Trong ký ức tuổi hoa niên của tôi, rằm tháng 7 là ngày lũ trẻ con trong xóm réo gọi om sòm để rủ nhau chạy ùa về ngôi chùa làng, quần áo lếch thếch, mặt mũi tèm nhem, đầu không mũ nón, chân không mang dép. Mặc kệ, miễn là không thể được quên một việc “quan trọng nhất”: Cầm theo cái bịch ni lông ngồi chồm hổm sát bên nhau, dù tiết trời tháng bảy nóng nực hầm hực, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi nhỏ giọt, mấy sợi tóc ướt bệt trước vầng trán ngây ngô, cứ vô tư hồn nhiên ngồi “chầu chực”, đôi mắt mở tròn xoe chăm chú xem quý thầy thiết lễ tụng kinh cúng thí. Ồ! Cơ man là thực phẩm, trái cây, đủ màu sắc tươi đẹp, thơm ngon, đã được nhà chùa sắp đặt trang nghiêm trên bàn cúng thí thực.
Thời gian răng mà đi chậm chạp rứa hè! Các thầy thì tụng kinh chi mà dài rứa, chẳng hiểu chi mô tề! Chờ, chờ mãi rồi cái gì đến ắt sẽ đến, vừa nghe quý thầy dứt tiếng chuông mõ là cả đám nhao nhao lên để tranh giành bánh ít, bánh chưng, chè, xôi, chuối, ổi… Thoáng chớp mắt, sạch sành sanh không còn thứ gì ngoài những cái dĩa, tô, bát, nằm lộn xộn lung tung trên chiếc bàn. Trong tám đứa chúng tôi có thằng nhóc An cao to lớn xác, lại lanh lợi nên được bầu làm trưởng nhóm, nó liếc mắt ra dấu là chúng tôi khắc biết hiệu lệnh ngầm của nhóm không cần nói mà hiểu, cùng nhau tụ tập bên gốc cây đa cổ thụ ở phía trước đình làng. Đến nơi, chưa kịp ngồi xuống nó đảo mắt một vòng thấy thiếu vắng nhỏ Hương “sún” bèn hạ lệnh: – “Tụi bây ngồi yên đây không được chạy đi đâu nghe chưa, chờ tao đi kiếm hắn!” Tinh thần trách nhiệm trưởng nhóm của nó đã trỗi dậy thật mạnh mẽ. Vèo một cái, nó chạy ù một mạch bất chấp mọi chướng ngại vật trên đường. Khoảng năm phút sau, tôi thấy nó đang ì ạch cõng nhỏ Hương “sún” trên lưng trở về. Cả nhóm đang ngồi tụm lại tán dóc, bỗng bật dậy như cái lò xo xúm quanh nhỏ Hương “sún” hỏi dồn dập: – “Mi bị răng rứa?” Thằng Huy mũi hếch ra vẻ quan tâm.
Nhỏ Xuân dịu dàng sờ bàn chân nhỏ Hương: – “Có đau lắm không mi?”
Nhóc tỳ Vinh răng khểnh xen vô: – “Ủa! Giựt đồ xong rồi răng không chạy theo tụi tao, rứa mi chạy ngã mô?” Nhỏ Hương “sún” tay đang quẹt nước mắt ngại ngùng chưa biết trả lời ai trước, thì thằng nhóc An đang đứng ưỡn ngực, thở hổn hển nhanh nhảu nói: – “Hắn bị giẫm gai nên ngồi khều, với lại béo rứa răng mà chạy kịp tụi bây hè! Tao cõng hắn muốn lọi lưng nãy giờ có đứa mô thèm hỏi tao một câu. Hic hic! Đám nhóc con đồng thanh: “Ừ hén, thương mi quá!” Cả bọn cùng cười toe toét, mạnh đứa nào đứa nấy đem “chiến lợi phẩm” vừa thu hoạch được bày ra dưới tàng cây rậm mát như chiếc dù rộng lớn, nghe chim ríu rít trên cành cao, vừa nhai ngấu nghiến vừa liến thoắng reo hò rộn rã. Ui chao ui, khó diễn tả hết cái cảm giác khoan khoái dễ chịu thật thú vị biết bao chừng! Sau một hồi huyên thuyên cười nói thấm mệt, có lẽ không còn sức để chọc ghẹo nhau nữa nên tất cả đều nằm lăn dài xuống nền đất mát lạnh đánh một giấc ngon lành, cho mãi đến khi nghe tiếng ba mẹ, anh chị kêu ơi ới về nhà ăn cơm. Trung Nguyên ngày Hội của chúng tôi là vậy đó!
