Giai đoạn thứ nhất: Dưỡng tánh trẻ con đặt định nhân cách tốt đẹp
Chúng ta đều biết, từ không tuổi đến ba tuổi là giai đoạn có thể uốn nắn tính tình rất cao, dạy dỗ rất dễ trong đời người, thật là thời kỳ vàng son của giáo dục, tiếc rằng các bậc cha mẹ đều coi nhẹ và bỏ qua. Làm thế nào để trên trang giấy trắng vẽ ra đề án tốt đẹp nhất, xây dựng nền móng vững chắc, đồ sộ, đoan chính lâu dài cả đời, chính là đề tài quan trọng mà các bậc cha mẹ trong đời nên cùng quan tâm.
Nhìn lại đời người để tự kiểm, mọi người đều đồng cảm rằng”giang san dễ đổi, bản tính khó dời”. Chúng ta có thể nói một cách khẳng định rằng, cái khó thay đổi nhất đời người là thói quen. Thói quen tốt, vun bồi nên trong một ngày, thì trọn đời hưởng lợi ích không hết, ngược lại thọ hại vô cùng. Vì vậy, giai đoạn thứ nhất, dưỡng tánh trẻ con là sự giáo dục đặc biệt quan trọng.
Trẻ con ở giai đoạn này hầu như không có năng lực học tập tự chủ, nhưng tâm hồn trong trắng của chúng, đối với tất cả tin tức bao quanh bên ngoài lại thu hút toàn diện nhờ vào trực giác cao độ, giống như tấm gương sáng chiếu soi cảnh vật, tiếp thu toàn bộ không chọn lựa. Đây chính là thời kỳ quyết định quan trọng, tạo thành nền tảng tính tình và phẩm cách cả đời của chúng. Lúc này, sự giáo dục quả là nhờ vào cha mẹ chủ động dẫn dắt chính xác
Sau khi hiểu chính xác đặc tính học tập của trẻ con, chúng tôi kiến nghị các bậc phụ huynh dùng phương pháp giản dị, nhẹ nhàng nhất để tiến hành giáo dục. Nay xin lược thuật một số phương pháp để cung cấp tham khảo, nếu có thể học một biết mười, khéo léo dung thông, thì không khó nắm vững được yếu chỉ giáo dục dưỡng tánh trẻ con. Như khi cha mẹ bồng con hoặc đùa giỡn với chúng, thường dùng tâm tình vui vẻ, khen ngợi dịu dàng và khẳng định với con rằng :” Con là đứa con rất hiếu thuận, con là đứa con hiền lành, con là đứa con khẳng khái, con là đứa con rất thông minh, con là đứa con rất chăm học… không thể kể hết được.
Tạo dựng không khí giáo dục và hoàn cảnh học tập tốt là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kiện toàn nhân cách trẻ con. Do đó, cha mẹ hy vọng con cái trong tương lai đầy đủ những đặc chất gì, thì hiện tại nên khen ngợi, khẳng định con cái như thế. Như vậy, mỗi ngày mấy lần khen ngợi khẳng định chúng một cách vui vẻ, chắc chắn cái gì vào trước sẽ là chủ và in sâu tận đáy lòng trong trắng của trẻ con, hình thành nhân cách trọn đời không thay đổi của chúng. Nuôi dưỡng thành thói quen tốt đẹp, xây đắp nhân cách tốt đẹp, chính là do cha mẹ đã hoàn thành một cách vô tình trong lúc khen ngợi khẳng định, vui vẻ, dịu dàng.
Trẻ con bẩm tính tốt đẹp, sau khi trải qua việc khen ngợi khẳng định này sẽ phát triển hoàn thiện và tự tin hơn. Trẻ con bẩm tính vừa vừa, cha mẹ càng phải khen ngợi khẳng định để bù đắp, dẫn dắt đúng đắn hoặc giảm nhẹ thói quen không tốt trong vô hình của chúng. Đây có thể là bí quyết giáo dục trẻ con, các bậc cha mẹ thông minh, dù thế nào cũng xin chớ bỏ qua ba năm ngắn ngủi này.
