Vấn đề niềm tin và trí tuệ không bao giờ là vấn đề cũ, bởi đó luôn là nền tảng căn bản để xây dựng đời sống tâm linh, tôn giáo. Tuy nhiên, không phải dễ dàng nhận ra đâu là niềm tin chân chính, hướng thượng, đâu là niềm tin có trí tuệ. Niềm tin chân chính, hướng thượng là niềm tin đi cùng trí tuệ, hướng con người đến chân lý và những giá trị cao thượng (lợi mình lợi người, đời sống có ý nghĩa, an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại và tương lai). Nhưng làm sao biết được đâu là niềm tin chân chính, đúng đắn, hướng thượng? Không phải dễ dàng xác định được, bởi có quá nhiều tôn giáo, học thuyết, truyền thống tâm linh cho rằng nhân sinh quan, vũ trụ quan, tư tưởng triết học, tư tưởng đạo đức của mình là chân lý, là cao thượng.
Vào thời Đức Phật, ở Ấn Độ có rất nhiều tư tưởng tôn giáo, triết học, nổi bật nhất lúc bấy giờ là Lục sư ngoại đạo và Sáu phái triết học. Lục sư ngoại đạo gồm Phú Nan Đà Ca Diếp chủ trương thuyết Ngẫu nhiên, không tin nhân quả, Mạt Già Lê Câu Xá Lợi chủ trương Túc mệnh luận, A Di Đa Thúy Xá Khâm Bà Đa chủ trương thuyết Duy vật và chủ nghĩa khoái lạc, Bà Phù Đà Ca Chiên Diên chủ trương thuyết Tâm-vật nhị nguyên bất diệt, Tán Nhạ Gia Tỳ La Lê Tử chủ trương tu thiền định, Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử chủ trương thuyết Tiền nghiệp và tu hành khổ hạnh. Sáu phái triết học gồm Chính Lý phái chủ trương Đa nguyên luận, Thắng Luận phái chủ trương Lục nguyên luận và tu hành khổ hạnh, Số Luận phái chủ trương Nhị nguyên luận, Du già phái chủ trương tu thiền định, Nhĩ Man Tát phái chủ trương Âm thanh thường trụ (Âm thanh thường còn) và thực hành luân lý, Phệ Đàn Đà phái chủ trương Nhất nguyên luận tuyệt đối (Theo Lược sử Phật giáo Ấn Độ, HT.Thích Thanh Kiểm, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành 1995; Đức Phật lịch sử, H.W. Schumann, Trần Phương Lan dịch, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2000).
Một lần người Kàlàmà ở Kesaputta, xứ Kosala đến đảnh lễ Đức Phật và thỉnh cầu Ngài chỉ cho họ biết làm sao để xác định những lời dạy và kinh điển của các nhà truyền giáo, của các triết gia, đâu là chân lý, là sự thật, là đúng đắn và hữu ích đáng để tin theo. Những người Kàlàmà bạch hỏi: “Bạch Thế Tôn, có một số Sa môn, Bà-la- môn đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ và làm chói sáng quan điểm của mình nhưng lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc quan điểm của người khác. Chúng con có những nghi ngờ và phân vân không biết trong những vị này, ai nói sự thật, ai nói sai sự thật?”
Đức Phật đã dạy: “Này các Kàlàmà, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng. Chớ vội tin vì lý luận, siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì người nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình. Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu chấp nhận và thực hành đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng. Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán, ngợi khen; các pháp này nếu chấp nhận và thực hành đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú.” (Kinh Tăng Chi Bộ I, Chương III, phẩm Lớn, phần Các vị ở Kesaputta, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1996).
Trong thời tư tưởng tôn giáo, triết học rối ren như lúc bấy giờ ở Ấn Độ, với tâm trí của người bình thường thật khó phân tôn giáo nào, học thuyết tư tưởng nào đúng đắn, gần với chân lý, có giá trị tích cực, khó xác định bậc đạo sư nào đáng kính, đáng tôn thờ. Đức Phật đã dạy những người Kàlàmà cách xác định giá trị những lời dạy của các bậc đạo sư, giá trị những học thuyết, kinh điển, để từ đó đặt niềm tin đúng chỗ và không rơi vào con đường lầm lạc. Đức Phật dạy, những điều được xem là chân lý, là thiện, là hữu ích, đáng được hướng về, đáng để đặt niềm tin, đáng để thọ nhận, thực hành chỉ khi tự mình biết rõ (chứ không phải do người khác nói hay do kinh điển, sách vở lưu truyền): 1.Những điều đó là thiện, là không có tội lỗi 2.Những điều đó được người có trí tán thán, ngợi khen 3.Những điều đó khi chấp nhận và thực hành đưa đến hạnh phúc và an lạc. Đây là ba khảo nghiệm Đức Phật dạy cho những người Kàlàmà cũng như dạy cho tất cả chúng ta.
Khi đứng trước những lời tuyên bố của bất kỳ ai cho rằng lời dạy, giáo lý của mình là đúng, là số một, là chân lý tuyệt đối, là pháp tối thượng, là con đường nhanh nhất để chứng Niết-bàn, để đạt được an lạc, hạnh phúc, để thành tựu giải thoát v.v… thì chúng ta phải bình tâm, sáng suốt, đừng vội tin theo, mà hãy căn cứ vào trí tuệ (biết rõ pháp nào là thiện, pháp nào là bất thiện) và sự thể nghiệm của chính mình, đồng thời cũng căn cứ vào sự thẩm định của các bậc hiền trí (Các bậc hiền trí tán thán, ngợi khen hay phê phán, chê trách các pháp ấy? Khuyến khích người khác thực hành các pháp ấy hay ngăn cản, cảnh báo không nên thực hành các pháp ấy?) Phải sáng suốt trước những lời “quảng cáo” phô trương, cường điệu và những lời thêu dệt hoa mỹ, khéo léo nhắm vào lòng người, hoặc những lợi lộc mà những kẻ ngoại đạo đưa ra để khuyến dụ, lôi kéo người khác theo họ, hành đạo của họ.
