Tôi vừa trải qua những ngày đầu của năm mới, Xuân đến quá nhanh khiến tôi ngẩn người. Tôi nhớ đến thơ Xuân của Vua Trần Nhân Tông:
Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.
Dịch
Sớm mở tung cửa sổ,
Đâu biết xuân đã về.
Tung tăng đôi bướm trắng,
Bay lượn vào hoa kia!
Một năm này dường như mọi thứ đối với tôi đều bình thản, không còn cảm giác háo hức hay mong đợi. Xuân về thì biết Xuân về và năm nay tôi thêm một tuổi. Tôi cảm thấy cuộc sống mong manh quá, ngẫm lại hành trình đã qua tôi đã được những gì và buông bỏ những gì?
Có những quyển sách rất hay kể về cuộc đời đầy phong ba bão táp, lại có người sống tràn ngập trong sự yêu thương. Đó là những câu chuyện thu hút khi đã sống hết mình. Lý do vì sao tôi phải nói là sống hết mình? Bởi vì có một số bạn sống qua loa, sống một cách tạm bợ qua ngày mà không biết mình. Phật dạy: “Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?” Tôi đã vô số lần hỏi bản thân vì điều này.
Ngày bé tôi đã đưa ra thắc mắc nhưng không lời giải đáp, tôi đặt nó sang một bên và chìm đắm vào những thú vui. Lớn rồi, qua nhiều sự khó khăn thì khó mà trả lời.
Tôi thấy trong cuộc sống, phước phần của mỗi người tự bản thân cảm nhận. Thế giới có hơn 7 tỷ người, đây là một con số khó mà tưởng tượng được. Tuổi thọ trung bình của con người hiện nay là 78 năm. Không ngắn cũng không dài. Thế nhưng dường như đa số mọi người đều cảm thấy đó không đủ. Suốt đời của vua Tần Thủy Hoàng luôn tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử để ông mãi mãi làm vua, thỏa mãn tham vọng của bản thân. Nhiều người còn lấy điều bất thiện để làm mục đích sống của mình. Đó là điều đau thương của cuộc đời.
Nếu tất cả nhân loại trên thế giới này đều giữ đúng giới thứ nhất của Phật dạy, thì chiến tranh sẽ không có, cho nên, Tổ xưa có dạy:
”Hết thảy chúng sanh không nghiệp giết,
Mười phương nào có nổi đao binh.
Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu Thiện.
Lo gì thiên hạ chẳng thái bình.”
Ngoài ra, trong cuộc sống lại có những vị mang tư tưởng rằng ta không làm hại và cũng không lợi lạc cho ai, yên ổn sống một cuộc sống của mình thì phải chăng đó là điều tốt? Quan niệm này ngày xưa tôi rất thích, bởi lẽ sống thu mình vào vỏ bọc thật là an toàn, có thể tránh nhiều việc phức tạp xảy ra. Nhưng bây giờ học Phật thì suy nghĩ của tôi đã được thay đổi, bởi lẽ sống chỉ vì mình là cái khổ của nhân sinh. Cuộc sống ích kỷ chỉ biết mình là điều rất không tốt, vì bất kể mọi loài trên thế gian đều mang lợi lạc cho nhân loại. Chúng ta không kể đến những đấng tối cao mà xem đến những loài cấp bậc thấp như giun đất: khi nó bò dưới mặt đất sẽ làm cho đất tươi xốp giúp ích cho người nông dân,… Con vật nhỏ bé như thế còn có thể mang lợi ích cho người thì còn lý do nào để bản thân sống chỉ lợi mình. Đức Phật dạy: Sống một ngày lợi lạc cho chúng sanh còn hơn sống trăm năm mà vô ích.
Còn lại những vị sống vì mọi người thì xin đem tất cả những lời tuyên dương bậc nhất dành cho quý ngài. Khi chúng ta làm điều thiện, thanh tịnh sẽ có được năng lực gia hộ cho bản thân và cả môi trường xung quanh. Kinh Duyên Giác có nói: “Một thân thanh tịnh thì nhiều thân thanh tịnh.” Có lẽ rất nhiều người luôn mong muốn rằng bản thân và tất cả mọi người từng sát na đều nghĩ đến thiện lành.
Chúng ta đa phần sống thản nhiên qua một ngày trong hạnh phúc mà không biết trân trọng nó để rồi ngẫm nghĩ lại thì thấy uổng phí. Phật dạy: “Nếu anh có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là một phúc phần rồi.” Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người hôm nay đã đánh mất tự do, biết bao nhiêu người hôm nay đã rơi vào cảnh nước mất nhà tan.
Tâm trí con người thật sự thú vị. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm hoặc thứ không thuộc về mình. Khi trong tay bạn nắm chặt một vật không buông xuống, thì bạn chỉ có mỗi thứ này và nếu bạn chịu buông xuống, thì bạn mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì hiểu nó quá ít, không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi bạn hiểu sâu sắc và sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của mình. Vì vậy Phật dạy: Đừng lãng phí sinh mạng của mình trong những chốn mà nhất định anh sẽ ân hận.
Một điều nhỏ cũng sẽ tạo thành hiệu ứng bươm bướm, cũng thế sự hoan hỉ hoặc phiền não, tích chứa lâu ngày sẽ tạo thành niềm hạnh phúc hay đau khổ là tùy vào bạn.
Tóm lại là mục đích sống của mỗi người luôn khác nhau nhưng với mục đích mang lại sự an lạc cho tất cả thì chắc chắn bạn xứng đáng là một người con Phật hoàn toàn. Mong rằng tất cả mọi người luôn hướng về điều thiện để có thể tỏa ra một từ trường tốt đẹp cho muôn loài.
Thích Nữ Chân Mỹ (ĐSHĐ-101)
Diễn đọc: Sc Đức Tạng