Có người nói: “Hạnh phúc lớn nhất đời người chính là muốn điều gì là có được điều đó” (Nhân sinh tối đại đích hạnh phúc, tựu thị tưởng yếu thập ma tựu hữu thậm ma). Điều này chỉ như người bệnh nói mớ, căn bản không thể nào thực hiện được. Người có trí tuệ thì không theo đuổi những thứ vốn không cần thiết, không vọng tưởng những thứ không thể nào đạt được; nếu cuộc sống giữ gìn được niềm vui thanh tịnh thì cuộc đời mới có thể càng thêm hạnh phúc.
Tìm cầu hạnh phúc là niềm vui thường tình của con người, cũng là một trong những quyền lợi cơ bản của con người. Nếu có thể vượt qua được ham muốn tầm thường thì có thể đạt được hạnh phúc; trái lại, nếu như dục vọng nặng hơn năng lực thì sẽ cảm thấy đau khổ, rơi vào sự dằn vặt, giày vò; chỉ vì năng lực hữu hạn mà dục vọng thì vô hạn. Con đường giải thoát chính là biết dừng lại đúng lúc, tri túc thường lạc (sống biết đủ thường cảm thấy vui vẻ), không đi trông mong những thứ vượt ngoài khả năng cho phép và vốn không phải là nhu cầu thật sự. Có như thế ta mới ngẩng cao đầu, sải bước, ung dung tự tại.
Người xưa nói: “Cần cù có thể bù đắp thông minh, tiết kiệm có thể bồi dưỡng đức tính liêm khiết” (Cần năng bổ chuyết, kiệm dĩ dưỡng liêm). Lại nói: “Cần để được nó, kiệm để giữ được nó” (Cần dĩ đắc chi, kiệm dĩ thủ chi). Bần cùng có lúc là do hoàn cảnh môi trường tạo nên, có lúc thì do bản tính lười biếng. Có người mặc dù lao động cần cù khổ cực, nhưng vì lòng tham không đáy, không biết tiết kiệm nên lúc nào trong túi cũng trống trơn. Thậm chí thu không đủ chi; giống như xã hội ngày nay, có một số người thu không đủ chi, không phải do thu nhập quá thấp mà do tiêu xài quá nhiều. Tiêu xài hoang phí, nếu chỉ là nhằm thỏa mãn những hư vinh mà cố theo đuổi thời thượng thì khó tránh khỏi những hoang phí.
Ham muốn phóng túng quá độ cố nhiên là nguồn gốc của đau khổ, nhưng mà ham muốn vừa phải và hợp lý thì trái lại có thể kích thích tinh thần tiến thủ tích cực, thúc giục người ta hướng tới, hướng lên trở thành động lực phấn đấu sáng tạo. Theo đuổi thành công, mong muốn giàu có, chỉ cần có năng lực thì có thể thực hiện được; bên cạnh nếu có thể làm tới nơi tới chốn, kinh doanh chính đáng, không phương hại tới lợi ích chung của cộng đồng và công bằng của xã hội, thì có thể trở thành động lực phát triển tiến bộ của xã hội.
Xan tham keo kiệt thì khiến cho người khác chán ghét, lãng phí xa xỉ thì tạo ra mục nát sa đọa, đạo trung dung là kiệm phác. Kiệm chính là tiết kiệm, không xa xỉ, không lãng phí. Còn phác chính là giản dị, không sùng hư vinh, không bái phù hoa. Kiệm phác không phải là vắt chày ra nước, một hào cũng không muốn bỏ ra, mà là khéo biết dùng đồng tiền một cách có ý nghĩa, quan tâm đến việc ăn, mặc, ở, đi lại – những nhu cầu cơ bản trong đời sống con người một cách hợp lý, thiết thực. Nói một cách khác, kiệm chính là biết tiết chế, cần giảm bớt thì giảm bớt, cần sử dụng thì sử dụng; phác chính là chỉ mong sống an tĩnh, vui vẻ, không sùng bái lối sống xa hoa.
Cần kiệm giản dị là mỹ đức truyền thống dân tộc Việt Nam, mặc dù đang sống trong xã hội công nghiệp và thương nghiệp hiện đại nhưng chúng ta vẫn phải như trước đây, thực hành đức hạnh tự trọng và giữ mình trong sạch. Biết sống tiết kiệm thì luôn giàu, biết sống giản dị thì thường có, sống biết đủ thì thường vui. Những người tiết kiệm và giản dị có lẽ thanh đạm và đơn giản một chút, nhưng được cái là không sợ thiếu thốn, không phải cầu xin người khác giúp đỡ, việc làm cá nhân minh bạch rõ ràng, trong sáng vô tư, gia đình có thể cơm no áo ấm, cuộc sống an vui, hạnh phúc.
Không tiêu những đồng tiền vô vị, không mua những thứ không dùng, là tiết kiệm trong sinh hoạt; không kết giao với những bạn xấu, không làm những việc vô ích, thì là sử dụng thời gian có hiệu quả. Người xưa nói: “Một khắc đáng giá một tấc vàng, một tấc vàng khó mua được một tấc thời gian”. Thượng nhân Chứng Nghiêm thì nói: “Người có trí tuệ thì trân quý thời gian như kim cương, kẻ ngu si lãng phí thời gian như rác rưởi”. Thời gian chính là sinh mệnh. Trân quý thời gian là một dạng tiết kiệm quan trọng khác.
Mỗi người đều mong muốn trong nhà có một kho báu; chỉ cần biết trân trọng thời gian và lối sống tiết kiệm thì tất nhiên sớm muộn gì trong nhà cũng sẽ có một kho báu. Thực tế cho thấy, lao động cần mẫn thêm vào đó là biết tiết kiệm, thì đó chính là kho báu lấy không bao giờ hết, xài không bao giờ vơi.
Doãn Khải Uy
Sc Trung Niệm diễn đọc