Vào thế kỷ XX, Phật giáo đã có bước phát triển mạnh mẽ ở rất nhiều nước trên thế giới, nhưng tại quê hương Ấn Độ, Đạo Phật vẫn chỉ còn là những hào quang của quá khứ. Phần lớn người Ấn Độ không còn được biết đến Đức Phật hay giáo lý của đạo Phật với tư cách là một tôn giáo là như thế nào. Họ chỉ biết là Đức Phật là hiện thân của thần Vishnu trong Hindu giáo, đồng nghĩa với việc Đức Phật là một vị thần của Hindu giáo. Nhưng chính sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của Phật giáo trên khắp thế giới đã góp phần lan tỏa ngược lại Ấn Độ khiến cho việc đi tìm lại ánh sáng Phật pháp tại Ấn Độ trở thành một phong trào rộng lớn tại đây. Vì vậy, cũng trong thế kỷ XX, với những nỗ lực của nhiều cá nhân và tổ chức, Đạo Phật ở Ấn Độ đã trở mình thức dậy như một chú sư tử sau một giấc ngủ dài. Tiến sĩ B.R.Ambedkar, một nhà tư tưởng được giới Phật tử biết đến như là sự hiện thân của một vị Bồ tát, Ngài đã dóng lên tiếng chuông chánh pháp và khởi nguồn cho sự hồi sinh của đạo Phật ở Ấn Độ.
Bắt đầu từ Ấn Độ, phong trào Chấn hưng Phật giáo đã nhanh chóng lan sang Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác. Ở Việt Nam, một trong những người đi tiên phong trong phong trào Chấn hưng Phật giáo là Hòa thượng Khánh Hòa – một vị Cao tăng của Phật giáo Việt Nam hiện đại, người có nhiều đóng góp cho sự hưng thịnh trở lại của Phật giáo miền Nam nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung trong bối cảnh đất nước và đạo Phật có nhiều biến động ở nửa đầu thế kỷ XX.
Tiến sĩ B.R Ambedkar và Hòa thượng Khánh Hòa tuy ở cách xa nhau về không gian nhưng lại sinh sống và tu học gần như cùng thời điểm. Không hẹn mà gặp, cả hai người lại có những điểm tương đồng về mặt quan điểm, cũng đều đại diện cho những khuynh hướng tiến bộ của Phật giáo hiện đại thế kỷ XX. Với nhiều điểm tương đồng và cũng không ít khác biệt nhưng con đường chân lý cả hai cùng hướng tới chính là sự hưng thịnh của Phật giáo trong một thế giới đa tôn giáo.
1. Một vài nét khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ B.R. Ambedkar (Ấn Độ) và Hòa thượng Khánh Hòa (Việt Nam)
a. Tiến sĩ B.R. Ambedkar (Ấn Độ)
Tiến sĩ Ambedkar tên đầy đủ là Bhimrao Ramji Ambedkar (14/4/1891 – 06/12/1956), thường viết tắt là B. R. Ambedkar. Ông sinh ra trong một gia đình theo truyền thống Đạo Hindu, thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội Ấn Độ, ở miền Trung Ấn Độ (nay là bang Madhya Pradesh). Ông được biết đến như là một luật gia, nhà kinh tế, chính trị gia, nhà cải cách xã hội và nhà hoạt động tôn giáo ở Ấn Độ và là một Phật tử thực thụ. Tiến sĩ Ambedkar đã bỏ ra hơn 20 năm để học về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, rồi cuối cùng ông mới quyết định toàn tâm đi theo Phật giáo.
Năm 1907, Ambedkar đã vượt qua kỳ thi tuyển của Đại học Bombay (nay là Đại học Mumbai) và trở thành sinh viên tiện dân đầu tiên bước vào cấp Đại học. Đây được coi là sự khởi đầu cho việc tiếp cận Phật giáo của Ambedkar. Năm 1913, Ambedkar nhận được học bổng du học tại Khoa Chính trị học, Đại học Columbia, New York, Hoa Kỳ. Ông đã hoàn thành khóa học và được trao bằng Tiến sĩ tại trường đại học này. Ông cũng là người thuộc đẳng cấp thấp đầu tiên của Ấn Độ được nhận học bổng du học tại một ngôi trường danh giá như vậy tại Hoa Kỳ.
Trong khoảng thời gian từ 1920-1923, Ambedkar sang London và hoàn tất luận án Tiến sĩ thứ 2 tại đây. Năm 1947, Ambedkar được Chính phủ Ấn Độ độc lập mời làm Bộ trưởng Tư Pháp đầu tiên.
