Hôm nay là ngày 16 tháng 7 năm Quý Mão, nơi Phật điện chùa Từ Nghiêm (chiếc nôi của Ni bộ Bắc tông). Với số 93 Hành giả An cư, đang lắng đọng tâm tư hướng về Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, quỳ tụng bài Sám hối, trước khi bước vào nghi thức Tác pháp Yết ma Tự Tứ. Thời gian như ngừng lại, hòa quyện vào không gian tĩnh mịch, làn khói hương trầm thoang thoảng bay, quyện hồn những người con Phật đang chú tâm vào một cảnh. Ni trưởng thượng Như hạ Xuân xướng đệ tử chúng đẳng. Đại chúng đồng hòa và tụng theo:
“Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp
Giai do vô thỉ tham sân si
Tùng thân, khẩu, ý, chi sở sanh
Nhứt thiết ngã kim giai sám hối.”
Âm ba vang vọng khi trầm, khi bổng, khiến cho lòng người cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, vì được bộc bạch những lỗi lầm mà ta đã lỡ gây tạo, bởi vô minh nghiệp chướng gây ra, hoặc nhớ, hoặc không nhớ rõ. Giờ đây quỳ dưới chân Ngài con xin tỏ bày, cầu xin Sám hối.
“Từ xưa đã tạo bao nghiệp ác
Đều vì vô thỉ tham sân si
Từ Thân, Miệng, Ý phát sinh ra
Hết thảy hôm nay xin Sám hối.”
Sao gọi là Sám? Sao gọi là Hối?
Trong kinh Đức Phật dạy: “Sám tức là ăn năn các tội lỗi của mình. Những tội do si mê, ngạo mạn, ghen ghét tạo ra từ trước, nay Đức Thế Tôn chỉ dạy, con biết đó là tội lỗi, con nguyện dứt bỏ, đời đời chẳng gây ra nữa, ấy gọi là Sám. Hối nghĩa là ăn năn các tội lỗi sau của mình. Những tội do Thân tam (sát, đạo, dâm), Khẩu tứ (vọng ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ). Ý tam (tham, sân, si) do mê muội gây ra, làm đau khổ cho người khác. Nay học Giáo lý của Ngài, biết được nẻo Chánh, đường tà. Nguyện đời đời dứt bỏ, ngày sau chẳng gây ra nữa, ấy gọi là Hối.
Chúng ta phải tự thệ nguyện, từ niệm trước, niệm ngay bây giờ và niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm sự ngu mê, các tội do nghiệp ác vì si mê đã tạo ra từ trước đều ăn năn, nguyện dứt hết một lần, hằng chẳng gây lại nữa.
Kế đến nguyện, từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm sự ngạo mạn khinh người, các tội do nghiệp ác tạo ra, cho mình là hơn người nên ngạo mạn, khinh khi người khác, nay ăn năn nguyện dứt hết một lần, hằng chẳng gây lại nữa.
Cuối cùng lại nguyện, từ niệm trước, niệm hiện tại và niệm về tương lai, niệm niệm chẳng nhiễm sự ghen ghét. Các tội ác do tâm ghen ghét, thấy ai hơn mình thì không ưa, nên tìm đủ mọi cách để bôi nhọ, gièm chê người khác, do tánh đố kỵ mà ra. Con nguyện ăn năn dứt hết một lần, thề không tái phạm lại nữa.
Muốn thực hiện và giữ niệm lành miên mật như thế, chúng ta phải chăn tâm, không tưởng điều sái quấy, không ganh ghét, không sanh tâm giận hờn, không mong cướp của hại người. Tâm không tán loạn, thường lấy trí huệ quán chiếu tánh mình, chẳng tạo điều xấu ác. Tuy mình tu các hạnh lành, cứu giúp người cơ nhỡ, nhưng không chấp trước, thường tôn kính các bậc Trưởng thượng, thương giúp kẻ dưới, những kẻ côi cút, nghèo nàn. Đã sám hối rồi phải lập tứ hoằng thệ nguyện.
