Tổng thống Nelson Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới”. Với Đức Phật, Ngài được tôn xưng là bậc Thầy trong lĩnh vực giáo dục, không chỉ hướng đến đa dạng đối tượng mà còn phong phú về phương pháp. Một trong những lời dạy sâu sắc dành cho trẻ em được biết đến là bài kinh “Giáo giới La Hầu La”. Đối tượng chủ chốt được hướng đến trong sự nghiệp giáo dục đó chính là trẻ em. Bởi vì trẻ em được ví như “măng non”, như tờ giấy trắng tinh khôi, dễ dạy, dễ uốn. Những búp măng non đó cần được chăm sóc một cách cẩn thận, tỉ mỉ bởi lẽ các em chính là tương lai của đất nước, là nòng cốt của đạo pháp về sau.
Hiểu được tầm quan trọng đó, Thiền viện Pháp Sơn – ấp 2, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai – đã tổ chức khóa tu mùa hè Theo dấu chân Phật (từ 8/6 – 11/6/2023) dành cho lứa tuổi thiếu niên với mong muốn vừa tạo sân chơi sôi động, vừa gieo mầm những hạt giống hiểu biết, yêu thương cho các em. Khóa tu quy Tụ gần 400 em đến từ khắp nơi gần xa trên đất nước. Sự thiện lành, hồn nhiên của tuổi thơ khiến chốn thiền môn thêm sắc màu và thi vị.
“Mỗi khi mùa hè đến
Em lên chùa tập tu
Ngồi nghe kể chuyện Phật
Êm như tiếng mẹ ru.”
Khóa tu với thời khóa không những hấp dẫn, lôi cuốn mà còn rất chặt chẽ, nhằm giúp các trại sinh tạm thời quên những thiết bị công nghệ hiện đại, để trọn vẹn trong giây phút trở về với thiên nhiên, với sự thuần khiết của tuổi thơ. Thời khóa được đan xen bởi các hoạt động tu – học – ăn – chơi – thi đua, bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Một nếp sống quy củ có khoa học dần được hình thành trong thói quen của các em. Bên cạnh đó, các trại sinh được học cách tự lập khi sống xa cha mẹ, để trưởng thành hơn khi sống chung cùng một tập thể. Đó cũng là nhờ những hoạt động vui chơi gắn kết tình đội nhóm như lửa trại, văn nghệ, trò chơi,… hay những lớp học kĩ năng sống học về cách cảm ơn, xin lỗi hay biết chia sẻ. Hơn hết, những câu chuyện về tuổi thơ Đức Phật hay những câu chuyện Phật giáo như cơn mưa đầu mùa hạ tưới tẩm vườn tâm của các em. Sự mát mẻ, thanh bình đến từ cơn mưa Pháp đã làm vơi đi sự nhớ nhà, yếu ớt từ những đứa con lần đầu xa nhà và khơi dậy những “Bồ đề tâm” trong sáng sẵn có trong mỗi bạn nhỏ.
Và có lẽ điều đặc biệt nhất của khóa tu, đó chính là giúp các em làm quen với thiền một cách nhẹ nhàng, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Tâm huyết của Ni sư Thích Nữ Hằng Liên – Trụ trì Thiền viện Pháp Sơn cũng như Ban Tổ chức là gửi gắm nơi các em hạt giống thiện pháp, hạnh phúc đến từ sự hiểu biết và yêu thương – được ươm mầm từ thiền. Qua các thời thiền ngắn 10 – 20 phút hay đi kinh hành giữa rừng núi bao la, các em có cơ hội để kết nối sâu với nội tâm bên trong chính mình, giải tòa những cảm xúc tiêu cực và mở rộng tâm yêu thương, biết ơn đến tất cả.
“Hạnh phúc tìm ở đâu xa
Ngay ở dưới chân ta
Phật dạy con như thế
Khi dạo giữa vườn hoa.”
Đêm Hoa đăng – Tri ân Cha Mẹ, đã khai thông dòng cảm xúc của những bạn trẻ, vốn dĩ bấy lâu nay vẫn còn những ương bướng, ngang ngạnh nay đã hiểu được sự yêu thương vô bờ bến của cha mẹ dành cho mình. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má trẻ thơ. Mong sao khi trở về với cuộc sống đời thường, các em sẽ là những đứa con ngoan, hiếu thảo của cha mẹ.
Khóa tu bốn ngày khóa tu trôi nhanh dưới sự tham gia nhiệt tình, hăng say của các bạn trại sinh. Những nụ cười, những giọt nước mắt, những cái ôm thắm thiết đã thay thế cho sự ngại ngùng, e dè ban đầu. Sự thay đổi dù nhỏ thôi cũng đang biến chuyển trong những “búp măng non”. Điều đó thể hiện từ những chiếc mền, gối được gấp gọn gàng, từ những bữa cơm biết sớt chia cho nhau hay từ sự vang vọng mỗi khi tụng kinh và cũng từ sự kiên nhẫn hơn khi ngồi thiền.
Mùa hè đến rồi sẽ đi, hoa phượng đỏ rực rồi sẽ thay sắc, nhưng vô thường lại là sự thật tiến hóa như lời dạy của Thiền sư Mãn Giác: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Những hạt giống được gieo vào tâm hồn các em ở khóa tu này, nếu được tưới tẩm chăm sóc đúng cách sẽ trổ quả tốt đẹp trong mai sau. Thảng hoặc, cũng sẽ nằm đâu đó trong lòng các em, sau này chỉ chờ một cơn mưa sẽ làm sống dậy những hạt mầm Phật pháp – yêu thương và tuệ giác.
Pháp Sơn (ĐSHĐ-118)