Phi pháp diệc phi tâm,
Vô tâm diệc vô pháp.
Thuyết thị tâm pháp thời,
Thị pháp phi tâm pháp.
Tam Tổ Thiền tông – Thương Na Hòa Tu. Ngài dòng Tỳ-Xá-Đa nước Ma-Đột-La, cha tên Lâm-Thắng, mẹ là Kiều-Xa-Da. Ngài ở trong thai mẹ sáu năm mới sanh. Tục truyền ở Ấn-Độ khi nào có cỏ Thương-Nặc-Ca là một vị thánh nhơn ra đời. Chính khi Ngài lọt lòng mẹ thì thứ cỏ ấy cũng mọc lên, vì thế, cha mẹ Ngài đặt tên là Thương-Na-Hòa-Tu.
Theo truyền thống Tây Tạng, Ngài được gọi là “Thiết Nặc Ca” vì khi sanh ra Ngài đã được trùm bởi áo Thiết Nặc Ca. Theo Tây Vực Ký, Tổ Thương Na Hòa Tu khi còn ở kiếp trước đã lấy cỏ “thiết nặc ca” làm áo và bố thí cho chúng Tăng vào ngày giải an cư kiết hạ. Ngài thường mặc chiếc áo này trong năm trăm thân. Ở đời hậu thân, Ngài và chiếc áo cũng theo thai ra đời. Thân thể lớn dần, chiếc áo cũng rộng theo. Lúc Ngài được Tổ A Nan độ cho xuất gia, thì chiếc áo trở thành pháp phục. Khi Ngài thọ Cụ túc giới thì chiếc áo trở thành chiếc Cà sa 9 mảnh. Đến tịch diệt, Ngài phát nguyện sẽ để lại chiếc áo cho hết thảy di pháp của Đức Thích Ca, nguyện lưu cái áo lại cho đến khi đạo pháp của Đức Thích Ca truyền tận áo mới bị mục nát.
Lúc đầu, Tôn giả Thương Na Hòa Tu xuất gia làm đồ đệ vị tiên ở núi Tuyết. Chính Ngài tu theo pháp tiên đã được thần thông, sau gặp Tổ A-Nan, Tổ hỏi:
“Ông tu có thần thông để làm gì?”
Ngài kiêu hãnh đáp:
“Tôi tu có thần thông để thiên hạ kính nể.”
Tổ A Nan hỏi tiếp:
“Thiên hạ kính nể để được cái gì?”
Nghe Tổ hỏi câu thứ 2, Ngài thấy mình lạc vào chỗ khoe khoang, nên xuống giọng nói với Tổ:
“Vậy Ngài tu theo đạo Phật để được cái gì?”
Tổ A Nan nói với Ngài:
“Ta tu theo đạo Phật không được cái gì cả mà chỉ để được trở về quê hương chân thật của mình thôi.”
Nghe Tổ A Nan nói không được gì, nên Ngài xin Tổ nói chỗ được và không được để Ngài rõ. Tổ A Nan Đà bèn nói bài kệ:
“Nơi vật lý thế giới này
Tu hành mà được việc này việc kia
Tu theo vật lý phân chia
Chiều Dương vui sướng, kìa là chiều Âm.
Thần thông là của chiều Âm
Ông tu mà được, thần thông của mình
Tức còn luân chuyển tử sanh
Luân hồi sanh tử đua tranh làm gì?
Tâm mình thanh tịnh hằng tri
Luân hồi sanh tử làm chi được mình
Thiền Thanh Phật dạy rất linh
Không cần khổ sở mà mình về quê.
Quê xưa chỉ một được về
Niết-bàn thanh tịnh không hề dụng công.”
Nghe bài kệ của Tổ A Nan, ông liền giác ngộ yếu chỉ Thiền tông nên liền trình với Tổ A Nan bài kệ rằng:
“Đường khổ mãi trầm luân,
Thầy dạy con chỉ “Dừng”.
Lìa ngay đường đau khổ,
Tự nhiên hết trầm luân.
Kính xin Thầy chấp nhận
Đệ tử nghe theo Thầy
Nối tiếp pháp Thiền tông.
Phổ đi khắp núi sông
Của Thích Ca đã dạy.”
Nói kệ xong rồi Ngài liền kính lạy, hồi đầu về chánh pháp.
Tổ A-Nan, thấy Ngài đã thâm ngộ diệu tâm nên truyền pháp kệ rằng:
Bổn lai truyền hữu pháp,
Truyền liễu ngôn vô pháp
Các các tu tự ngộ
Ngộ liễu vô vô pháp.
Dịch:
Xưa nay truyền có pháp
Truyền rồi nói không pháp.
Mỗi mỗi cần tự ngộ
Ngộ rồi không không pháp.
Tổ lại dặn:
– Xưa Đức Như-Lai đem đại Pháp nhãn này trao cho Ngài Ca-Diếp, Ngài Ca-Diếp trao lại cho ta, nay ta sắp vào Niết-bàn đem trao lại cho ngươi, ngươi phải khéo gìn giữ truyền trao không để dứt mất.
