Trong quá trình thuyết pháp độ sanh, với một lập trường kiên định và linh hoạt tuyệt vời, Đức Như Lai, đã vận dụng Tứ Tất Đàn, vô cùng phong phú. Nhờ vậy, mọi căn cơ đều được thấm nhuần mưa pháp.
“Một trận mưa rơi ướt thấm nhuần
Cỏ cây muôn vật sức công huân1
Cả thảy muôn loài đều lợi lạc
Nhơn thiên chung hưởng đến tận cùng2.”
Khi thuyết pháp căn cơ người nghe có cao thấp, tùy theo vùng miền khác nhau, nên Ngài thuyết pháp theo trình độ cao thấp, thượng căn, trung căn hay hạ căn, khéo hiểu nghĩa nhơn duyên của từng lớp người, để họ hiểu được những Pháp môn, những lời Phật dạy mà áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Như người làm tiểu công nghệ: ốc, vít, phụ tùng xe, thì Ngài dạy khi cân lường, đong đếm, ta thực hiện Pháp môn niệm Phật cũng được, thay thế cho tay cầm chuỗi hạt để trì danh niệm Phật. Còn như người thợ rèn, Ngài dạy quán niệm hơi thở, ra, vào, qua hình ảnh quạt lửa bằng lò, hít thở khi tay mình sử dụng quay lò cho lửa đỏ. Người lái xe, người thư ký, Ngài dạy đem tâm và thân về một chỗ, để lái xe an toàn và tính toán không nhầm lẫn.
Tất cả đều mượn những hình ảnh trong cuộc sống hàng ngày, để người ta dễ nhớ, vừa làm kinh tế lo cho gia đình, nhưng vẫn tu được gọi là Thế giới tất đàn.
Khi có người hỏi, Ngài tùy theo trình độ cao, thấp và sự tiếp thu của người nghe mà Ngài trả lời “ứng cơ dữ dược”, tùy bệnh mà cho thuốc, gọi là Vị nhơn tất đàn. Còn Đối trị tất đàn là đối với người nghe pháp, mình biết tâm ý họ bỏn xẻn, mình dùng phương pháp Bố thí để giáo hóa họ, bố thí thì có Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Đối với người nghèo khổ, ta dùng Tài thí để sẻ chia. Ông bà ta thường nói: “Một miếng khi đói bằng gói khi no” hay “Lá lành đùm lá rách”, hoặc một bà già không dám qua đường, mình dắt cụ bà qua đường bình an, là mình đã ban cho cụ “Vô úy thí” (mình đã giúp cho cụ sự không sợ hãi). Ngài dạy rằng: “Trong khi bố thí hành giả nên dùng tâm bình đẳng không phân biệt thân, sơ, xem tất cả đều như nhau, dựa trên tinh thần “Tam luân không tịch”, nghĩa là không thấy mình là người cho, tiền của, vật chất đem ra cho và người kia là người thọ lãnh. Hoặc đối với người sân hận mình tìm cách khuyên lơn, chỉ dạy cho họ phương pháp nhẫn nhục.
“Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước biển rộng trời cao.”
Như trong gia đình vợ chồng biết nhường nhịn nhau, thì hạnh phúc, ảnh hưởng đến con cháu rất lớn.
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”
Đức Như Lai đã khéo hiểu nghĩa nhân duyên, nếu người đối phương có chủng tánh ngoại đạo, thì Ngài uốn theo họ, nhưng uốn nhè nhẹ, để họ không tự ái, khi giáo hóa được họ rồi, thì Ngài mới lần lần đưa họ về Trung thừa. Như khi đệ tử xuất gia mới bước chân vào đạo. Ngài dạy điều giác ngộ thứ nhất: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy. Tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã. Sanh diệt biến dị, hư nguỵ vô chủ. Tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu. Như thị quán sát, tiện ly sanh tử.”
Đức Thế Tôn dạy rằng: “Thế gian này là vô thường, cõi nước tạm bợ. Thân tứ đại là khổ, là không, ngũ ấm là vô ngã. Nó sanh diệt dời đổi luôn, nó không có tự chủ, nó là hư, là nguỵ. Quán sát như thế, lần lần sẽ xa lìa được sanh tử luân hồi.”
Đức Phật thường dạy: “Ba cõi không an ví như nhà lửa”, mà chúng sanh vì vô minh, cứ mãi vui chơi say đắm, cho nên, Đức Phật nói: “Ta bà khổ, ta bà chi khổ thùy năng sổ.” Ta bà là khổ, cái khổ cõi Ta bà nào ai biết được! Chúng sanh xoay vần quanh quẩn như kim đồng hồ, hết ngày nọ đến tháng kia, mãn năm này đến năm khác.
“Biển khổ mênh mông chẳng bến bờ
Sóng dồi, nước dập, nổi trơ vơ
Ta bà đành chịu bao nhiêu khổ
Tỉnh lại kìa ai chớ đợi chờ!”
