Ngồi trong phòng nhìn mưa rơi trên khoảnh vườn phía sau ký túc xá, một cảm giác hạnh phúc nhẹ nhàng lan tỏa như những giọt mưa trời thanh lương đang nhảy múa reo vui trên từng ngọn cây kẽ lá.
Vài con quạ bị mắc mưa, lông ướt sũng kêu quang quác gọi bầy. Đâu đó ở xa xa có những tiếng quang quác khác đáp trả lại. Trong lòng chợt bình an đến lạ. Tôi đã yêu mảnh đất này ngay từ lúc đặt chân đến. Mà không, tôi đã đem lòng yêu mảnh đất này từ rất lâu rồi. Từ khi tôi biết nó qua những giai thoại về cuộc đời Đức Phật và đặc biệt nó được tái hiện vừa gần gũi vừa huyền bí qua những tác phẩm của Nguyên Phong… Có lẽ khi ta yêu một vùng đất nào đó thì ta cũng yêu tất cả mọi thứ thuộc về nơi đó. Và tôi… tôi yêu tất cả những thứ thuộc về nơi này, cả tiếng quạ kêu quang quác chói tai mà tôi lại nghe như là “kà ka”, “khà kha”.
Vùng đất thiêng nơi bậc Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Sư đã chọn để xuất hiện, tuyên bố pháp mầu vô thượng thì đâu phải là một vùng đất tầm thường? Đó chắc chắn phải là một nơi “địa linh nhơn kiệt.”
Tôi yêu con người xứ Ấn. Họ có một sức mạnh nội tại rất lớn và một tâm hồn đơn giản, thánh thiện. Tôi học ở họ sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn với cái nóng gắt của ngày hè và cái lạnh thấu xương của mùa đông. Ra đường mình mặc áo che kín mít chỉ ló 2 con mắt. Nhưng họ, cả đàn ông và phụ nữ đều không mũ nón che đầu. Nắng mặc kệ mà mưa vẫn cứ bình thản đi, không vội vã tìm chỗ nấp hay lấy áo mưa ra mặc. Sao mà tự tại quá đỗi. Nhìn họ, tôi thấy họ đang sở hữu một kho tàng bình yên. Bình yên của sự biết đủ, bình yên của sự đơn giản: đơn giản trong cách nghĩ, cách ăn và cách sống. Họ thiếu thốn nhưng họ không thấy khổ, và cũng không cần phải suy nghĩ đấu tranh giành giật. Có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng ai cũng sống vô lo như họ thì xã hội sao có thể phát triển đi lên được? Nhưng riêng tôi lại lo rằng chính những suy nghĩ ấy khiến chúng ta sẵn sàng đánh đổi những khoảnh khắc bình yên ngay chính tâm hồn để được những thứ mà chúng ta cho rằng phải cố có được nó chúng ta mới hạnh phúc và bình yên. Oái ăm thay càng rượt đuổi chúng ta càng cảm thấy thiếu. Càng có chúng ta càng thấy lo. Cứ như thế một chuỗi duyên sinh trùng điệp khởi lên rối ren trong tâm hồn vốn dĩ đáng được bình yên này. Đừng lầm tưởng họ không giàu, bởi lẽ họ là những truyền nhân của một Cấp Cô Độc, một Vi-sa-kha cơ mà! Những thành phố lớn lộng lẫy mọc lên khắp xứ Ấn. Nhưng dù xa hoa lộng lẫy thì nhịp sống của họ vẫn bình thản như thế. Muốn ăn một cái bánh pizza, phải ngồi lâu lắm nhân viên phục vụ mới tới hỏi dùng gì, và phải đợi lâu lắm pizza mới được đặt trước mặt mình. Ngay cả muốn ăn một trái bắp luộc vỉa hè, hay uống một ly nước mía cổng chợ cũng phải thật kiên nhẫn mới được. Vì họ bán giống như để cho vui, bán vì đam mê chớ không cần người mua. Bởi vậy khi cầm trái bắp nóng hổi trên tay hay ly nước mía mát lạnh mình cảm thấy nó rất ngon. Nó có giá trị không phải 10 Rs, 20 Rs mà còn trả bằng sự kiên nhẫn của mình nên nó ngon mà vị ngon lạ lắm.
Cuộc sống và con người xứ Ấn rất giản dị mà cũng đầy thú vị. Làm sao chúng ta có thể cảm nhận hết qua những chuyến hành hương ngắn ngủi, phải vội vã để kịp đi từ thánh tích này đến thánh tích kia? Hãy đến và sống, tâm hồn ta sẽ nhẹ tênh như mây trời, và… thực ra… do lòng mình phức tạp chứ cuộc sống vốn dĩ rất giản đơn mà, đúng không?
India, 10/07/2022
Như Tuyết
Diễn đọc: SC Đức Tạng