo trong quá khứ đời trước (nghiệp nhân đời trước), mà còn là những gì đã tạo trong quá khứ đời này và những gì đang tạo trong hiện tại (nghiệp nhân đời này). Có những điều con người đang nhận lãnh trong hiện tại (vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau) là kết quả của những nghiệp nhân vừa mới tạo. Sự báo ứng (sự phản ứng, đáp trả lại) trong luật nhân quả có hai hình thức:
+ Nhân quả đồng thời: nhân sinh ra quả liền ngay hoặc chỉ sau một thời gian ngắn. Ví dụ đưa tay vào lửa liền bị nóng, đưa tay vào nước đông đá liền thấy lạnh; ăn liền no, uống liền hết khát; đánh vào tường thì tay cảm thấy đau; nổi cơn giận dữ thì cơ thể bị xáo trộn, hô hấp, tuần hoàn máu, nhịp tim thay đổi đột ngột v.v..
+ Nhân quả dị thời: Từ nhân đi đến quả mất một khoảng thời gian. Có ba loại:
+ Hiện báo: Tạo nghiệp nhân trong đời này phải nhận lãnh nghiệp quả ngay trong đời này. Ví dụ cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập, tiêu hoang (nghiệp nhân) dẫn đến gia cảnh sa sút, nghèo khó, nợ nần, bị người khác khinh khi.
+ Sinh báo: Tạo nghiệp nhân trong đời này nhưng đến đời sau mới nhận lãnh nghiệp quả. Ví dụ đời này tạo những nghiệp nhân giống đặc tính, thói quen hoạt động của loài súc sinh nào thì đời sau sinh làm loài súc sinh đó; Đời này tu nhân tích đức, hành thiện, sống có tình người thì đời sau tái sinh làm người trở lại, có phước báo nhiều (do tạo nhiều thiện nghiệp) thì làm người tôn quý, giàu sang, hạnh phúc; phước báo kém thì làm người nghèo khó, bất hạnh, khổ đau.
Hoặc trường hợp những nghiệp nhân thiện tạo ra trong hiện tại chưa đủ sức sinh ra nghiệp quả an vui, hạnh phúc, người làm thiện vẫn phải chịu nhận lãnh những nghiệp quả khổ đau mà họ đã tạo ra trong quá khứ. Đến đời sau khi những nghiệp nhân thiện được gieo trồng đủ điều kiện nhân duyên, đủ sức trổ quả, thì người đó thọ hưởng nghiệp quả an vui hạnh phúc.
+ Hậu báo: Tạo nghiệp nhân trong đời này, đến mấy đời sau mới nhận lãnh nghiệp quả do quả báo không đủ điều kiện nhân duyên hình thành sớm, hoặc có trường hợp người đó đang nhận lãnh nghiệp quả của những nghiệp nhân mà trước đây họ đã tạo nhưng chưa chuyển hóa được (làm thay đổi). Vì có sinh báo, hậu báo mà có hiện tượng đời này tu nhân tích đức, hành thiện mà lại chịu nhiều bất hạnh khổ đau; đời này lười biếng, bê tha, thậm chí ác gian mà vẫn bình an, giàu có, sang cả, ăn trên ngồi trước. Hiểu rõ về nghiệp hay nguồn gốc, nguyên nhân của mọi bất hạnh, khổ đau và an vui, hạnh phúc của con người; hiểu rõ con người chính là chủ nhân của nghiệp chứ không ai khác, con người có quyền tự do tạo nghiệp và có khả năng chuyển nghiệp (thay đổi nghiệp). Chúng ta sẽ thấy rằng việc tạo nghiệp và chuyển nghiệp là điều kiện bắt buộc khi muốn cải thiện đời sống, làm thay đổi cuộc đời mình để tìm thấy an vui, hạnh phúc trong hiện tại, đồng thời xây đắp nền móng tốt cho tương lai.
Chuyển nghiệp hay chuyển hóa nghiệp là làm thay đổi nghiệp nhân và nghiệp quả bằng cách thay đổi tâm ý. Nghiệp là hoạt động của tâm ý thông qua thân, khẩu, ý. Tâm ý trong sạch, chơn chánh, thiện lành thì suy nghĩ, lời nói, hành động việc làm chơn chánh, tích cực, thiện lành; tâm ý xấu, tiêu cực, bất thiện thì suy nghĩ, lời nói, hành động việc làm xấu ác, gây hại cho mình, cho người, cho gia đình, xã hội. Khi tâm ý có sự thay đổi tích cực sẽ dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ, lời nói, hành động việc làm theo chiều hướng tích cực, đó chính là tạo các nghiệp nhân tốt. Tích cực, thiện lành trong hiện tại, những nghiệp nhân này có khả năng tác động, làm thay đổi, giảm thiểu năng lực hình thành nghiệp quả xấu của những nghiệp nhân bất thiện đã tạo trong quá khứ, và chúng cũng đưa đến những nghiệp quả tốt, tích cực trong tương lai.
Minh Hạnh Đức (ĐSHĐ-014)