Có tờ báo điện tử cho đăng loạt ảnh về những con đường trên thế giới đẹp đến “nghẹt thở”. Rất nhiều comment nhận định những con đường ấy đẹp lung linh như tranh thủy mặc, kiêu sa như cô gái đương tuổi xuân thì… Duy chỉ có một bạn cho rằng: “Đẹp thì có đẹp đấy! Nhưng so với con đường làng quê mình, nó thua xa!” Vâng, dù bất cứ con đường nào trên thế giới đẹp mê li nhưng so với đường làng vẫn không sao sánh kịp. Bởi giá trị của đường làng không phải là sự hào nhoáng bên ngoài mà nó mang vẻ mộc mạc, yên bình, xanh mướt. Và hơn hết trong mắt những người con xa quê, đường làng luôn xoáy vào tim cảm giác đau đáu làm cho ta phải nhớ, phải thương nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi có những kỷ niệm ngọt ngào của thuở thiếu thời.
Đường làng quê tôi yên ả lắm. Trải qua bao thăng trầm, dù đất nước có hiện đại, nó dẫn duy trì chiếc áo cũ màu tro xám xịt – màu của bùn đất. Ngày xưa đường là một khoảng lung đầm lầy hình oval. Người dân đi chợ, đến trường, lên tỉnh buộc phải đi đường vòng rất xa. Mở đường ngang lung sình lầy là giải pháp để rút ngắn khoảng cách địa lý. Thế là thanh niên trong làng ra sức khuân đất, đắp đường. Trong suốt thời gian thi công, nhiều cơn mưa trút xuống gây cản trở. Nhưng không vì vậy mà người dân chùn chí, nản lòng. Mọi người làm ngày, làm đêm, tắm nắng, phơi sương, trầm mưa, hứng gió chỉ mong sao sớm được hoàn thành. Phải mất hơn hai tháng con đường mới hoàn tất. Ai nấy cũng vui sướng như nhà có đại hỷ.
Đường dài gần 1 km. Từ ngày có con đường mới, người dân giảm được nhiều gánh nặng. Quãng đường được rút ngắn nên tiết kiệm được thời gian, kinh tế, công sức. Để tránh đi cái nắng oi bức của mùa hè, chắn dông vào mùa mưa bão, người ta ra sức trồng cây hai bên đường. Từng cây me, cây gáo, cây bạch đàn ưỡn mình vươn vai cao chót vót chỉ sau vài năm chăm bón. Không gian càng sinh động hơn khi những hộ dân gần đấy cho trồng sen hai bên lung. Vừa mang lại kinh tế vừa tạo vẻ mỹ quan xanh mướt. Những đóa sen thanh khiết như liều thuốc cho thiên nhiên, làm hài hòa cả vùng không gian tẻ nhạt, đơn điệu. Trên hai dãy đê vắt ngang, nối liền trục đường chính, người ta trồng nhiều giàn bầu, bí, mướp và những loại cây dây leo khác để cải thiện bữa ăn. Xa xa là những cánh đồng lúa trải thảm vàng mướt mắt đan xen những luống rau xanh rì.
Tôi yêu thích cái cảm giác lâng lâng khó tả khi mỗi lần về quê. Lúc gần đến đường làng, cảm giác ấy càng thể hiện rõ rệt. Bước xuống xe, điều đầu tiên tôi luôn làm là đứng lại hồi lâu, hít thật sâu không khí trong lành của cảnh quê thanh bình. Mùi rơm rạ, hương sen, pha lẫn mùi bùn đã ăn sâu vào tim, máu của những người nhà quê như tôi. Bước thong dong trên con đường làng, tôi thấy mình như trẻ lại. Sau bao nhiêu năm, con đường vẫn mặn mà, an nhiên như thế. Không xa hoa bằng những mảng bê-tông trải nhựa, đường vẫn trung thành với màu bùn, màu xám xịt đậm hồn quê.
Vào mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Ai đi ngang đây đều phải xắn quần, cởi giày, xách dép để đi cho dễ. Thỉnh thoảng những nữ sinh mặc áo dài trắng phải “vồ ếch”, lấm lem bùn đất, vì quá điệu đàng. Những chiếc xe máy buộc phải dắt bộ, kìm tay thật chặt để tránh “lên bờ xuống ruộng”. Nhưng hình ảnh xe một nơi, người một ngả vẫn xảy ra thường xuyên. Cảnh tượng ấy thật xấu mặt nhưng khi về đến nhà, nỗi bực mình lại tan biến. Bởi ai cũng đã quen với con đường này như thể ruột rà.
Đã nhiều lần chính quyền địa phương muốn sửa sang lại con đường bằng việc tráng bê-tông, trải nhựa. Nhưng những cuộc biểu quyết đã không tán thành. Bởi người con nơi đây, từ già đến trẻ đều muốn giữ lại một kỷ niệm đẹp cho làng quê mình. Nông thôn hóa đã quá nhiều thay đổi, giờ chỉ còn con đường làng giữ chút vấn vương.
Đặng Trung Công (ĐSHĐ-058)