3. Nghĩ về sự phát triển Phật giáo Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa hiện nay
3.1. Trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay, Phật giáo Việt Nam cần cải cách, đổi mới như thế nào để phát triển – bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu của hiện thực cuộc sống mới trong thời đại mới? Vấn đề này đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các nhà khoa học ở các Viện nghiên cứu, các trường Đại học đã nêu lên gần vài chục năm nay, nhất là từ sau ngày Đại hội thống nhất các hệ phái Phật giáo vào tháng 11 năm 1981. Đã có nhiều cuộc Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về vấn đề này được tổ chức để bàn bạc và định hướng nhằm mục đích tư vấn cho Giáo hội, cũng là cho Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Nhưng xem ra, cũng còn vài điều cần bàn bạc, trao đổi thêm.
Cũng cần lưu ý là ngay từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX, vấn đề chấn hưng Phật giáo – một dạng cải cách để đổi mới cũng đã được các vị cao tăng đặt ra, mà khởi đầu ở Nam kỳ, rồi lan ra Huế và Hà Nội. Phong trào chấn hưng Phật giáo hồi nửa đầu thế kỷ này đã đưa lại cho Phật giáo Việt Nam một diện mạo mới, hiện đại hơn, hòa cùng với quá trình hiện đại hóa đang diễn ra ở nước ta lúc bấy giờ, tiếp tục phát huy tinh thần Phật giáo hòa đồng với dân tộc vốn đã có cả nghìn năm trước đó. Từ phong trào chấn hưng này đến phong trào Phật giáo ở miền Nam năm 1963 là một quá trình phát triển, để sau Pháp nạn 1963 là sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất gồm cả Nam tông và Bắc tông với hai Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo, cùng một bản Hiến chương mới, trụ sở đặt tại chùa Ân Quang, Sài Gòn. Gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất nhưng hồi ấy vẫn chưa dung hợp một vài hệ phái khác, để sau đó Giáo hội này lại chia thành hai khối: khối Ấn Quang và khối Việt Nam Quốc Tự vào năm 1966, hiện trạng này kéo dài cho đến tháng 4 năm 1975.
Điều đó có nghĩa là Giáo hội Phật giáo lúc này vẫn chưa thống nhất, chưa trở thành một Phật giáo nhất tông để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Phải đợi đến tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một tổ chức Phật giáo thống nhất với đúng danh xưng này – đã được chính thức thành lập. Để có sự thống nhất này là phải trải qua một quá trình vận động gần suốt hai năm trong nội bộ tăng đoàn của các tông phái, các hệ phái Phật giáo, mà người tiên phong là vị Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ cùng một số vị trưởng lão cao tăng khác. Sự thống nhất, hòa hợp, đoàn kết tất cả Tăng Ni, cư sĩ Phật tử, Nam tông, Bắc tông, hệ phái Khất sĩ trong một ngôi nhà chung duy nhất là niềm mong ước từ lâu của toàn thể Phật giáo đồ ở Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ đây là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Hội đồng Nhân dân các cấp, được Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam công nhận về pháp lý và về thực tế. Từ đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo một Hiến chương, gồm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự gồm 10 ban, Viện, được tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến địa phương (tỉnh thành, quận huyện, làng xã), theo định hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa”, nhằm mục đích: Hoằng dương chánh pháp, lợi lạc nhân sinh, đồng hành cùng dân tộc để cùng dân tộc phát triển và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới.
Trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa càng ngày càng diễn ra mạnh mẽ như hôm nay, dĩ nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay không thể mô phỏng và vận dụng một cách rập khuôn, máy móc những thành quả của tổ chức Giáo hội Phật giáo nhất tông của đời Trần, nhưng chính Giáo hội Phật giáo đời Trần đã để lại nhiều bài học bổ ích để toàn thể Phật giáo đồ, nhất là các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo hôm nay suy nghĩ để kế thừa, vận dụng sao cho Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển. Tinh thần của Phật giáo nhất tông đời Trần chính là cái hồn, cái cốt để tạo sức mạnh hùng hậu của dân tộc, đã củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân – một việc làm vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, từ đó mới làm nên những chiến công oanh liệt với ba lần chiến thắng đế quốc Nguyên – Mông mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, nhờ thế tầm vóc và uy thế của dân tộc ta mới được nâng cao trong khu vực và cũng có thể nói là trên quốc tế. 3.2. Tôi nghĩ nhà Phật có phương pháp Lục hòa, mà phương pháp này ngay từ thời Đức Thế tôn còn tại thế Ngài đã vận dụng và giáo huấn trong toàn thể tăng đoàn. Đây là một pháp môn tuyệt diệu để tạo nên khối đại đoàn kết trong Giáo hội, nói rộng ra, nếu áp dụng nó vào đời sống xã hội thì cũng tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để làm nên nội lực của dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế để phát triển đất nước mà không làm mất đi hay bị hòa tan cái bản sắc dân tộc. Tôi nghĩ phương pháp này thực hành không khó lắm, dù vẫn biết ‘nói thì dễ nhưng làm thì khó’, nhưng nếu toàn thể Phật giáo đồ, từ xuất gia đến tại gia, từ các bậc trưởng lão đến các vị mới nhập đạo, nếu y cứ theo phương pháp này và vận dụng đúng theo tinh thần lời Phật dạy thì chắc chắn sẽ đạt thành tựu viên mãn. Có đoàn kết mới có thành công. Đoàn kết là sức mạnh vô địch để vượt qua mọi khó khăn trở ngại, để chiến thắng mọi thứ, để thành công mọi việc. Lãnh tụ Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công” mà theo tôi, lời dạy trên của Bác là một chân lý sống của thời đại.
Muốn tạo được sự đoàn kết, cái gốc đầu tiên là tất cả mọi người trong Giáo hội nói riêng, cả xã hội ta nói chung cần sống và ứng xử theo phép Lục hòa. Thử hỏi trong tất cả chúng ta ở tại đây có vị nào đã luôn luôn sống và ứng xử theo đúng tinh thần Lục hòa ở bất cứ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào như lời Đức Phật đã dạy chưa? Có thể có nhiều vị đã thực hiện, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện một cách trọn vẹn lời dạy ấy. Đây là cái gốc của vấn đề.
3.3. Tinh thần của Phật giáo là Khế lý, Khế cơ, Khế thời, Khế xứ rất uyển chuyển, linh hoạt, mà linh hoạt và uyển chuyển, mềm dẻo cũng là một phẩm chất của con người Việt Nam chúng ta. Đó là cách, nói theo Đức Khổng Tử là “Tùy thời xử sự”, nếu các vị lãnh đạo Giáo hội và toàn thể Phật giáo đồ biết vận dụng tinh thần ấy thì cũng sẽ đạt nhiều thành tựu viên mãn. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa như hiện nay, tôi nghĩ, hơn lúc nào hết, cần vận dụng tinh thần Khế lý, Khế cơ vào đời sống thực tiễn, có như thế thì mới có thể đưa Giáo hội Phật giáo của chúng ta phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng tốt với thời đại mới. Muốn vậy, cần phải chấn hưng, cải cách.
Tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ 4 vào tháng 11 năm 2012, tôi có đọc tham luận “Tôn giáo trong thời đại toàn cầu hóa: bản chất và quy luật cần cải cách”, tôi có nêu lên mấy hướng cần cải cách, tạm gọi đó là quy luật: Một là, cải cách, đổi mới tôn giáo theo hướng đồng hành cùng con người và xã hội hiện đại; Hai là, cải cách, đổi mới tôn giáo theo hướng hiện đại hóa chính bản thân mình. Đây là sự vận động nội sinh. Bởi lẽ, trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa, thời đại mà văn minh khoa học kỹ thuật phát triển ào ạt chưa từng thấy, thời đại kỹ thuật số, thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì mọi tôn giáo, trong đó có Phật giáo đang đứng trước thách thức lớn bởi những phong trào thế tục hóa, đa nguyên hóa, cá nhân hóa tôn giáo. Mà thực chất là đó một quá trình hạn chế, tách rời khỏi những ảnh hưởng của tôn giáo, mài mòn niềm tin tôn giáo truyền thống và đẩy tôn giáo đến ranh giới cuối cùng của “sự riêng tư cá nhân”. Phong trào tôn giáo mới (new religious movements) là biểu hiện rõ nhất của các quá trình đó.