Nếu mất cảnh giác, thiếu sáng suốt, không có chánh kiến sẽ dễ dàng rơi vào cạm bẫy của họ. Phải bình tâm suy xét, tư duy, quán chiếu xem những điều được rao giảng, truyền bá, được giới thiệu, quảng cáo, những điều đó có đúng là điều thiện, điều lành hay không? Có phù hợp với những lời Phật dạy trong kinh điển Thánh giáo hay không? Những điều đó có được các bậc hiền trí tán thán, ngợi khen và khuyến khích tin theo, thực hành theo hay không? và khi áp dụng, thực hành những điều đó có mang lại an lạc hạnh phúc cho mình trong hiện tại và tương lai hay không? Khi nghe ai chê bai, bài xích, đả phá điều gì, chúng ta cũng phải bình tâm, sáng suốt, không vội tin theo, không vội hưởng ứng, vì không khéo sẽ vấp phải sai lầm do hồ đồ nông nổi. Phải suy xét, quán chiếu xem những điều đó có phải là pháp bất thiện, là tội lỗi hay không?
Những điều đó có bị người hiền trí phê phán, chỉ trích hay không? Nếu chấp nhận và thực hành những điều này có đưa đến bất hạnh, khổ đau hay không? Nếu thật sự đó là pháp bất thiện, pháp bị người hiền trí phê phán, chỉ trích; khi áp dụng, thực hành đưa đến bất hạnh, khổ đau thì chúng ta nên từ bỏ. Có một số vấn đề cần lưu ý. “Người trí” mà Đức Phật nói đến trong đoạn kinh Kàlàmà trên là những ai? Đó là các bậc Thánh giải thoát như Phật, Bồ-tát, A-la-hán, Duyên Giác, Bích Chi v.v… Hoặc các bậc chân tu thật học đạo cao đức trọng, có từ bi, trí tuệ rộng lớn, sống đời sống phạm hạnh làm tấm gương sáng cho đời, làm nhiều việc khó làm đem lại lợi ích cho chúng sinh. Có khi điều gì đó được nhiều người ngợi khen, cổ xúy, ủng hộ, nhưng với người trí có cái nhìn sâu sắc, thấu đáo thì nó không hay không đẹp, không tốt, không mang lại những giá trị lợi ích chân thật, dài lâu cho con người. Người trí là người có kiến thức uyên bác, nhiều kinh nghiệm sống, và nhất là có tuệ giác tu tập (Tuệ giác này chỉ có với những ai thực hành, tu tập Giới, Định, Tuệ), vì thế những gì người trí thấy biết không giống cái thấy nông cạn của người bình thường, người trí nhìn xa thấy rộng hơn, hiểu sâu sắc hơn, biết đầy đủ, toàn diện hơn.
Có những điều ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta, với kiến thức và trình độ tu tập còn hạn chế chúng ta không thẩm định được đó có phải là pháp thiện hay không, có phải là con đường đưa đến an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai hay không? Khi ấy chúng ta phải nhờ đến người trí, chúng ta phải đến tham vấn, thỉnh cầu sự chỉ giáo của các bậc cao tăng thạc đức, các bậc thiện hữu tri thức có tài năng, đức độ, có uy tín đáng tin cậy. Có những điều không thể áp dụng, thực hành nếu chưa xác định đó là pháp thiện hay bất thiện. Vì nếu đợi áp dụng, thực hành rồi mới biết, lấy mình ra làm “thí nghiệm” để xác định đó là pháp thiện hay bất thiện, chẳng may đó là pháp bất thiện thì hậu quả khó lường, lúc đó chúng ta đã là nạn nhân của nó. Đối với những điều như thế chúng ta phải tìm cách xác định rõ chúng có phải là pháp thiện hay không rồi mới áp dụng, thực hành. Nhưng không phải điều gì chúng ta cũng có khả năng xác định được bản chất và giá trị của nó.
Sau khi tự mình thẩm định bằng cách dựa vào hiểu biết, kinh nghiệm tu tập của bản thân; dựa vào sự so sánh, đối chiếu với kinh điển, những lời Phật dạy mà vẫn không biết được đó là pháp thiện hay bất thiện, thì chúng ta phải tìm đến thỉnh giáo các bậc đạo sư chân chính, các bậc thiện hữu tri thức trong Chánh pháp, những người có trình độ, kinh nghiệm tu tập, đang sống trong Chánh pháp và thực hành Chánh pháp, làm tấm gương cho đời, làm lợi ích rộng lớn cho chúng sinh. Chỉ những người như thế mới thật sự có khả năng xác định đâu là pháp thiện, đâu là pháp bất thiện; đâu là niềm tin chân chánh, đúng đắn, hướng thượng, niềm tin xây dựng trên cơ sở chánh kiến; đâu là niềm tin sai lầm, lệch lạc, hạ liệt, niềm tin xây dựng trên cơ sở tà kiến; đâu là Chánh pháp, đâu là tà pháp; đâu là con đường đưa đến an lạc, hạnh phúc, giác ngộ, giải thoát và đâu là con đường dẫn đến bất hạnh, khổ đau, mê lầm, tội lỗi…
Phan Minh Đức (ĐSHĐ-014)