Tướng như thu mãn nguyệt
Nhãn tợ thanh liên hoa
Phật pháp như đại hải
Lưu nhập A Nan tâm.
Nhị tổ Thiền tông – A Nan là một trong mười vị đệ tử lớn của Đức Phật, Tôn giả A Nan còn được mệnh danh “đa văn đệ nhất” là người rất uyên thâm trong nhiều lĩnh vực và có trí nhớ siêu phàm. Bất cứ một bài Pháp nào Đức Phật đã từng thuyết thì Tôn giả sẽ lặp lại không sai một chữ nào. Vì thế, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã viết bài kệ như trên, nhằm tán thán phẩm vị cao đẹp khó có được của vị thị giả thân cận Đức Phật.
A-nan-đà hay được gọi là A Nan, tiếng Hán dịch nghĩa là Khánh Hỉ. Ngài sinh vào năm 605 TCN. Điều đặc biệt của Tôn giả trong hàng các vị đại Thanh Văn của Đức Phật đã bắt đầu từ xa xưa, trước khi bước vào kiếp cuối cùng. Cũng như Đức Phật, A Nan Ða đã giáng sinh từ cõi trời Ðâu Suất đầu thai vào cùng giai cấp trong hoàng tộc Thích Ca, song song với Đức Phật. Hai thân phụ của Đức Phật và của A Nan Ða vốn là anh em, nên A Nan Ða đối với Đức Thế Tôn đương nhiên ở vào địa vị huynh đệ (chú bác). A Nan rất khôi ngô tuấn tú, thông minh, hòa nhã và vui vẻ. Từ nhỏ Ngài đã được mọi người mến thương.
Nhân duyên nhập đạo của Ngài rất tốt đẹp, đồng chơn xuất gia và đã được Phật khẳng định. Khi Đức Phật có chuyến trở về thành Ca Tỳ La Vệ, lần đầu Ngài gặp lại A Nan đã nghĩ: “Nếu A-Nan xuất gia, thì tương lai có thể thiệu long Phật chủng, khiến Phật pháp lưu truyền vĩnh viễn ở hậu thế.”
Với mong muốn dẫn dắt A Nan vào con đường chánh Pháp tiếp bước theo Phật nên khi dọn chỗ ở, Thế Tôn đến ngay cung điện của Bạch Phạn Vương, ngự tại căn phòng kế cận phòng A Nan. Vào mỗi buổi sáng mở cửa nhìn qua, A Nan thấy Phật đều cung kính bái chào. Mang lòng khát ngưỡng với tướng thù thắng trang nghiêm, cốt cách thanh cao của Đức Phật mà ngày ngày chú bé A Nan nhỏ tuổi lân la bên Phật và quạt cho Ngài khi thời tiết nóng nực.
Bạch Phạn Vương thấy con mình mến Phật, ngại rằng A Nan có thể chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Phật và sợ nhất là con sẽ xuất gia, Vương Gia quyết gởi A Nan sang nước Tỳ Xá Ly. Không được bao lâu, vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ và nhớ Phật mà A Nan khóc đòi về. Bạch Phạn Vương thương nhớ con mình nên đã đón A Nan trở về thành Ca Tỳ La Vệ.
Với quy luật có nhân duyên thì ắt sẽ gặp, khi gần bên Phật thấm nhuần mưa pháp, nhân lúc một số vương tôn công tử xin Phật xuất gia, thì A Nan tuổi còn rất nhỏ cũng xin được theo gót chân Thế Tôn gia nhập Tăng đoàn.