Đến khi lớn khôn, qua học hiểu kinh sách, nghe pháp từ quý Tăng Ni giảng giải, tôi bắt đầu rõ biết Duyên khởi Vu lan Báo hiếu, mới cảm nhận được “Tháng Bảy ngày Trăng mùa Hiếu Vu lan về”, cảm nhận được sự thiêng liêng của những ân tình mà mình đã thọ nhận bao nhiêu năm trong cuộc đời. Tình thâm của mẹ cha luôn chảy dài suốt quãng đường các con đi qua. Từ thuở nghiệp thức của con gá nương vào bụng mẹ, sự sống còn của thai nhi ắt phải nương tựa vào mẹ, cùng với sự âm thầm tiếp sức của cha. Tuy lặng lẽ nhưng cha luôn sẵn sàng nâng đỡ cho nguồn hạnh phúc mà mẹ đang nâng niu, để mẹ vững tin cưu mang chở che con, để hài nhi sớm được chào đời, để được tắm mình trong thế giới đất trời vũ trụ bao la. Bao vất vả hy sinh của hai đấng sanh thành mà trong Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân Kinh đã dạy, thì không người con nào có thể dùng bút mực diễn đạt hết bằng lời. Thế mới biết: “Ngôn ngữ trần gian là túi rách, đựng sao đầy hai tiếng Mẹ Cha”. Mỗi người sống trên đời, ngoài mối tương quan gia đình huyết thống ra, còn thọ ân truyền trao kiến thức của Thầy Cô trong học đường; trong thiền môn có gia đình Tâm linh, ân tình Sư phụ giáo huấn, truyền thụ Giới thân Huệ mạng, Tăng thân đồng đạo hướng dẫn tu tập để thoát khỏi bờ Mê tiến dần về nẻo Giác; ân Tín thí đàn na cúng dường vật phẩm nuôi thân mạng khô gầy; ân Quốc gia lãnh thổ giữ gìn bờ cõi; ân vạn loại chúng sanh mà mỗi chúng ta đã thọ nhận trong kiếp người.
Vu Lan Thắng Hội về, bằng tâm hạnh bố thí, cúng dường, giúp đỡ xua tan nỗi khổ sầu bi của bao cảnh đời, xuất phát từ lòng chân thành của mỗi cá nhân, tình yêu thương đồng bào, trên khắp mọi miền Tổ quốc xuất hiện nhiều hành động đẹp, khiến chúng ta không thể phủ nhận được cái đẹp của Tình người, những sẻ chia làm rơi nước mắt người đọc, người nghe, khi biết được vô số hoàn cảnh bi đát tột cùng của nỗi khổ đau. Chữ Hiếu trong Đạo Phật dạy con người biết cách sống không lỗi đạo làm người, nhắc nhở ta biết trân trọng những gì đang có để sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Giúp người là một phẩm chất tốt đẹp tuyệt đối cần phải có. Nơi nào có tình thương nơi đó sẽ vắng mặt khổ đau, sẽ ấm áp tình người. Bởi, tình thương là nguồn năng lượng hồi sinh, có sức mạnh làm sống dậy ý chí và nghị lực cho những ai bị vấp ngã, đớn đau có thể đứng dậy để làm mới đời mình. Sống là yêu thương, cảm thông và sẻ chia. Không có tình thương là không có sự sống, không có rung động, cảm xúc giữa người với người thì xã hội loài người sẽ ra sao? Nếu bản thân một ai đó sống vô cảm, lạnh nhạt, thờ ơ trước nỗi khổ niềm đau của người khác thì đang tự hủy hoại cuộc sống giá trị của con người. Quý hóa thay tình người! “Xin hãy yêu và yêu nhau mãi. Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn. Con kiến bé cùng hoa hương cỏ dại. Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn”. Bùi Giáng – một thi nhân sống giữa đời thường mà cảm tác nên những vần thơ thấm đậm triết lý nhân đạo, thương yêu cả những côn trùng, những sinh vật nhỏ bé, huống chi người con Phật? Quả thật tự hào để khẳng định: Tinh thần Từ bi Vô ngã luôn là nền tảng căn bản của đạo Phật.
Trung Nguyên ngày Hội đến, ký ức tuổi Hoa niên hiện về ngôi chùa làng quê thân thương với biết bao kỷ niệm, đúng là thuở ấy trẻ con! Kinh Đại Bát Niết-bàn phẩm Anh nhi, Thế Tôn khuyên dạy đệ tử hãy sống với “Anh nhi hạnh” (một trong năm hạnh tu của Bồ tát) với thế giới trẻ thơ thuần khiết ngây ngô, vô tư, vô lự không giận hờn trách móc, đấu tranh, thị phi nhân ngã, không cố chấp bám víu… Mùa báo hiếu, nhớ về thâm ân vô lượng của Phật, bằng hành động thiết thực hãy quan tâm để thấu hiểu giúp người. Đệ tử Phật, không đợi đến ngày Vu Lan mới thể hiện tâm Từ, tâm Hiếu, mà Hiếu hạnh ấy phải được thể hiện triền miên trong cuộc sống thường nhật. Đây mới chính là đóa hoa tâm tươi đẹp nhất, rạng ngời nhất, thành kính dâng lên cúng dường đức Phật nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu
Thích Nữ Chơn Huệ (ĐSHĐ-119)