Mười phương ba đời Chư Phật thị hiện độ sanh, chỉ vì một sự nhơn duyên lớn là: “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Bổn hoài của các Ngài là muốn trao chìa khóa Giáo lý, để chúng sanh tự mở kho báu Tri kiến Phật của chính mình, là Như Lai tàng, là Chơn Như, là Viên Giác diệu tâm nơi mọi chúng sanh. Điều kỳ diệu này, khi Ngài vừa chứng Đạo dưới gốc cây Tất Bát La, Ngài đã nhận ra điều ấy. Cho nên, muốn tìm về thể tánh tịnh minh của chính mình, không gì hơn chúng ta phải “Văn nhi Tư, Tư nhi Tu”, thì mới đạt được kết quả trên đường tìm về Bảo Sở.
“Thị hiện nơi trần gian
Cam go khổ muôn ngàn
Phát lòng từ vô ngại
Độ thoát khổ lầm than”.
Sanh tử là việc bình thường, từ ngàn xưa con người đã chấp nhận sự thật đó, hễ có sanh, phải có tử. Chỉ khác nhau ở chỗ, chúng sanh thì “sanh tử bì lao” đau đớn khổ sở triền miên, chỉ vì cái nhân “đa dục vi khổ”. Còn chư Phật thì “sanh thuận tử an”, sống chết là thuận theo chơn lý tuần hoàn của vũ trụ.
Đức Phật đã vận dụng vô số ngôn từ, vô số phương tiện, qua cách giảng dạy về Tứ diệu đế. Ngài đưa lần lần tầm nhìn từ thấp lên cao, để đệ tử của Ngài tự nhận chân được lẽ thật của cuộc đời. Ngài chỉ ra rằng: Đây là khổ gồm tam khổ và bát khổ, đó là: “khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, sanh, lão, bịnh tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ”. Những điều khổ này, Ta và Chúng sanh đều phải gánh chịu, không ai tránh khỏi. Muốn xa lìa những điều khổ trên đây, ta phải tìm ra nguyên nhân của nó.
Những điều kết tập lại gây nhân đau khổ phiền não, gốc nó là do VÔ MINH, hễ có vô minh dẫn đầu, thì có “hành, thức, danh sắc, lục nhập v.v… xuất hiện. Cho đến “ái, thủ, hữu” rồi mới sanh ra tấm thân giả hợp này. KHỔ, TẬP là phạm trù Nhơn, Quả của thế gian. Muốn tìm cho mình một con đường tươi sáng, không bị cảnh thương yêu mà phải xa lìa, hận thù mà phải sống chung gặp mặt, thì ta phải cố công tu tập. Khi ấy ta bước sang lãnh vực Đạo đế, tức là chúng ta phải tu học theo 37 phẩm trợ đạo, nhưng điều cốt lõi vẫn là Bát chánh đạo, đó là con đường chơn chánh tám ngành để đưa hành giả đến chỗ an vui, giải thoát. Trong quá trình tu tập Chánh kiến chúng ta có ba giai đoạn là: “Văn, Tư, Tu”. Văn là nghe giảng, học hỏi giáo lý, đọc kinh sách. Tư là dùng trí thông minh, kinh nghiệm của mình, không xô bồ, dễ dãi, ai nói gì cũng chấp nhận. Tu là đem lời dạy của chư Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, có cơ hội kiểm nghiệm để chuyển đổi tự thân, sống cho sâu sắc vững vàng.
– Chánh Tư duy là những suy nghĩ chơn chánh, suy nghĩ những việc làm lợi đạo, ích đời, nuôi lớn tâm Bồ đề. Bồ đề tâm là một ý chí, một ước muốn thâm sâu trong tâm thức của ta. Bồ đề tâm trở thành một vùng năng lượng rộng lớn, chính nó đẩy tư duy của chúng ta đi tới mục đích, đó là giữ tâm niệm lành trong từng phút, từng giây.
– Chánh ngữ là lời nói chơn chánh. Chúng ta biết rằng Chánh tư duy cũng là hình thức của Chánh ngữ. Nếu Chánh tư duy miên mật thì lời nói lúc nào cũng chơn chánh. Chánh ngữ là lời nói chơn thật, nhưng sự thật nhiều khi cũng gây ra đau khổ. Cho nên, sự thật được diễn tả bằng lời nói khôn ngoan, để giúp cho người nghe dễ chấp nhận.
– Chánh nghiệp, chữ nghiệp có nghĩa là hành động, hành động của thân gọi là thân nghiệp. Hành động phát ra lời nói của miệng gọi là khẩu nghiệp, và hành động của tư duy gọi là ý nghiệp. Mỗi hành động là một hạt giống được gieo xuống tàng thức. Không có một hành động, một lời nói, một ý nghĩ nào, có thể mất đi được. Không ai khác có thể quyết định tương lai của chúng ta, mà chính chúng ta quyết định lấy, nên chúng ta cố gắng gieo trồng nghiệp lành, để đời sau không hối tiếc!
– Chánh mạng, tức là nghề nghiệp hoặc phương tiện sinh sống Chơn chánh. Những nghề nghiệp vi phạm giới sát sanh, giới trộm cắp, giới tà dâm v.v… sống bằng phương tiện bất chánh ấy là tà mạng. Chánh mạng đem lại lợi ích cho nhân quần xã hội, mọi người được an cư lạc nghiệp, muôn vật không sợ bị giết chóc, máu chảy đầu rơi, vì câu nói cổ hủ “vật dưỡng nhơn”, cho nên, tha hồ sát sanh hại vật, để cung phụng nuôi dưỡng tấm thân giả huyễn này.
– Chánh tinh tấn, nghĩa là siêng năng chuyên cần, là sự có mặt của nguồn năng lượng tu tập, đưa ta đến chỗ an lạc đích thực. Muốn có được năng lượng ấy, ta phải hạ thủ công phu, thì tự nhiên lòng ta phát sinh niềm hân hoan phấn khởi. Hơn nữa, ta thấy trong khi thực tập có sự chuyển hóa ở chính mình, niềm tin của ta ngày thêm lớn mạnh.
– Chánh niệm, nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra trong hiện tại. Thông thường thân ta thì ở đây nhưng tâm ta lại ở chỗ khác, trong đời sống hàng ngày, ít khi thân và tâm của ta chịu hợp tác chung với nhau. Chánh niệm có công năng đưa ta trở về có mặt trong phút giây hiện tại.
– Chánh định là sự tập trung chuyên chú vào một đối tượng và tâm mình không bị lôi kéo, chạy theo những đối tượng khác. Mỗi giây phút có chánh niệm là mỗi giây phút có chánh định. Người tu hay người đời đều phải có định. Ví dụ: người lái xe đò nếu không có định, thì mạng sống bao nhiêu người tùy thuộc vào niệm và định của anh ta. Diệt đế và Đạo đế là Nhơn Quả xuất thế gian.
Trở về tự tánh vốn xưa nay
Làm thân cô lữ đã bao ngày
Trôi lăn nhiều kiếp trong sanh tử
Hồi đầu thị ngạn, dứt trả vay.
Đức Phật đã vận dụng phương tiện, nhằm đạt đến chỗ cứu cánh, phương tiện trong việc giáo hóa, có nghĩa là “nói vậy chứ chưa phải vậy”. Học vậy đi, làm vậy đi, học vậy đi lợi ích lắm đó, nhưng cái lợi ích và tốt đó, chưa phải là cái lợi ích cứu cánh. Có học hiểu, có thực hành, có chuyển hóa, thì mới đạt đến chỗ cứu cánh trọn vẹn.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-010)
diễn đọc: SC Đức Tạng