Vào những dịp lễ, tết, lúc mọi người được hưởng cảm giác bình an và đôi chút vững chãi khi biết mình có nơi chốn để về, để nương tựa và chia sẻ, cũng là lúc các vị Bồ-tát lặng lẽ rời trú xứ để giúp thế gian. Các vị là những bàn tay tặng vé xe về quê cho công nhân, là những đoàn từ thiện âm thầm lặn lội bùn lầy, mang niềm vui về vùng sâu, rồi quay lên vùng núi cao rừng thẳm, truyền hơi ấm đến các dân tộc trên những rẻo cao. Bồ-tát xuất thế lặng lẽ và âm thầm là thế nhưng oai dũng vô song với chí nguyện giúp đời.
Hồi đó, tôi may mắn được gần gũi với một vị Bồ-tát thiện nguyện như thế (theo cách gọi của tôi), cô và đoàn đi khắp từ Nam chí Bắc. Mới hôm qua, còn nghe cô về Cà Mau hôm sau lại biết cô đang ở vùng Tây Bắc. Cô với vóc người nhỏ thó, miệng luôn cười và đặc biệt không bao giờ dùng từ “đi từ thiện”, cứ mỗi lần cô gọi rủ đi thì y như rằng: Cậu có muốn đi chơi không? Đi thực tế không? Đi công tác không? Đi chơi với cô nha? Nghe nhẹ nhàng đến lạ kỳ, vậy mà biết bao người khen ngợi.
Ở người thiện hữu ấy có một sức hút mãnh liệt từ những bác sĩ cởi bỏ áo blouse trắng lội bùn về miền quê, mổ cườm miễn phí cho dân nghèo; đến những cô cậu Sài thành tay chưa từng bưng bê, chịu trèo non cao đến mức rách toạc giày, ngón chân bật máu vì cứa vào đá núi. Hai tiếng “đi chơi” đơn giản vậy mà có sức hút đến lạ kỳ. Cứ có ai đến hỏi, cô chỉ cười rồi liến thoắng: “Thì tụi tui đi chơi, đi giữa đường thấy người ta khổ quá thì giúp, xong cứ đi chơi tiếp… Ừ thì đi chơi!”.
Trong phẩm thứ hai mươi lăm, Kinh Hoa Sen Chánh Pháp, cũng nhắc đến chuyến đi chơi của Bồ-tát Lắng Nghe. Vì thấy đó là chuyến du ngoạn nên khi cả chúng hội lắng nghe Bụt kể về những gì Bồ-tát đã làm trong chuyến đi, Bồ-tát chỉ im lặng, bình dị ngồi giữa những hành giả khác. Cả một phẩm dài, ngài không hề cất tiếng nói, chỉ lắc đầu từ chối chuỗi ngọc của Bồ-tát Vô Tận Ý. Rồi sau khi Bụt dạy về pháp cúng dường, Bồ-tát lại hân hoan nhận chuỗi, sau đó chia hai dâng về Bụt Thích Ca và Bụt Đa Bảo. Nếu chúng ta từng có duyên tham khảo một số quyển kinh lớn khác như Hoa Nghiêm, Duy Ma, Niệm Phật Ba La Mật,… chúng ta sẽ thấy một điểm lạ, Bồ-tát Lắng Nghe hết sức năng nổ khi diễn luận về các pháp tu tập, các phương tiện lợi ích cho chúng sanh, nhưng khi được mọi người tán thán, ca ngợi, ngài chỉ lặng im. Hình ảnh đó gợi ta nhớ về dáng ngồi vững chãi như núi, mà thanh thoát như gấm lụa của Duy Ma khi được Văn Thù hỏi về pháp môn Bất Nhị, và cách thể nhập. Duy Ma thể hiện trí tuệ tiềm tàng và siêu việt, còn sự lặng thinh của Bồ-tát Lắng Nghe lại dung chứa lai láng từ bi, và mênh mông phương tiện độ đời.
Ngài chọn cách không lên tiếng xuyên suốt phẩm Phổ Môn, vì đối với ngài nơi Ta bà là một cuộc dạo đi. Những điều vĩ đại và to lớn thường được ẩn tàng trong một phong dung bình dị. Có ai đó nói rằng, cứ sống giản đơn như cây cỏ, và mộc mạc như đất để thấy yêu thương bát ngát cả cõi đời. Chính vì sự khiêm nhường như nước, luôn chảy về nơi thấp, mà ẩn tàng khắp vạn vật, nên Bồ-tát Lắng Nghe mới đủ sức đặt trú xứ ở cõi trần lao này. Sự thinh lặng của Bồ-tát Lắng Nghe nơi phẩm Phổ Môn nhắc nhở ta rằng hãy làm việc bằng tâm bình thường và giản dị. Ở đây, nó mang màu sắc về nguyên bản của nhân tánh, đó là từ bi.
Hồi còn bé, ai cũng có lần mê chơi, ham chạy rồi va đầu vào cửa, đau và nhức buốt. Ta mếu máo gọi mẹ ơi, cha ơi. Lớn lên, lặn ngụp giữa dòng đời vạn biến, bị sóng đời xô đẩy, ngã nhào. Nước mắt chảy ngược vào tim, ta nghĩ về gia đình để làm chỗ dựa. Từ bé đến lớn, khi bị đau ta luôn tìm một chỗ dựa vững chãi và an toàn nhất để nghĩ về. Bồ-tát Lắng Nghe do vậy lập nên nguyện lớn là vì chúng sanh mà làm chỗ quay về:
“Lạy Thầy con về đây
Rũ bụi trần y áo,
Lắng đọng mọi ưu phiền,
Tay chắp hình sen búp,
Môi khẽ niệm Nam mô,
Tâm bừng sáng Di Đà”.
Nguyên tố nước có mặt ở khắp mọi nơi, trong cơ thể, trong không khí, trong ngọn cỏ, lá cây, trong lòng đất. Thì lòng yêu thương cũng vậy, nó không phải là tài sản riêng của Bụt và Bồ-tát. Nó ở đây, nơi mỗi con người không phân biệt niềm tin, ý thức hệ, màu da hay tôn giáo. Tên gọi Bồ-tát Lắng Nghe không phải là sở hữu riêng của Phật giáo bởi vì đó chỉ là tên gọi tượng trưng cho lòng từ bi vô lượng. Ai còn tin rằng nơi uế trược này còn có yêu thương, còn đẹp bởi bác ái, người ấy có Bồ-tát Lắng Nghe làm chốn quay về. Ai còn ngược xuôi vì tha nhân, người ấy có Bồ-tát Lắng Nghe ở cạnh bên. Ai còn chắp tay xin cho tha nhân thôi đau khổ giữa lúc bản thân đang oằn mình vì bệnh dữ, người ấy có Bồ-tát Lắng Nghe làm nơi quy hướng. Cho nên, từ bi như mang hơi hướm vô ngôn, nhưng lại lồng lộng bao lấy mọi ưu phiền của thế gian là vậy.
Nam mô Bụt Thích Ca.
Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát.
Nam mô Shantideva Bồ-tát.
Nguyện những điều con viết ra đều trong chánh niệm và góp phần lợi lạc hữu tình.
Nguyên Huệ (ĐSHĐ-008)