Ngày 29/8/1947, Ambedkar được bổ nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban Soạn thảo Hiến pháp. Trên cương vị này, ông đã đưa vào việc soạn thảo hiến pháp những quyền tự do tiến bộ với công dân như quyền tự do tôn giáo, bãi bỏ sự phân biệt đối xử đẳng cấp, quyền bình đẳng cho phụ nữ… Hiến pháp này đã được Quốc hội lập hiến thông qua ngày 26/11/1949.
Tiến sĩ Ambekar là người đã khởi xướng việc phục hưng Phật giáo Ấn Độ vào thập niên 30-60 của thế kỷ XX. Ông đã đem Phật giáo trở về Ấn Độ sau một thời gian dài Phật giáo vắng bóng ở đất nước này bởi nhiều nguyên nhân. Phát biểu về định hướng cuộc đời mình, Ambedkar từng nói: “Tôi sinh ra trong Hindu nhưng không chết trong Hindu”. Ông đã tạo ra phong trào cải đạo vĩ đại từ Hindu sang Phật giáo từ năm 1930 cho đến khi ông qua đời. Ông đã tiến hành rất nhiều cuộc cải đạo với quy mô lớn khoảng vài chục ngàn người tham gia mỗi lần.
Năm 1954, Ambedkar đã hai lần đến Myanmar dự Hội nghị tình đoàn kết Phật tử thế giới Rangoon. Vào tháng 5/1956, trong một cuộc nói chuyện của Ambedkar trên đài truyền hình, ông đã nói: “Tôi thích Phật giáo bởi vì Phật giáo có 3 nguyên tắc kết hợp, mà không có tôn giáo nào khác có được. Đạo Phật dạy Prajna (Trí tuệ), Karuna (Từ bi) và Samata (Bình đẳng). Đây là những gì mà con người mong muốn để có được cuộc sống đẹp và hạnh phúc. Ngay cả Thượng đế cũng không có thể làm gì được cho con người1”.
Ambedkar cũng đã nhận định: “Tôn giáo của Đức Phật là đạo đức. Phật giáo bao trùm lấy đạo đức. Phật giáo không có nghĩa gì nếu không có đạo đức. Chắc chắn rằng Phật giáo không tôn thờ Thượng đế. Thượng đế ngự trị trong đạo đức. Những đạo đức gì Thượng đế để vào trong các tôn giáo khác là Phật giáo2”. Với nhận định này, ông đã đặt Phật giáo vào một vị trí như là yếu tố cốt lõi của các tôn giáo khác, đó là đạo đức tôn giáo. Phật giáo không có Thượng đế quyền uy sáng tạo, hoạch định số phận của con người.
Sau khi qua đời, Tiến sĩ Ambedkar đã được Chính phủ Ấn Độ tri ân công lao với nhiều công trình mang tên ông như: Đài Tưởng niệm ông tại Delhi; Đại học Mở Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar ở Hyderabad, Đại học Tiến sĩ B. R Ambedkar ở Andhra Pradesh, sân bay quốc tế Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar ở Nagpur… Một bức chân dung lớn của Ambedkar cũng được trưng bày trong Tòa nhà Quốc hội Ấn Độ. Vào các ngày kỷ niệm sinh nhật (14/4), ngày mất (06/12) và ngày Quy y Tam bảo (14/10) của ông, luôn có hàng triệu người tụ tập ở các công trình tưởng niệm để tỏ lòng kính trọng với ông. Đặc biệt, ngày sinh nhật của ông còn được Chính phủ Ấn Độ công nhận là ngày Quốc lễ.
Từ sự khơi nguồn của Ambedkar, Phật giáo Ấn Độ đã và đang từng bước trở mình và phát triển mạnh mẽ. Công đức đối với Phật giáo của Tiến sĩ Ambedkar là vô hạn, vì vậy, ông được giới Phật tử và Tăng Ni Ấn Độ tôn thờ như một Bồ tát vĩ đại, là đại hộ pháp, là Ashoka của thời nay3. Phật tử Ambedkar sẽ là hình ảnh bất tử trong lòng người tôn sùng đạo Phật ở Ấn Độ.
b. Hòa thượng Khánh Hòa
Hòa thượng Khánh Hòa thế danh Lê Khánh Hòa, Pháp danh Như Trí, Pháp hiệu Khánh Hòa, sinh năm Mậu Thân (1877) tại làng Phú Lễ, tổng Bảo Trị, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngài sinh trong một gia đình trung lưu, có nề nếp Nho học. Từ nhỏ, Ngài đã được tiếng thông minh và nết hạnh. Khánh Hòa là anh cả trong một gia đình có ba anh em, trong đó em trai kế của Ngài cũng theo con đường xuất gia tu học.
