Có thể nói, tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử người sáng lập đạo Phật là ước muốn, niềm trăn trở của nhiều học giả. Cho đến nay đã có hàng triệu tác phẩm viết về cuộc đời cũng như sự nghiệp giáo hóa của Người. Đó không chỉ là những bài nghiên cứu của những người con Phật về Người cha lành kính mến, mà đó còn là những tác phẩm của các tác giả chưa từng theo đạo Phật nhưng đã một lần được nghe qua công hạnh của Người. Để giúp cho hàng Phật tử hiểu sâu hơn về lịch sử đức Phật, tôi xin trình bày đôi nét về tính huyền sử và chính sử của cuộc đời đức Ngài
Huyền sử hay còn gọi huyền thoại là những yếu tố lịch sử mang tính chất mờ ảo, không hiện thực. Đó có thể là một sự phi thường, sự mầu nhiệm mang yếu tố tâm linh, nhằm để cải tạo niềm tin của tín đồ về một sự linh ứng, ngay cả các nhà khoa học cũng khó có thể giải thích các vấn đề trên, chúng ta chỉ có thể nói rằng: “Pháp nhĩ như thị” (Pháp vốn như thế). Lịch sử của mọi tôn giáo đều có tính chất huyền sử và chính sử. Có thể nói rằng không có một tôn giáo nào không có yếu tố huyền sử.
Huyền sử là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc hình thành tôn giáo. Nói về lịch sử Đức Phật không thể bỏ quên những yếu tố tạo nên tính huyền sử như hình ảnh đức Phật sanh ra đi bảy bước và nói rằng: “Thiên thượng Thiên hạ duy ngã độc tôn”, Kinh Vị Tằng Hữu nói: khi Bồ-tát từ cõi trời Tusita đi vào bào thai hoàng hậu thế giới chuyển động, hay khi Phật thành đạo, Tam thiên Đại thiên trỗi nhạc cúng dường… Đó là những yếu tố tạo nên niềm tin về một bậc Thánh nhân ra đời.
Chính sử hay còn gọi là lịch sử, thông sử, là những sự việc có thật đã diễn ra trên cuộc đời và được các nhà khoa học chứng minh tính xác thực của nó theo từng tháng năm. Đó là những sự thật không thể chối cãi, không thể phủ nhận. Có thể nói rằng rất ít giáo chủ của một Tôn giáo là một con người. Nhưng đức Phật là một con người có thật, Ngài là con của vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và hoàng hậu Maha Maja (Ma Da), vương quốc nhỏ của bộ tộc Sakya, kinh thành Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ). Lịch sử chính là quãng thời gian, quá trình hoạt động của một con người. Cụ thể hơn yếu tố lịch sử xác định chắc chắn cho chúng ta biết lịch sử đức Phật, thông qua niên đại theo từng cột mốc sự kiện cũng như những quá trình tiếp diễn từ thuở niên thiếu đến lúc xuất gia, thành đạo và sau cùng là nhập Niết-bàn.
Qua lịch sử, chúng ta biết được rằng đức Phật là một con người có thật, Ngài đã trải qua tất cả những nỗi thống khổ mà chúng sanh đã và đang trải qua, những sự thay đổi về tâm sinh lý, vật lý trong thân thể và tâm thức. Ngài cũng sống cuộc sống như bao người và khi lớn lên Ngài cũng có vợ rồi có con. Vì vậy, có nhiều người cho rằng bởi đức Phật cũng như mỗi chúng ta nên Ngài cũng là một con người rất đỗi tầm thường, chẳng có gì vĩ đại. Ta nên hiểu rằng chỉ có những người bị đau đầu, đau bụng mới biết được cảm giác của sự đau như thế nào? Cũng thế, Đức Phật đã trải qua mọi khổ đau trong cuộc sống nên Ngài hiểu được chúng sanh đang cần gì, muốn gì, từ đó tìm ra phương thuốc thoát khỏi nỗi khổ đau bao la ấy. Nhờ những kinh nghiệm, sự trải nghiệm thực tế Ngài nhận chân được sự vô thường, giả tạm của cuộc đời để rồi tìm cầu con đường thoát khổ. Đó chính là yếu tố tạo nên những ý nghĩa và giá trị cao cả.
Qua tính lịch sử, giúp chúng ta nhận ra rằng sự xuất gia của thái tử là một sự từ bỏ vĩ đại. Đức Phật cũng là một con người, Ngài từng trải qua những sự phát triển về tâm sinh lý, vật lý như những con người theo từng thời kỳ phát triển. Chính vì thế, việc từ bỏ một thói quen vô cùng khó và cần phải có một khả năng chứng nhận thực sự mới có thể từ bỏ tất cả. Như chúng ta khi mất một vật gì quý báu, thân thương, là vật kỷ niệm như chiếc điện thoại, chiếc xe, thậm chí cây viết đẹp chúng ta đã buồn rầu, khổ sở, chỉ bấy nhiêu thôi đã là khó buông xả. Thử hỏi nếu trong số chúng ta khi được đặt vào vị trí của thái tử, có mấy ai làm được điều đó, hay là bị ngũ dục lạc làm đắm say.