Sau khi như nguyện trở thành tu sĩ thì A Nan lúc nào cũng rất tinh tấn tu học. Những năm đầu của đời sống Sa Môn phạm hạnh Ngài dành hết thì giờ vào việc thanh tịnh nội tâm, nên hòa mình rất dễ dàng vào cộng đồng Tăng lữ, rồi dần phát triển sức mạnh tinh thần một cách nổi bật. Cùng với sự thông minh sẵn có nên Tôn giả A Nan đã tiếp thu giáo lý của Đức Phật trọn vẹn như nước thấm vào cát, nhân lúc Trưởng lão Punna thuyết pháp Ngài an tĩnh mà chứng đắc được quả thánh Tu đà hoàn.
Từ sau khi Đức Phật thành đạo cho đến khi Ngài hơn 50 tuổi đều không có thị giả cố định. Thân cận Phật lúc đầu có Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, tiếp đến có Tỳ kheo Na Ca Ba La, rồi nhiều Tỳ kheo khác thay nhau hầu Phật. Tăng đoàn bấy giờ xét thấy Phật cần có một thị giả thường trực bên cạnh, để giúp đỡ Phật mọi sự cần thiết. Vì thế, Đại hội chọn thị giả được mở ra, trong hội có nhiều vị Tỳ kheo xung phong nhưng Phật đều không chấp thuận. Tôn giả Mục Kiền Liên nhập định quán thấy được ý muốn của Phật, nên Ngài liền đến khuyên A Nan rằng: “Này A Nan! Ý Đức Thế Tôn muốn ông làm thị giả, ông hội đủ nhiều yếu tố, đặc biệt là dựa vào trí nhớ, về sau ông có thể thay Đức Thế Tôn tuyên dương diệu pháp. Ông giống như một tòa lâu đài to lớn, mở cửa sổ ở phía Đông là có thể giúp cho ánh sáng rót thẳng vào vách phía Tây.”
Nghe nói, thấy trách nhiệm lớn lao quá, sợ không kham nổi A Nan từ chối, nhưng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khuyên mãi cuối cùng A Nan nhận. Nhưng e ngại tỵ hiềm có thể xảy ra, A Nan yêu cầu Tôn Giả Mục Kiền Liên trình lên Đức Phật 8 thỉnh nguyện:
1. Không mặc áo mà Đức Phật cho, dù mới hay cũ;
2. Không dùng thực phẩm mà thiện tín dâng cúng đến Đức Phật, dù đó là thức ăn thừa;
3. Không ở chung tịnh thất với Đức Phật;
4. Không đi theo Phật đến bất luận nơi nào mà thiện tín chỉ cung thỉnh Phật;
5. Ðức Phật hoan hỷ cùng đi với Tôn giả đến nơi mà Tôn giả được mời;
6. Ðược quyền sắp xếp, tiến cử những vị khách đến muốn gặp Đức Phật;
7. Ðược phép hỏi Đức Phật mỗi khi có hoài nghi phát sinh;
8. Ðức Phật hoan hỷ nói lại những bài pháp mà Ngài đã giảng khi không có mặt Tôn giả.
Khi 8 thỉnh nguyện trình lên, Phật hoan hỷ chấp thuận ngay vì Phật thấu hiểu tâm tư A Nan và hết lòng khen ngợi A Nan là người thông minh, tế nhị, thuần hậu và vui vẻ.
Và kể từ khi trở thành một thị giả trong suốt hơn hai mươi lăm năm, Tôn giả A Nan đã tận tụy, trung tín, cần mẫn với lòng kính mộ không hề suy suyển việc chăm sóc Đức Thế Tôn, đặc biệt là trong những lúc thân thể Đức Phật có bệnh và những năm Đức Phật cao tuổi mà bước chân không ngừng du hóa bốn phương.
Là một thị giả của Đức Phật và là một người uyên bác, có trí nhớ siêu phàm, ngoại hình khôi ngô tuấn tú, được rất nhiều người, đặc biệt là phái nữ ái mộ, song Tôn giả A Nan đã không lấy điều đó làm kiêu hãnh, Ngài luôn khiêm cung, sống phạm hạnh và tận tụy với Đức Phật trong vai trò của một thị giả.