Năm Ất Mùi (1895), ở độ tuổi 19, Khánh Hòa đến chùa Long Phước, quận Ba Tri, xin xuất gia học đạo. Sau đó, Ngài đến học tại chùa Kim Cang, Tân An, được Hòa thượng Long Triều trực tiếp giảng dạy. Thời gian này, Khánh Hòa rất chăm chỉ và năng nỗ trong việc học đạo, không ngại gian khó, khoảng cách xa xôi mà tầm sư học đạo. Nhờ tinh thần tiến thủ đó mà Khánh Hòa đi đến đâu cũng đều được các bậc trưởng thượng quý mến.
Năm Giáp Thìn (1904), Hòa thượng Khánh Hòa nhập hạ đầu tiên tại chùa Long Hoa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Nơi đây, được sự khuyến khích của chư Tôn đức, Hòa thượng Khánh Hòa đã giảng Kinh Kim Cang Chư Gia, rất được các vị Pháp sư và đại chúng ở Trường hạ quý mến. Từ đó về sau, mỗi lần nhập Hạ, Hòa thượng đều có giảng Kinh. Nhờ đó, bảo hiệu Khánh Hòa đã sớm vang danh khắp nơi trên đất Nam kỳ.
Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của Hòa thượng Khánh Hòa phát sinh vào khoảng năm ông được bốn mươi tuổi. Ngài đã đi tới nhiều Tổ đình và Nam Kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc. Hòa thượng đã liên kết được với một số vị cao tăng đồng chí, trong đó có Huệ Quang, Pháp Hải và Khánh Anh, những người đã cộng tác chặt chẽ với Hòa thượng trong suốt thời kỳ họat động của Ngài sau này. Năm 1923, trong một buổi họp của đại diện các Tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng, một tổ chức tăng sĩ đã được thiết lập gọi là “Hội Lục Hòa liên hiệp” với mục đích là vận động thành lập một Hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo. Trong số những người cộng sự của Hòa thượng Khánh Hòa, có một vị Tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết tên là Thiện Chiếu. Năm 1927, Thiện Chiếu được Hòa thượng Khánh Hòa gửi ra Bắc để vận động. Tuy nhiên, Thiện Chiếu gặp nhiều trở ngại nên cuộc vận động bất thành.
Sau mùa an cư tại Quy Nhơn, Hòa thượng Khánh Hòa trở về Nam đề nghị khởi xướng phong trào ở Nam Kỳ trước. Trong khi việc vận động xây dựng Thích học đường đang được xúc tiến, Hòa thượng cùng các bạn đồng chí quyết định thành lập một Hội Phật học để làm bàn đạp cho sự tiến tới thành lập Phật giáo Tổng hội. Hòa thượng đã triệu tập các đồng chí của mình, đồng thời với sự góp sức của một số cư sĩ tại Sài Gòn thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học. Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập năm 1931. Thiền sư Từ Phong chùa Giác Hải ở Chợ Lớn được bầu làm Chánh Hội trưởng. Hai vị cố vấn là Thiền sư Huệ Định (71 tuổi) và Thiền sư Trí Thiền (50 tuổi). Chùa Linh Sơn ở số 149 đường Douaumont được lấy làm trụ sở. Trong khuôn viên nhỏ bé của chùa có một thư viện cũng được xây dựng. Thư viện này có tên là Pháp Bảo Phương. Tục Tạng Kinh được đem an trí tại đây. Thiện Chiếu lại vận động giới cư sĩ ở Chợ Lớn gởi mua thêm cho Pháp Bảo Phương một Đại Tạng Kinh vừa mới được ấn hành tại Trung Hoa.
Năm 1934, Thiền sư Khánh Hòa lui về chùa Vĩnh Bửu ở Bến Tre. Tuy đã già yếu, Ngài vẫn tổ chức được một Phật học đường cho Ni chúng. Đây là trường học đầu tiên cho Ni giới tại Nam Kỳ. Năm 1947, Ngài về chùa Tuyên Linh cũng ở Bến Tre và viên tịch ở đây vào ngày 19/6 âm lịch, thọ 70 tuổi. Năm 1955, Thiền sư Huệ Quang, người đồng chí thân cận của Ngài, lúc bấy giờ đang là Pháp chủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt, hướng dẫn một phái đoàn đến chùa Tuyên Linh và họp cùng môn đồ của chùa, làm lễ trà tỳ linh cốt của Hòa thượng Khánh Hòa. Đó là ngày 11/3 âm lịch. Tro và xá lợi của Hòa thượng được tôn trí tại chùa Tuyên Linh.
