Hơn 20 năm nay, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trở thành ngày Hội truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta. Để tôn vinh các nhà giáo, người ta thường viện dẫn cụm từ “Quân – Sư – Phụ” với giải thích rằng đó là sự xếp đặt ngôi thứ địa vị trong xã hội xưa, thầy được đứng thứ hai sau vua, trên cha. thiển nghĩ giải thích như vậy có phần đúng, nhưng chưa đủ.
Ba chữ “Quân – Sư – Phụ” kết liền nhau ấy, gần như một mệnh đề, một định đề, bao hàm nhiều nội dung, ý nghĩa quan trọng rộng lớn, sâu xa hơn nhiều. Đó là “bộ ba” – ba cương vị, ba vai trò, ba trụ cột- cùng liên đới chịu trách nhiệm trước đất nước mình, dân tộc mình về chiến lược con người cho phát triển xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Có thể hình dung “bộ ba” như một “kiềng ba chân”, một “thế chân vại” của một quốc sách, không thể thiếu hay yếu bất kỳ một “chân” nào. Đó cũng là bài học lịch sử mà cha ông, tổ tiên ta từng trải nghiệm, đúc kết lại như một nguyên lý bất biến “siêu thời đại”, tất nhiên phải là “vua ra vua, thầy ra thầy, cha ra cha.”
Trải biến thiên lịch sử mấy nghìn năm, trong an – nguy, trong thịnh – suy, các thế hệ Quân – Sư – Phụ Việt Nam đã tiếp nối nhau làm được những gì, làm như thế nào, để cho chúng ta ngày nay được vinh dự, tự hào là một dân tộc có truyền thống chí nhân đại nghĩa, luôn tôn sư trọng đạo, từng viết lên những trang sử hào hùng oanh liệt, từng bồi đắp nên một giang sơn thống nhất, giàu đẹp với một nền văn hiến rạng ngời tỏa sáng khắp gần xa…
“Mỗi thời mỗi khác” là lẽ tất nhiên. Nhưng “vô cổ bất thành kim” cũng là quy luật phát triển của xã hội của văn hóa. Quá khứ là tấm gương cho ta soi thấu hiện tại và nhìn về tương lai.
Qua hơn 40 năm thực hiện đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã kế tục và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo như thế nào? “Quân – Sư – Phụ” của thời đại chúng ta đã kết hợp chiến lược con người ra sao, đạt được những gì, không một ai phủ nhận những thành tựu to lớn của Giáo dục – Đào tạo rất có ý nghĩa, rất đáng tự hào và khôn xiết kể.
Trải qua một “cuộc” cải cách giáo dục hơn 40 năm, những điều trông thấy: cải tiến, thí điểm, thử nghiệm, toàn những “bước đầu” ít có bước cuối, những thử nghiệm, trưng cầu, tham khảo chưa kết luận dứt điểm… mãi cho đến nay – “bề nào cũng chưa yên bề nào” hệ thống các trường học, nội dung chương trình, sách giáo khoa, chế độ thi cử, hướng nghiệp, phân luồng, việc phân bố sử dụng, những ” nhân lực, nhân tài” đã tốt nghiệp; kỷ cương, quy chế, quy tắc quản lý giáo dục… đều “còn-đang-chưa” ổn định! Chuyện xưa nay hiếm trong giáo dục.
Trong cái tình thế “thế thời phải thế” ấy, mặt trái của kinh tế thị trường thừa cơ thâm nhập “đại học” – vốn xưa nay trong sáng, thiêng liêng – phát huy tác hại. Không ít những “nhà” biện luận rằng trong cơ chế thị trường thì tri thức cũng là một loại hàng hóa tiêu dùng theo luật cung cầu, thuận mua vừa bán, tiền nào của nấy(?). Có nghĩa là nhà trường có thể thành thị trường, nhà giáo thành nhân viên “bán chữ”, ai có tay nghề khá thì mở dịch vụ dạy trước, dạy thêm, luyện thi, hoặc “chạy show” ở các lớp bán công, dân lập. Đó đây văn bằng giả, sách giáo khoa dỏm, lớp chui, thầy thuê… xuất hiện trôi nổi, mà đến nay việc thanh tra, thanh lý cũng đang còn là “sơ bộ”!
Làm sao cho một bộ máy nhà nước từ Trung ương cho đến cơ sở thật sự trong sạch – vững mạnh, kiên quyết và nghiêm minh đẩy lùi và bài trừ hết những quốc nạn – tệ nạn trầm kha, làm cho môi trường xã hội, nhân văn lành mạnh, để các cháu được học hành nên người, noi gương cha anh đi trước?
Làm sao có được một đội ngũ nhà giáo đích thực là kỹ sư tâm hồn cùng những cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất năng lực, có tâm huyết nghiêm túc.
Làm sao cho hết thảy mọi người cha đều hết lòng dạy dỗ con cái nên người, xây dựng nếp nhà thành cái nôi của nhân cách – ước mơ – hoài bão, thành vườn ươm giống tốt cho sự nghiệp trồng người, thành tế bào kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Đàm Vũ