Giai đoạn thứ hai: Nuôi dạy trẻ thơ ngay thẳng, rèn luyện trí tuệ thánh hiền
Đang lúc trẻ con dần dần trưởng thành, sau bốn tuổi đã từ từ học biết cách ứng dụng của ngôn ngữ, năng lực học tập cũng dần dần tăng tiến, lúc này nên giáo dục nuôi dạy trẻ thơ ngay thẳng. Nuôi dưỡng ngay thẳng là chỉ sự bồi dưỡng hành vi và tâm tánh đoan chánh của chúng. Cho dù là kinh nghiệm của người trưởng thành hay nghiên cứu của tâm lý học, chúng ta hiểu rằng: trẻ con từ giai đoạn bốn, đến mười ba tuổi này, do năng lực lý giải còn yếu ớt, tri thức chưa mở, dựa dẫm vào cha mẹ còn nhiều, nhưng cũng do chưa từng trải đời, tâm tánh còn trong trắng, chính là giai đoạn trí nhớ rất mạnh trong một đời. Làm thế nào để nắm vững được sở trường trí nhớ của chúng để giáo dục tốt hơn, đạt hiệu quả lâu dài, ích lợi trọn đời là vấn đề giáo dục rất đáng được phản tỉnh sâu sắc.Các bậc tiên hiền xưa nhìn xa trông rộng, không hẹn mà cùng chọn những kinh điển trọng yếu như Tứ thư, Ngũ kinh và Lão Trang làm tài liệu chủ yếu và dùng những thi từ cổ văn hay đẹp được nhiều đời công nhận, làm tài liệu giảng dạy để chỉ dẫn nhi đồng đọc kỹ nhiều lần và khuyến khích chúng học thuộc. Như vậy, phát huy đầy đủ sở trường trí nhớ của chúng, học thuộc những kinh sách có giá trị nhất, ngay khi tâm tánh chúng trong trắng, thường quen tai, quen mắt trong trí tuệ tư tưởng quang minh chính đại của thánh hiền, dần dần thay đổi khí chất của chúng.
Giá trị tính vĩnh hằng kinh điển cũng theo làm bạn để trưởng thành kinh nghiệm cả đời chúng, mà toả ra hương thơm, phóng đầy ánh sáng để giúp chúng khắc phục những nghịch cảnh khó khăn của cuộc đời. Đem sự đọc tụng huân tập lâu dài trong lặng lẽ, để nuôi dưỡng năng lực xem đọc cổ văn của chúng, thì kho báu văn hoá trí tuệ Nho, Thích, Đạo có thể hun đúc tánh linh của chúng, mở rộng tính khí, đoan chánh phẩm hạnh. Những loại sách này, đọc thêm một cuốn có lợi ích một cuốn, cho đến đọc thêm một câu có công hiệu một câu. Như vậy, hiệu quả lâu dài của trọn đời, lợi ích chính là trong giai đoạn tuổi trẻ đọc sách gieo mầm mống, mười năm dễ qua, trọn đời khó được, siêng năng chớ đợi thời gian luống qua.
Còn như làm thế nào hướng dẫn nhi đồng đọc sách, phương pháp rất đơn giản, chỉ cần cha mẹ và thầy giáo khéo lợi dụng thời gian ngoài giờ dẫn dắt, khuyến khích, hoặc khen ngợi tưởng thưởng trẻ con đọc nhiều lần, học thuộc, tự nhiên chúng sẽ học thuộc lòng trôi chảy. Nếu cha mẹ có thể bỏ ra ít thì giờ cùng đọc một lượt với con, không những bản thân được lợi ích, đồng thời cũng là hoạt động thành công tốt đẹp giữa cha mẹ và con.
Theo kinh nghiệm của người từng trải, nếu có thể nắm vững mười năm của giai đoạn trí nhớ này, chỉ cần mỗi ngày duy trì đọc tụng 30 phút, muốn đọc thuộc lòng hai ba mươi quyển sách là chuyện dễ như chơi. Lại nữa, có thể lợi dụng lúc nghỉ đông, hè để tăng thêm ôn tập.
