Trăng chiếu sáng trên bầu trời xanh biếc
Xuyên lá cành, xuyên suốt cả màn đêm
Ôi bao la, ôi cảnh đẹp êm đềm
Khó ngăn nổi, bao dạt dào cảm xúc.
Một năm bắt đầu bằng tháng Giêng, khi đàn chim én ríu rít gọi Xuân về, những chồi non, lộc biếc, hòa với mùi hương của muôn loài hoa tươi rực rỡ, làm cho triệu trái tim cùng hân hoan để chào đón năm mới.
Mọi người cùng gác lại những bận rộn, lo toan trong cuộc sống, những ưu tư, phiền muộn để hướng về Ông bà Tổ tiên, về gia đình, về những truyền thống văn hóa của dân tộc.
Khi dư âm của những ngày đầu năm mới còn đọng lại đâu đó, trên những cành hoa mai nở muộn, người ta chưa vội cất lại những tâm tình đầu năm, chưa thật sự để quay lại nhịp sống hằng ngày mà còn mãi ngóng trông ngày Tết Nguyên Tiêu.
Tết Nguyên Tiêu, đêm trăng sáng đầu tiên của năm mới, ánh trăng rằm ấm áp, chiếu soi khắp cả trần gian, sau một mùa Đông lạnh lẽo. Ngày ấy chính là ngày Âm dương giao hòa, cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, trăng Nguyên Tiêu thật thanh bình! Vào ngày này, khắp các Chùa chiền, Tự viện treo cờ, hoa, đèn phướn thật lộng lẫy, người người đến lễ Phật rất đông.
Thật ra thì lễ Phật vào ngày nào cũng được, miễn sao khi đến đó ta thấy lòng an nhiên, tự tại, có được sự bình yên trong tâm hồn. Nhưng người ta lại có niềm tin sâu sắc rằng, lễ chùa vào dịp năm mới, vào ngày Tết Nguyên Tiêu thì sẽ mang lại bình yên và may mắn suốt cả năm. Đến chùa để nguyện cầu chư Phật gia hộ cho mọi sự được thiện lành, bình an.
Ngày rằm Nguyên Tiêu đã trở thành một nét đặc sắc trong văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt. Ngắm vầng trăng tháng Giêng, mọi người chỉ mong ước một năm mưa thuận, gió hòa và vầng trăng ấy sẽ mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc.
Chữ vàng đề bảng khoa thi
Chọn người tài đức kinh kỳ nêu tên
Ôn tầm kinh sử vươn lên
Để con cháu học xây nền tương lai.
Ngày xưa, Triều đình thường chọn ngày Nguyên Tiêu để mở yến tiệc, xướng họa, đề thơ để ca ngợi đất nước, triều đại, cũng là dịp để tôn vinh việc học hành, thi cử, nhất là vào thời Lý, Trần. Còn gọi là ngày Tết Trạng Nguyên, tổ chức rất long trọng tại kinh thành Thăng Long. Ở làng xã, các Trưởng họ thường triệu tập những người học rộng, có tài đức để tổ chức ngắm trăng, đề thơ và mở các trò chơi dân gian nhằm khuyến khích con cháu hướng đến việc học hành, thi cử.
Ngày nay, dù không còn những lễ hội như xưa nhưng mọi người lại đến chùa, hòa cùng tiếng chuông ngân. Trước Phật đài, rũ sạch mọi lo toan, phiền muộn, những tranh chấp, hơn thua để lòng mình được thư thái. Bởi thế, dân gian có câu: “Lễ Phật cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, hay “Ăn chay cả năm, không bằng ăn chay ngày rằm tháng giêng” để nói lên sự đặc biệt của ngày Tết Nguyên Tiêu trong tâm thức người Việt. Chính vì nét đặc biệt ấy ánh trăng rằm tháng Giêng luôn làm lưu luyến bước chân những người con từ xa về, muốn nán lại quê nhà. Qua đêm trăng thanh ấy, mọi người lại tất bật với công việc hằng ngày và tiếp tục cho những dự định tương lai:
Linh hồn Việt chứa bao niềm ký ức
Mảnh trăng trong soi sáng đến bao ngày
Trăng ngàn sau vẫn mãi ánh trăng này
Soi tất cả khắp bao la vũ trụ.
Trăng Nguyên Tiêu đã đánh thức trong lòng ta bằng những tia sáng lung linh, ấm áp, những nụ hoa vừa hé nở trước sân để lòng ta ngân lên từng câu hát yêu thương, giúp ta biết trân trọng từng khoảnh khắc, biết nâng niu từng giọt cảm xúc ngọt ngào. Dẫu rằng đã bước qua tuổi thanh xuân, nhưng những cảm xúc ấy vẫn luôn đong đầy, chất chứa trong miền ký ức những kỷ niệm đẹp của đêm rằm.
Trung Sương (ĐSHĐ-101)
Sc Huệ Liên Sakya diễn đọc