Nhà Đường là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc, nhà Tùy là cái nôi của Phật giáo vào thời Đường, đã áp dụng chính sách ủng hộ Phật giáo, khiến cho Phật giáo trải qua thời gian dài chiến tranh, có được cơ hội nghỉ ngơi dung hợp nét đặc trưng của văn hóa Trung Hoa, Đến đời Đường, cuối cùng đã tỏa sáng rực rỡ, thách thức cổ kim. Người cảm hóa vua Tùy Văn đế tín ngưỡng tôn sùng Phật pháp, bảo vệ hộ trì Phật giáo chính là Tỳ kheo ni Giác Tiên (覺先比丘尼), nhà vua đã suy tôn Bà làm Sư phụ, mạnh mẽ phục hưng Phật giáo thành tựu được nhiều công lao vĩ đại.
Sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (明太祖朱元璋1328-1398) lên làm Hoàng đế, những năm cuối đời tính tình hung bạo, giết hại đại thần, liên lụy đến người vô tội. May mắn thay, lúc đó có Mã Hoàng hậu ngoan đạo kiền thành, tin Phật thường khuyên bảo vua giảm thiểu sát sinh, đã tránh được nhiều án oan. Cư sĩ Cơ Giác Di (姬覺彌1885-1964), pháp danh Phật Đà (佛陀) phu nhân của ông trùm bất động sản Cáp Đồng (哈同1851-1931) người Do Thái, bà phát tâm xây cất một ngôi nhà cho người xuất gia quải đan1 hành cước, cung cấp kinh phí in ấn Đại Tạng Kinh, thành lập Đại học Hoa Nghiêm, dốc sức tuyên truyền sự nghiệp giáo dục và văn hóa Phật giáo.
Cư sĩ Lâm Lăng Trân, Hồng Kông đã có nhiều đóng góp cho Phật giáo, một lòng tin tưởng vào Pháp môn Tịnh độ, công hạnh sâu dày. Một hôm bỗng nhiên bà mời bạn bè đến và nói:
– Ngày mai tôi phải đến thế giới Cực lạc Tây phương, xin các bạn niệm Phật trợ giúp tôi!
Ngày hôm sau mọi người đến đúng hẹn, nhìn thấy cư sĩ Lâm đang ăn sáng một cách yên lành, tinh thần nhàn nhã ổn định không có một chút dấu hiệu nào của cái sắp chết. Ăn sáng xong, cư sĩ Lâm thỉnh mọi người niệm danh hiệu Phật, rồi an nhiên vãng sanh trong tiếng niệm Phật kiền thành cung kính của mọi người.
Cư sĩ Lữ Bích Thành (吕碧城1843-1943), nhà soạn thuật, biên tập viên “Đại Công Báo” Thiên Tân cuối triều đại nhà Thanh, nữ thi sĩ cận đại Trung Quốc; một trong những người khởi xướng phong trào nữ quyền cận đại Trung Quốc; tiên phong trong nền giáo dục phụ nữ Trung Quốc và là một phụ nữ kỳ tài đến từ Trung Hoa Dân Quốc, người đã tạo tiền lệ cho phụ nữ đảm nhiệm chính trị học đường trong lịch sử giáo dục xã hội hiện đại. Bà cũng là một trong những nữ biên tập viên và nhà văn sớm nhất trong lịch sử tin tức hiện đại của Trung Quốc. Bà đã phát tâm tuyên dương Phật giáo xa đến Âu Mỹ, gieo hạt giống Bồ đề tận cõi trời Tây, khởi xướng ăn chay, trồng căn lành từ bi.
Cư sĩ Trương Thanh Dương dốc hết sức mình tôn kính Tam bảo, hộ trì Phật pháp trước sau như một. Bà đã từng giải cứu đoàn thể Tăng già trong lao ngục, gầm lên tiếng rống của sư tử trong thời hỗn độn loạn ly. Có thể nói nữ cư sĩ này, là bức trường thành hộ pháp của thời kỳ đầu phát triển Phật giáo Đài Loan.
Cư sĩ Tất Tuấn Huy người Singapore, đệ tử của Đại sư Từ Hàng, từng được bầu làm Chủ tịch Phân hội Singapore Hiệp hội Hữu nghị Phật giáo Thế giới, đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Bồ đề, ươm mầm giác ngộ trí tuệ ở Singapore, công lao to lớn không thể xóa nhòa; nữ sĩ Diệp Mạn đã giành được sự đánh giá cao của đại biểu các nước, với biểu hiện xuất sắc tại Hiệp hội Hữu nghị Phật giáo Thế giới được tổ chức gần đây, Bà được bầu làm Phó Chủ tịch của Hội nghị này. Đối với Phật giáo và đất nước, Bà đã hoàn thành mối liên hệ hữu nghị Quốc tế rất thành công.
Công đức cao vời vợi của Nữ giới đối với Phật giáo không thể diễn tả được, khó mà hinh dung được. Sự hình thành và phát triển của Phật giáo hơn hai nghìn năm qua, người phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy thuyền và lèo lái con thuyền, tôi xin nêu bốn điểm đại khái về sự đóng góp to lớn của Nữ giới đối với Phật giáo:
1. Hộ pháp bố thí:
Bởi do sự quyên góp tịnh tài của các phụ nữ, mà hàng loạt ngôi tự viện đền đài uy nghiêm, hùng vĩ được xây dựng. Bởi do sự ủng hộ đạo tràng của các phụ nữ, mà hết lần này đến lần khác các hoạt động Pháp hội tổ chức được thành công thù thắng viên mãn. Nếu không có sự hoan hỉ phát tâm bố thí của giới phụ nữ, thì Phật giáo Đài Loan làm thế nào có hưng thịnh như ngày nay? Chúng ta có thể yên tâm học Phật pháp trong các đạo tràng, đảnh lễ chư Phật trong các ngôi tự viện, nên cảm ơn các phụ nữ phía sau hậu trường có nhiều cống hiến và làm nhiều công đức cho chúng ta.