Giai đoạn thứ ba: Nuôi chí thiếu niên, cổ vũ hoài bão lý tưởng
Tri thức thanh thiếu niên sau mười ba tuổi từ từ khai mở, sức hiểu biết cũng phát triển rõ ràng, dần dần thoát khỏi sự quan tâm chiếu cố của cha mẹ, chính là lúc học tập đọc lập, khí thế bừng bừng. Lúc này nên tiến lên giai đoạn giáo dục ” dưỡng chí thiếu niên”. Dưỡng chí là chỉ sự cổ vũ chúng, tìm cầu dũng khí của lý tưởng cao cả, bồi dưỡng chí hướng cao lớn vĩ mô.
Khổng Tử nói : ” Ta mười lăm tuổi dốc chí vào việc học” chính là tấm gương lập chí ham học của thanh thiếu niên dân tộc Trung Hoa. Chúng tôi kiến nghị cha mẹ và thầy giáo chọn lựa hoặc cung cấp thêm những sách báo ngoài lớp, khuyến khích chúng đọc thêm như:
1- Các loại truyện ký vĩ nhân trong và ngoài nước xưa nay.
2- Những truyện gương mẫu trung hiếu tiết nghĩa nhiều đời và sự lý nhân quả sâu sắc.
3- Gương của những người trong các ngành nghề giữ vững lý tưởng, nỗ lực cày bừa không ngừng phấn đấu.
Những sách vở trên, nếu được tiếp xúc rộng rãi, lại cho chúng học thuộc rồi tìm ra đối tượng mà trong lòng sùng kính nhất, bằng lòng lập chí noi theo. Như thế, có thể kích thích chí lớn hào hùng ” có người làm được ta cũng có thể” của lớp thanh thiếu niên. Có lực lượng tích cực này, không chỉ châm đuốc vào sự nhiệt thành của thanh thiếu niên lập chí, mà còn xây dựng lòng tin vững chắc; bởi vì thanh thiếu niên là đang ở vào giai đoạn suy tìm phương hướng tương lai cho chính mình. Lúc này, cần nhất là tìm được đối tượng cùng học tập với nhau để khuyến khích chúng kiến lập hoài bão lý tưởng cao xa và dũng khí phấn đấu giữ vững lý tưởng.
Giai đoạn thứ 4: Dưỡng đức thành người, phát triển cuộc sống chân thật
Sau khi đã trưởng thành, bước vào xã hội, phát huy sở trường của mình mà lập nghiệp, có gia đình, dốc sức tự lập, lại dắt dìu kẻ hậu tấn xây dựng con người. Từ đây, việc tiếp xúc ứng đối với người ngày càng tăng, trong quá trình việc đời ngày càng thêm phức tạp, ắt mọi việc khó chu toàn khắp hết ý người. Do đó, càng phải thường xuyên phản tỉnh điều thiếu sót và chưa đủ của mình, gắng sửa lỗi để cầu tiến bộ. Giữ lòng chân thành trung hậu khắp nơi để đãi người tiếp vật, lúc nào cũng đem tâm phương tiện lợi tha để tích thiện bồi đức.
Nếu càng hiểu biết sâu, thì tiểu ngã chỉ là một hạt trong biển cả, sở học cũng chẳng qua là một giọt trong biển học, thì có thể thường ôm lòng khiêm tốn, bắt chước tinh thần của tiên sinh Viên Liễu Phàm triều Minh, sửa lỗi chứa lành, khiêm đức để làm phong phú mình hơn và trong sạch xã hội. Nhưng tu đức lập nghiệp không có cùng tận, vả lại ba người đi, ắt có người là thầy ta. Tùy lúc, tùy nơi đều có thể hết sức siêng năng tu tập, chỉ cần cuộc đời ta ngày càng trôi chảy, thì thế giới trước mắt cũng ngày một đổi mới. Thế nên, việc dưỡng đức thành người thì trọn đời hướng thượng không cùng.
Nếu như xã hội chúng ta như một vườn hoa lớn, thì mỗi trẻ em mới sinh cũng như những mầm non vừa nhú khỏi mặt đất, rất cần đến cái gốc thương yêu của cha mẹ, đem bốn giai đoạn giáo dục làm chất dinh dưỡng để tưới tẩm mầm non, tin chắc rằng, trong vườn hoa lớn, cây xanh toả bóng râm, trăm hoa đua nở, quả trái tốt tươi tự nhiên hiện ra trước mắt chúng ta.
(Còn tiếp)
Ni Sư. Nhật Khương dịch (ĐSHĐ-004)