Nói về duyên khởi việc nữ giới được hứa khả xuất gia theo chánh pháp, hoàn toàn do công lao của Tôn giả A Nan Đà.
Sau khi vua Tịnh Phạn băng hà, không lâu sau đó Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng 500 vị nữ thuộc dòng họ Thích đến rừng Ni Câu Đà bái yết Phật, xin được xuất gia và dâng lên Phật hai tấm y do bà tự tay cắt may. Đức Phật không chấp thuận cho nữ giới xuất gia, dù bà nhiều lần khẩn khoản cầu xin. Theo Phật, giới nữ nặng về tình cảm, nhẹ ý chí, có thể gây phiền hà rắc rối cho giáo đoàn. Bởi thế, giáo đoàn có sự tham dự của phụ nữ chánh pháp sẽ giảm mất 500 năm. Di mẫu vô cùng buồn bã khi Phật nhiều lần từ chối. Để làm cho Di mẫu vui lòng, Đức Phật nhận một tấm y, tấm còn lại Phật khuyên nên đem cúng dường cho một vị Tăng khác.
Không bỏ cuộc, một hôm bà cùng 500 thể nữ xuống tóc, mặc cà sa, và vượt qua hai ngàn dặm đường để đến Tinh xá Na Ma Đề Kiền Ni, nơi Phật đang giáo hóa để bái yết khẩn cầu. Vượt qua bao dặm đường dài hiểm trở lại gặp trời mưa gió nên cả đoàn mệt lả. Lúc sáng sớm vì có việc cần phải ra ngoài Tinh xá, Tôn giả A Nan bất chợt gặp đoàn thể của di mẫu. Tôn giả vô cùng thương cảm nên khẩn khoản xin Phật cho phái nữ được xuất gia.
Bao lần Tôn giả khóc thương cầu xin Phật cho đến khi Ngài thưa Phật rằng chánh pháp có phân biệt nam nữ, và nữ giới có thể chứng đạt đạo quả hay chăng. Nhờ câu hỏi ấy của A Nan nên Phật đã suy xét quán thấy trên đời này Pháp lý, tình cảm không thể vẹn toàn. Ngài biết rõ mối quan hệ nhân duyên, không có một pháp nào thanh tịnh thường trụ bất biến mãi. Vì thế, Đức Phật chấp thuận lời thỉnh cầu của A Nan, nhưng buộc Ni giới phải giữ thêm một số giới pháp và triệt để tuân hành Bát Kỉnh Pháp. Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề vô cùng hân hoan và xin triệt để tuân hành lời Phật dạy. Ni giới rất nhớ ơn Tôn giả nên mỗi khi có dịp gặp Ngài họ rất vui mừng và tiếp rước Ngài một cách niềm nở cung kính.
Tôn giả A Nan là một người rất mực thông minh, nhạy cảm và có một trí nhớ chuẩn xác, nhưng Tôn giả chưa đạt quả vị A La Hán, nên khi nghe Đức Phật cho biết chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ nhập diệt, Tôn giả buồn đau vô cùng. Tối đó Ngài nằm mộng 7 điều bất thiện và đã trình lên Thế Tôn. Phật chỉ dạy đó là tiên tri cho Chánh pháp của Như Lai sau khi Phật nhập diệt. Điều đó rất đáng buồn.
Tại rừng Ta La, thành Câu Thi Na, khi Đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, A Nan bật khóc nức nở. Nghĩ đến Phật không còn tại thế mà bản thân chưa tỏ ngộ chân lý thì càng tủi hổ hơn, kính xin Thế Tôn ban lời từ chỉ dạy cho hàng Tăng chúng lần cuối cùng. Vì vậy, Di Giáo kinh từ đó mà thành lập.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, đoàn thể Tăng cùng nhau tiến hành Ðại hội kết tập kinh điển. Trước đêm kết tập lần thứ nhất với nỗ lực thiền quán vượt bực, Tôn giả đã chứng đắc A la hán và được tham dự Ðại hội, phụ trách trùng tuyên kinh tạng. Mở đầu của mỗi kinh, Tôn giả A Nan đã lặp lại lời “Như vậy tôi nghe… ” (Như thị ngã văn), mà mỗi khi tiếp xúc với kinh điển, chúng ta đều gặp.