Trong suốt 25 năm, Hòa thượng Khánh Hòa luôn luôn hăng hái trong công nghiệp phục hưng Phật giáo. Đường lối của Ngài là một đường lối ôn hòa. Ngài thường tránh những cuộc bút chiến và tranh luận. Ngài sống rất giản dị. Lúc gần tịch diệt, Hòa thượng căn dặn môn đồ chỉ nên tẫn liệm mình với bộ y hậu vải thường, không được dùng vải lụa, không được làm long vị sơn son thếp vàng. Các đồng chí của Hòa thượng như Hòa thượng Huệ Quang, Hòa thượng Khánh Anh và Hòa thượng Pháp Hải đều rất quý mến Ngài.
2. Những điểm tương đồng và khác biệt giữa tư tưởng chấn hưng Phật giáo của Tiến sĩ Ambedkar và Hòa thượng Khánh Hòa
a Những điểm tương đồng
– Hai tư tưởng đồng đại: Đều sinh vào cuối thế kỷ XIX và tiếp thu tư tưởng Phật giáo những năm đầu thế kỷ XX nên công cuộc chấn hưng Phật giáo của hai vị đều diễn ra trong khoảng từ những năm 20-30 đến những năm 50-60 của thế kỷ XX. Công cuộc chấn hưng này đã trải qua một khoảng thời gian lâu dài, qua nhiều giai đoạn thăng trầm và đều có ảnh hưởng lớn lao đến sự biến chuyển của Phật giáo tại Ấn Độ và Việt Nam thế kỷ XX.
– Tư tưởng chấn hưng Phật giáo bắt đầu ở giai đoạn trung niên của cuộc đời: Hai nhân vật đều là những nhà tư tưởng và đại diện cho khuynh hướng chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX ở hai quốc gia châu Á. Hòa thượng Khánh Hòa lúc bắt đầu những tư tưởng này khi đã 40 tuổi, Ambedkar cũng đã ở độ tuổi 40. Ở độ tuổi này, cả hai đều thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc lý tưởng Phật giáo trong tư tưởng, đặc biệt là Ambedkar – vốn là một người ngoại đạo, ông đã dành 20 năm nghiên cứu về Phật giáo để hiểu, dấn thân và giúp những người khác dấn thân. Còn Hòa thượng Khánh Hòa, trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó, việc một Hòa thượng có thể vượt khỏi ranh giới của tôn giáo và phụng sự nhiệm vụ dân tộc, đó đã là một bước tiến bộ mang tính cách mạng của tôn giáo.
– Cả hai đều xuất thân trong những gia đình không có truyền thống Phật giáo: Hòa thượng Khánh Hòa sinh ra trong một gia đình nề nếp Nho giáo, bản thân Hòa thượng cũng là một người am tường về Nho giáo, Ngài sớm xuất gia ở lứa tuổi thanh niên. Còn Tiến sĩ Ambedkar sinh ra trong một gia đình có truyền thống Hinđu giáo nhưng ông lại dành cả phần đời còn lại của mình để chống lại một trong các truyền thống đã tồn tại cả nghìn năm của Hinđu giáo đó là sự bất bình đẳng giữa các đẳng cấp.