Sau khi đắc pháp nơi Tổ A-Nan, Ngài đi đến khu rừng Ưu-Lưu-Trà cất tịnh-xá hoằng hóa Phật pháp rất hưng thịnh. Chính nơi đây, khi Phật còn tại thế có lần đi giáo hóa ngang khu rừng này, Phật đã nói với A-Nan rằng: “Sau khi ta Niết-bàn, khoảng 100 năm, có một Tỳ-kheo tên Thương-Na-Hòa-Tu ở tại khu rừng này hoằng truyền chánh pháp.”
Tôn giả Thương Na Hòa Tu hóa duyên đã lâu muốn trao truyền chánh pháp, tìm đến nước Trá lợi gặp Ưu Ba Cúc Đa chọn làm thị giả. Nhân gặp Ngài hỏi Cúc Đa:
– Tuổi ông bao nhiêu?
Đáp:
– Tuổi con mười bảy.
Sư hỏi:
– Thân ông mười bảy hay tánh ông mười bảy?
Hỏi lại:
– Tóc thầy đã bạc, là tóc bạc hay tâm bạc?
Sư đáp:
– Ta chỉ bạc tóc, chẳng phải bạc tâm đâu.
Cúc-đa nói:
– Thân con mười bảy, chẳng phải tánh mười bảy.
Tổ biết đây là pháp khí. Ba năm sau cho xuống tóc và thọ cụ túc giới. Rồi báo cho chúng biết:
– Xưa Như Lai đem vô thượng pháp nhãn tạng trao cho Ca Diếp, lần lượt truyền nhau rồi tới ta, nay ta truyền cho ông chớ để đứt mất. Ông nhận ta dạy, hãy nghe ta nói kệ:
Phi pháp diệc phi tâm1
Vô tâm diệc vô pháp.
Thuyết thị tâm pháp thời,
Thị pháp phi tâm pháp.
Dịch:
Phi pháp cũng phi tâm,
Không tâm cũng không pháp.
Khi nói tâm pháp ấy,
Pháp ấy phi tâm pháp.
Nói kệ xong Tôn giả đi ẩn ở trong núi Tượng Bạch, thuộc miền Nam nước Kế Tân. Về sau nhơn trong chánh định, Ngài thấy nhóm 500 người đệ tử của Ưu-Ba-Cúc-Đa thường hay lười biếng và khinh mạn, Ngài liền đến cảnh tỉnh họ.
Khi Ngài đến, Ưu-Ba-Cúc-Đa đi vắng. Ngài lại tòa của Ưu-Ba-Cúc-Đa ngồi, đệ tử Cúc-Đa không biết Ngài là người gì? Tất cả đều bực tức không phục. Họ chạy báo cho Cúc-Đa hay. Cúc-Đa về đến thấy thầy mình liền đảnh lễ. Song đệ tử vẫn còn tâm khinh mạn chẳng kính.
Ngài lấy tay mặt chỉ lên hư không liền có sữa thơm chảy xuống, Ngài bảo Cúc-Đa:
– Ngươi biết gì chăng.
Cúc-Đa thưa:
– Chẳng biết.
Cúc-Đa bèn nhập chánh định để xem xét, cũng không thể hiểu. Cúc-Đa thưa:
– Điềm lành nầy do chánh định gì xuất hiện?
Ngài đáp:
– Đây là chánh định Long Phấn Tấn. Còn cả năm trăm thứ chánh định như thế mà ngươi chưa biết. Chánh định của Như-Lai, hàng Bích-Chi không thể biết. Chánh định của Bích-Chi, hàng La-Hán không thể biết. Chánh định thầy ta là A-Nan, ta cũng không biết. Nay chánh định của ta, ngươi đâu thể biết. Chánh định ấy là tâm không sanh diệt, trụ trong sức đại từ, cung kính lẫn nhau, được thế đó mới có thể biết.
Đệ tử của Cúc-Đa trông thấy những kỳ-diệu ấy đều kính phục, chí thành sám hối. Ngài lại nói kệ:
Thông đạt phi bỉ thử
Chí thánh vô trường đoản
Nhữ trừ khinh mạn ý
Tất đắc A-La-Hán.
Dịch:
Thông suốt không kia đây
Chí thành không hay dở
Ngươi trừ tâm khinh mạn
Chóng được A-La-Hán.
Năm trăm vị Tỳ kheo nghe kệ xong, y theo lời dạy vâng làm và đều được Vô lậu.
Nói kệ rồi Tổ Thương Na Hòa Tu thi triển 18 phép biến hóa hỏa quang tam muội để tự thiêu thân. Lúc bấy giờ là nhằm năm Tuyên Vương thứ 23 năm Ất Mùi (325 trước công nguyên) Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa thâu xá lợi đem táng trong núi Phạm Ca La, năm trăm vị Tỳ kheo người cầm một cây phướn đưa đến đó xây tháp cúng dường.
Thích Nữ Chân Mỹ
Sc Nhuận Anh diễn đọc
- Bản cựu chép là Phi pháp diệc phi pháp, nay y cứ Bảo Lâm Truyện Chánh Tông Ký sửa là phi pháp diệc phi tâm.