Tôn giáo mới một mặt phản ánh tiến trình thế tục hóa, đa nguyên hóa và cá nhân hóa đó. Mặt khác, nó lại là sự phản ứng quyết liệt quá trình đó. Đây là một thách thức lớn và là một bài toán nan giải mà các tôn giáo, trong đó có Phật giáo phải tự tìm ra lời giải cho chính mình bằng những cách thức khác nhau, xuất phát từ nguồn gốc, lịch sử và truyền thống văn hóa – mảnh đất, điều kiện đã nảy sinh ra mình. Chính trong nội bộ Phật giáo khoảng mười năm trở lại đây cũng có hiện tượng phát sinh này. Hiện tượng Quán Âm pháp môn (Thanh Hải Vô Thượng sư) do Đặng Thị Trinh (Trịnh Đăng Huệ) khởi xướng, hiện tượng Nhất quán đạo – một biến dạng của Bạch Liên giáo đời Thanh (Trung Quốc), hiện tượng Thiên đạo hay Hồng giáo do Nguyễn Văn Te khởi xướng… là những hiện tượng tôn giáo mới đã có mặt tại đất nước ta, mà những hiện tượng này có cội nguồn từ Phật giáo.Về mặt triết học, bất kỳ một hiện tượng nào trong thế giới hiện thực khách quan, muốn tồn tại và phát triển thì phải vận động. Hiểu tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng như một hiện tượng văn hóa xã hội, thì sự vận động, biến đổi của chúng chính là phương thức tồn tại của bản thân chúng, của đời sống tôn giáo. Vận động để phát triển, nên sự vận động của tôn giáo luôn phải gắn liền với phát triển. Bất kỳ tôn giáo nào muốn phát triển cũng phải vận động, biến đổi trên cơ sở, thiết chế văn hóa, truyền thống tôn giáo của khu vực hay của dân tộc. Theo chúng tôi, cái quan trọng trong của sự vận động, phát triển tôn giáo là định hướng của nó cùng chiều với xu hướng vận động của xã hội con người, phản ánh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người hiện đại. Phật giáo Việt Nam hiện nay muốn phát triển cũng không nằm ngoài sự vận động để cải cách trên.
PGS.TS. Nguyễn Công Lý (ĐSHĐ-006)
Ni sinh Diệu Lâm diễn đọc
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, Nxb Văn học, HN, tái bản, 1994.
2. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hóa, 1999; tập 2, Nxb TP. HCM, 2001; tập 3, Nxb TP. HCM, 2002.
3. Vân Thanh, Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và các nguồn các giáo phái Phật giáo, Sài Gòn, Phật lịch 2518 (Dương lịch 1974), không ghi nhà xuất bản.
4. Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Nxb KHXH, HN, 1981.
5. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, HN, 1977; tập 2 quyển thượng, Nxb KHXH, HN, 1988; tập 3, Nxb KHXH, HN, 1979.
6. Nguyễn Công Lý, Bản sắc dân tộc trong văn học Thiền tông thời Lý – Trần, Nxb VHTT, HN, 1997.
7. Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý – Trần: diện mạo và đặc điểm, NXB ĐHQG TP. HCM, 2002, tái bản 2004.
8. Nguyễn Công Lý, Thiền học Lý – Trần với bản sắc dân tộc, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6-1996 và số 1-1997.
9. Nguyễn Công Lý, Phật giáo thời Lý – Trần với bản sắc dân tộc Đại Việt, in trong sách Văn học, Phật giáo với 1000 năm Thăng Long, (Chủ biên: HT. Thích Giác Toàn và PGS.TS. Trần Hữu Tá), Nxb VHTT, HN, 1010.
10. Nguyễn Công Lý, Tôn giáo trong thời đại toàn cầu hóa: bản chất và quy luật cần cải cách, Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư, Hà Nội, tháng 11-2012.
11. Nguyễn Công Lý, Bàn thêm về thời điểm Phật giáo và pháp tu Thiền truyền vào Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Quyển 15, số 8 (122) tháng 8/2013.