Thế nhưng, một vị Thái tử sống trong cung vàng điện ngọc được thọ hưởng bao nhiêu vinh hoa phú qúy, vợ đẹp con xinh, cung tần mỹ nữ, Ngài có thể là vị vua trong tương lai, người giữ quyền lực trị vì một vương quốc. Trong khi danh lợi, quyền quý, giàu sang đang là ước muốn, mục đích hướng tới của bao người thì thái tử lại từ bỏ. Từ xưa đến nay đâu có một Đế vương nào chịu từ bỏ cuộc sống xa hoa, cung tần mỹ nữ, vợ đẹp con ngoan, trừ một Trần Nhân Tông của Việt Nam cách Phật 10 thế kỷ (Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con để vào tu tại núi Yên Tử năm Kỷ Hợi 1299).
Trong thực tế con người đầy tham, sân, si, chấp ngã cho nên trước ngũ dục, ít người giữ được đạo đức vô ngã, vị tha. Thái tử Tất Đạt Đa thoát được hoàng cung là do thái tử quyết liệt chiến đấu với chính bản thân, với bao tình cảm ràng buộc của vua Tịnh Phạn, của Da Du, của người thân cận như Xa Nặc. Từ đó, chứng tỏ thái tử đã chiến thắng chính mình, chiến thắng khỏi mọi dục vọng tầm thường, giả dối những thứ mà chúng sanh vì mê mờ, dục vọng nên đeo mang, giành giật lấy. Được sinh ra trong một dòng tộc vua chúa không phải là chuyện dễ dàng, và đó là niềm khát khao của tất cả nhân loại. Khi có được mọi thứ, quyền điều hành trong tay thì thái tử lại từ bỏ. Ngài đã có tất cả những gì mọi người không có nhưng rồi từ bỏ tất cả để tìm về một cái không mơ hồ, về một sự giải thoát bất tận.
Còn chúng ta xuất gia với nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau, cũng có những vị xuất gia vì nhận thấy cuộc đời là khổ, nhưng cũng có nhiều vị xuất gia theo truyền thống gia đình, thậm chí có nhiều người vì thất vọng về một điều gì đó ngoài thế gian nên tìm vào nương tựa cửa Phật hay một số vị vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc trẻ mồ côi nên vào chùa, v.v.. Nhìn chung, vì sự thiếu thốn mà chúng ta vào chùa, có những người thiếu thốn về mặt vật chất và cũng có những người thiếu thốn về mặt tinh thần. Có thể nói rằng, ta xuất gia không giống đức Phật, Ngài từ vị trí có đầy đủ tất cả, để rồi từ bỏ tất cả để đi xuất gia tìm cầu một sự giải thoát tối thượng, còn chúng ta thì sự tìm cầu từ không đến có. Đó chính là điểm sáng đặc biệt của Đức Phật, việc Ngài làm không ai có thể làm được.
Trong quá trình học đạo, Đức Phật đã trải qua quá trình học đạo với hai đạo sư nổi tiếng thời bấy giờ với 6 năm khổ hạnh. Vấn đề đặt ra, vì sao đức Phật phải trải qua con đường ấy? Quá trình học đạo với hai đạo sĩ, là hai vị thiền sư đang được dân chúng tôn kính và ngưỡng mộ nhất lúc bấy giờ. Sau một thời gian tu tập, đức Phật chứng đắc được những cảnh thiền cao nhất mà hai vị đạo sư đã chứng. Sự kiện ấy, cho thấy bằng chính kinh nghiệm, sự thực chứng tu tập của mình. Thái tử đã trải qua tất cả những thứ mà chúng sanh đang tìm kiếm, ngợi ca và Ngài đạt lên tới đỉnh cao, những thứ mà dân chúng tôn vinh, sùng bái. Để đạt được quả vị giải thoát, thái tử cũng phải trải qua quá trình tu tập, cho thấy rằng thái tử là một con người thực sự.
Cái gì trong cuộc đời cho rằng tốt đẹp, thái tử đã vượt qua và trải nghiệm, để rồi nói với cuộc đời rằng những quả vị ấy chưa đưa đến giải thoát. Đó là điều để cho cuộc đời phải suy nghĩ và đó cũng là ý nghĩa, giá trị của sự xuất gia tầm đạo. Cuộc sống của người xuất gia quý nhất là sự phát triển tâm linh không phải ở bằng cấp này nọ. Chúng ta học là để mở mang kiến thức, nhờ học mà ta biết đường lối đúng đắn để hành trì, tu tập nhằm xiển dương giáo lý Phật đà không nên chạy theo bằng cấp, chức vụ mà quên đi sự hành trì để nội tâm tăng trưởng. Đối với Phật tử, họ cần sự giáo hóa, phương pháp giải thoát mọi khổ đau và điều đó chỉ có được ở những vị có công năng tu tập nội tâm. Cũng như, Phật tử nương nhờ vào những oai nghi, đức hạnh của bậc xuất gia qua thân giáo, khẩu giáo để lấy đó làm tấm gương sáng cho hàng Phật tử noi theo. Thế nên, một người con Phật chúng ta cần phải noi theo đức tính và hạnh nguyện cao cả của Ngài, để xứng đáng là trưởng tử Như Lai “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, cũng là đền đáp tứ ân, cứu giúp ba cõi.
Sương Mai (ĐSHĐ-009)