– Những tư tưởng của cả hai đều xuất phát từ thực tiễn xã hội nhiều bất công, chính thực tiễn này đã thôi thúc cả hai tiến hành chấn hưng Phật giáo: Khi đó, ở Ấn Độ là sự bất bình đẳng của chế độ đẳng cấp kéo dài hàng nghìn năm, sự lấn át của Hindu giáo so với tất cả các tôn giáo còn lại. Ở Việt Nam là sự suy yếu của Phật giáo nói chung, sự áp bức của chủ nghĩa thực dân và những rối ren của một xã hội thuộc địa sưu cao thuế nặng, nạn cướp đất diễn ra hàng ngày…
Ambedkar cảm nhận được sự khổ đau của sự đối xử phân biệt đẳng cấp gắt gao của xã hội Ấn Độ nên ông đã dùng cả cuộc đời mình để chống lại và chuyển hóa sự phân biệt đối xử đó. Bản thân ông sinh ra trong gia đình thuộc đẳng cấp cùng đinh của xã hội, đó là đẳng cấp Dalit. Mặc dù, thời Đức Phật tại thế, Ngài đã không mệt mỏi để truyền bá tư tưởng bình đẳng giữa các đẳng cấp, nhưng sự phân biệt đẳng cấp mà đạo Bà La Môn khi đó đặt ra vẫn còn rõ nét trong trái tim của người Ấn Độ qua hàng nghìn năm. Trong xã hội hiện đại, những tàn dư của chế độ đẳng cấp của Hindu giáo vẫn còn rất khắt khe ở nhiều vùng Ấn Độ, 4 đẳng cấp ban đầu là Brahma, Kshatriya, Vaisya và Sudra vẫn còn hiện diện với những đặc tính phân biệt trong xã hội. Xã hội Ấn Độ còn có một lớp người ngoài và dưới 4 đẳng cấp chính, đó là những người Dalit, họ bị coi là tiện dân, không được chạm đến vì sự dơ bẩn của họ (thường gọi là “untouchable”). Nhóm người này bị hạn chế những quyền lợi cơ bản như: giáo dục, giao thông, lễ bái… Họ bị khinh rẻ và đối xử bất công, số phận của họ gắn liền với sự nghèo cùng, đói khát, dơ bẩn, bệnh tật từ hàng ngàn thế hệ. Chính việc không được hưởng sự giáo dục nên họ không thể phát triển tri thức, việc vươn lên để thay đổi thân phận trong một xã hội phân biệt ngặt nghèo là điều rất khó khăn với họ.
Chứng kiến và cảm nhận sự đối xử bất công đối với chính bản thân mình và những người xunh quanh, Ambedkar đã sớm hình thành một khao khát đổi thay xã hội. Bản thân là một học giả uyên bác, ông hiểu được khi xưa Đức Phật đã từng bác bỏ đẳng cấp rồi, bản thân đức Phật cũng từ bỏ thân phận quý tộc của mình đã hiến dâng cho lý tưởng bình đẳng. Vì thế, Ambedkar áp dụng tinh thần của Phật giáo vào việc kêu gọi cách mạng giai cấp và làm sống dậy Phật giáo Ấn Độ đã ngủ yên khá lâu. Từ tinh thần này, Ambedkar đã làm sống dậy Phật giáo Ấn Độ và thổi vào xã hội Ấn Độ một luồng gió mát an lành của Phật giáo.
Trong lúc này, tình hình xã hội Việt Nam cũng đang xảy ra nhiều biến động lớn. Sự khủng hoảng và suy vong của triều Nguyễn, sự tái chiếm trực tiếp của Pháp tại Nam kỳ, sau khi chúng nổ phát súng đầu tiên xâm lược tại Đà Nẵng (1858) đã khiến cho xã hội Việt Nam lâm vào tình trạng rối ren, đời sống nhân dân cực khổ, Phật giáo theo đó bị mất dần vai trò trong một xã hội thuộc địa. Nhất là khi chúng sử dụng các cơ sở chùa chiền ở Sài Gòn làm phòng tuyến, gọi là “Phòng tuyến các chùa”. Tình trạng suy thoái toàn diện của Phật giáo ở Nam Kỳ kéo dài đến đầu những năm 20 của thế kỷ XX4. Đó cũng là giai đoạn đòi hỏi những đổi thay trong Phật giáo cũng như trong tư tưởng của các Tăng sĩ, phải xây dựng một tôn giáo mang màu sắc dân tộc. Chính điều này đã tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ, nơi xuất phát của phong trào đầu tiên trong cả nước. Hòa thượng Khánh Hòa đã đi nhiều nơi, giáo thiệp rộng với các nhân sĩ, trí thức, cư sĩ Phật giáo, nên Ngài có hiểu biết sâu rộng về đời sống của người dân, tâm tư nguyện vọng cũng như tình hình xã hội Nam Kỳ những thập niên đầu thế kỷ XX. Từ đó, Hòa thượng cũng với một số nhà Sư có tinh thần yêu nước khác như Huệ Quang, Khánh Anh, Từ Phong, Thiện Chiếu… tiến hành các cuộc vận động chấn hưng Phật giáo.
(còn tiếp)
TS. Tống Thị Quỳnh Hương
Khoa Lịch sử – Đại học Sư Phạm Hà Nội (ĐSHĐ-057)
- R. M. Pal, Remembering Dr. Ambedkar, tr.2. Nguồn: http://www.pucl.org/reports/National/ambedkar0.htm
- Dr Babasaheb Ambedkar, Writings and Speeches, vol.1 (Bombay 1979), tr.57
- Sangharakshita (1986), Ambedkar and Buddhism, NXB. Windhorse, tr.13
- Trần Hồng Liên, Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, Kỷ yếu Hội thảo “Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam”, TP. Hồ Chí Minh, tháng 5/2017.