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”
Về hình tướng bên ngoài, chúng ta phải phát khởi niệm lành, để cứu giúp chúng sanh, tùy theo khả năng của mình. Có của thì mình bố thí tài vật, không có của thì mình giúp người ta bằng lời nói, giúp việc làm hay an ủi, sách tấn người ta lúc lâm nguy. Hoặc xoay vào tâm thức của chúng ta, nếu chúng sanh Tham nổi lên, muốn làm việc bất chánh, ta dừng ngay, không để nghiệp kéo lôi dẫn chúng ta đi vào đường mê, lối hiểm, chính lúc này là ta đã độ được chúng sanh Tham rồi đó. Còn chúng sanh Sân, chúng sanh Si, cũng đều như thế. Bởi chúng sanh nghiệp này, nó dẫn dắt chúng ta trôi lăn trong sanh tử khổ đau, nên chúng ta phải phát thệ độ cho hết thì sợi dây oan khiên triền phược mới có ngày chấm dứt.
“Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”
Sở dĩ chúng ta bị phiền não khổ đau cũng vì do chấp ngã và chấp pháp. Trong Kinh Bát Đại Nhơn Giác, Đức Phật dạy: “Thế gian Vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã”. Vật to lớn như địa cầu, vật nhỏ nhít như côn trùng cũng đều chịu hư hoại, biến dịch của định luật vô thường, vạn pháp đều hình thành bởi Thành, Trụ, Hoại, Không. Hữu tình thì cũng chịu bốn tướng Sanh, Trụ, Dị, Diệt hay (sanh, lão, bệnh, tử). Phiền não khổ đau từng giây, từng phút, nếu chúng ta không biết tu, không làm chủ được nó, thì ôi thôi, suốt ngày chúng ta bị giày vò, không có phút giây nào an lạc. Cho nên, ta phải gắng đoạn trừ phiền não.
“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”
Đức Phật dạy có tám vạn bốn ngàn Pháp môn, nhưng tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà Ngài thuyết pháp không đồng. Tam giới thênh thang, nhưng chỉ có một cái cửa, đó là cửa giải thoát. Muốn đi cửa này là phải diệt trừ Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc, hành trì 37 phẩm trợ đạo. Nói 37 phẩm trợ đạo nhưng không ngoài Bát Chánh Đạo và Tam vô lậu học, đó là Giới, Định, Huệ. Mười phương ba đời chư Phật được thành Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đều nhờ nương Giới, thực hành Thiền định mà được Trí huệ.
“Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”
Trong chúng ta khi phát Bồ đề tâm, đều mong được thành tựu đạo quả. Bồ đề tâm là hạt giống lành gieo vào ruộng phước, có khả năng nuôi dưỡng các pháp bạch tịnh, có khả năng thanh tẩy hết cấu bợn phiền não. Bồ đề tâm là ngọn gió lớn, thổi khắp thế gian, không bị ngăn ngại, có khả năng thiêu rụi hết thảy rừng tà kiến. Bồ đề tâm ví như ngọn đèn sáng, là con đường lớn dẫn dắt chúng sanh đi vào con đường đại trí, viễn ly tà pháp, thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Nói cách khác, phát tâm Bồ đề và thành tựu Bồ đề quả là trọn vẹn tất cả sự nghiệp của Bồ tát, tiến dần đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Trở về bản thể diệu tâm
Sáng soi cảnh tỉnh chớ lầm trần gian
Con đường Bát Chánh trang hoàng
Mọi điều phiền não lầm than không còn
Nguyện tu phát nguyện sắt son
Tánh luôn thanh tịnh không còn nhiễm ô
Sắc không không sắc hư vô
Sám hối nghiệp chướng Tam đồ lánh xa
Nguyện tu tại chốn Ta bà
Độ sanh hết thảy hằng sa lòng mình.1
TKN. Phước Giác
- Độ hết thảy thói hư tật xấu nơi tâm mình. Trở về thể tánh tịnh minh, chơn tâm thường trú ấy là độ sanh.