2. Phục vụ chăm sóc:
Khi đến ngôi tự viện nào đó, bạn thường có thể thấy nhiều phụ nữ công tác phục vụ tại đây. Họ có thể vào nhà trù nhặt rau, phục vụ cơm cháo, hành đường, bưng trà, hoặc lau chùi điện Phật, quét dọn, lau cửa sổ, khiêng gánh đồ vật… Trong gia đình họ là nữ chủ nhân, thiếu phu nhân, thuê quản gia, người làm để hầu hạ họ, nhưng khi đến chùa, họ đeo tạp dề, tranh nhau phục vụ, không sợ dầu mỡ, nhơ bẩn, mệt mỏi. Họ nuôi lớn tâm Bồ đề trong sự phục vụ và phụng hiến, tăng thêm phước tuệ, đồng thời cũng làm cho Phật giáo không ngừng hoạt động và hưng thịnh.
3. Độ người tin Phật:
Phụ nữ nói chung có tài hùng biện tốt, tương đối chủ động lưu tâm chú ý người khác. Phụ nữ không chỉ chính mình tín ngưỡng Phật giáo, mà còn tích cực dẫn dắt những người sơ cơ bắt đầu tin Phật, giới thiệu rất nhiều người hữu duyên đến với Phật giáo. Chẳng hạn, hiện nay họ được các nữ cư sĩ hướng dẫn Quy y Tam bảo, tham dự các buổi thuyết pháp, các ngày đại lễ cũng như tham gia các Pháp hội… trong Phật giáo! Tôi tin rằng, sự nhiệt tình ươm mầm gieo hạt và chỉ dẫn của chị em phụ nữ này, khiến cho Phật giáo tăng thêm nhiều tín đồ, khiến cho đại chúng gần gũi với đạo Phật, cũng khiến cho nhiều cá nhân thay đổi đời sống của mình, càng khiến cho xã hội được thanh lọc trong sạch.
4. Lợi ích xã hội:
Phụ nữ giàu lòng bi mẫn, khi nhìn thấy những điều không may trong xã hội, họ có thể mở hầu bao giúp đỡ, xuất tiền của ra công sức, cứu trợ nạn tai, tăng thêm phần ấm áp cho mọi người và mang lại lợi ích cho xã hội. Chẳng hạn, có một số phụ nữ tận dụng thời gian rảnh rỗi để thành lập đội, nhóm giặt quần áo, rửa tay chân và nấu súp cho trẻ em trong Cô nhi viện; hoặc quét dọn, lau chùi làm sạch môi trường, làm hộ lý… chăm sóc chữa bệnh cho người già trong Viện dưỡng lão, phát huy tinh thần từ bi cứu thế của Phật giáo. Trong vài năm qua, số lượng phụ nữ Phật giáo hữu công được khen thưởng vì công tác từ thiện xã hội và phúc lợi công cộng ngày càng tăng. Điều này chứng tỏ các phụ nữ đã thể hiện bản lĩnh và kỹ năng trong công tác vĩ đại đối với xã hội phúc lợi, địa vị của họ ngày càng trở nên quan trọng.
IV. Hy vọng của người phụ nữ:
Trên thế gian này không thể thiếu phụ nữ, nếu không có phụ nữ, thì thế giới loài người là một nửa thế giới đầy thiếu sót; Phật giáo càng cần phải có phụ nữ, không có sự tham gia của phụ nữ, Phật giáo sẽ không cách nào tiến về phía trước. Mối quan hệ giữa phụ nữ với xã hội và Phật giáo đã mật thiết như vậy, thì bản thân phụ nữ nên kỳ vọng mình phải làm thế nào để tiếp thêm một phần sức mạnh cho gia đình, cho xã hội và cho Phật giáo? Tôi đưa ra bốn điểm đối với sự kỳ vọng của phụ nữ:
1. Điểm tô nhân tâm xã hội bằng từ bi:
Nữ giới không chỉ khiến cho mọi người gần gũi, vui vẻ bởi dung mạo xinh đẹp, mà điều quan trọng là vì họ có một trái tim từ bi. Ví dụ như Bồ tát Quán Thế Âm thường biến hiện dưới hình dạng của phụ nữ, trong miệng chúng ta thường niệm: “Quán Thế Âm Bồ tát!” Thậm chí trên người còn đeo Thánh tượng Bồ tát, trong tâm ghi nhớ khuôn mặt thánh thiện của Bồ tát và trong nhà tôn trí Bồ tát ở nơi tốt nhất! Vì sao Bồ tát Quán Thế Âm được thế gian tôn kính phụng thờ như vậy? Bởi vì Bồ tát là biểu trưng của lòng đại từ đại bi, nên mọi người trên thế gian cần phải có lòng từ bi như Bồ tát để điểm tô nét đẹp và làm cho xã hội chúng ta càng ấm áp, càng hài hòa hơn.
Đại Sư Tinh Vân (星雲大師)
Thanh Như (dịch)
- Quải đan (挂单): Thuật ngữ Phật giáo. Chỉ cho chư Tăng hành cước đến một ngôi tự viện nào đó nghỉ qua đêm. Đan là bảng danh sách trong Tăng đường, Tăng sĩ du phương treo áo của mình dưới danh sách nên gọi là quải đan.