Sự khổ não trong tam giới thì nhiều, nhưng tóm lại có Tam khổ và Bát khổ. Tam khổ là: “Khổ khổ, hoại khổ và hành khổ”. Khổ khổ là khổ này chồng chất lên cái khổ kia, như người ốm đau là khổ, không có tiền để trị bệnh lại càng khổ hơn. Hoại khổ là thân này khi mới lọt lòng Mẹ, phải chịu sự nóng, lạnh, bên ngoài bức bách nên đã khóc vang. Mạng sống con người bị cái búa thời gian đập phá tất cả. Mỗi phút mỗi giây ta sống, cũng là mỗi phút mỗi giây ta bị hoại diệt. Ta hoàn toàn bất lực trước thời gian, dù giàu hay nghèo cũng không ngoại trừ được sự chi phối của vô thường. Hành khổ là tâm hồn ta thường bị dục vọng dằn vặt, lôi kéo, thúc đẩy từng phút, từng giây. Tư tưởng ta cũng luôn luôn biến chuyển nhảy vọt lăng xăng từ chuyện này, đến chuyện khác, như con ngựa không cương, như con vượn chuyền cành không bao giờ dừng nghỉ. Cho nên, nhà thơ Ôn Như Hầu đã viết: “Thảo nào khi mới chôn nhau, đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”. Sống trên đời ai cũng phải chịu tám cảnh khổ: Sanh, Lão, Bệnh, Tử khổ. Ái biệt ly khổ, thương yêu mà phải chia lìa, không gì đau khổ hơn bằng sanh ly, tử biệt. Đến Cầu bất đắc khổ: Người ở trên đời hễ hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm. Muốn được kết quả tốt đẹp, người ta phải vận dụng không biết bao nhiêu năng lực, cầu mong cho được thành công, thế rồi, sự mong ước không thành, sự khổ đau không biết đâu là bờ bến. Còn oán tắng hội khổ, thì ôi thôi sự thống khổ nói sao cho cùng, ghét nhau nhưng phải sống chung một nhà, ra vào thấy mặt là muốn ẩu đả nhau. Có khi vợ chồng đánh lộn hoài mà không bỏ nhau được, bởi vì nợ oan khiên chưa trả hết nên còn phải đối mặt. Cuối cùng là ngũ ấm xí thạnh khổ: Cái thân tứ đại của con người cũng là thân ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm) giữa năm ấm ấy luôn luôn có sự xung đột, mâu thuẫn chi phối lẫn nhau, khổ vì bị vô thường, khổ vì thất tình lôi kéo, khổ vì vọng thức điên đảo. Tùy theo hạng phàm phu Đức Phật nói: “Vô thường, khổ, không, vô ngã”, nói vậy để chúng sanh tin theo đó tu hành, và cũng đừng nên chấp đắm tấm thân giả huyễn này, Như Lai nói vậy chứ chưa phải vậy. Một thời gian sau, thính chúng hiểu biết sâu hơn chút về Giáo lý Đại thừa, Ngài lại dạy: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm v.v…”, thực chất các pháp là không tướng, nó cũng không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt, v.v… (Kinh Bát Nhã, chúng ta tụng hàng ngày). Đoạn này Đức Như Lai lại nói các pháp là “thường, lạc, ngã, tịnh”, có mâu thuẫn không? Vì lúc này Đức Phật sử dụng Đệ nhứt nghĩa tất đàn, Như Lai nói như vậy là như vậy.
Đức Phật lại dạy rằng: “Trong tấm thân tứ đại, ngũ uẩn không bền chắc ấy, còn có một viên ngọc quý ẩn tàng bên trong, vì tất cả chúng sanh đều có tánh Phật”. Tánh giác này phát sanh nơi sáu căn, nên nói: “Nhứt minh tinh sanh lục hòa hiệp”. Song chúng sanh quên mất tánh giác này, đem sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) chạy theo sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) rồi đắm nhiễm theo sáu trần, nên bị luân hồi sanh tử. Muốn ngộ tánh giác (Phật tánh) phải nương cái sáng từ sáu căn phát ra, mà quay trở về, đây là Chơn lý muôn đời của chư Phật. Sáu căn cũng là gốc của luân hồi sanh tử và sáu căn cũng là nguồn gốc giải thoát an vui, nguyên nhân tại sao lại có sự sai biệt như vậy? Trong cái thấy, biết, khi căn tiếp xúc với trần, nếu phân biệt rồi chiếm hữu từ đó nghiệp phát sanh, dẫn ta vào đường tội lỗi, đó là gốc của vô minh. Còn ngược lại, cũng căn tiếp xúc với trần, mà tâm không đắm trước, không phân biệt, đó là Niết-bàn.
Đức Phật đã dùng vô số phương tiện để dắt dẫn chúng sanh, sau rốt Ngài chỉ dạy “Đệ nhất nghĩa đế” tức là nói như vậy chứ chẳng phải vậy. Trong cái vô thường, vô ngã của thân Tứ đại giả hợp này, còn có cái Chơn thường, Chơn lạc, Chơn ngã, Chơn tịnh, là Chơn Như Phật tánh của mỗi chúng ta, nó vĩnh hằng không mất.
“Chơn Như thanh tịnh thường hằng
Diệt trừ kiết sử gia tăng hành trì
Đạo mầu của Đấng Từ Bi
Lập ra phương tiện vô vi độ đời.”
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-103)
- Tuỳ theo cây lớn, nhỏ, mà hấp thụ sai khác.
- Đức Thế Tôn thuyết pháp, Chư Thiên và loài người được hưởng cùng khắp.