20 năm kể từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài Đại Ca Diếp đã hơn 100 tuổi, dự định đến núi Kê Túc nhập Niết-bàn. Trước khi đi Ngài truyền thừa tông ấn Thiền tông và gia nghiệp Phật pháp cho Ngài A Nan. Vì lẽ đó Ngài A nan chính là vị Tổ Thiền tông Ấn Độ đời thứ 2.
Dòng truyền thừa Chánh Pháp của Tổ A Nan ngày một phát triển và vững mạnh, thế nhưng không sao tránh khỏi những kẻ tự phụ hiểu sai ý của pháp mà cứng đầu không nghe khuyên bảo. Nhật nguyệt luân chuyển xét thấy những đại sư huynh đã nhập Niết-bàn, tuổi tác của Tổ ngày càng cao nên Ngài đã hạ quyết định nhập Niết-bàn. Năm Tôn giả A Nan 120 tuổi, Ngài đem Chánh pháp trao lại cho đệ tử của mình là Thương Na Hòa Tu (vị Tổ Thiền tông đệ tam) rồi ôm bát hướng về sông Hằng mà đi.
Ở giữa biên giới của hai nước, vua A Xà Thế cúi xin ngài A Nan nán lại vài năm tiếp tục dẫn dắt Phật pháp nhưng Tổ một lòng đã quyết khuyên hai nước hòa hảo, song Ngài bèn nói kệ cho hàng đệ tử:
Bổn lai phó hữu pháp
Phó liễu ngôn vô pháp
Các các tu tự ngộ
Ngộ liễu vô vô pháp.
Dịch:
Lâu nay phú có pháp,
Phú rồi nói không pháp,
Thảy đều tự mình ngộ,
Ngộ rồi không không pháp.
Hết thảy mọi việc an bài chu đáo, Ngài ngồi giữa hư không nhập hỏa quang tam muội, tấn nhập Niết-bàn khiến xá lợi rơi xuống hai bên quốc gia là Ma Kiệt Đà và Tỳ Xá Ly cho hai vua xây tháp cúng dường.
Tổ A Nan nhập diệt rồi nhưng đã để lại một kho tàng quý giá. Ngài là một Thánh Tăng mà đời sống “chứa” nhiều lời Phật dạy nhất. A Nan Ða không những là một Đại Hộ Pháp, có công lưu truyền giáo lý của đấng Toàn Giác cho đời sau, mà ông còn là một vị La hán Phật, bậc đã có vô số kiếp trước tái sinh và trau giồi phẩm hạnh.
Nhớ đến công ơn của Ngài cho Phật pháp vì vậy mãi cho đến sau này, mỗi khi chư Tăng, Ni các chùa truyền thống đến ngày mồng một, rằm âm lịch mỗi nửa tháng trong lễ lạy thù ân đều xướng danh hiệu: “Nam mô Khải giáo A Nan Đa tôn giả”. Ngài là vị đệ tử số một của Đức Phật trong số mười vị có biệt tài xuất chúng và là một bậc Đại Thánh Tăng được người người yêu quý và kính trọng.
“Hai mươi lăm năm hầu bên chân Phật,
Học lên cao, chân lý sáng như gương.
Một cuộc sống không tham lam khao khát,
Diệt vô minh, pháp Phật diệu vô lường!”
(Phỏng dịch theo Theragàtha v. 1039 = Tôn Túc kệ ngôn số 1039)
Thích Nữ Chân Mỹ
Sc Đức Tạng diễn đọc